Pages

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Doanh Nghiệp Việt chưa tận dụng triệt để Internet để cất cánh.

Sau 15 năm xuất hiện, Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam. Cùng với đó, thương mại trực tuyến đã bắt đầu bùng nổ nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng Internet marketing để trở thành đòn bẩy phát triển.


Cơ hội, tiềm năng lớn bị bỏ lỡ

Tại cuộc hội thảo về Internet Marketing diễn ra sáng nay (28/11) do Hiệp hội Internet Việt Nam và Công ty cổ phần mạng tầm nhìn mới (sở hữu cổng tìm kiếm thuần Việt www.wada.vn) tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, đa số doanh nghiệp Việt còn e dè khi áp dụng Internet marketing cho tổ chức của mình.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có một hạ tầng công nghệ mạnh, số người sử dụng Internet chiếm 1/3 dân số. Bên cạnh đó, 9 người sử dụng Internet thì có một người sử dụng mạng xã hội, 5 người dùng di động thì có 1 smartphone, thương mại trực tuyến đang phát triển… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tận dụng Internet.



Trên thực tế, hành vi của khách hàng đang dần thay đổi. Trước đây, người ta thường quan tâm-thích thú dẫn đến nhu cầu, nhớ và mua thì bây giờ hành vi sẽ là quan tâm-thích thú-tìm kiếm-mua và chia sẻ (trên mạng xã hội, chat…). Do đó, nếu tận dụng tốt thì việc maketing trên Internet sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống.

Ông Lukasz Roszczyc, Giám đốc điều hành công ty Leo Burnett cho biết, thay vì thuê các mặt bằng đắt đỏ, doanh nghiệp có thể mở gian hàng trực tuyến cũng như tận dụng Internet để quảng bá. Thế nhưng, hiện kinh phí cho quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm 0,5% tổng số tiền chi cho quảng cáo.

Về nguyên nhân, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp thường quen với các giao dịch truyền thống, chưa quen với thương mại điện tử.

“Một câu hỏi lớn doanh nghiệp đặt ra là liệu tiếp cận Internet marketing có thành công hay không?,” ông Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nam, nếu sử dụng tốt Internet doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều khâu quảng cáo, bán hàng… Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam thuộc khu vực nhỏ và vừa.

Thay đổi để cất cánh

Thực tế cho thấy, cách đây 15 năm, Internet ra đời đã gắn liền với một nguyên tắc được coi là kim chỉ nam "quản đến đâu, mở đến đó" và thực tế các nhà quản lý đã khá "hụt hơi" trong cuộc rượt đuổi với công nghệ.

Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp là cần phải tự thay đổi mình, chủ động hơn trong cách tiếp cận với Internet để không chạy theo mà làm chủ nó trong quảng bá thương hiệu, bán sản phẩm. Và, điều quan trọng nhất chính là không nên e dè khi tiếp xúc với thương mại điện tử.

Thế nhưng, theo ông Tuấn Hà, Giám đốc điều hành công ty Vinalink, gần như toàn bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa biết Internet marketing do chưa được đào tạo bài bản. Và đương nhiên, khi còn “mù mờ” thì người ta sẽ có trăm ngàn lý do để từ chối bước chân vào lĩnh vực được xem là tràn đầy tiềm năng này.

Thậm chí, dư luận gần đây còn rúng động với những vụ scandal thương mại điện tử đình đám của muaban24, nhommua... khiến những người mới thập thò gia nhập không khỏi “lăn tăn” khi tìm cách tiếp cận.

Ông Tuấn Hà đưa ra 3 mô hình của Internet marketing. Thứ nhất, doanh nghiệp cần làm baner quảng cáo, hội thảo… để hút người dùng (quảng cáo lên ngôi). Thứ hai, khi người dùng có nhu cầu, họ sẽ tìm kiếm và mua hàng (tìm kiếm lên ngôi) và thứ ba là doanh nghiệp phải tạo cho các sản phẩm, dịch vụ phải có được cộng đồng online để gây dựng quan hệ, niềm tin… cho người tiêu dùng (mạng xã hội lên ngôi).

Ông Hà cho rằng cần kết hợp 3 mô hình này cùng lúc để mang lại Internet marketing hiệu quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải đo lường để biết được khách hàng vào từ đâu, thăm khu vực nào nhiều nhất… để tránh lãng phí khi làm Internet marketing.

Khi được hỏi về chi phí giữa marketing truyền thống và online, ông Hà cho hay ở mô hình thứ nhất, chi phí giữa hai loại hình là như nhau. Tuy nhiên, ở mô hình thứ 2 và 3, doanh nghiệp áp dụng Internet marketing có thể giảm đến 90% chi phí.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra một số ví dụ điển hình trong việc áp dụng Internet Marketing thành công như Trần Anh, Thế giới di động, lazada.vn, giaytot.vn...

Về thực trạng thói quen của người Việt Nam khi mua hàng là muốn “sờ tận tay” các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc Internet marketing, doanh nghiệp nên liên kết với các cửa hàng. Trong trường hợp chỉ bán hàng online, doanh nghiệp cần phải tạo niềm tin bằng các giấy tờ như chứng minh là đại lý chính hãng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là bản thân các doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của thương mại trực tuyến, từ đó tham gia các khóa đào tạo một cách chuyên nghiệp. Có như vậy, Internet marketing ở Việt Nam mới thực sự trở thành đòn bẩy, giúp các doanh nghiệp cất cánh trong bối cảnh Internet đã trở thành công cụ không thể thiếu với mọi người, mọi nhà./Trung Hiền (VN+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét