Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Không có căn cứ biện minh cho “đường chữ U”


BienDong.Net: Một nhóm các học giả của Trung Quốc đại lục và Đài Loan sẽ tiến hành nghiên cứu các đường ranh giới và nhiều vấn khác liên quan tới biển Đông, trong đó “Nhiệm vụ quan trọng nhất là bắt tay vào nghiên cứu trên lý thuyết về đường chữ U (đường lưỡi bò)".

Trong buổi họp báo hôm 23.10 công bố "Báo cáo về biển Hoa Nam-2011," Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc gia biển Hoa Nam (NISCSS) Ngô Sĩ Tồn được Tân Hoa xã dẫn lời nói: "Chúng tôi có kế hoạch công bố với cộng đồng quốc tế bản chú thích hợp pháp về đường chữ U trong vòng một năm, cùng với thông báo và tuyên bố bằng văn bản của chúng tôi để trả lời cho những thắc mắc của quốc tế xung quanh vấn đề này".

Đường chữ U- còn được gọi là đường 9 đoạn, là đường phân định ranh giới mà Trung Quốc sử dụng để ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, xâm phạm vùng biển của nhiều quốc gia trong khu vực, bao trùm cả những vùng biển không thể tranh cãi thuộc về Việt Nam.
alt
Đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc bao chiếm 80% diện tích Biển Đông

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Biển Đông, bản đồ chính thức đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò” do Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản tháng 2/1948 có tên Nam Hải chư đảo vị trí đồ mà các học giả Trung Quốc cho biết là dựa theo một số bản đồ không rõ ràng của một vài cá nhân. Trên bản đồ này có xuất hiện một “đường hình chữ U” 11 đoạn, có học giả gọi nó là “đường lưỡi bò” bởi nó giống một cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông.
Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch  thất bại phải chạy ra đảo Đài Loan, và cũng từ đó, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời cũng cho ấn hành một bản đồ có “đường lưỡi bò” 11 đoạn, rồi sau đó chỉ còn 9 đoạn. Trong suốt một thời gian dài, cả Chính phủ Cộng hòa Trung Hoa lẫn Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò”.
Cũng theo Thạc sĩ Hoàng Việt, trong các tuyên bố và các văn bản luật quan trọng của chính quyền Trung Quốc bao gồm Tuyên bố về Lãnh hải tháng 8 năm 1958, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải năm 1996, Luật của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998 đều không thấy nhắc tới yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như không có bản đồ nào có hình “đường lưỡi bò” được đính kèm.

Năm 2009, theo quy định, các quốc gia ven biển phải đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng của mình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (viết tắt là CLCS). Ngày 06/05 Việt Nam và Malaysia có trình lên CLCS một Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước, cùng khi đó, Việt Nam cũng gửi một Báo cáo riêng của mình lên CLCS.
Ngày 07/05/2009, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã gửi Công hàm phản đối đối với Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia cũng như Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của riêng Việt Nam, trong Công hàm phản đối này có kèm theo một bản đồ có hình “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, cũng như trước đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối giải thích về tính chất pháp lý đối với yêu sách biển được thể hiện trong bản đồ có “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009  này. Họ chưa bao giờ chính thức nói ý nghĩa của ranh giới đó là gì: nó là ranh giới cho chủ quyền đối với các đảo hay cho cả chủ quyền đối với các vùng nước. Nếu cho cả chủ quyền đối với các vùng nước thì với tư cách gì: nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, hay biển lịch sử…

 Dư luận chỉ ra rằng việc dùng đường lưỡi bò để xác định biên giới quốc gia rồi dựa vào đó mà tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc đã làm là điều chưa từng có trong lịch sử thế giới. Công pháp quốc tế cũng chưa hề có tiền lệ nào như vậy. Yêu sách của Trung Quốc về khu vực “ đường lưỡi bò là tủy tiện, vô lý và vi phạm Công ước LHQ về Luật biển năm 1982.

 Ngay sau khi Trung Quốc trình tấm bản đồ đường 9 đoạn trên Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc, ngày 7 tháng 5 năm 2009, Việt Nam, Malaysia và tiếp đó là Indonesia đã phản đối, bác bỏ.
Ngày 5 tháng 4 năm 2011, Philippines gửi thư ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc là "không có căn cứ theo luật quốc tế. Bản thân Trung Quốc cũng không thống nhất với chính họ về việc này.
Tại cuộc hội thảo mang tên Tranh chấp biển Đông: chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com/blog chủ trì, tổ chức ngày 14 tháng 6 năm 2012 tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc, học giả Trung QuốcLý Lệnh Hoa, người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế, thừa nhận rằng: Đường chín đoạn do tiền nhân của chúng ta vạch ra không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý. Ông cũng cho rằng trong dòng thác kinh tế toàn cầu nhất thể hóa hiện nay, việc kiên trì “Đường biên giới 9 đoạn” là lỗi thời và không cần thiết”.
 Ngày 29.7, phát biểu tại cuộc điều trần trước Nhóm nghị sĩ phụ trách vấn đề Trung Quốc (China Caucus) của Hạ viện Mỹ, chuyên gia Dan Blumenthal cho rằng, đòi hỏi chủ quyền "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở biển Đông dựa trên một sự giải thích mập mờ về lịch sử và diễn giải sai lệch luật quốc tế.
 Trước đó, trong một bài viết được mạng YaleGlobal thuộc Trường Đại học Yale (Mỹ) công bố ngày 7.7, Giáo sư Carl Thayer chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông vạch rõ Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” trên biển Đông, bất chấp đòi hỏi của các nước ven biển khác, và với việc đệ trình chính thức tấm bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn hình chữ U, cố tình giữ mập mờ về các tọa độ địa lý chính xác của các đường này... Trung Quốc đã lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế do các nước ven biển trong khu vực thiết lập.
Biển Đông là vùng biển chung của các quốc gia trong khu vực, nó không thuộc phải của riêng một nước, kể cả Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, hay Philippin, Brunei. Vì thế, các yêu sách biển vô lý và đi ngược lại các quy định của luật biển quốc tế như yêu sách “đường lưỡi bò” hiển nhiên không được thế giới chấp nhận.

Việc các học giả Trung Quốc và Đài Loan giờ đây” bắt tay vào nghiên cứu trên lý thuyết về đường chữ U” sẽ không thay đổi được thực tế này.

Không thể tìm căn cứ biện minh cho cái đường lưỡi bò được vẽ ra một cách hoàn toàn vô căn cứ.

Việc khăng khăng đeo bám yêu sách phi lí này chỉ càng khiến cho Trung Quốc bị cô lập trước công luận, và đường lưỡi bò- như nhận định của ông Mahbubani - Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc đại học Quốc gia Singapore Kishore- sẽ chỉ là cái gông chính trị đối với Trung Quốc.

Chương Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét