Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Tham vọng cường quốc (hết)

Huệ Dân, một vùng ở cạnh Hoàng Hà trong tỉnh Sơn Đông ở miền Đông, không phải là một điểm du lịch của thế giới và cũng không phải là nơi mà các quan to của đất nước hội họp. Trong tháng 12 vừa rồi thì khác, khi người ta cho rằng cần phải ăn mừng sinh nhật của một nhà thông thái người Trung Quốc: triết gia và là nhà chiến lược quân sự Tôn Tử được cho rằng đã mở mắt chào đời ở đó trước đây 2550 năm.
Lính Hải quân Trung Quốc trong buổi lễ khánh thành chiếc hàng không mẫu hạm “Liêu Ninh”. Ảnh: Der Spiegel
Nam nữ trẻ tuổi, tất cả đều mặc quân phục thời xưa với áo choàng nâu, nón và những tấm vảy vàng, bước diễu hành theo kiểu thẳng chân. Một bức tượng được tháo tấm màn che, pháo hoa được đốt. Vào ngày hôm sau, chính trị gia hàng đầu của ĐCS, giới quân sự cao cấp và khoa học gia gặp nhau trong Học viện Tôn Tử ở địa phương gần công viên kỷ niệm Tôn Tử, để phân tích tác phẩm của học giả này. Với buổi lễ chào mừng đó và với các hội nghị chuyên đề này, một anh hùng quốc gia cần phải được tôn sùng, người mà giới lãnh đạo Đảng tin rằng các học thuyết của ông ấy phù hợp với chính sách của họ. Một người đàn ông cho một chiến dịch tuyên truyền: Tôn Tử, người chiến binh muốn hòa bình.

Người ta cho rằng ông ấy đã sống trong thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên trong vương quốc của vua Ngô Hạp Lư nước Ngô và đã phục vụ cho ông ấy như là một vị tướng tài ba. Trong giới sử gia vẫn còn tranh cãi, rằng liệu tác phẩm “Binh Pháp Tôn Tử” có thật sự xuất phát chỉ từ ông ấy hay không, hay những người theo ông ấy đã bổ sung thêm vào sau này. Người Trung Quốc theo Chủ nghĩa Truyền thống xem sự nghi ngờ này như là một sự hỗn xược, Tôn Tử đối với họ là thiêng liêng, và học thuyết của ông ấy nghe thật sự là phù hợp với chương trình hài hòa hóa thế giới được ĐCS ưa chuộng. Từ một vài năm nay, trên thực tế là mỗi một vị khách nhà nước của Trung Quốc đều được tặng cho một bản bìa cứng bọc lụa của quyển sách đó. Angela Merkel đã có hai quyển rồi.
Năm 2009, thành viên Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm đã nhấn mạnh rằng di sản của Tôn Tử cần phải được sử dụng để tuyên truyền cho “hòa bình dài lâu và thịnh vượng chung”. Và ngay chính bây giờ, trước Đại hội Đảng lần thứ 18, nhiều bài diễn văn của các chính khách chứa đựng một sự tôn sùng vị chiến lược gia này. Trong đó, Tôn Tử thường được trình bày như là một “Peacenik” (theo tờ “Economist”), như là một thiên sứ hòa bình. Hay còn cả là một người biện hộ cho nhân quyền nữa: “Hãy đối đãi tử tế với tù binh và lo liệu tốt cho họ” là một trong số những lời trích dẫn thường được dùng đến. Và đối với những người biện giải cho Trung Quốc như [cựu thủ tướng Đức] Helmut Schmidt, người bảo vệ cả lần đập tan tào bạo cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn năm 1989, thì Tôn Tử tượng trưng cho tất cả những gì nhìn xa trông rộng ở đất nước này.
Nhưng chiến lược quyền lực mềm không có tác dụng khi lý thuyết va chạm với thực tế. Các quốc gia láng giềng đã làm quen với mặt tàn bạo của Trung Quốc trong những tháng vừa qua. ĐCS hẳn cũng không ngạc nhiên, khi cả vai trò của những nhà cố vấn Trung Quốc từ Angola cho tới Azerbaijan cũng bị xem xét một cách kỹ lưỡng. Cũng như sự nghi ngờ ngày càng tăng lên của các chính khách phương Tây, những người – tại Hội nghị Khí hậu ở Copenhagen, trong các xung đột thương mại hay sau những chuyến viếng thăm của Đạt lại Lạt ma – phải lo ngại trước những “biện pháp trừng phạt” của Bắc Kinh.
Giới quân sự và chính trị ở phương Tây biết rằng triết gia đó cũng không phải là chỉ có một mặt mềm. Ở nơi được cho là nơi sinh của ông ấy, ĐCS đã tưởng niệm ông ấy với một công viên vui chơi giải trí “Thành phố của Tôn Tử binh pháp”. Cũng như ở khắp nơi trong Trung Quốc, không thể không nhìn thấy các dấu hiệu của sự Tây phương hóa ở Huệ Dân: nhà hàng McDonald’s và những bản nhạc của Lady Gaga trên sàn nhảy và “Avatar” trong các rạp chiếu phim. Hollywood đánh bại văn hóa Trung Quốc.
Chỉ còn lại một siêu sao của lịch sử Trung Quốc để chống lại việc này.
Khúc Phụ nằm chưa tới 300 kilômét về phía Nam của Huệ Dân. Nhưng khác với nơi sinh của Tôn Tử, Khúc Phụ là một điểm thu hút khách du lịch, thuộc di sản văn hóa của UNESCO vì những đền thờ và đài tưởng niệm của nó. Tất cả mọi thứ ở đây đều phục vụ một người: học giả Khổng Tử, ở phương Tây được gọi là Confucius.
Trong lịch sử của đất nước ông ấy, người cùng thời với Tôn Tử – người ta cho rằng Khổng Tử đã sống từ năm 551 đến 479 trước Công Nguyên – đã được tôn sùng như thần thánh và đã bị phỉ nhổ như quỷ sứ. Đối với nhà cách mạng Mao Trạch Đông, đó chính là một kẻ phản cách mạng. Thế nhưng từ lúc ông ấy được phục hồi trong những năm 80, Khổng Tử lại được xem như là một tác giả kinh điển và là một trong những nhân vật vĩ đại của Trung Quốc.
Người con từ giới quý tộc cấp thấp đã sống trong một thời kỳ tối tăm, mang dấu ấn của sự hỗn loạn vì chiến tranh. Cuộc chiến chống sự lộn xộn trở thành niềm mong muốn của ông ấy. Ông ấy nhận ra, rằng chỉ có ổn định xã hội thì mới có cơ hội thống nhất dân tộc một cách hòa bình.
Vào lúc đầu, học thuyết của ông ấy không khiến cho ông ấy trở nên nổi tiếng. Nhà học giả đi từ nơi này sang nơi khác, xin được làm cố vấn cho triều đình, thường không thành công. Có lần ông ấy trở thành người đứng đầu về tư pháp ở nước Lỗ, nhưng rồi lại mất chức vụ đó. Tiếp theo sau đó, ông ấy đi lang thang khắp nước. Ít ra thì ông ấy cũng có học trò. Những người này tiếp tục truyền bá tư tưởng của ông ấy và diễn đạt lại từ trí nhớ. Người ta cho rằng học trò của ông ấy đã đứng canh mộ của ông ấy ba năm liền.
Đứng khắp nơi trong cỏ cao là những kẻ bảo vệ bằng đá: sư tử nhe nanh, chim săn mồi dữ tợn, báo thanh lịch đang chuẩn bị nhảy chồm lên những kẻ quấy rầy sự yên tịnh; một bức tường dài bảy kilômét bao quanh khu vực đó: học giả Khổng nằm trong một ngôi mộ đơn giản trên ngọn đồi trong khu rừng bách này, được sửa sang lại, sau khi Hồng Vệ Binh của cuộc Cách mạng Văn hóa đã lật đổ bia mộ và làm nhơ nhuốc nơi yên nghỉ cuối cùng của Khổng Tử.
Hàng năm có bốn triệu người đổ đến đây, đa phần là người hành hương Trung Quốc trong những chuyến đi du lịch được ĐCS tài trợ một phần. Họ cũng chen chúc đến ngôi nhà của dòng họ Khổng với 463 gian phòng của nó, đến miếu thờ. Và đến Viện Khổng Tử, nơi Đảng bảo trợ cho những hội nghị về nhà tư tưởng vĩ đại này.
Học giả Khổng phục vụ cho Đảng. Những lời khuyên răn của ông ấy, tuân theo mệnh lệnh những người cai trị và thờ phụng cha mẹ, hết sức thích hợp để làm sống dậy những cảm giác yêu nước. Những lời nói của ông ấy về các truyền thống “tốt đẹp”, những cái cần phải được giữ gìn trong khi không hoàn toàn khép kín trước cái mới, cũng có thể tìm thấy sự đồng tình ở nước ngoài Tây phương. Tuy vậy, điểm đặc biệt là những lời nói thông thái của Khổng Tử được sử dụng một cách có chọn lọc như thế nào: nhận thức của ông ấy, rằng người ta không buộc phải phục vụ cho một nhà cai trị không công bằng, không bao giờ xuất hiện – hẳn là một nhận thức quá nguy hiểm tại những vụ tham nhũng của ĐCS.
Trung Quốc đánh bóng cho hình ảnh của mình ở khắp nơi: ở buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Bắc Kinh năm 2008, có những người biểu diễn ăn mặc như học trò của Khổng Tử. Với Khổng Tử, giới lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân tranh thủ sinh viên ở khắp nơi trên thế giới bằng học bổng – với lối ngoại giao học đường này, họ còn qua mặt cả Hoa Kỳ trong các quốc gia như Indonesia nữa.
ĐCS cũng đã chi bảy tỉ dollar cho một chiến dịch truyền thông trong thế giới thứ ba. Đài truyền hình nhà nước CCTV mới đây truyền bá đi từ Nairobi một chương trình đối trọng với CNN và BBC với những tường thuật phần nhiều là tốt đẹp. Tổng cộng, CCTV đã đến được với nhiều trăm triệu khán giả trong hơn 140 quốc gia.
Nhưng được nhắc tới nhiều trước hết là các Viện Khổng Tử như là đại sứ của nước Cộng hòa Nhân dân. Những viện đấy có nhiệm vụ tổ chức các khóa học ngôn ngữ, seminar để truyền bá văn hóa, thư pháp và ẩm thực Trung Quốc. Thường họ liên kết với các trường đại học của nước chủ nhà. Ngày nay có 358 viện hoạt động trong 105 nước, chỉ riêng trong nước Đức là 13 viện.
Việc làm của họ được nhìn rất khác nhau. Những người phê phán Trung Quốc nhìn họ như là công cụ tuyên truyền, như những con ngựa thành Troia trong nhiệm vụ của ĐCS. Những người bạn của Trung Quốc chỉ ra rằng trong phần lớn các trường hợp, nước chủ nhà cũng tham gia tài trợ và qua đó cũng tham gia kiểm soát. Và nước Đức với các Viện Goethe của nó cũng tiến hành việc tranh thủ thiện cảm.
Nhà Hán học Michael Lackner ở thành phố Erlangen, nằm trong ban giám đốc của Viện Khổng Tử ở đó, cũng như phần lớn đồng nghiệp của ông ấy tại các trường đại học Đức, không có ấn tượng rằng ĐCS gây ảnh hưởng trực tiếp. “Nhưng tất nhiên là các Viện Khổng Tử không phải là để phê phán nước Cộng hòa Nhân dân.”
Jörg Rudolph đánh giá điều đấy hoàn toàn khác, một trong những người lãnh đạo Viện Đông Á tại Đại học Ludwigshafen. Ông ấy chỉ ra rằng những viện này thuộc lĩnh vực của thành viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân chịu trách nhiệm về “tư tưởng”, sếp kiểm duyệt của giới truyền thông Trung Quốc. Và Rudolph trích dẫn quyển “Hướng dẫn cho giám đốc viện Khổng Tử” xuất bản ở Bắc Kinh mà trong đó tất cả các giáo sư được gợi ý hãy phát triển “tình yêu nóng bỏng” với viện và với “ý thức trách nhiệm cao độ” hãy lập hồ sơ về nhân viên cũng như học sinh.
Khi nhà đấu tranh cho nhân quyền người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2010, các viện Khổng Từ hầu hết đều phớt lờ đi – cũng như lần bắt giam nghệ nhân bất đồng chính kiến Ải Vị Vị và bài diễn văn chống ĐCS của Liêu Diệc Vũ, người hồi giữa tháng 10 đã nhận Giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức. “Học giả Khổng của chúng ta cũng không phát biểu quan điểm của mình chăng? Ông ấy cũng không hãnh diện ư?”, một blogger hỏi trong Internet Trung Quốc, ở nơi mà giới công khai đối nghịch thường gặp gỡ – trong nước Cộng hòa Nhân dân có nhiều người trực tuyến hơn là trong nước Mỹ.
Nhưng trong khi học giả họ Khổng được công khai ca ngợi và cần phải chiếm lấy những trái tim của người nước ngoài – thì ông ấy không lên được đến đỉnh của ngọn núi Olympus Trung Quốc. Thế nào đi chăng nữa thì không ngang tầm với Mao: bức tượng khổng lồ bằng đồng của nhà học giả này, một thời gian ngắn trong năm vừa qua còn đứng xéo ở cổng vào Cấm Thành với bức chân dung khổng lồ của ông Chủ tịch Vĩ đại, đã được mang vào sân trong của Bảo tàng Quốc gia Bắc kinh mà không có lời giải thích công khai.
Cũng khó hiểu như lần dời chỗ này là một cuộc triển lãm ở trong đó: sau những vật trưng bày hỗn tạp và những lời tuyên truyền sáo rỗng này – những cái kể về nền văn hóa 5000 năm đầy vinh quang đó, cái được cho là nhất định phải dẫn đến cuộc cách mạng cộng sản – vẫn hoàn toàn không rõ là Trung Quốc tự nhìn mình như thế nào, đấu tranh cho điều gì. Ngoài cho một chủ nghĩa vật chất trần trụi: với giá tiền rất cao, các gian phòng trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia được giao cho Louis Vuitton và Bulgari để triển lãm nhãn hiệu.
Hải chiến giả trong một công viên vui chơi giải trí ở Thiên Tân. Ảnh: Der Spiegel
Và vì thế mà trong đêm trước của Đại hội Đảng lần thứ 18, Trung Quốc tự phô diễn mình như là một cường quốc ở giữa sự tự mãn quá độ và cảm giác thấp kém được sơn phủ lên. Là một đất nước trỗi dậy, nước mà với tính hiệu quả về kinh tế của mình có thể truyền đạt điều gì đó cho những nước của thế giới thứ ba, nhưng hầu như không đưa ra được một mô hình đối trọng hấp dẫn so với phương Tây dân chủ, đã phát triển cao. “Nếu như Trung Quốc không trả lời được cho câu hỏi về sự nhận dạng của nó, thì lần trỗi dậy của nó vẫn là mù lòa”, nhà chính trị học Zhang Shengjun của Đại học Sư phạm Bắc Kinh nói.
Mặc dù vậy, tính linh hoạt của giới lãnh đạo ĐCS của nó vẫn khiến cho người ta ngạc nhiên. Có thể tham quan điều đấy ví dụ như trong thành phố 13 triệu dân đang bùng nổ Thiên Tân ở một chuyến thăm chiếc hàng không mẫu hạm “Kiev”. Chiếc tàu chiến khổng lồ, được quân đội Xô viết đưa vào sử dụng năm 1975, được một doanh nhân Trung Quốc mua lại năm 1996 và ngày nay phục vụ như là một điểm tham quan cũng như để tổ chức tiệc tùng cho giới khá giả, những người có thể chi trả nhiều ngàn dollar cho lần nghỉ qua đêm trong một của những phòng sỹ quan đã được xây lại thành phòng thượng hạng.
Ngoại trừ những phòng đó, chiếc hàng không mẫu hạm này hầu như không thay đổi, kể cả máy may chiến đáu và vũ khí. Mỗi ngày hai lần, khách trả tiền có thể xem thử những gì có thể xảy ra thực sự trên một chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc – ví dụ như trên chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên có khả năng hoạt động của Hải quân Trung Quốc, chiếc đã được đưa vào sử dụng vào ngày 25 tháng 9 tại thành phố cảng Đại Liên.
Showtime tại Thiên Tân, tiết mục “Strike Force”: một nhóm diễn viên đóng cảnh chống cự lại một thế lực thù địch. Từ những chiếc tàu nhỏ, phe tấn công leo dây lên chiếc tàu chiến, bị đánh bật lại bằng tiếng súng đại bác và súng phun lửa. Cuộc chiến tranh trên biển chỉ biết đến người Trung Quốc thắng trận. Người ta nghĩ như thế. Cho tới khi người ta xem kỹ hơn các chiến binh đấy sau nửa giờ ồn ào: tất cả đều là dân mũi lõ, khắp nơi không một người Trung Quốc.
Vì nhà điều hành show này đã giao quyền hành động vào tay người lạ: Mirage Entertainment, một công ty có trụ sở gần Los Angeles, cung cấp nhóm diễn viên leo dây. Không hề có sợ hãi khi tiếp xúc với kẻ thù giai cấp, cũng sẽ đến từ Hoa Kỳ trong một xung đột chiến tranh thật sự.
Các diễn viên người Mỹ đã nhận được thị thực của họ, hoàn toàn khác với thói quen của nước Cộng hòa Nhân dân, trực tiếp tại cảng hàng không. Câu khẩu hiệu của các nghệ nhân giúp tiêu khiển, những người trước đây một phần cũng đã làm việc cho phim “Terminator 2″, là: “Chúng tôi hiện thực mọi việc. Kể cả ác mộng của anh.”
Erich Follath và Wieland Wagner
Phan Ba dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét