Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Tham vọng cường quốc (phần 1)

“Hầu như không có nơi nào khác mà chi tiêu cho quốc phòng lại tăng nhanh như ở Trung Quốc – với Khổng Tử và Tôn Tử, Bắc Kinh cũng khởi động một cuộc chiến ý thức hệ.”
Erich Follath và Wieland Wagner

Một việc như thế chưa từng có, tất cả mọi người đều nói như thế sau đó. Chưa từng có kể từ khi những người Cộng sản chiếm lấy quyền lực ở Trung Quốc trước đây 63 năm và nước Cộng hòa Nhân dân đặt nòng súng dưới sự giám sát của Đảng. Và nó lại xảy ra đúng vào lúc tất cả mọi người đang muốn thư giãn – tại một buổi “tiệc nghỉ” để tôn vinh các tướng lĩnh đứng đầu.
Một đơn vị chống khủng bố của Trung Quốc đang luyện tập. Ảnh: Der Spiegel
Giới lãnh đạo ĐCS ở Bắc Kinh đã mời đến dự buổi tiệc này trong tháng 2, để phô bày tình hài hòa giữa chính trị và quân đội. Khi một sỹ quan cao cấp của Không quân muốn nâng ly chúc mừng các đồng chí chính trị gia, tướng Zhang Qinsheng đã đẩy ông ấy sang một bên và hét to: “Đừng cúc cung tận tụy như thế nữa! Trong giới lãnh đạo đảng này có những con lợn âm mưu chống lại tôi!” Rồi ông ấy chửi mắng chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đang ngồi cạnh bàn là một trong những kẻ âm mưu chống lại ông ấy. Người này giận dữ rời gian sảnh, giới quân đội còn lại phải cố hết sức mới kiềm chế được Zhang, người được cho là cứ tiếp tục hét to những điều thô lỗ.

Cả nửa tá những người có mặt đã chứng nhận vụ việc đấy, biên bản của họ được tuồn cho tờ “New York Times” và SPIEGEL. Chỉ không rõ là viên tướng này say rượu tới mức nào – và chính xác là đã xảy ra những gì cho ông ấy kể từ lúc đó.
Thế nào đi nữa thì trong tháng 3, Zhang, 64 tuổi, đã bị đình chỉ công tác mà không có lý do công khai. Đó tạm thời là điểm kết thúc cho một sự nghiệp sáng chói: từ 1968 là thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân, ông ấy đã leo lên từ chức vụ lãnh đạo quân khu Quảng Châu cho tới phó Tổng Tư lệnh thứ nhất. Cho tới trước đây vài tháng, ông ấy còn được xem là có thể trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy vậy, người ta cũng đồn đại rằng khó có thể toan tính với Zhang về mặt chính trị được, không phải lúc nào ông ấy cũng chấp nhận sự đứng đầu của Đảng.
Và ông ấy không đơn độc. Ngay trước Đại hội Đảng lần thứ 18, sẽ bắt đầu vào thứ năm tuần tới ở Bắc Kinh, không chỉ một phần lớn lãnh đạo ĐCS sẽ bị thay thế – chỉ riêng trong số chín người đứng đầu trong ủy ban lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân, Ban Thường vụ của Bộ Chính trị, là đã có bảy chỗ sẽ có người mới. Vấn đề ở đây là những trận đấu đá vì đường lối. Và vì quyền lực.
Hồ Cẩm Đào, 69 tuổi, sẽ thôi chức bí thư Đảng và rồi theo kế hoạch trong tháng 3 cũng sẽ trao chức vụ nhà nước cao nhất lại cho người phó của ông ấy, Tập Cận Bình. Nhưng theo dự kiến, ông ấy sẽ không từ bỏ chức vụ đứng đầu Ủy ban Quân quản Trung ương và sẽ nắm lấy quyền kiểm soát quân đội ít nhất là cho tới 2014. Hai người tiền nhiệm của ông ấy cũng đã làm như thế. Và trong vòng tám năm vừa qua, Hồ đã nâng ít nhất là 45 sĩ quan lên bậc tướng và qua đó cố nắm chắc lấy sự trung thành của họ.
Đối với người đàn ông quyền lực mới của Trung Quốc, Tập, đó phải là một việc khó chịu. Không kiểm soát được quân đội thì phạm vi hoạt động chính trị của ông ấy cũng bị cắt xén. Trong khi đấy thì Tập, ngược với Hồ, có kinh nghiệm quân sự và có những tiếp xúc thân cận với quân đội. Ngay từ khi còn trẻ, Tập đã làm việc trong văn phòng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời đấy, Cảnh Biểu, một người bạn của cha ông ấy từ thời kháng chiến. Ngoài ra, ông ấy lập gia đình với Bành Lệ Viên, 49 tuổi, người trình diễn những bài ca của lính, được tôn sùng ở khắp nơi trong nước và có nhiều ảnh hưởng mà cấp bậc nhân sự của bà ấy tương đương với thiếu tướng.
Đệ nhất phu nhân trong tương lai của Trung Quốc: Bành Lệ Viên. Ảnh: Der Spiegel
Vì thế mà Tập đã tự tin chơi Thái Cực Quyền với người còn là xếp của mình. Trong những tháng vừa qua, ông ấy đã nhiều lần gặp giới quân đội cao cấp. Thuộc trong số các đồng minh thân cận nhất của ông ấy là những người từ các trường phái khác nhau: tướng Lưu Nguyên, người được cho là có đường lối cứng rắn và ủng hộ một chính sách hung hăng, nhưng cũng có cả tướng Lưu Á Châu, người có thể tưởng tượng một sự tự do hóa về mặt chính trị trong quê hương của ông ấy theo mô hình Singapore.
Cuộc tranh giành thiện cảm của các tướng lĩnh đã làm tăng sự tự tin của những người này. Đã từ lâu, đấy không còn chỉ là tăng một cách đáng kể ngân sách cho quân đội (cho 2012 hơn 11%). Có những người có lập trường cứng rắn nào đó nói về một sự tự chủ lớn hơn của quân đội, về sự phi chính trị hóa nó – một sự khiêu khích đối với ĐCS: họ lo ngại những bước đi đơn lẻ như thế và thông qua báo chí nhà nước đã lo lắng cảnh báo những “ý tưởng sai lầm” với “động cơ được che dấu”. Chúng được phương Tây gieo rắc và là “một công cụ chiến lược” để xói mòn hệ thống của các nước xã hội chủ nghĩa, cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh, tờ “Global Times”, viết.
Đối với những người kích động trong quân đội thì đấy không chỉ là để thêm quyền lực trong cuộc đọ sức chính trị ở trong nước. Họ nhìn thấy Trung Quốc bị bao vây – và vì thế mà kêu gọi có một tiếng nói mới, cứng rắn hơn đối với các láng giềng châu Á của họ và trước hết là đối với Hoa Kỳ. Theo lời của quan chức Đảng có nhiều ảnh hưởng Lý Quần, Washington đã “bao vây chiến lược” nước Cộng hòa Nhân dân. Làm bằng chứng cho ông ấy trước hết là việc Hải quân Hoa kỳ cho tới 2020 sẽ đưa tròn 60% tàu chiến của họ sang Thái Bình Dương – tức là nhiều hơn trong Đại Tây Dương và Vùng Vịnh.
Ngoài ra, Tòa Nhà Trắng đang nổ lực liên kết với các quốc gia láng giềng Trung Quốc qua các liên minh quân sự. “Mục đích chính của họ không phải là để bảo vệ những cái được gọi là nhân quyền”, nhà tư tưởng họ Lý nói. “Họ dùng cớ đấy để giới hạn sự tăng trưởng tốt đẹp của Trung Quốc và để phòng trước việc thịnh vượng và quyền lực của Trung Quốc sẽ đe dọa quyền bá chủ thế giới của họ.” Vì thế mà sắp tới đây, căn cứ Mỹ sẽ thành hình từ Afghanistan cho tới có thể là Việt Nam. Một vòng lửa đầy đe dọa, theo quan điểm của người Trung Quốc. Chi phí quân sự của người Mỹ vẫn cao hơn của quân đội Trung Quốc gấp năm lần.
Trong kịch bản này thì đấy không phải là Trung Quốc, nước với quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an trong cuộc nội chiến Syria và với thái độ ngần ngừ đối với Iran đã phá hỏng mọi bước tiến hướng đến hòa bình, mà là phương Tây. Trong trường hợp có khủng hoảng, phe diều hâu ở Washington với ưu thế quân sự của họ có thể chỉ ra điểm yếu của Trung Quốc, phong tỏa đường biển và qua đó cắt đứt không cho nước Cộng hòa Nhân dân tiếp cận đến các nguyên liệu quan trọng sống còn. Đài Loan, trong con mắt Bắc Kinh không gì khác hơn là một tỉnh của nước Cộng hòa Nhân dân, sẽ tăng cường vũ trang trong lúc đó và sẽ được “sử dụng như một quân cờ để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc”, theo tướng về hưu La Viện trong tạp chì Mỹ “Foreign Affairs”.
Việc khiến cho giới quân đội Trung Quốc đặc biệt tức giận là việc Hoa Kỳ can thiệp vào biển Đông – họ nhìn vùng đó như cái sân sau trên biển của họ, giống như người Mỹ với vùng Caribbean. Người ta phỏng đoán có những trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ trong vùng biển Viễn Đông này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như hết thảy các quần đảo. Hậu quả là những cuộc tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Philippines.
Nhưng gây sóng lớn hiện nay là xung đột trong biển Hoa Đông với kẻ thù không đội trời chung ở Tokio, đó là về quần đảo Senkaku không có dân cư. Từ năm 1895 chúng nằm trong tay người Nhật. Theo quan điểm của Trung Quốc, các đảo đó (tiếng Trung là Điếu Ngư) thuộc Vương quốc ở giữa, được minh chứng bởi những tấm bản đồ lịch sử từ thời nhà Minh. Giữa tháng 9, cuộc tranh cãi có nguy cơ leo thang: Bắc Kinh gửi tàu tuần tra vào vùng này, áp lực ngoại giao của người Mỹ vào đầu tháng 10 đã giúp làm cho tình hình bớt căng thẳng. Ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo hãy nên chừng mực. Gần như đồng thời, quân đội Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận chung trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Không có nhiều khả năng diễn ra chiến tranh lớn trong biển Hoa Đông, ngay khi giới lãnh đạo ĐCS mới đây lại để cho tàu của họ tiến gần đến những hoàn đảo đang bị tranh cãi đó “để tập dượt”. Phần lớn các chuyên gia về Trung Quốc ở Phương Tây đều cho rằng các tướng lĩnh của Bắc Kinh là những nhà chiến lược có lý trí, muốn có thêm quyền lực nhiều hơn là trận chiến.
Nhưng căng thẳng với các thế lực nước ngoài có thể dẫn đến chiến tranh kinh tế. Khi người Nhật bắt giam một ngư dân Trung Quốc trong vùng bị tranh cãi của quần đảo trước đây hai năm, Bắc Kinh đã cấm bán các đất hiếm hết sức quan trọng cho nền công nghiệp của Tokio. Trong tháng 9 năm 2012, thương mại song phương đã giảm 14% so với cùng tháng năm ngoái.
Và trong những năm vừa qua, các trận đấu khẩu với Nhật Bản đã dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối đầy bạo lực trong các thành phố như Bắc Kinh, Thanh Đảo hay Thành Đô – cơn sốt dân tộc chủ nghĩa, được Đảng thích đánh thức dậy, có thể rất khó mà ngăn chận lại. Khi những người biểu tình bị kích động của Trung Quốc xông vào cơ sở Nhật, đốt cháy Toyota với Honda thì tình hình có nguy cơ không còn có thể kiểm soát được nữa. Cuộc biểu tình chống doanh nghiệp nước ngoài có thể nhanh chóng quay lại chống nhà cầm quyền cộng sản trong các vùng có vấn đề với các khuynh hướng ly khai như Tây Tạng và Tân Cương.
Sếp đã được chỉ định của Đảng, Tập Cận Bình, được xem là một chính trị gia trung dung, lắm mưu mẹo về mặt chiến thuật. Cắt xén bớt quyền hạn của giới quân đội hay còn cả giới hạn tăng ngân sách cho họ, đấy là điều mà ông ấy sẽ không mạo hiểm. Nhưng cũng không phiêu lưu mạo hiểm chiến tranh.
Phù hợp với điều đấy là lần cải tổ giới lãnh đạo quân đội trong tuần vừa rồi. Tướng Mã Hiếu Thiên, 63 tuổi, một người thân cận của Tập, xuất thân từ một gia đình cán bộ nổi tiếng, được bổ nhiệm làm người sếp mới của Không quân. Mã được cho là một người hết sức tự tin và đã có lần nói rõ trước một đài truyền hình ở Hongkong, rằng “người Mỹ không cần phải tìm kiếm gì ở biển Đông cả”. Thất thế bây giờ là bạn bè của người đã thua cuộc trong trận đấu tranh giành quyền lực, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người sẽ bị đưa ra tòa vì tham nhũng và những tội phạm khác. Và với ông ấy, tư tưởng Mao-ít “cánh tả” hẳn cũng đã bị đẩy lùi, cái mà ông ấy đã dùng nó để đấu với những người thực dụng.
Trong những năm 80, Đặng Tiểu Bình kế nhiệm Mao còn khuyên đất nước của ông ấy hãy tự kiềm chế trên trường quốc tế. “Thao quang dưỡng hối” là nguyên tắc của ông ấy: “đặt ánh sáng của mình dưới bồ lúa và chờ đúng thời điểm.” Nhưng cái thời mà nước Cộng hòa Nhân dân chỉ tập trung vào nền kinh tế trong nước đã qua từ lâu rồi. Tập sẽ cố gắng củng cố vị thế là cường quốc thứ nhì ở bên cạnh Hoa Kỳ của Trung Quốc. Với những màn phô diễn cơ bắp cũng như với các biện pháp kinh tế-chính trị: nước Cộng hòa Nhân dân giới thiệu nền độc tài một đảng, hiệu quả về tư bản của họ như là sự lựa chọn khác cho nền dân chủ phương Tây và như là mô hình phát triển, đặc biệt là cho châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Khác với Washington hay Berlin, Bắc Kinh không khiến cho các khoản vay tín dụng và trợ giúp trong hạ tầng cơ sở nhất định phải lệ thuộc vào nhân quyền và lãnh đạo chính phủ tốt. Và họ tìm đến những ủy ban quốc tế mà Washington cũng như Tây Âu hoàn toàn không có đại diện: ví dụ như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức giống như đối trọng với NATO. Ở đó, Bắc Kinh cùng với Nga và phần lớn các quốc gia Trung Á soạn thảo các chiến lược chống mối nguy khủng bố. Cũng đứng ở hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh là mối liên kết của BRICS, các quốc gia quan trọng sắp trở thành quốc gia công nghiệp – thuộc trong đó bên cạnh Trung Quốc là Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi. Họ gặp nhau hàng năm và trong mùa Xuân ở New-Delhi đã tuyên bố thành lập một ngân hàng phát triển riêng để chống lại sự thống trị về tài chính của phương Tây.
Thêm vào đó là một chiến lược mới: Trong thời gian của sự không chắc chắn về kinh tế trên toàn cầu này, Bắc Kinh đã đưa sự chạm trán văn hóa lên thành một trong những đề tài chính.
“Chúng ta cần phải nhìn rõ, rằng các thế lực thù địch nước ngoài đang có mưu đồ Tây phương hóa và chia rẽ Trung Quốc. Trong đó, tư tưởng và văn hóa là các lĩnh vực chính của sự thâm nhập của họ”, người còn đứng đầu nhà nước Hồ Cẩm Đào ta thán trong một bài viết cho cơ quan của ĐCS “Cầu Thị”. “Chúng ta cần phải dùng những biện pháp cương quyết, để bảo vệ chúng ta và để phản ứng.”
Trên trường quốc tế, Đảng dựa vào một chiến lược riêng của quyền lực mềm. Thế giới sẽ không phục hồi vì những giá trị chung được phương Tây truyền bá và vì những thể chế dân chủ. Mà là vì bản chất của Trung Quốc.
Chỉ là: Trung Quốc đấu tranh cho những gì? Ngoài những thành công vang dội về kinh tế của ba thập niên vừa qua, nó có những gì hấp dẫn, có giá trị chung, đáng để nổ lực hướng đến? Ý tưởng nào và ai là những nhân vật mà Trung Quốc muốn dùng để lấy điểm trên toàn thế giới?
(Còn tiếp)
Erich Follath và Wieland Wagner
Phan Ba dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét