Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

TRUNG QUỐC CÓ TÔN TRỌNG LỊCH SỬ QUA NHỮNG BẢN ĐỒ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ ?



Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kể cả sau khi Thứ trưởng ngoại giao hai nước bí mật gặp nhau cuối tuần qua tại Thượng Hải.
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan báo rằng vào cuối tuần trước, một nhà ngoại giao Trung Quốc -ông Liêu Lý Cường, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ đã tìm được một tấm bản đồ do một viên Đại tá người Pháp tên là Pierre Lapie và con trai vẽ từ thế kỷ XIX (năm 1832) chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku.
Ông Cường khẳng định “điều này có nghĩa là Điếu Ngư Đảo là lãnh thổ Trung Quốc”. Tân Hoa Xã cho biết tấm bản đồ này đã đánh dấu quần đảo Senkaku là “Tiaoyu-Su” mà theo phương ngữ Mân Nam ở miền nam tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc có nghĩa là “Điếu Ngư tự” (hòn đảo nhỏ Điếu Ngư) và đánh giá đây là bằng chứng mới chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.

Tuy nhiên, Trung Quốc có biết rằng rất nhiều tấm bản đồ của họ cũng không thể hiện Senkaku và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Thậm chí có bản đồ còn thể hiện Senkaku là của Nhật. Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, chính bản đồ thế giới của Trung Quốc xuất bản năm 1960 cũng cho thấy Senkaku thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
alt
Tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 cho thấy quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
Tháng 7, việc tiến sỹ Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phả học Việt Nam vừa qua đã tặng Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam tấm bản đồ “HOÀNG TRIỀU TRỰC TỈNH ĐỊA DƯ TOÀN ĐỒ” (tạm dịch là Bản đồ địa dư trọn vẹn các tỉnh của triều đình nhà Thanh) xuất bản tại Trung Quốc năm 1904.
Trên tấm bản đồ này nhà Thanh đã công bố với thế giới là lãnh thổ của Trung Quốc chỉ giới hạn về phía đông là đảo Đài Loan, phía nam là đảo Hải Nam. Theo những gì mà triều đình nhà Thanh công bố thì làm gì có Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí cũng chẳng có quần đảo Điếu Ngư, nằm ở phía đông bắc đảo Đài Loan trong bản đồ này. Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng cho biết là mặt sau bản đồ có khoảng 600 chữ Hán giải thích rõ về xuất xứ, thời gian thực hiện tấm bản đồ, khi Hoàng đế Khang Hy (1654-1722), vị vua thứ tư của nhà Thanh cai trị toàn cõi Trung Quốc bắt đầu thuê các giáo sĩ phương Tây giỏi về vẽ địa đồ đi đo đạc trực tiếp tại 15 tỉnh thuộc lãnh thồ Trung Quốc, tổng hợp lại và vẽ lên tấm bản đồ này.
alt
Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904)
皇朝直省地與全圖
Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc cho biết ông đã sưu tầm khoảng 50 tấm bản đồ hành chính Trung Quốc có niên đại sớm nhất vào đời nhà Tống, cho đến thời Dân Quốc, và những tấm bản đồ hành chính Trung Hoa đều xác nhận điểm cuối lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam. Ông Phạm Hoàng Quân cho biết: “HOÀNG TRIỀU TRỰC TỈNH ĐỊA DƯ TOÀN ĐỒ” là tấm bản đồ hành chính mang tính chính thống. Tên gọi có chữ “Hoàng triều” có nghĩa là “triều ta” thể hiện sự thừa nhận của nhà nước đương thời. Mặt khác, bản đồ này còn thừa kế thành quả của tấm “HOÀNG DƯ TOÀN LÃM ĐỒ” xuất bản năm 1719, do chính Hoàng đế Khang Hy chủ trì cùng các giáo sĩ phương Tây tiến hành quan trắc thực địa, ứng dụng kỹ thuật xác định điểm thiên văn ba góc, trắc lượng kinh vĩ độ toàn quốc để vẽ lên tấm bản đồ này. “HOÀNG DƯ TOÀN LÃM ĐỒ” là bức địa đồ quan trọng, là nền tảng về toạ độ, kinh vĩ cho hầu hết các địa đồ hành chính của nhà Thanh về sau, kể cả cho bức “HOÀNG TRIỀU TRỰC TỈNH ĐỊA DƯ TOÀN ĐỒ”. Cực nam của lãnh thổ Trung Quốc trong HOÀNG DƯ TOÀN LÃM ĐỒ dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam) ở 18 độ 21 phút 36 giây vĩ bắc.
Tiếp theo là việc nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, chủ sở hữu tủ sách gia đình họ Trần, tháng 8 vừa qua đã công bố tập sách xuất bản dưói triều vua Quang Tự nhà Thanh (1875-1908) có tiêu đề là “ĐỊA DƯ ĐỒ KHẢO” (khảo cứu về dịa dư kèm theo bản đồ). Tập sách gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 tấm bản đồ chi tiết đính kèm. ĐỊA DƯ ĐỒ KHẢO có phần bản đồ chi tiết về các tỉnh phía nam của Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây có chung biên giới với Việt Nam. Đảo Hải Nam được thể hiện trên bản đồ là vùng đất cực Nam, điểm cuối cùng ở phía Nam của Trung Quốc. Không hề có một tấm bản đồ nào liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện trong tập sách này.
Ngày 12/10/2012, ông Trần Thắng, chủ tịch Hội Văn hoá Giáo dục Việt Nam tại Mỹ đã quyết định tặng cho Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng toàn bộ 80 tấm bản đồ Trung Quốc do các nhà xuất bản ở Anh, Đức, Pháp, Mỹ phát hành trong khoảng thời gian từ năm 1626 đến năm 1980. Trong đó có 70 bản đồ xác định cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và 10 bản đồ xác định rõ ràng Hoàng Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam.
Có thể thấy, các tấm bản đồ do Nhà nước phong kiến Trung Quốc xuất bản từ lâu trong lịch sử, được đo vẽ rất công phu, chính xác và được chính các Hoàng đế Trung Hoa lúc bấy giờ quan tâm. Các tấm bản đồ đã thể hiện rất nhất quán trong việc xác định cương vực của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam. Các tấm bản đồ đã chứng minh Trung Quốc, trong lịch sử, hoàn toàn không có liên quan gì đến vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng lịch sử mà phía Trung Quốc không thể chối cãi.
Trung Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét