Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Dự án Bauxit Tây nguyên đang thất bại


“…Ngoài tính không an toàn cao đối với môi trường đã được hàng loạt các nhà khoa học có uy tín cảnh báo, dự án bauxite ở cao nguyên Trung phần ngày càng bộc lộ thực trạng khai thác không hiệu quả…”
Ngoài tính không an toàn cao đối với môi trường đã được hàng loạt các nhà khoa học có uy tín cảnh báo, dự án bauxite ở cao nguyên Trung phần ngày càng bộc lộ thực trạng khai thác không hiệu quả. Thông tin việc phải bán quặng dưới mức giá thành, bế tắc trong khâu vận chuyển… của nhà máy bauxite Tân Rai đã tràn ra công luận, một vài trò tung hỏa mù của chính quyền không thể xoa dịu được những bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện nay.


Thực chứng bùn đỏ ở Cao Bằng ngày 5/11/2010
Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) Trần Văn Chiều cho biết, nhà máy bauxite Tân Rai đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên và dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2013, nhà máy sẽ đi vào vận hành ổn định. Ông Chiều dự kiến cả năm 2013 sẽ sản xuất 300.000 tấn alumin, giá xuất khẩu là 340 USD/tấn.
Thua lỗ ngay từ khâu giá bán
Trong khi đó theo một nguồn tin khác, giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai tối thiểu phải là 375 USD/tấn. Alumin chỉ là sản phẩm trung gian làm ra kim loại là nhôm. Tại thị trường giao dịch kim loại London (LME), giá alumin chỉ bằng khoảng 12,5% – 14% giá nhôm. Với tỷ lệ lãi cao nhất là 10%, thì mức lợi nhuận từ sản xuất quặng alumin chỉ được vài chục USD/tấn. Với những tính toán sơ bộ của chúng tôi, dựa vào giá xuất khẩu hiện nay, mỗi tấn alumin của Việt Nam sẽ lỗ trên dưới 40 USD. Tức riêng trong năm 2013 này, để thanh toán hết 300.000 tấn alumin sản xuất được, nhà máy bauxite Tân Rai sẽ lỗ tối thiểu khoảng 12 triệu USD. Ở đáp án này, chúng tôi chưa tính đến các chi phí khác như: vận chuyển, bốc dỡ và thuế xuất khẩu.
Để biện hộ cho sự thiệt hại ngay từ mẻ quặng ra lò đầu tiên và chắc chắn sẽ diễn ra suốt trong năm 2013, lãnh đạo Vinacomin là ông Trần Xuân Hòa cho rằng, khai thác bauxite cao nguyên Trung phần là dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa nên phải được đánh giá cả những đóng góp đối với xã hội. Nguồn thu chính của các dự án khai thác bauxite là từ việc bán alumin, nhưng đa phần lượng alumin khai thác được đều bán cho Trung Quốc. Do thiếu điện, Việt Nam chưa xây dựng được nhà máy điện phân alumin ra nhôm. Phần lớn alumin giao dịch trên thị trường thế giới thường thông qua những hợp đồng dài hạn, chỉ có khoảng 10% sản phẩm này tham gia vào thị trường trôi nổi. Trong bối cảnh như vậy, nếu bán với số lượng lớn, Việt Nam hầu như không có khả năng tham gia vào thị trường xuất khẩu alumin thế giới. Dự án bauxite cao nguyên Trung phần được lập ra, hầu như, với đối tác tiêu thụ duy nhất là Trung Quốc. Một câu hỏi cấp thiết được đặt ra: nếu Trung Quốc không mua thì Việt Nam làm gì với lượng alumin ấy? Thực tế cho thấy, khi xảy ra cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Philippin xung quanh tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough năm 2012, Trung Quốc đã gây áp lực chính trị thông qua thương mại với việc ngăn chận nhập khẩu chuối của quốc gia này.
Chi phí vận chuyển nằm ngoài hạch toán dự án
Sự việc chọn Kê Gà (Bình Thuận) làm cảng xuất khẩu quặng alumin của Tập đoàn Vinacomin lại phơi bày thêm những khuất tất cần làm sáng tỏ trước công luận. Dòng chảy ở vùng biển Kê Gà rất phức tạp, đặc biệt cách mũi Kê Gà khoảng 5 hải lý về phía nam có một dãy đá ngầm vô cùng nguy hiểm. Trước đây, có nhiều tàu chiến Nhật bị đắm ở khu vực này. Tại Kê Gà chưa có cơ sở hạ tầng, vùng biển lại cực kỳ hiểm trở và phức tạp, đầu tư rất tốn kém. Trong khi đó, cảng Thị Vải cách Kê Gà chỉ 70 km lại bị bỏ qua. Rốt cuộc sau gần 5 năm, với 4 lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại, dự án cảng Kê Gà do Vinacomin làm chủ đầu tư đã chính thức khép lại.
Hiện nay, kế hoạch thực hiện cho khâu vận chuyển quặng đang trong tình trạng bế tắc. Vinacomin không đưa ra được lộ trình vận chuyển khả thi nào. Phương cách sử dụng phương tiện xe tải cầm chắc là lỗ, thậm chí đường càng dài thì lỗ càng lớn. Khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong xung quanh việc Vinacomin dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà, các lãnh đạo tập đoàn cho biết: xác định rõ thiệt hại, Vinacomin sẽ bồi thường. Các vị này không hề đề cập đến những quyết định sai lầm của chính họ, cần phải được truy cứu về mặt pháp luật trước những thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng trong quá trình triển khai xây dựng cảng Kê Gà.
Để gỡ thế bí, phía Vinacomin đã đi một nước cờ liều khi cho mua vào hơn 100 xe có tải trọng trên 40 tấn phục vụ vận chuyển bauxite, với đích đến là cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Theo tính toán của các ngành chức năng, mỗi ngày sẽ có 140 chuyến xe kéo rơmooc của Vinacomin lăn bánh và trên dưới 10 phút có một chuyến xe. Sự việc này gặp phải phản ứng dữ dội từ phía các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai có đoàn xe sắp đi qua, bởi trọng tải cầu đường tại các địa phương này chỉ đáp ứng được xe có tải trọng khoảng 25 tấn.
Nhà máy sản xuất alumin xây dựng ở những vùng heo hút thuộc tỉnh Lâm Đồng và Đak Nông. Địa hình khu vực này rất phức tạp, hệ thống giao thông đường bộ yếu kém. Do đó ngay từ đầu xây dựng dự án, những ý kiến ủng hộ xây dựng đã cho rằng dự án tốt nhất nên đặt phía biển, dùng đường ống vận chuyển tinh quặng xuống. Tuy vậy, Vinacomin đã bỏ qua yếu tố quan trọng này và không tính vốn đầu tư cho đường sắt vào dự án, mà coi như đó là ngân sách nhà nước. Đồng thời, trong tính toán xây dựng dự án bauxite của Vinacomin đã không tính đến chi phí vận chuyển (gồm chi phí nâng cấp, bảo dưỡng đường). Tình trạng kinh tế nước nhà đã bước vào giai đoạn sức cùng lực kiệt, liệu Việt Nam còn bao nhiêu khả năng để tiếp tục chịu đựng những thiệt hại từ những toan tính mù quáng như trên.
Khả năng xử lý bùn đỏ thành sắt thép
Trong lúc dư luận trong nước đang nóng lên về sự thất bại của dự án bauxite, ngày 21/2/2013, trên trang web của Chính phủ đưa ra thông tin: sẽ xử lý bùn đỏ thành nguyên liệu sản xuất sắt, thép. Ngoài việc xác định đang trong giai đoạn tiến hành thử nghiệm, thông tin trên không cho biết về mức độ khả thi của công nghệ xử lý mà Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang áp dụng. Được biết, công nghệ xử lý bùn đỏ Basecon™ của công ty Virotec International Ltd. (Australia) từ lúc phát hiện đến khi nhận được bản quyền thương mại công nghệ xử lý này là mất 10 năm (1992 – 2002). Trong bản tin của Chính phủ, đơn vị thực hiện thử nghiệm không sử dụng công nghệ xử lý bùn đỏ ướt sang bùn đỏ khô Basecon™, cũng không áp dụng kỹ thuật hoàn nguyên về sắt bằng công nghệ lò cao phổ biến hiện nay, mọi chuyện đơn giản sẽ giải quyết bằng đá vôi.
Nên nhớ rằng, trong báo cáo của VUSTA (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN) vào tháng 4/2009 đã ghi nhận, cả 2 nhà máy alumin đầu tiên của Việt Nam đều sử dụng công nghệ thải ướt của công ty Chelieco (Trung Quốc). Công nghệ này áp dụng cho loại bauxite sa khoáng (bauxite diaspor) miền Nam Trung Quốc, khác hẳn về nguồn gốc với loại bauxite phong hóa (bauxite gipsit) tại cao nguyên Trung phần. Vấn đề đặt ra là liệu chỉ trong thời gian nghiên cứu vài năm qua, trình độ khoa học của Việt Nam có giải quyết được tất cả các vướng mắc trên hay không? Việc này cần các nhà khoa học chuyên ngành khai khoáng sớm làm sáng tỏ, hòng giúp công luận tránh bớt một chiêu tung hỏa mù mới từ cấp chính quyền cao nhất hiện nay.
Nếu những vụ như Vinashin, Vinaline dừng ở mức độ thất thoát tài chính vì tham nhũng thì trường hợp Vinacomin hiện nay biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn. Các hậu quả thiệt hại kinh tế do tập đoàn khoáng sản này gây ra rồi cũng có ngày khắc phục, nhưng hai cơ sở khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ vẫn nằm trên nóc nhà Đông Dương – chúng tồn tại như chiếc lưỡi câu thép móc vào họng giới cầm quyền Hà Nội. Nếu không được giải quyết thỏa đáng thì vị thế độc lập của Việt Nam phải trả giá, chính quyền đương nhiệm lại dấn sâu thêm một bước vào con đường lệ thuộc ngoại bang phương Bắc.
Kết luận
Khi manh nha dự án bauxite Tây Nguyên đã có nhiều người phản đối kịch liệt nhưng dự án vẫn được triển khai. Hiện nay nếu dự án thất bại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, câu hỏi quan trọng này đang treo lơ lửng trên đầu không chỉ nhiều lãnh đạo tập đoàn Vinacomin mà còn với cả những quan chức cấp cao khác, chẳng hạn như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người phê duyệt dự án. Tính đến thời điểm này, các quan chức từng ủng hộ quyết liệt cho việc triển khai dự án bauxite vẫn im hơi lặng tiếng, có lẽ chẳng ai muốn liều thân đi cứu một con tàu sắp đắm.
Ngày 23/02/2013
Hoàng Tâm Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét