Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Nên đặt lại vấn đề khai thác bôxit


Phỏng vấn  PGS.TS Hồ Uy Liêm *. Võ Văn Thành thực hiện
TTO – Từng tham gia phản biện chương trình khai thác bôxit Tây Nguyên, PGS.TS Hồ Uy Liêm (nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) nói ông không ngạc nhiên trước thông tin về những khó khăn liên quan tới dự án boxit.
 1Ông Hồ Uy Liêm nói: Trước khi nghiên cứu phản biện về dự án này, chúng tôi thấy rằng việc vận tải bôxit sẽ là một trong những bài toán kinh tế khó nhất của chủ đầu tư, hầu như không có lời giải trong điều kiện hạ tầng hiện nay của nước ta, nếu cố làm thì mức lỗ sẽ càng nặng hơn. Tuy nhiên, vấn đề này được trình bày khá sơ sài trong dự án khả thi của Tập đoàn than - khoáng sàn VN (TKV).

Riêng với cảng Kê Gà, đây là nơi quanh năm sóng gió, độ sâu vừa phải và nhiều đá ngầm, nói chung là địa hình hiểm trở nên muốn hình thành cảng cho bôxit thì phải xây dựng đê chắn sóng, phá đá ngầm, dĩ nhiên là chi phí sẽ đội lên nhiều lần.
“Một dự án kinh tế mà công nghệ khai thác cũng như tiêu thụ sản phẩm đều chủ yếu dựa vào Trung Quốc, nghĩa là “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” thì độ rủi ro rất cao. Việc phương án cảng Kê Gà “vỡ” là một trong những ví dụ cho thấy ngay từ đầu công việc quan trọng liên quan đến dự án này đã không được tính toán kỹ lưỡng, có gì đó vội vàng” - PGS.TS Hồ Uy Liêm
* Cùng với việc ngừng xây dựng cảng Kê Gà, có nhiều ý kiến đặt lại bài toán hiệu quả của dự án khai thác bôxit?
- Khi tính toán hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bôxit, chúng tôi lên hai phương án, cuối cùng chọn phương án đơn giản nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư đó là sử dụng chính các số liệu của TKV để tính toán. Qua đó cho thấy dự án này hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, thậm chí là lỗ.
Dựa trên số liệu TKV cung cấp và giá thị trường thế giới cuối năm 2009, các nhà khoa học tham gia phản biện tính ra mức lỗ có thể lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Đáng tiếc là ý kiến của chúng tôi không được lắng nghe. Chúng ta thấy rằng trong tính toán ban đầu cảng Kê Gà được coi là phương án tối ưu mà còn lỗ, nay buộc phải thay đổi tuyến vận tải về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) hoặc cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận) thì thiệt hại là khó tránh khỏi.
Tôi cho rằng nếu với một nhà đầu tư tư nhân thì ngay từ đầu họ sẽ không vội vàng như vậy, ít nhất là phải khảo sát và tính toán kỹ lưỡng phương án vận tải, trong đó có phương án cảng Kê Gà, họ sẽ biết lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia hơn…
* Một trong những vấn đề gây nhiều lo lắng nhất trong việc thực hiện dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên là ảnh hưởng đến môi trường?
- Báo cáo phản biện của VUSTA đã mổ xẻ rất kỹ vấn đề này. Quan điểm chung ở đây là nếu không khai thác bền vững thì những tác hại về môi trường có thể trước mắt chưa thấy, nhưng về lâu dài là khôn lường và rất khó xử lý.
Tôi nói cụ thể là chủ đầu tư cam kết hoàn nguyên, nhưng thực tế đã chứng minh chưa có công trình nào lớn mà ta khôi phục được môi trường theo đúng yêu cầu, ví dụ rõ nhất là khai thác than ở Quảng Ninh. Nếu nói sâu vào những vấn đề khoa học thì mất nhiều thời gian, nhưng có lẽ nhìn vào vụ lũ bùn đỏ ở Hungary thì bất cứ ai cũng hình dung được quy mô tác hại của khai thác bôxit nếu xảy ra vỡ đập.
Tất nhiên không ai muốn điều này xảy ra, nhưng với một vấn đề quan trọng như khai thác bôxit ở Tây Nguyên thì tất cả các khả năng đều phải được đặt ra. Lúc bấy giờ chúng tôi 2kiến nghị nên xem xét phương án thải khô, vì thải ướt thì nguy cơ cao hơn, nếu áp dụng thải khô thì giá đội lên, nhưng nơi có quyền quyết định đã quyết định rồi.
* Đến nay nhìn lại ông thấy những kiến nghị của VUSTA đã được tiếp thu như thế nào?
- Việc tham gia phản biện chương trình khai thác bôxit Tây Nguyên, ban đầu Chính phủ không mời chúng tôi, mà do một tổ chức khoa học độc lập (CODE) nghiên cứu, sau đó phối hợp với các chuyên gia thuộc nhiều hội thành viên của VUSTA tổ chức các hội thảo để đánh giá. Chúng tôi đã gửi kết luận từ các hội thảo đó đến các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan.
VUSTA đã được trình bày quan điểm của mình tại cuộc họp chuyên đề của Bộ Chính trị. Tiếp theo là Chính phủ chỉ đạo VUSTA cùng với Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo. Chúng tôi kiến nghị chỉ cho thí điểm một dự án ở Tân Rai (Lâm Đồng), chứ chưa nên triên khai ở Nhân Cơ (Đắk Nông), sau khi có kết quả thí điểm tại Tân Rai thì sẽ quyết định tiếp. Thế nhưng, như chúng ta đều biết là cả ở Tân Rai và Nhân Cơ đều được triển khai.
* Vậy quan điểm hiện nay của ông thế nào đối với dự án khai thác bôxit Tây Nguyên?
- Để khẳng định thì cần có nghiên cứu cẩn thận của các chuyên gia, trong đó có đánh giá của các chuyên gia độc lập, dựa trên các số liệu được cập nhật, có số liệu về phương án vận tải mới. Tuy nhiên, dựa trên các yếu tố cơ bản thì quan điểm cá nhân tôi là nên để dành nguồn tài nguyên quý giá này cho con cháu mai sau. Cần đặt ra bài toán nếu dừng lại thì thiệt hại ra sao, còn không dừng thì thiệt hại về lâu dài có lớn hơn không.
Nói tóm lại, các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư và các nhà khoa học lại phải một lần nữa vào cuộc để làm rõ vấn đề.
Nguồn: Tuổi trẻ
* PGS.TS Hồ Uy Liêm cũng là một trong những người khởi xướng bản Kiến nghị 72 và tham gia đoàn 15 trí thức trao bản Kiến nghị cho Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, ngày 4/2/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét