Pages

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Trung Quốc đừng dại thử lòng yêu nước của dân tộc Việt


Lòng yêu nước của dân tộc Việt, về góc độ xã hội, lịch sử được gọi là Truyền thống, về góc độ khoa học được gọi là Gen di truyền. Cho nên, thế giới có đổi thay, vương triều có đổi thay nhưng truyền thống đó hay gen di truyền đó không bao giờ thay đổi.

Không rõ tinh thần yêu nước của dân tộc Trung Hoa như thế nào, bởi vì từ xưa Trung Quốc chỉ đi xâm lược, mở rộng lãnh thổ, nhưng khi bị các quốc gia khác tới xâm lược như Nguyên Mông, Anh, Nhật Bản thì họ đều thúc thủ và ý chí của họ thể hiện trong “Vạn lý trường thành”, trong cuộc biểu tình chống Nhật Bản mới đây…thì có lẽ chỉ họ mới hiểu, đánh giá được thực chất, sức mạnh kết nối lòng yêu nước của dân tộc họ.

Dân tộc Việt, lòng yêu nước được biểu hiện theo cách khác, đơn giản là “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” nó đã “rành rành định sẵn” rồi. Kẻ nào, dù hung hãn đến đâu, xâm phạm là phải và bị đánh đuổi, đơn giản thế thôi. Về ý chí thì “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm 20 năm hoặc lâu hơn…”, “dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập”…

   Chủ quyền của Tổ quốc luôn thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam
Chủ quyền của Tổ quốc luôn thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam
Duy nhất một lần dưới triều Nguyễn, nhưng lịch sử thời đó vẫn còn vang vọng những cái tên hào hùng lẫm liệt của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, còn đó lời bất hủ của Nguyễn Trung Trực…và hơn 90 năm sau, năm 1954, dân tộc Việt đã vùng lên bằng trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Mỹ thua Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên là Mỹ không hiểu dân tộc Việt. Chỉ đến năm 1972 khi Nixon bắt tay Mao Trạch Đông ở Thượng Hải thì người Mỹ mới tin rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đánh Mỹ là vì lý do thống nhất đất nước chứ không phải đánh Mỹ bởi tác động của Trung Quốc hay Liên Xô.

Máu xương của thế hệ ông, cha, anh đổ xuống để có hôm nay, cho con cháu một Việt Nam liền một dải, không như bán đảo Triều Tiên hiện giờ là quý báu biết chừng nào và đương nhiên chỉ ai là con cháu Lạc Hồng mới cảm nhận được.

Lòng yêu nước của dân tộc Việt, về góc độ xã hội, lịch sử được gọi là Truyền thống, về góc độ khoa học được gọi là Gen di truyền. Cho nên, thế giới có đổi thay, vương triều có đổi thay nhưng truyền thống đó hay gen di truyền đó không bao giờ thay đổi.

Động thái hung hăng, ngang ngược, đe dọa gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc đòi độc chiếm 80%, xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt đang ngày càng được người Việt Nam trong và ngoài nước ý thức rất rõ ràng.

Sự việc đường “lưỡi bò” trên bản đồ; đèn lồng in chữ “Tam Sa”; sách vở in sai, có cờ Trung Quốc; siêu thị Big C bán nho…được sự “quan tâm” sát sao của dân cả nước là dấu hiệu của lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước đang phát tiết mà không cần hô hào phát động.

Hành động rất nguy hiểm của Trung Quốc mới đây trên Biển Đông, dùng súng bắn cháy ca bin tàu đánh cá của ngư dân Việt trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là hành động ngang ngược, độc ác, vô nhân đạo và chúng không hiểu được sức mạnh lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ngày xưa (là niềm mơ ước của hạm đội Nam Hải-Trung Quốc ngày nay) khi Hải quân Việt Nam là con số “không” mà còn không dọa được Việt Nam thì vài chục con tàu giả dạng Hải giám, đằng sau có vài con tàu chiến tập trận, đã tỏ ra hung hăng, xua đuổi phi pháp tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là có thể dễ dàng tác quái trên Biển Đông của Việt Nam ư? Họ đã lầm vì dân tộc Việt luôn yêu chuộng hòa bình, muốn là bạn với láng giềng một cách thân thiện, hữu nghị nhưng lòng yêu nước, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Việt Nam thì ngàn đời không thay đổi. Họ chỉ tổ tốn dầu và hao máy mà thôi. Hành động ngang ngược, ác độc, vô nhân đạo của Trung Quốc đã kích hoạt lòng yêu nước của dân tộc Việt.

Lịch sử vốn không bao giờ lặp lại, nhưng khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần thì chứng tỏ điều đó đã trở thành quy luật khách quan, mà khi đã là quy luật thì đừng dại dột làm trái với nó.

Chỉ có kẻ điên mới mong có sóng thần để thử độ vững của đê chắn sóng.

Lê Ngọc Thống

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét