Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Chuck Hagel nói tình báo Mỹ tin tưởng, “với một độ tự tin ở các mức độ khác nhau” rằng Syria đã dùng vũ khí hóa học.
Trong chuyến thăm đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, ông Hagel nói có nghi vấn rằng khí độc sarin được dùng ở Syria để chống lại phiến quân.
Tòa Bạch Ốc từng nói việc sử dụng vũ khí hóa học nếu diễn ra sẽ là “lằn ranh đỏ”, tức giới hạn cuối cùng để can thiệp vào Syria nhưng cũng nói các tin tức tình báo chưa nêu ra bằng chứng cụ thể.Ông Hagel nói việc sử dụng này diễn ra “trên diện hẹp” và không nói rõ khi nào, ở đâu.
Ông Mr Hagel nói tại Abu Dhabi hôm 25/4 rằng "các nguồn tình báo của chúng tôi đang đánh giá, với các độ tự tin khác nhau rằng chế độ của ông Assad ở Syria dùng vũ khí hóa học ở diện hẹp, cụ thể là khí sarin”.
Theo ông, đây là hành động “vi phạm công ước chiến tranh”.
Người ta tin rằng Syria có một lượng vũ khí hóa học lớn và điều đó gây ra lo ngại trong cộng đồng quốc tế những tháng qua về sự an toàn của lượng hóa chất này.
Tuy nhiên, theo phóng viên ngoại giao của BBC Jonathan Marcus thì Tòa Bạch Ốc đã nhanh chóng nói rằng chỉ tin tình báo như ông Hagel nêu ra là chưa đủ để Hoa Kỳ can thiệp vào Syria như tại Iraq trước đây.
Trả lời một dân biểu Quốc hội, Tòa Bạch Ốc đã nói:
"Vì lý do vấn đề liên quan rất nghiêm trọng và vì những gì [Hoa Kỳ] học được từ quá khứ, chỉ các đánh giá tình báo không thôi là chưa đủ".
Hàng nghìn người chết
Tính đến tháng 4 năm nay, các con số một tổ chức Syria đối lập nêu ra nói có 6.000 người đã thiệt mạng ở Syria chỉ trong tháng 4, tháng đẫm máu nhất trong cuộc xung đột.
Đài Quan sát nhân quyền Syria có trụ sở ở London cho biết họ đã ghi nhận 6.005 cái chết trong tháng qua, gồm có ít nhất 291 phụ nữ, 298 trẻ em, 1.486 chiến binh và quân đào ngũ và 1.464 binh lính trong lực lượng chính phủ.
Số thương vong còn lại không thể xác định được gồm có cả thường dân và binh lính.
Còn nhìn lại hơn hai năm xung đột, con số này có thể cao hơn con số trên 60 nghìn người mà quốc tế ước tính.
“Chúng tôi ước lượng con số này trên thực tế là khoảng 120.000 người,” ông Rami Abdelrahman, người đứng đầu Đài Quan sát nhân quyền này cho biết.
“Nhiều trường hợp rất khó ghi nhận nên chúng tôi chưa chính thức đưa họ vào danh sách,” ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét