Pages

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Cảnh báo: Blog “Một góc nhìn khác” đang bị dùng làm bẫy

Blog “Một Góc Nhìn Khác” trên facebook. Chủ trang blog này, Trương Duy Nhất, bị bắt khẩn cấp chiều 26 tháng 5-2013 ở Đà Nẵng và bị đưa về giam ở Hà Nội. (Hình: Internet).
Trang blog có tên “Một góc nhìn khác” của blogger Trương Duy Nhất đã hoạt động trở lại song đang được sử dụng như một cái bẫy đối với những người truy cập vào đó.

Blog “Một góc nhìn khác” bị đóng vào ngày 26 tháng 5, sau khi Công an Việt Nam khám nhà ông ở thành phố Đà Nẵng và đem về giam ở Hà Nội. Ông bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” qua những bài viết liên quan đến thời sự chính trị, xã hội ở trong nước.

Mới đây, blog này hoạt động trở lại và website arstechnica.com báo động là blog “Một góc nhìn khác” hiện là một cái bẫy để lôi kéo người ta truy cập vào đó rồi cài mã độc vào máy tính của họ.

Mã độc (Malware) là các loại chương trình điện toán do một kẻ nào đó hay tổ chức nào đó bí mật cài vào máy người khác với chủ đích không lương thiện. Nó có thể là virus hay worm (tự động nhân bản), trojan (tự nhận là giúp cho máy của thân chủ chống lại các virus nhưng thay vì làm vậy nó quay ra đem virus vào máy), spyware (tự động ghi lại các thông tin của máy tính bị xâm nhập), backdoor (mở cửa hậu cho kẻ khác xâm nhập), v.v...

Ngày 26/10/2010, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) từng tố cáo nhà cầm quyền CSVN phát động chiến dịch tấn công tinh vi và kéo dài, gồm hai mũi giáp công nhằm vào những người bất đồng chính kiến trên mạng. Chế độ Hà Nội bắt giữ và đe dọa các blogger độc lập ở Việt Nam, đồng thời bật đèn xanh cho các đợt tấn công vi tính từ Việt Nam để đánh sập các trang mạng có khuynh hướng phê phán chế độ.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới hàng năm đều lên án chế độ Hà Nội trù dập khủng bố các người viết blogs bày tỏ chính kiến độc lập tại Việt Nam. CSVN đang bị cả công chúng lẫn chính phủ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên án vì bắt giữ blogger Trương Duy Nhất.

Hôm 27 tháng 5, Bộ Ngoại giao Pháp phát hành một tuyên bố, “lấy làm tiếc” về vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất với lý do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.

Bộ Ngoại giao Pháp nhận định, vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất và một loạt các phiên xử - kết án những người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam kể từ mùa thu năm 2012 chính là những hành động vi phạm nhân quyền.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước Pháp đã từng bày tỏ sự lo ngại, sau khi hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha phải nhận những hình phạt nặng nề hồi giữa tháng 5. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, “Pháp đặc biệt chú ý đến những vấn đề này, vốn là chủ đề đối thoại giữa Liên hiệp châu Âu với Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, nước Pháp vẫn rất chú trọng đến quyền tự do ngôn luận và chính kiến, kể cả trên Internet, trên toàn thế giới. Những quyền và tự do đó được bảo đảm bởi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên và “kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo đảm sự tôn trọng các quyền này”.

Sau Pháp, Đặc ủy Nhân quyền của Đức cũng vừa lên tiếng chỉ trích việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất. Hôm 29 tháng 5, ông Markus Loening, Đặc ủy Nhân quyền của Đức công khai “lên án vụ bắt giữ blogger rương Duy Nhất chỉ vì những phát biểu phê phán của ông về chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ông Markus nhận định: “Đây không phải là trường hợp cá biệt. Thật không may, nhiều người Việt Nam bị bách hại vì họ bày tỏ quan điểm của họ. Tôi đòi hỏi kêu gọi việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt ngay các thủ tục tố tụng đối với Trương Duy Nhất”.

Trong thông cáo do Bộ Ngoại giao Đức phát hành, thay mặt nước Đức, cơ quan này nhận định: “Tự do hội họp ở Việt Nam vẫn còn tồi tệ. Gần đây, buổi ‘dã ngoại nhân quyền’ trong ôn hòa tại một số thành phố Việt Nam đã bị ngăn chặn và giải tán một cách tàn nhẫn. Trước đó, lời kêu gọi phân phát Tuyên bố về quyền con người cũng như thảo luận về nhân quyền tại các buổi dã ngoại đã được phổ biến trên mạng Internet. Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc và qua đó đã cam kết tôn trọng tự do ngôn luận và hội họp. Những cam kết này phải được thực thi”.

Bộ Ngoại giao Đức nhắc lại là trong nhiều tháng nay, các nhà hoạt động nhân quyền đã tố cáo những chiến dịch chống lại người bất đồng chính kiến ​​tại Việt Nam. Trên danh sách "kẻ thù của Internet" cũng như bảng xếp hạng "tự do báo chí" của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam bị xếp hạng 172 trên 179 nước.

Tổ chức Ký giả Không biên giới cũng vừa tuyên bố, vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất đặc biệt đáng quan ngại vì nó chứng tỏ quyết tâm của nhà nước Việt Nam: Tiếp tục đàn áp và tống giam giới bất đồng, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức bênh vực nhân quyền, yêu cầu Việt Nam phóng thích các blogger bị bắt. Tổ chức này kêu gọi “Việt Nam hãy trả tự do lập tức và vô điều kiện cho ông Trương Duy Nhất và chấm dứt hành động đàn áp vô cớ này”.

Ông Trương Duy Nhất, 49 tuổi, từng là phóng viên của báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Đại Đoàn kết tại miền Trung. Cách nay khoảng ba năm, ông Nhất tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam để dành thời gian cho blog “Một góc nhìn khác”.

Ông Nhất bị bắt sau khi tổ chức một cuộc thăm dò về mức độ tín nhiệm của độc giả đối với lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ CSVN. Kết quả thăm dò cho thấy, không có nhân vật nào đủ số phiếu tín nhiệm. Đáng chú ý là tỷ lệ bất tín nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng CSVN lên tới 93%.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét