Pages

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Tại sao Trung Quốc tỏ ra hung hăng trước ngày khai mạc Đối thoại Shangri-La ?

"...an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề chính được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La, hay Hội nghị an ninh Châu Á, để kềm chế sự hung hăng của Trung Quốc".

Khách sạn Shangri-La tại Singapore
Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 31/05 đến 05/06/2013. Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn về tình hình các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin... Đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, sẽ là người phát biểu chính trong buổi lễ khai mạc ngày 31/05.

Đối thoại Shangri-La

Đối thoại Shan1gri-La (SLD-Shangri-La Dialogue), trên thực tế là Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á (IISS Asia Security Summit), là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS-International Institute for Strategic Studies), một tổ chức cố vấn độc lập có trụ sở chính tại Anh và nhiều văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Bahrein và Singapore. Shangri-La là tên một khách sạn ở Singapore, nơi được tổ chức Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á đầu tiên từ năm 2002 và tiếp tục cho đến nay. Hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, các bộ trưởng thường trực và các tướng lãnh quân đội của 28 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.

Đuợc tổ chức hàng năm, Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á nhắm mục tiêu nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong các hoạch định chính sách quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Song song với cuộc họp chính thức, các đoàn đại biểu chính phủ các nước tận dụng tối đa sự hiện diện của những người đứng đầu quốc gia khác để tổ chức những buổi họp mặt song phương liên quan đến từng nước. Mặc dù là một hội nghị liên chính phủ, hội nghị cũng có sự tham dự của các nhà lập pháp, các chuyên gia khoa học, nhà báo và các đại biểu kinh doanh.

Vì là một diễn đàn không ràng buộc về mặt pháp lý. Tất cả những vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội nghị chỉ là để thảo luận, không đi đến bất cứ kết luận ràng buộc nào và các nước tham dự diễn đàn này không phải chịu bất cứ trách nhiệm quốc tế nào. Tuy nhiên, Shangri-La cho đến nay vẫn được đánh giá là diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những đoàn đại biểu đến tham dự Đối thoại Shangri-La đến từ 28 quốc gia có sự hiện diện chính thức trong khu vực : Australia (Úc), Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Trung Quốc, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trong hội nghị Shangri-La 2011, Việt Nam và Philippines đã tố cáo mạnh mẽ chính sách gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói cứng rắn với Trung Quốc trong một diễn đàn quốc tế công khai. Ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng, nhắc lại vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. Sau đó, trong phần trả lời câu hỏi, ông nhắc vụ việc năm 2010, tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò khi khảo sát lòng đáy biển để lập hồ sơ trình Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng. Ông Voltaire Gazmin, bộ trưởng quốc phòng Philippines, nhắc tới các vụ tàu của Philippines bị tàu Trung Quốc uy hiếp và là vụ Trung Quốc dựng cột sắt và đổ vật liệu xây dựng xuống rặng san hô Amy Douglas Bank của Philippines hồi tháng  05/2011.

Trong hội nghị Shangri-La 2012, Bắc Kinh vẫn dùng chiêu bài cũ là cố tình tạo ra căng thẳng về chủ quyền để chứng tỏ Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh, trật tự trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đã thực sự bắt đầu triển khai chiến lược mới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Lần này, trong đối thoại an ninh Shangri-La 2013, chắc chắn lần này Trung Quốc sẽ trình diễn lại những màn cũ và Việt Nam cũng sẽ mạnh mẽ tố cáo những vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công và cấm ngư dân Việt Nam đánh cá quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Philippines chắc chắn  cũng sẽ không để yên cho Trung Quốc cưỡng chiếm bãi Scarborough Shoal và gần đây đang lăm le chiếm thêm rặng san hô Second Thomas Shoal. Đối thoại Shangri-La 2013 hứa hẹn nhiều biến chuyển ngoạn mục vì ngoài vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng đang rất căng thẳng với Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku và mẫu thuẫn với Ấn Độ ở vùng biên giới Kashmir…

Những động vọng từ phía Trung Quốc trước ngày khai mạc

Trong những tháng gần đây, phía Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo một số nhà quan sát, những hoạt động thực tế và tuyên truyền của Trung Quốc trên Biển Đông (đặc biệt là ở hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) có ý đồ chiến lược lâu dài nhằm chiếm toàn bộ vùng Biển Đông trước giai đoạn 2025-2030. Những hành động này thường được các tổ chức, ban, ngành (ngư chính, hải giám, hải quân, ngoại giao, truyền thông… của Trung Quốc) phối hợp với nhau một cách rất chặt chẽ. Trong cuộc diệu võ giương oai, lực lượng hải quân và tàu đánh cá của Trung Quốc được tiến hành có phối hợp trong những giai đoạn thời gian khác nhau, lúc thì bí mật (như đổ trộm vật liệu, xây dựng công sự trái phép tại các bãi đá, san hô ở quần đảo Trường Sa), khi thì công khai với sự hậu thuẫn của báo chí và các phương tiện truyền thông (như sự thành lập huyện Tam Sa tháng 06/2012 hay vụ đưa người ra tham quan đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua).

Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành nhiều hành động vi phạm chủ quyền, gây quan ngại ở Biển Đông để thị oai, thí dụ như :

- Ngày 20/3/2013, tàu hải giám Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96382 TS đang hoạt động bình thường tại vùng biển có chủ quyền của Việt Nam. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.

- Ngày 6/5/2013, Trung Quốc tổ chức đưa 32 tàu đánh cá ra khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong suốt 40 ngày. Điều đáng chú ý là 32 tàu cá Trung Quốc di chuyển theo đường lưỡi bò 9 đoạn hướng về phía bờ biển của Việt Nam. Chiều ngày 13/5/2013, 32 tàu cá này tiến hành thả neo và đánh bắt trái phép trong vùng biển phía cực Tây Nam quần đảo Trường Sa. Truyền thông Trung Quốc công bố tọa độ vị trí các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép nằm ở 6°01 độ Vĩ Bắc, 108,48 độ Kinh Đông, cực Tây Nam quần đảo Trường Sa, tức khu lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

- Cũng trong ngày 13/5/2013, Trung Quốc cho biết một biên đội tàu hộ vệ mang tên lửa thuộc hạm đội Nam Hải đang tập trận thường niên vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

- Từ ngày 6/5/2013 đến ngày 14/5/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã cử một phái  đoàn khảo sát  một số đảo, bãi đá Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi ngầm James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km. Mục đích của chuyến khảo sát phi pháp này là điều tra thực địa để làm quy hoạch phát triển "thành phố Tam Sa", một âm mưu độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

- Ngày 15/3/2013, tờ Nhân Dân nhật báo cho đăng một bài viết xúi giục Đài Loan nên "cứng rắn với Việt Nam" ở Trường Sa bằng cách "không cần cảnh cáo, bắn thẳng vào tàu hoặc máy bay của Việt Nam" nếu đi vào vùng biển phụ cận đảo Ba Bình.

- Cũng trong ngày 15/5/2013, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đơn phương, ngang ngược đưa ra tuyên bố về việc nước này sẽ thi hành lệnh cấm đánh bắt cá (phi pháp – PV) có hiệu lực từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8 với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.

Những mục tiêu của Trung Quốc trong Đối thoại Shangri-La

Về Đối thoại Shangri-La 2013, Bắc Kinhrất lo ngại hội nghị này đe dọa chiến lược bành trướng ra Biển Đông nên đã bằng mọi cách giảm thiểu vai trò của nó. Theo dõi những động vọng bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS-United Nations Convention on Law of the Sea) và cố tình vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Bắc Kinh muốn đến dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á, hay Đối thoại Shangri-La trong thế mạnh.

Mục tiêu đầu tiên mà Bắc Kinh nhắm tới là tiếp tục gây hấn trên biển để làm áp lực với những quốc gia liên quan để sau đó đặt sự việc đã rồi trước những lãnh đạo cao cấp của 27 quốc gia khác. Trung Quốc muốn tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, là những quốc gia chắc chắn sẽ can thiệp vào vấn đề Biển Đông vì chiến lược và lợi ích của họ (an ninh hàng hải, đi lại tự do, hợp tác làm ăn…) trong khu vực này.

Mục tiêu thứ hai là để mọi người làm quen với "lộ trình đoạt trọn Biển Đông" được diễn đạt bằng tuyên bố "đường lưỡi bò chín đoạn"  rộng 1,7 triệu km2 Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và một số bãi cạn mà Philippines tuyên bố có chủ quyền (Scarborough Shoal và Second Thoms Shoal).

Mục tiêu thứ ba là thúc đẩy lực lượng hải quân bành trướng quân sự ra Biển Đông nhằm đánh chiếm những điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở quần đảo Trường Sa hiện chưa có bên nào phái quân chiếm đóng hoặc lực lượng mỏng yếu, vị trí trọng yếu. Ngày 7/5/2013 tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông, một tờ báo được xem như phiên bản của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc nhận định, đăng một bài viết cho biết năm 2013 sẽ trở thành năm quan trọng của "trận giao tranh" giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông trong khi "Bắc Kinh đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tấn công liên tục, không ngừng". Trước đó, ngày 26/4/2013, ông Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, công khai lên tiếng đòi Việt Nam và Philippines trả lại 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa cho Bắc Kinh. Những vụ va chạm nhỏ trên Biển Đông, Trường Sa (như vụ việc Philippines bắn tàu cá Đài Loan) cung cấp cho Trung Quốc cái cớ để chiếm bãi đá Scarborough và cho dù Philippines và Việt Nam có xoay sở đối phó ra sao, Bắc Kinh sẽ giữ nguyên ý định từng bước chiếm đoạt các đảo, đá ở Trường Sa.

Mục tiêu thứ tư là cố gắng chia rẽ sự doàn kết trong nội bộ khối ASEAN, với khẩu hiệu "đưa ASEAN quay trở lại châu Á" và "nhắc nhở" Philippines, Việt Nam chớ quên Bắc Kinh "có truyền thống tiên lễ, hậu binh" như tờ Hoàn cầu thời báo cảnh cáo ngày 06/05/2013 vừa qua. Trong hội nghị Shangri-La lần này, yếu tố đoàn kết trong nội bộ ASEAN có thể sẽ làm thay đổi thế cờ chiến lược trên Biển Đông. Chính vì thế, Bắc Kinh tỏ ra rất lo ngại và đã, một mặt, làm áp lực và khống chế từng quốc gia và, mặt khác, lôi kéo, chiêu dụ những quốc gia khác về phía mình. Chuyến viếng thăm bốn nước ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei) của ông Vương Nghị, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, hồi đầu tháng 05/2013 vừa qua không phải tình cờ, nó có mục đích thăm dò sự đoàn kết của ASEAN như thế nào. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tấn công chiếm đóng các hải đảo trên Biển Đông bằng quân sự, Bắc Kinh sẽ gặp phản ứng mạnh mẽ của cả thế giới. Việt Nam và Philippines sẽ có thái độ cứng rắn hơn. Trước sự cố này, khối ASEAN chắc chắn sẽ đoàn kết hơn và hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản để chống lại Trung Quốc.

Mục tiêu thứ năm là xác định vai trò cường quốc hàng hải trên Biển Đông. Đối với Trung Quốc, Biển Đông không chỉ là nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới lònhg biển mà còn là một vị trí chiến lược quốc tế quan trọng, đó là đường giao thông và vận chuyển hàng hóa liên quan tới những cường quốc lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Hàn, Ấn Độ... Nếu làm chủ được con đường này, Trung Quốc sẽ là đối tác không thể thiếu trong những đàm phán trong khu vực, do đó bằng mọi giá Bắc Kinh muốn xác định vị thế của mình trên con đường đó. Theo dự trù, sau khi thống nhất với Đài Loan (chưa rõ vào năm nào), Bắc Kinh sẽ chỉnh đốn lại lực lượng trong hai năm và sau đó tiến hành tiến chiếm toàn bộ khu vực Biển Đông trước năm 2028.

Đề làm hậu thuẩn cho những mục tiều trên, trả lời một cuộc phỏng vấn do đài phát thanh Thượng Hải tổ chức ngày 27/05, ông Hàn Đúc Đông, giáo sư của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên tấn công khi cần thiết để chiếm các đảo và bãi cạn mà nước khác đang kiểm soát trên Biển Đông. Vì, theo ông, vấn đề Biển Đông rất khó để giải quyết bằng quyền lực mềm (ngoại giao, tòa án quốc tế, hội nghị và diễn đàn). Ông Hàn nói : "Ngoại giao chỉ phát huy tác dụng khi được quân đội hỗ trợ".

Chính vì lo ngại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề chính được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La, hay Hội nghị an ninh Châu Á, để kềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Người ta trông đợi rất nhiều vào bài diễn văn khai mạc hội nghị của thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Văn Huy

(Thông luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét