Pages

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Tôi đi xem “tấu hài”


Mẹ Nấm - Mặc dù đã được nghe, được đọc nhiều thông tin về các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ được trực tiếp tham gia vào một phiên tòa xử những vụ việc tương tự như trên. Và hôm nay, ngày 27/06/2013, lần đầu tiên, tôi được xem “tấu hài” miễn phí tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số 2 đường Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang...

*

Việc khiếu nại, khiếu kiện đất đai luôn là chủ đề nóng tại Việt Nam hiện nay. Bởi việc ban hành các nghị định, quyết định, thông tư của các cơ quan chức năng nhà nước trong vấn đề thu hồi, cưỡng chế giải tỏa đất nhằm phục vụ nhu cầu đô thị hóa của chính quyền hoặc các chủ đầu tư (tư nhân) ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người dân.

Khi việc tư hữu hóa đất đai chưa được hiến pháp công nhận, thì bằng cách quyết định trái pháp luật được ban hành, các cơ quan nhà nước đã tạo ra một giai cấp xã hội mới sau năm 1975, được gọi là dân oan – tức là những người đang từ có nhà cửa, công ăn việc làm, nay bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất, không nghề nghiệp do bị tịch thu mất đất, mất nhà. 

Mặc dù đã được nghe, được đọc nhiều thông tin về các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ được trực tiếp tham gia vào một phiên tòa xử những vụ việc tương tự như trên. Và hôm nay, ngày 27/06/2013, lần đầu tiên, tôi được xem “tấu hài” miễn phí tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số 2 đường Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang.

Nguyên đơn vụ khởi kiện quyết định hành chính về việc cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng là vợ chồng ông Quang Nhật Mạnh.

Bị đơn là Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang. 

Tóm tắt vụ việc như sau: 

Sau khi phê duyệt dự án xây dựng mới chợ Vĩnh Hải, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi trắng 402m2 đất sở hữu hợp pháp của gia đình ông Quang Nhật Mạnh tại địa chỉ 40B đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Địa chỉ này đồng thời là nhà ở, cũng là nơi sinh hoạt của Clb Thanh niên Vĩnh Hải (một trong những địa chỉ rèn luyện thân thể và sinh hoạt văn hóa khá mạnh ở phía Bắc thành phố), và là nơi tập luyện của Clb Khuyết tật Vĩnh Hải do ông Mạnh làm chủ nhiệm.

Ngày 25/07/2008, trong khi ông Mạnh đang thực hiện nhiệm vụ là HLV Đội tuyển Paralympic Bắc Kinh 2008 của Việt Nam thì nhà ở và câu lạc bộ của gia đình ông bị cưỡng chế giải tỏa trắng. Điều đáng nói ở đây là quá trình tống đạt các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, biên bản giao đất tái định cư đều không đúng với quy định của pháp luật.

Từ chỗ là một gia đình có nơi ở và nghề nghiệp đàng hoàng, cả gia đình ông Mạnh phải thuê nhà trọ ở và kiếm sống bằng nghề giữ xe tại khu vực chợ Vĩnh Hải. 

Sau 5 năm ròng rã đi khiếu nại, khiếu kiện, lần đầu tiên vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. 

Bên phía bị đơn, Chủ tịch UBND thành phố không xuất hiện. Hai người được ủy quyền là ông Phạm Văn Thọ, giám đốc Ban QLDA các CTXD Nha Trang, và ông Trần Duy Sơn, cán bộ Ban QLDA các CTXD Nha Trang, chỉ có ông Sơn xuất hiện. 

Phiên tòa được bắt đầu trễ hơn dự kiến một tiếng mà không có bất kỳ thông báo nào. Ngay trong phần bắt đầu phiên tòa, ông Quang Nhật Mạnh đã phát biểu “sau chừng đó năm chờ đợi, hôm nay tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện”. 

Ngay trong phần tranh luận, đại điện bị đơn là ông Trần Duy Sơn không trả lời được hầu hết các câu hỏi do luật sư bên nguyên đưa ra, và không thể cung cấp các chứng cứ có liên quan theo đề nghị của tòa. Chủ tọa phiên đã nhắc nhở ông Sơn: nếu câu nào anh trả lời được thì anh trả lời, câu nào không thì anh thông báo, vì đây là cơ quan nhà nước, khâu quản lý không chỉ do một người đảm nhiệm nên có thể anh sẽ không tìm ra nếu không trực tiếp thực hiện. 

Sau phần hỏi đáp cả hai bên nguyên và bị đơn, bà Phạm Thị Minh Huyền, đại diện VKS Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đọc bản kết luận của VKS (hình như đã được chuẩn bị sẵn từ trước) nội dung chủ yếu như sau: xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý của VKS nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đề nghị tòa xem xét. 

Khi chứng kiến hình ảnh bà Huyền rút sẵn tập giấy A4 đã được đánh máy sẵn ra đọc, tôi tự hỏi, nếu đã biết trước kết luận này thì hóa ra màn hỏi – đáp nãy giờ của bà là một màn diễn ư? 

Thực sự, tôi rất thắc mắc về việc chuẩn bị sẵn kết luận của VKS, bởi nó là một trong những yếu tố quyết định sự công bằng trong phiên tòa, và quả thật lời đồn có những “bản án bỏ túi” là có cơ sở. 

Sau giờ nghỉ trưa, chủ tọa thay mặt HĐXX tuyên bố “đình chỉ xét xử vụ án hành chính”, “chuyển toàn bộ hồ sơ về Tòa án thành phố Nha Trang để giải quyết theo thẩm quyền”. 


Vậy là chỉ cần khoảng 7 phút, màn tấu hài đã kết thúc dù nó bắt đầu trễ hơn dự định 1 tiếng. 

Câu hỏi theo tôi trên suốt đường về: Nếu đã xác định là không thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh, tại sao ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu nguyên đơn bổ sung, cung cấp chứng cứ họ không từ chối thụ lý vụ này? Tạo sao phải lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân để diễn một màn tấu hài như hôm nay? Phải chăng họ muốn xem nguyên đơn thực sự có những chứng cứ gì từ đó đá lại quả bóng trách nhiệm cho tòa thành phố để dễ bề đối phó với người dân hơn?

5 năm chờ đợi công lý của gia đình ông Mạnh có thể chưa là gì so với thời gian chờ đợi mỏi mòn của hàng trăm ngàn dân oan khác trên khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. 

Điều đó nói lên điều gì?

Pháp luật được lập ra là để duy trì trật tự xã hội, không phải phục vụ lợi ích của một nhóm người nào, cũng không phải là cái bẫy để đẩy người dân vào vòng tròn khiếu kiện lẩn quẩn vì đợi chờ. 

Cùng lúc với việc Quốc hội hoãn thông qua sửa đổi luật đất đai, hành động của những người đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm nay một lần nữa chỉ ra rằng: chính quyền sẽ không từ bỏ lợi ích của mình khi bị phát hiện có sai phạm một cách dễ dàng. Họ không thể lôi từng cá nhân có quyết định sai phạm ra ánh sáng, bởi đương nhiên là không ai chịu chết một mình, họ sẽ bằng mọi giá, mọi cách, mọi thủ đoạn để bấu víu và bảo vệ quyền lợi của mình.

Không giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn xung đột giữa người dân và chính quyền trong các vụ khiếu nại, khiếu kiện đất đai hôm nay, xem ra, chính quyền Việt Nam không khác gì mấy bọn cường hào ác bá bóc lột xương máu, tiền của nhân dân mà họ đòi xóa bỏ từ thời Cách mạng Tháng Tám.

Lẽ nào đi một vòng tròn, nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quang vinh muôn năm hôm nay, ngã đúng vào vết xe đổ của chế độ phong kiến ngày xưa? 

Có lẽ, hỏi tức là đã trả lời.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét