Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Đảng quyền, Nhân quyền và Thanh niên


Trần Gia Phụng (Danlambao) – Phổ biến bản “Công ước chống tra tấn” và bản Tuyên ngôn QTNQ nhằm nâng cao hiểu biết của quần chúng bị áp bức và cả hiểu biết của đảng viên CS, là bước khởi đầu trong việc đòi hỏi giải quyết khiếu nại, kiện tụng của dân oan về quyền tư hữu đất đai, chấm dứt những cảnh tấn công, đánh đập, bịt miệng một cách thiếu văn hóa, giải quyết những vấn đề tự do tôn giáo, giải quyết những bản án bất công đối với những tù nhân lương tâm, mở rộng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
*
Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) là hậu thân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) điều khiển. Chế độ CSVN là chế độ độc tài đảng trị toàn trị, đặt quyền lợi của đảng lên bậc tối thượng, có thể gọi là chế độ đảng quyền.
Chế độ đảng quyền Việt Nam chỉ biết có quyền lợi của đảng CSVN, xem thường tất cả các quyền khác của con người (nhân quyền) và của công dân (dân quyền). Hiến pháp CSVN tự đặt đảng CSVN lên trên toàn thể nhân dân Việt Nam, tự phong là “đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” (Điều 4 HP).
Chẳng những hiến pháp, mà luật lệ, điều lệ, quy định của tất cả các tổ chức công quyền cũng như tổ chức xã hội dưới chế độ CS Việt Nam hiện nay đều tôn xưng, củng cố quyền lực của đảng CSVN. Điều 13 Luật an ninh quốc gia áp dụng từ ngày 1-7-2005 quy định rằng: “Các hành vi bị nghiêm cấm: tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm… xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam…”.
Hai lực lượng chính yếu bảo vệ quốc gia là quân đội và an ninh đều được sử dụng để phục vụ đảng CSVN hơn là phục vụ dân tộc. Quân đội CSVN gọi là quân đội nhân dân, lấy câu nói của Hồ Chí Minh ngày 22-12-1964 làm kim chỉ nam hoạt động: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1963-1965), Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000 tr. 351.) Ngành công an CSVN cũng được gọi là công an nhân dân, sinh hoạt theo châm ngôn: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình.” Hai tổ chức dân sự là Mặt trận Tổ quốc và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cũng chỉ là công cụ của đảng CS mà thôi.
Nhà nước CSVN không bao giờ cho phổ biến những tài liệu về nhân quyền hay bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ) do Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố ngày 10-12-1948. Nền giáo dục của chế độ CSVN là nền giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng cộng sản. Chính sách giáo dục nầy nhằm mục đích đào tạo những con người hồng hơn chuyên, mang tính đảng nhiều hơn chuyên môn, và biết vâng lời hơn là biết suy nghĩ.
Trong chương trình giáo dục cộng sản, có môn chính trị ở trung và đại học về chủ nghĩa CS, lịch sử đảng CS, lịch sử Quốc tế CS, nhằm phục vụ chủ nghĩa CS, chứ không có môn Công dân giáo dục để dạy về bổn phận và quyền lợi công dân, và hoàn toàn không có chuyện học hay phổ biến bản TNQTNQ ngày 10-12-1948 của LHQ. Ở Bắc Việt trước năm 1975 không có Đại học luật khoa. Sau năm 1975, khi chiếm được miền Nam Việt Nam cho đến nay, cũng không có môn Công dân giáo dục ở học đường và không bao giờ có việc phổ biến ở trong trường cũng như ngoài xã hội bản QTNQ. Sách báo CS chỉ có một luận điệu duy nhất là nhồi sọ mọi người về đảng quyền CSVN mà thôi.
Phải dài dòng như thế để thấy rằng những người sống dưới chế độ CS từ 1945, rồi những người sinh ra và lớn lên ở Bắc Việt Nam sau năm 1954, và những người sinh ra sau 1975 ở trên toàn quốc Việt Nam, hoàn toàn không có điều kiện để tiếp cận về Tổ chức nhân quyền và bản TNQTNQ ngày 10-12-1948 của LHQ.
Dân số Việt Nam được sắp hạng là dân số trẻ trên thế giới. Năm 1975 dân số Việt Nam cả Bắc lẫn Nam Việt Nam khoảng từ 45 đến 50 triều. Hiện nay dân số lên đến khoảng 90 triều. Số tăng trưởng đó đều sinh sau năm 1975, cùng với số trẻ trước năm 1975 cộng lại, có thể nói hơn một nửa dân số thuộc giới trẻ.
Giới trẻ Việt Nam trong nước hiện nay dưới chế độ đảng quyền CS, hoàn toàn không được công khai giảng dạy, học hỏi về dân quyền, nhân quyền căn bản và bản Tuyên ngôn QTNQ ngày 10-12-1948 của LHQ; mà chỉ được đảng CSVN hướng dẫn về nhân quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa của CS, tức nhân quyền giới hạn dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Tất cả những ai đòi hỏi nhân quyền ra ngoài định hướng xã hội chủ nghĩa đều bị trấn áp, tấn công, đày đọa và tù đày suốt đời.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy giới trẻ hiện nay ở trong nước ý thức rất rõ quyền làm người của mình, thông qua đấu tranh chống những bất công xã hội hiện nay. Chính những bóc lột trắng trợn, bất công chồng chất, đàn áp dã man của CSVN đã dạy cho tuổi trẻ những bài học nhớ đời về nhân quyền. Tuổi trẻ Việt Nam đã tự học hỏi về nhân quyền qua những chứng nghiệm thực tế từng trải trong xã hội mà mình đang sống. Từ dân oan kiện tụng, đến tự do ngôn luận, viết blog góp ý, tự do tôn giáo, đến cả tỏ bày lòng yêu nước cũng bị đàn áp, như Việt Khang đã viết: “Xin hỏi anh là ai?/ Không cho tôi xuống đường để tỏ bày, / Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quá nhiều đắng cay.”
Vì vậy phong trào tranh đấu đòi hỏi nhân quyền căn bản đích thực của con người hiện nay ở Việt Nam, càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Lúc đầu, chỉ một vài người đi tiên phong và bị đàn áp, nhưng lạ lùng thay, càng bị đàn áp, thì tuổi trẻ Việt Nam càng vươn lên, tranh đấu cho tự do và nhân quyền, đúng như câu nói của một nhà lý thuyết cộng sản: Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Danh sách những nhà tranh đấu nhân quyền càng ngày càng dài, và sẽ tiếp tục dài thêm nữa khi chế độ đảng quyền còn tồn tại.
Do những cuộc tranh đấu liên tục ở trong nước, do những cuộc đàn áp dã man, những bản án bất công, những tù tội phi lý, mà chế độ đảng quyền CHXHCNVN trở thành nổi tiếng khắp thế giới về tài năng đàn áp nhân quyền. Điều nầy không cần ví dụ hay trích dẫn. Có thể vì vậy, trong năm nay, CHXHCNVN nạp đơn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ để kiếm cách rửa lại và lau chùi bộ mặt nhân quyền của chế độ.
Trước khi Đại hội đồng LHQ biểu quyết tại New York (Hoa Kỳ) bầu chọn đại diện mới vào HĐNQ, thì nhà cầm quyền CSVN đã thực hiện hai động tác gần như cùng một lúc:
1) Ngày 7-11-2013, tại New York, đại diện CHXHCNVN ký vào bản “Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” (United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment). Bản công ước được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987. (Danh sách cập nhật, xem United Nations Treaty Collection, http://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx). Hơn 15 năm sau, CSVN mới ký vào văn kiện nầy.
2) Tại Hà Nội bộ Tư pháp và Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương của CSVN tổ chức lễ công bố “Ngày Pháp luật” nước CHXHCN Việt Nam tối 8-11-2013, do Quốc hội CS thông qua Luật phổ biến giáo dục pháp luật, và chọn ngày 9-11 hằng năm làm ngày Pháp luật Việt Nam.
Để quảng cáo với các nước trên thế giới, và dọn đường cho LHQ dễ chấp thuận cho CHXHCNVN vào HĐNQ, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN phát biểu tại buổi lễ ở Hà Nội rằng Ngày pháp luật “có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng “đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” như Hiến pháp 1946 quy định. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.”(Báo Công Thương, Hà Nội ngày 9-11-2013)
Thật ra Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hiến pháp chết yểu, vì sau khi được quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 thì chỉ năm ngày sau, tức ngày 14-9-1946, cũng chính quốc hội nầy, dưới áp lực của đảng CS, tuyên bố đình chỉ thi hành hiến pháp. (Ở đây xin mở ngoặt là viên thủ tướng CS trưng dẫn bản hiến pháp chết yểu 1946 có nghĩa là bản hiến pháp nầy có giá trị hơn các bản Hiến pháp của CSVN được thông qua vào các ngày 31-12-1959, 18-12-1980 và 15-4-1992.)
Quốc hội CHXHCNVN chọn ngày 9-11 làm Ngày Pháp luật nhằm nhắc nhở ngày 9-11-1946 thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tuy nhiên, căn cứ trên một hiến pháp chỉ có trên giấy tờ nhưng không có giá trị thực hành, chưa bao giờ thực hành, thì không khác gì mời khách ăn bánh vẽ. Nguyễn Tấn Dũng lập lờ nói đến hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới với các nhà đầu tư quốc tế nhằm lôi cuốn các nước chấp thuận cho CHXHCNVN gia nhập HĐNQLHQ.
Cuối cùng, ngày 12-11-2013 vừa qua, vì chỉ có 4 ứng viên cho 4 ghế trong khu vực Á Châu nên CHXHCNVN đương nhiên đắc cử vào HĐNQLHQ. Báo chí cộng sản trong nước hết lời ca tụng đây là thành tích ngoại giao vẻ vang của CHXHCNVN, trong khi báo chí nước ngoài cho rằng LHQ trao gươm lầm tướng cướp. Thật ra chẳng có ai để trao gươm nên LHQ đành trao cho tướng cướp. Như thế là một nhà nước đảng quyền hết sức phản động, chà đạp nhân quyền một cách thô bạo, lại gặp thời gia nhập vào Hội đồng bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Khi ký vào bản “Công ước chống tra trấn” và gia nhập vào HĐNQLHQ, đương nhiên CHXHCNVN phải cam kết với LHQ là tôn trọng chủ trương của Công ước và của HĐNQ. Tuy cam kết như thế, nhưng không lấy gì bảo đảm rằng CHXHCNVN sẽ tôn trọng nhân quyền ở trong nước Việt Nam. Dầu vậy, việc ký vào bản Công ước chống tra tấn và việc xin gia nhập vào HĐNQLHQ là hành động đầu tiên của nhà nước CHXHCNVN công khai thừa nhận con người có nhân quyền đích thực như LHQ định nghĩa, khác với thứ nhân quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa do CSVN quy định. Sự kiện nầy mở ra hai thử thách về cả hai phía:
Phía nhà cầm quyền CSVN phải lựa chọn một trong hai thái độ: hoặc tiếp tục chủ trương nhân quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đàn áp trước những đòi hỏi càng ngày càng cao của dân chúng Việt Nam về những quyền căn bản đích thực của con người; hoặc đã vào sân chơi của HĐNQ là phải tôn trọng luật chơi, nghĩa là tôn trọng những quyền tự do căn bản đã quy định trong bản Tuyên ngôn QTNQ ngày 10-12-1948.
Phía người dân Việt Nam, hiện nay đại đa số là giới trẻ, sẽ dựa vào cơ hội nầy để đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN tôn trọng luật chơi. Trước đây, nhà cầm quyền CSVN không công nhận nhân quyền, tùy tiện đàn áp trắng trợn. Bây giờ, mang danh vào HĐNQ thì phải tôn trọng điều lệ, nội quy, chính sách của HĐNQ.
Việc đầu tiên có lẽ giới trẻ sẽ đòi hỏi là CHXHCNVN đã là thành viên của HĐNQ, thì ít nhất bản “Công ước chống tra tấn” và bản Tuyên ngôn QTNQ ngày 10-12-1948 của LHQ có thể được công khai phổ biến. Nếu nhà nước CHXHCNVN “quên” phổ biến, thì dân chúng có thể phổ biến “giùm” hai văn kiện nầy một cách rộng rãi đến mọi người dân ở trong nước.
Trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa không phải là thành viên của LHQ, cũng không phải là hội viên HĐNQ vì lúc đó chưa có HĐNQ, mà vẫn công khai phổ biến bản tuyên ngôn nầy. Chẳng những chính quyền VNCH tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm vào ngày 10-12, VNCH còn đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học ở lớp 9, rồi lớp 12 và ở các trường Đại học Luật khoa.
Nay CHXHCNVN đã long trọng ký kết vào bản Công ước chống tra tấn, đồng thời gia nhập vào HĐNQLHQ, thì bản Công ước và bản Tuyên ngôn QTNQ ngày 10-12-1948 đều là văn kiện của nhà nước CHXHCNVN. Giới trẻ có thể phổ biến giùm một cách công khai, rộng rãi, bất bạo động hai văn kiện nầy mà Công an CSVN không có lý do gì cấm đoán hay đàn áp, vì đây là hai tài liệu của đảng và chứ không chống đảng. Điều nầy cần nhấn mạnh để cho toàn thể dân chúng Việt Nam, kể cá cán bộ, quân đội, công an CS mạnh dạn giúp tiếp tay phổ biến tài liệu của nhà nước.
Phổ biến bản “Công ước chống tra tấn” và bản Tuyên ngôn QTNQ nhằm nâng cao hiểu biết của quần chúng bị áp bức và cả hiểu biết của đảng viên CS, là bước khởi đầu trong việc đòi hỏi giải quyết khiếu nại, kiện tụng của dân oan về quyền tư hữu đất đai, chấm dứt những cảnh tấn công, đánh đập, bịt miệng một cách thiếu văn hóa, giải quyết những vấn đề tự do tôn giáo, giải quyết những bản án bất công đối với những tù nhân lương tâm, mở rộng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Chắc chắn lúc đầu nhà nước CHXHCNVN sẽ vùng vẫy, gây khó khăn, trở ngại, nhưng nếu CHXHCNVN muốn tiếp tục cuộc chơi thì bắt buộc nhà cầm quyền CHXHCNVN phải tôn trọng luật lệ quốc tế. Cũng chắc chắn những đòi hỏi hợp tình hợp lý về nhân quyền đích thực của công dân sẽ bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp, có thể cả tiếp tục tù đày, nhưng xin nhớ đến câu nói của nhà cách mạng Phan Châu Trinh cách đây hơn 100 năm: Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì mọi việc khác có thể lần được.” (Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, tr. 116.) CHẮC CHẮN THANH NIÊN VIỆT NAM THỪA CAN ĐẢM TIẾN LÊN.
Toronto, 23-11-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét