Pages

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Cải cách kinh tế Trung Quốc : Trắc trở đang chờ ban lãnh đạo

Chủ tịch nước Tập Cận Bình (T) và Thủ tướng Lý Khắc Cường dự lễ
mửng Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 64 tại Bắc Kinh
REUTERS/Jason Lee
Tú Anh
Hàng loạt vấn đề đang chờ quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc nhân Hội nghị trung ương đảng Cộng sản trong bốn ngày từ 9 đến 12/11/2013. Nhưng liệu các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường có đủ thực lực và thực tâm để thực hiện lời hứa cải cách từ kinh tế, y tế, an sinh xã hội đến quyền sở hữu đất đai hay chỉ là một màn trình diễn rồi đâu lại vào đấy ?.

Thái độ im lặng của Chủ tịch Trung Quốc về khả năng cải cách chính trị cho phép dự đoán là Hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trong 4 ngày cuối tuần này chỉ tập trung vào đề tài kinh tế và làm sao bám chặt bộ máy quyền lực .
Theo ông Du Chính Thanh, nhân vật đứng hàng số 4 trong Bộ Chính trị, thì có nhiều « dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đối diện với những cải cách vô tiền khoáng hậu ».
Thế nhưng, mặc dù bản thân Thủ tướng Lý Khắc Cường tự cho mình là thuộc xu hướng cải cách, cho đến nay, ông không nói rõ chủ trương cụ thể ra sao.
Gần đây, Trung tâm nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đề ra một chương trình cải cách chi tiết mà 200 ủy viên trung ương đảng phải thảo luận và cuối tuần này, từ ngày 09 đến 12/11.
Bản nghiên cứu do chuyên gia Lý Vĩ, nguyên là Bí thư của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và người thứ hai là Lưu Hà, cố vấn kinh tế của đương kim Chủ tịch nước Tập Cận Bình soạn thảo và được Tân Hoa xã phổ biến.
Theo các tác giả này, chính quyền từ trung ương đến địa phương phải nới lỏng độc quyền kinh tế, phải để cho tư nhân cạnh tranh với công ty quốc doanh, đặc biệt trong các lãnh vực ngân hàng, năng lượng, hạ tầng cơ sở, điện thoại, viễn thông. Trong các công ty Nhà nước, phải lật qua trang sử « hồng hơn chuyên », phải bổ nhiệm lãnh đạo theo tài năng thay vì theo tiêu chuẩn trung thành với đảng Cộng sản.
Về tài chính, bản báo cáo đề nghị từ nay đến 2020, đồng nhân dân tệ cần được « chuyển hoán » và đưa vào sử dụng trong giao thương thanh toán theo nguyên tắc quốc tế.
Về mặt xã hội, hai đề nghị quan trọng có thể làm đời sống người dân Hoa lục được cải thiện đúng nghĩa : Một là thành lập một hệ thống an sinh xã hội, người già và người nghèo được khoản trợ cấp tối thiểu để sống, phí tổn y tế thuốc men được bồi hoàn, học sinh nghèo được học bổng . Đề nghị thứ hai là chấm dứt « chính sách hộ khẩu », mà chính quyền sử dụng để trói buộc nông dân suốt kiếp ở thôn làng. « Hộ khẩu » là nguồn bất công xã hội rất lớn tại Trung Quốc. Với địa chỉ hộ khẩu chính thức ở nhà quê, nông dân lên thành phố kiếm sống không được trợ giúp y tế, con cái không được đi học.
Một đề nghị khác là chính quyền phải bảo đảm cho nông dân quyền bán đất canh tác với giá đất ở thành phố. Cho đến nay, chỉ có cán bộ lãnh đạo làng xã là có quyền bán đất của làng, gây ra tình trạng tham ô, đầu cơ cưỡng chế mà hệ quả là xảy ra hàng trăm ngàn vụ nông dân biểu tình bạo động mỗi năm.
Theo nhận định của giới phân tích, nhiều đề nghị trên đây đã từng được đưa ra trong quá khứ, nhưng cuối cùng bị gạt qua một bên.
Điểm khác biệt lần này là bản nghiên cứu cải cách do chính đảng Cộng sản « đặt hàng » nên có nhiều cơ may được Hội nghị trung ương thảo luận.
Tuy nhiên, theo phân tích của Asia News, ngay trong trường hợp này, các nhóm lợi ích mà quyền lợi gắn chặt với lãnh vực quốc doanh sẽ gây sức ép để bảo vệ độc quyền.
Trong thời gian qua, đột nhiên báo chí Nhà nước không còn nói đến cải cách chính trị mà chỉ bàn về kinh tế. Bản thân ông Tập Cận Bình, sau một vài câu tuyên bố kêu gọi đảng viên tôn trọng pháp luật, ông đã thay đổi thái độ quay sang bảo vệ đặc quyền của Đảng .Từ tháng ba đến nay, hàng loạt nhà hoạt động, nghe theo lời hứa chống tham nhũng của Chủ tịch đòi quan chức kê khai tài sản, đã bị cầm tù.
Chính trị bị khóa chốt còn các dự án tự do kinh tế thì sao ?
Dự án đặc khu kinh tế tự do tại Thượng Hải dường như cũng bị « chìm xuồng ». Không một kế hoạch, một lịch trình cải cách tài chính then chốt nào được thông báo. Mô hình đặc khu Thượng Hải đã không được giới đầu tư hoan nghênh theo như thú nhận của chính Thị trưởng Thượng Hải Dương Hùng (Yang Xiong). Được công bố rầm rộ ngày 29/09, Đặc khu Thượng hải là thí điểm đầu tiên của chương trình cải cách kinh tế « tự do » và cũng là sáng kiến của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng lại kèm theo đến « 200 điều cấm kỵ ». Sự kiện Thủ tướng Trung Quốc vắng mặt trong ngày phát động đặc khu kinh tế đã được bình luận rất nhiều và rất có thể là dấu hiệu bản thân ông bị áp lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét