Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VẪN ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG BẢN HIẾN PHÁP MỚI TẠI VIỆT NAM

Icon_Symbols_ĐCS_Hiến Pháp 1946
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, Phía Trước / John BoudreauBloomberg News
Các lãnh đạo tại Việt Nam đang thắt chặt quyền kiểm soát của họ lên nền kinh tế nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền, và các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục giữa vai trò chủ đạo trong bản hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua trong tuần này.
Hồi đầu năm nay, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam cho biết họ có thể tận dụng đợt sửa đổi hiến pháp trong năm nay để cải cách nền kinh tế vốn đã bị trì trệ xuống mức thấp nhất trong 13 năm vừa qua và hướng tới một hệ thống kinh tế định hướng thị trường. Nhưng cho đến nay thì các lãnh đạo nước này đã tiếp tục lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo cho nền kinh tế Việt Nam. Thời quan qua, các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đã góp phần vào tỷ lệ nợ xấu cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Nhà đầu tư Mark Mobius cho biết củng cố chế độ một đảng hiện nay chỉ làm tăng nguy cơ trì hoãn những cải cách cần thiết như tính minh bạch, giữa lúc mà tình trạng bất ổn xã hội liên quan đến các vấn đề như quyền sử dụng đất đai đang ngày càng tăng cao. Trì hoãn kinh tế đã dẫn đến việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo cao cấp trong các cuộc họp Quốc hội hồi đầu năm nay, một sự kiện chưa từng xảy ra tại Việt Nam. Một số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị sửa đổi hiến pháp để cho phép “cạnh tranh chính trị”.
“Hiện nay Việt Nam ​​đang lâm vào cảnh tối tăm giữa cơn bão”, Carlyle Thayer – giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra nói. “Nền kinh tế không đạt được mức tăng trưởng 7% như họ mong muốn. Bất cứ lúc nào có biến động thì họ [Đảng Cộng sản] muốn duy trì sự kiểm soát”.
Các quan chức chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ ở mức khoảng 5,4% và 5,8% vào năm 2014, và đây có thể là năm thứ 7 liên tiếp mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức 7%. Theo ước tính của các kinh tế gia và các công ty xếp hạng tín dụng nước ngoài thì nợ xấu của Việt Nam trong thực tế cao hơn rất nhiều so với 4,62% dư nợ cho vay mà chính phủ báo cáo hồi cuối tháng Chín vừa qua. Nợ xấu đã liên tục ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và làm tổn thương nhiều doanh nghiệp tại nước này.
Các nhà đầu tư thấy ‘bất ổn’
Mobius, Chủ tịch Điều hành Templeton Emerging Markets Group trị giá lên đến 53 tỷ USD, cho biết rằng nếu Việt Nam tiếp tục trì hoãn những cải cách cần thiết thì sẽ làm các nhà đầu tư nước ngoài thất vọng bởi hệ thống quản lý mơ hồ tại đây.
“Nếu bạn đang kinh doanh tại Việt Nam thì biết rằng vai trò của chính phủ tại đây rất lớn”, ông nói qua điện thoại. “Chúng tôi phải theo dõi rất kỹ để xem những gì đang diễn ra. Việt Nam là một nước độc đảng và các quyết định thường được thực hiện sau những cánh cửa khép kín. Chúng tôi cần thấy sự minh bạch nhiều hơn nữa”.
Xuất khẩu tại Việt Nam tăng 13% trong tháng Mười vừa qua so với một năm trước đó. Chỉ số này còn nhiều hơn gấp hai lần tốc độ tại Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tiếp tục tăng 54%, lên đến 20,8 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay. Ông Mobius cho biết chính phủ Việt Nam muốn duy trì chỉ số tăng trưởng này.
“Tôi chắc chắn có một nhóm trong đảng muốn thấy Việt Nam cải cách nhiều hơn nữa”, ông nói.
Ông Mobius và các nhà đầu tư chứng khoán khác đã góp sức làm tăng chỉ số VN-Index 24% trong năm nay với kỳ vọng rằng chính phủ sẽ nới lỏng và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phần tại các công ty niêm yết trên thị trường.
Dự thảo hiến pháp sửa đổi lần này viết “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế”, trong đó “khu vực kinh tế nhà nước đảm nhận vai trò chủ đạo”. Bản hiến pháp sửa đổi cũng duy trì ngôn ngữ rằng tất cả các thành phần kinh tế sẽ hoạt động bình đẳng theo pháp luật.
Bỏ lỡ cơ hội
Các công ty nước ngoài cũng như các nhà đầu tư “sẽ thấy rằng hiến pháp không có thay đổi gì đáng kể và họ có thể hiểu rằng chúng tôi thực sự không muốn thay đổi và đó sẽ là một tín hiệu sai lầm”, ông Lê Đăng Doanh – một chuyên gia kinh tế độc lập và người đã từng tư vấn cho hai đời thủ tướng trong đó có ông Nguyễn Tấn Dũng, cho biết.
“Một số nhà đầu tư có thể xem đây là sự ổn định nhưng nhiều người khác thì xem đây là sự trì trệ”.
Ông Doanh cũng cho biết rằng các lãnh đạo Trung Quốc đã tung ra những chính sách thay đổi kinh tế nhằm đáp ứng với việc tăng trưởng bị chậm lại, và họ đã thể hiện sự sẵn sàng hơn trong việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng tôi đang làm mất đi cơ hội tuyệt vời để thực sự cải cách”, ông Doanh – một trong số 72 trí thức ký tên vào thư đề nghị Quốc hội sửa đổi hiến pháp, cho biết . “Chúng tôi có thể phải trả giá từ bản hiến pháp mới này. Nó sẽ không thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi khu vực kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mà lại làm chủ đạo hàng đầu trong nền kinh tế”.
Bất ổn kinh tế
Bản dự thảo hiến pháp mới này, vốn được thông qua vào năm 1992, cũng mở rộng sự ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng cách đặt công an và quân đội dưới sự kiểm soát của họ và cho phép chính phủ nhiều quyền hạn hơn để ngăn chặn tự do ngôn luận.
Sau khi chính sách “Đổi mới” được thông qua hồi năm 1986 và cho phép doanh nghiệp tư nhân chính thức hoạt động kể từ khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế tại đây đã bùng nổ và tăng tốc nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước là xương sống của nền kinh tế, cung cấp sự ổn định trong thời kỳ suy thoái toàn cầu gần đây, Đại điểu Quốc hội Trần Minh Diệu nói với VietnamNet ngày 06 tháng Mười một vừa qua.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng Tám cho biết rằng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước là lỗ hỏng trong nền kinh tế hiện nay.
‘Vẫn còn cần thiết’
“Mặc dù còn thiếu sót trong cách quản lý, vận hành và sản xuất kinh doanh nhưng [doanh nghiệp nhà nước] vẫn cần thiết để tăng cường chúng”, ông Diệu nói.
Các lãnh đạo Việt Nam hiện đang bị áp lực buộc phải thay đổi. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tháng hồi Sáu vừa qua, gần một phần ba đại biểu Quốc hội đã đánh giá thấp Thủ tướng Dũng và 42% bỏ phiếu “tín nhiệm thấp” đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được điều hành bởi chính phủ đã gần như sụp đổ hồi năm 2010 vì hoạt động kém hiệu quả và không có khả năng quản lý nợ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết. Hiện nay tập đoàn này đổi tên thành Công ty Công nghiệp Tàu thủy [Shipbuilding Industry Corp].
Theo kinh tế gia Dominic Mellor tại Ngân hàng Phát triển châu Á thì hiện đang có “sự giằng co” giữa các lãnh đạo Việt Nam về các ngôn từ trong dự thảo sửa đổi hiến pháp về vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
“Có những nhóm quyền lợi và một số nhóm chắc chắn sẽ không muốn thay đổi”, ông Dominic nói qua điện thoại. “Tuy nhiên, mức độ bất ổn trong những năm gần đây gia tăng và cách quản lý quá yếu kém tại các doanh nghiệp nhà nước đã dẫn đến các cuộc tranh luận”.
Cách diễn đạt trong bản hiến pháp sửa đổi lần này có thể sẽ không dẫn đến sự sụt giảm ngắn hạn trong những dự án đầu tư, ông Tim Condon – Trưởng kinh tế gia thuộc ING Financial Markets tại khu vực châu Á tại ở Singapore và người đã từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, cho biết. Tầng lớp trung lưu đang phát triển cộng thêm chi phí lao động thấp tại Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài từ Trung Quốc đến đầu tư tại đây, ông nói.
“Nếu như hiến pháp sửa đổi này có hiệu lực  thì những hậu quả sẽ được phơi bày ra trong thời gian dài hạn: tốc độ tăng trưởng chậm hơn sẽ xảy ra”, Condon nói. “Chúng ta có thể nhìn lại quyết định này trong 20 năm và xem nó như là một quyết định định mệnh”.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
_______
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét