Pages

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Báo Mỹ: Trung Quốc gian lận về PISA

Thượng Hải và Hồng Kông, 2 thành phố của Trung Quốc, đã giành những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng PISA. Câu chuyện về hai học sinh Thượng Hải dưới đây có thể phần nào lí giải về thành công của hai thành phố trên. Tuy nhiên, tạp chí Time của Mỹ cho rằng, xét tổng thể, Trung Quốc đã gian lận về việc xếp hạng thành tích của học sinh nước này.

Lần thứ hai tham gia PISA, học sinh ở thủ đô tài chính của Trung Quốc lại trở thành nhà vô địch thế giới về toán học, khoa học và đọc hiểu. Vậy chìa khóa của thành tích trên là gì? Có lẽ câu chuyện dưới đây về hai cô bé Lucy Dong và Amy Zhu trên tờ Telegraph (Anh) sẽ giúp tìm ra chìa khóa đó.
Hàng ngày, Lucy Dong và bạn thân Amy Zhu tỉnh dậy vào khoảng 7-7 giờ 10 phút sáng, trệu trạo ăn bữa sáng với món mì và hướng tới nơi có thể được coi là một trong những hệ thống trường học tốt nhất thế giới.

Lucy Dong (trái) và bạn thân Amy Zhu.

Hàng ngay, cả hai cô bé 10 tuổi và được sinh ra ở Thượng Hải này đều phải học từ 8 giờ sáng cho tới 4 giờ chiều, và chỉ được nghỉ giải lao trong khoảng 35 phút gồm cả bữa trưa và họp lớp.


Ngoài giờ học chính trên lớp, hai cô bé còn tham gia vô số lớp học thêm khác: học tiếng Anh, học thổi sáo, đánh trống, luyện viết chữ, thư pháp, Taekwondo, học làm người mẫu và học hát.
Để theo đuổi giấc mơ trở thành nhà du hành vũ trụ và người ngâm thơ, cuộc sống của Lucy và Amy không hề nhẹ nhàng. Nhưng ít nhất, hai cô bé cũng là một phần trong hệ thống giáo dục có vẻ đem lại kết quả rất tốt.
Vừa qua, Thượng Hải đã giành vị trí vô địch kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD) về toán học, đọc hiểu và khoa học với sự tham gia của khoảng 510.000 học sinh trung học cơ sở trên toàn thế giới.
Học sinh Thượng Hải đứng đầu thế giới về toán học với điểm trung bình là 613 (cao hơn so với kết quả PISA 600 điểm của năm 2010). Về đọc hiểu, học sinh thành phố này đạt trung bình 570 điểm, vượt lên Hồng Kông và Singapore. Thượng Hải cũng vô địch về khoa học và 25% học sinh của thành phố này thuộc nhóm “xuất sắc nhất”.
Một số chuyên gia nghi ngờ ý nghĩa của việc đánh giá kết quả PISA giữa các thành phố với các quốc gia. Một số khác lại phân tích rằng Thượng Hải với các trường “nhà giàu” và các giáo viên được trả lương cao không thể là đại diện của cả hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Mức lương trung bình của một giáo viên ở Thượng Hải là 4.400 nhân dân tệ (723 USD)/tháng trong khi ở tỉnh Vân Nam, lương của các giáo viên là 2.000 nhân dân tệ (328 USD).
Dù vậy, với thành tích đó, có thể sắp tới các nhà giáo dục sẽ đổ xô tới thành phố này để tìm hiểu công thức của “phép màu” trên.
Giáo sư Kong Lingshuai của Đại học giáo dục thuộc Đại học Thượng Hải là người đã nghiên cứu những thành công trong kết quả PISA của thành phố này. Ông cho rằng bí quyết thành công của Thượng Hải là sự kết hợp giữa “những nhân tố truyền thống và hiện đại”. Yếu tố truyền thống là kì vọng cao của các “cha mẹ hổ” và trẻ em từ bé đã được giáo dục rằng chăm chỉ là yếu tố then chốt để đạt kết quả cao trong học tập.
“Các bậc phụ huynh Trung Quốc rất chú ý tới việc học hành của con cái với hi vọng rằng một ngày nào đó con trai họ sẽ trở thành “rồng” còn con gái sẽ trở thành “chim phượng hoàng”, giáo sư Kong nói.
Những “yếu tố hiện đại” là việc Thượng Hải luôn sẵn sàng cải tiến giáo án và phương pháp giảng dạy; tập trung vào việc cải thiện chất lượng ở những trường yếu bằng cách liên kết các trường này với những trường có thành tích xuất sắc, cởi mở với những ý tưởng của nước ngoài và trả tiền lương dựa theo thành tích.
Ngoài ra theo giáo sư Kong, ám ảnh về việc đào tạo cũng là một nguyên nhân. Ví dụ năm ngoái, các giáo viên mới được tuyển dụng phải trải qua một khóa huấn luyện chuẩn kéo dài 1 năm trước khi được đứng trên bục giảng.
Khi hoàn thành tốt khóa học trên, các giáo viên cũng cần phải trải qua 240 giờ đào tạo trong 5 năm đầu tiên trong nghề. Các giáo viên cũng được khuyến khích dự giờ lẫn nhau để thúc đẩy tinh thần “chia sẻ và trao đổi ý tưởng và cạnh tranh một cách tích cực”.
Người nước ngoài thường nhìn nhận hệ thống giáo dục Trung Quốc giống như chiếc nồi áp suất, “cuồng” kiểm tra và đặt nặng việc “học vẹt” mà ít khuyến khích tính sáng tạo.

Giáo dục Trung Quốc được cho là hệ thống nặng về thi cử.
Nhưng ít nhất ở Thượng Hải, tình hình đang bắt đầu thay đổi. Giới chức thành phố này đang bỏ dần phương pháp kiểm tra đặt nặng việc ghi nhớ các số liệu và một số trường học cũng cho học sinh thêm thời gian hơn để chơi.
Gao Xinhong, một học sinh Thượng Hải, cho biết hệ thống giáo dục ở thành phố này đã trở nên linh hoạt hơn: “Điều tuyệt vời nhất của hệ thống giáo dục Thượng Hải là hệ thống đó giúp em phát triển toàn diện hơn so với giáo dục ở các thành phố khác. Em thấy giáo dục của Thượng Hải rất tốt bởi hệ thống đó không coi điểm thi là điều duy nhất đánh gia năng lực của một học sinh”.
Zhu Yi, cha của Amy Zhu, cũng có cùng suy nghĩ: “Hệ thống giáo dục hiện nay tốt hơn trước đây. Các trường học ở Thượng Hải tập trung vào việc phát triển học sinh một cách toàn diện”.
Anh Zhu cho rằng chính tinh thần học tập cao của người Trung Quốc từ xa xưa là nguyên nhân giúp Thượng Hải đạt được thành tích cao về PISA như vậy. Tuy nhiên anh cũng cảnh báo: “Giáo dục còn là một phần của văn hóa. Giáo dục không thể được sao chép hay vay mượn”.
Giáo sư Kong nói rằng các nhân tố văn hóa là nguyên nhân then chốt dẫn tới thành công của Thượng Hải về PISA nhưng ông cũng cho rằng học sinh các nước phương Tây cũng có thể đuổi kịp học sinh châu Á nếu dành nhiều thời gian hơn để làm bài tập về nhà.
“Số giờ làm bài tập về nhà của học sinh Trung Quốc cao hơn học sinh các nước phương Tây rất nhiều”, ông nói.
Câu chuyện về thành công của giáo dục Thượng Hải có vẻ sẽ thu hút chuyên gia giáo dục từ nhiều nước. Tuy nhiên, tác giả David Stout trên tạp chí Time cho rằng, Trung Quốc đang gian lận với hệ thống đánh giá PISA.
Các bài thi PISA của OECD được tổ chức 3 năm một lần. Trong năm 2012, đứng thứ nhất và thứ ba là hai thành phố của Trung Quốc: Thượng Hải và Hồng Kông.
Nhưng Trung Quốc không tham gia vào bảng xếp hạng PISA với tư cách một quốc gia như các nước khác mà chỉ công bố kết quả PISA của thành phố Thượng Hải (Khu tự trị Hồng Kông tự gửi các dữ liệu của thành phố này).
Học sinh Thượng Hải và Hồng Kông có trình độ cao hơn rất nhiều so với học sinh các khu vực khác của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Tom Loveless của Viện Brookings cho biết: “84% số học sinh phổ thông trung học ở Thượng Hải đỗ vào các trường đại học trong khi tỉ lệ đó trên toàn Trung Quốc là 24%”. Ngoài ra, các bậc phụ huynh ở Thượng Hải chi tiền học thêm cho con cái nhiều hơn mức thu nhập trung bình cả năm của một công nhân nước này.
Tác giả David Stout kết luận rằng, Trung Quốc đã gian lận khi không cung cấp các dữ liệu ở qui mô quốc gia.
Hồi đầu năm nay, nhà nghiên cứu Loveless cho rằng kết quả PISA của Thượng Hải “sẽ bị xuyên tạc thành kết quả của toàn đất nước Trung Quốc sau khi dư luận thế giới không ngừng bàn tán về thành tích này”.
“Điều đó hoàn toàn sai lầm”, ông kết luận. /Lê Dung (Info)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét