(GDVN) - "Có nên xử tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ngay không? Chết là hết! Tử hình như vậy thì đơn giản quá. Sai phạm của hai người này là ở lĩnh vực quản lý kinh tế, nó khác với tội phạm hình sự như giết người...Đứng sau Dương Chí Dũng có ai chỉ đạo không? Vai trò của các cơ quan quản lý trên Vinalines thế nào". Ông Vũ Mão nhận định.
Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, các bị cáo còn lại chịu hình phạt từ 6 đến 30 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Việc xử nghiêm minh vụ này có thể coi là một bước đột phá trong việc triệt tiêu tham nhũng, kiên quyết bài trừ tham nhũng theo tinh thần, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Chiều 14/12, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội nhận định, những sai phạm của Dương Chí Dũng và đồng phạm là quá lớn, không chỉ làm tê liệt các hoạt động ở Vinalines mà còn gián tiếp gây thiệt hại cho kinh tế đất nước, nhưng “chết là hết” nên sẽ không khai thác thêm được gì.
"Không thể để hạ cánh an toàn"
PV: Thưa ông, trong phiên xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines”, TAND TP Hà Nội đã tuyên hai án tử hình trong đó có Dương Chí Dũng. Ông có bất ngờ với quyết định này?
Ông Vũ Mão: Tôi thấy không có gì bất ngờ cả, mọi chuyện được tiến hành theo quy định của pháp luật. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã tham ô và làm thất thoát quá nhiều tiền của nhà nước, và phải chịu hình phạt cao nhất là đúng.
Ông Vũ Mão: Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. |
Tuy nhiên, qua phiên tòa này tôi lại có một suy nghĩ khác: Có nên xử tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ngay không? Chết là hết! Tử hình như vậy thì đơn giản quá. Sai phạm của hai người này là ở lĩnh vực quản lý kinh tế, nó khác với tội phạm hình sự như giết người... Mặc dù luật của ta hiện nay chưa cho phép, nhưng tôi nghĩ là bây giờ cũng phải tính tới những tình huống mới cho thật phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước những năm tới đây. Điều quan trọng là không để cho Nhà nước (và nhân dân) chịu quá nhiều mất mát khi đương sự chịu án tử hình.
Thí dụ, trường hợp của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có thể tuyên án tử hình nhưng chưa thi hành án ngay, mà để một thời gian cho đương sự có điều kiện hợp tác với cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, qua đó giúp tìm ra số tiền thất thoát từ Vinalines đã đi đâu? Ngoài Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và những người đã phải ra tòa lần này thì còn có ai được chia chác mà chưa bị đưa ra ánh sáng?
Đứng sau Dương Chí Dũng có ai chỉ đạo không? Vai trò của các cơ quan quản lý trên Vinalines thế nào? Bây giờ tử hình hai người này rồi thì sẽ khép lại tất cả. Mọi chuyện bị chìm vào bóng tối, rốt cuộc nhà nước mất tiền, mà đây là tiền của dân. Vậy thì biết đâu đó còn những người khác có quyền lợi trong sai phạm của Dương Chí Dũng sẽ được bình yên vô sự.
Đứng sau Dương Chí Dũng có ai chỉ đạo không? Vai trò của các cơ quan quản lý trên Vinalines thế nào? Bây giờ tử hình hai người này rồi thì sẽ khép lại tất cả. Mọi chuyện bị chìm vào bóng tối, rốt cuộc nhà nước mất tiền, mà đây là tiền của dân. Vậy thì biết đâu đó còn những người khác có quyền lợi trong sai phạm của Dương Chí Dũng sẽ được bình yên vô sự.
PV: Theo ông, cơ quan chủ quản của Vinalines là Bộ GTVT sẽ gánh trách nhiệm thế nào?
Ông Vũ Mão: Rõ ràng trong chuyện này Bộ GTVT sẽ phải làm rõ trách nhiệm, xem có buông lỏng quản lý ở khâu nào không? Kể cả những cán bộ có trách nhiệm trong vụ này nay đã nghỉ hưu cũng phải đưa ra xem xét trách nhiệm cụ thể, không thể coi hạ cánh là an toàn. Phải làm rõ ra xem những người ấy có quyền lợi gì trong những sai phạm của Vinalines không? Qua đó các Bộ, ngành khác cũng phải rút ra bài học quản lý cho mình, vì còn rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước cần phải chấn chỉnh để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc thế này nữa.
Thêm một bài học lớn cho công tác xây dựng Đảng
PV: Thưa ông, Dương Chí Dũng làm ăn bết bát ở Vinalines nhưng trong một cuộc họp Thường vụ của đơn vị này thì lại có tới 6/6 thành viên nhất trí đề bạt Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải. Điều này cho thấy tổ chức Đảng ở đó dường như có phần yếu kém?
Ông Vũ Mão: Phải khẳng định thẳng thắn là tổ chức Đảng ở đó quá yếu kém, rất tồi tệ, nó chỉ còn có cái vỏ mà thôi, còn bên trong rỗng hết rồi. Đây chính là một cảnh báo đối với Đảng ta từ Trung ương Đảng đến cơ sở.
Điều thứ hai nữa là chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý cán bộ. Dương Chí Dũng đứng đầu một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như vậy mà lại tiếp tục được đề bạt lên một vị trí cao hơn thì thật khó hiểu. Qua đây cũng cho thấy Ban cán sự Đảng của Bộ GTVT (kể cả thời kỳ trước đây với các vụ việc PMU 18...) đã thể hiện sự yếu kém khi xử lý vấn đề liên quan tới Dương Chí Dũng. Tôi cũng muốn đặt câu hỏi với các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán... của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm của mình, và qua vụ việc này rút ra bài học sâu sắc.
Tôi nói như vậy cũng không phải là để soi tìm kỷ luật ai, mà điều quan trọng nhất bây giờ là phải tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc, làm sao để ngăn chặn không cho những trường hợp sai phạm như Dương Chí Dũng tiếp tục xảy ra ở các doanh nghiệp khác của nhà nước.
Theo ông Vũ Mão, tử hình Dương Chí Dũng thì mọi việc sẽ nhanh chóng khép lại, sẽ không có điều kiện để làm rõ còn ai liên quan tới sai phạm ở Vinalines. |
PV: Thưa ông, có một điều rất dễ thấy là ở nhiều doanh nghiệp nhà nước thì ông Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc lại kiêm luôn cả Bí thư Đảng ủy – điều đó rất dễ dẫn tới việc thao túng quyền hành. Có lẽ, chúng ta nên thay đổi cơ chế này?
Ông Vũ Mão: Tôi xin nêu một thí dụ là trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, quân đội ta có hệ thống Chính ủy, rất có hiệu quả; sau đó có một thời gian chúng ta không duy trì, nhưng gần đây chúng ta đã lập lại và duy trì mô hình này. Như vậy, đó là một bộ phận để kiểm soát các quyết định của lãnh đạo đơn vị, tránh chuyên quyền độc đoán, tôi cho rằng cách làm như vậy là rất tốt.
Khi tôi còn làm việc ở Văn phòng Quốc hội cũng vậy, tôi chưa bao giờ nhận trọng trách làm Bí thư Đảng ủy. Tôi quan niệm rằng, làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mà kiêm cả Bí thư Đảng ủy thì quyền lớn quá, dễ mắc bệnh chủ quan. Cái bệnh độc đoán chuyên quyền nó đến tự nhiên lắm, mình không lường trước được đâu. Thế thì tốt nhất nên tránh xa việc tập trung quyền lực quá đáng, đừng để cán bộ cấp dưới sợ mình, họ phải khép nép một cách thảm hại.
Hồi đó, lúc mà chưa có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để có thể phân công làm Bí thư Đảng uỷ (đương nhiên là phải do Đại hội Đảng bộ bầu), tôi đã phải “năn nỉ” đồng chí Phùng Văn Tửu là Phó Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ giúp cho tôi kiêm nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội chứ tôi không thể kiêm Bí thư Đảng uỷ cơ quan. Vì thế, mọi việc được tiến hành dân chủ, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm quyền.
Hồi đó, lúc mà chưa có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để có thể phân công làm Bí thư Đảng uỷ (đương nhiên là phải do Đại hội Đảng bộ bầu), tôi đã phải “năn nỉ” đồng chí Phùng Văn Tửu là Phó Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ giúp cho tôi kiêm nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội chứ tôi không thể kiêm Bí thư Đảng uỷ cơ quan. Vì thế, mọi việc được tiến hành dân chủ, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm quyền.
Bây giờ, tôi còn thấy người ta nói tới chuyện ở mỗi tỉnh thì giao cho một người nắm cả chức Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Họ quan niệm làm như thế hiệu quả giải quyết công việc sẽ nhanh hơn. Tôi thấy làm như vậy không thể được, bởi vì giao cho một người quyền quá lớn. Chỉ có thể Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đã là chủ tịch Uỷ ban nhân dân thì nhiều việc lắm, nhất là lo toan phát triển kinh tế. Đồng thời cái “quyền về kinh tế” cũng lớn lắm. Bí thư Tỉnh uỷ mà kiêm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thì thành “siêu quyền lực” rồi. Tôi “sợ” lắm! Hơn nữa, như vậy thì còn đâu thời gian để Bí thư chăm lo công tác Đảng nữa.
Cho nên tôi nghĩ là các cơ quan của Đảng cần phải có sự độc lập để kiểm soát tình hình tốt hơn, ngăn chặn tốt hơn các hành vi tham nhũng. Bài học của Vinashin hay Vinalines vẫn còn mang tính thời sự.
PV: Rất nhiều các vụ sai phạm ở các doanh nghiệp nhà nước đã xảy ra nhưng công tác thi hành án thì gặp nhiều hạn chế, số tiền bị thất thoát rất lớn nhưng thu lại được rất ít. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Mão: Điều đó thể hiện sự bất lực của bộ máy công quyền, không thể như vậy được. Đồng tiền mất đi là xót xa lắm chứ, đó là mồ hôi, nước mắt của nhân dân đấy chứ!
Trân trọng cảm ơn ông!
(GDVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét