Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Khải Đơn - Tờ báo nào bạn không nên đọc?

Tôi đọc báo mỗi ngày, vì thế tôi viết bài sau đây, nghĩa là không phải nó đúng 100% nhá, chỉ là tôi thự thấy vậy qua kinh nghiệm thôi. Ai biết thêm xin comment giúp tôi ở dưới.

Có rất nhiều trang web hoặc báo giấy mỗi ngày mà bạn đọc. Đôi khi bạn cảm thấy rất giận dữ và bực dọc vì một bài báo, hoặc nó quá kinh dị, hoặc nó đưa một thông tin nhảm nhí, hoặc đơn giản, là nó bịa ra 1 câu chuyện. Đâu là dấu hiệu để bạn quyết định mình không nên đọc 1 tờ báo nào đó hoặc không nên tin một chuyện nào đó trên báo viết ra? Tôi có vài dấu hiệu sau đây!

1. Đưa các tin tức có tính kỳ thị, xung đột, xúc phạm nhân thân hoặc danh dự người được đề cập trong bài viết mà không xóa mặt:


Link bài viết: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phap-luat/658290/bo-con-o-que-len-thanh-pho-ban-dam-gia-cao

Bài viết này xuất hiện trên báo Hà Nội Mới, nói về 1 cô gái bán dâm. Hình này khi chụp lại tôi đã xóa mặt cô, nhưng báo Hà Nội Mới thì để nguyên hình ảnh. Tờ báo này còn đăng cả tên thật, địa chỉ, quê quán của cô gái.

Theo thông lệ, khi viết bài về các nhân vật nhạy cảm như bị nhiễm HIV, làm mại dâm, là con/vợ của một tử tù (gây phẫn nộ nhiều trong dư luận), các loại bài như đánh ghen, ở trần truồng… đều xóa mặt. Lí do của sự xóa mặt này là vì nhân vật trong bài còn cần phải sống tiếp. Cô gái làm nghề mại dâm sao có thể ra đời làm việc gì khác khi cả khu vực cô ở ai cũng nhìn cô như thế? Người mẹ bị nhiễm HIV sao chịu nổi khi cả cộng đồng xa lánh cô như một con ghẻ bẩn thỉu? Đứa con/người vợ của tử tù làm sao sống tiếp, dù tội ác là của tử tù gây ra chứ không phải họ, họ đối mặt thế nào với điều tiếng dư luận? – Đó là các lí do khiến báo chí xóa mặt. Xóa mặt nghĩa là tôn trọng quyền của nhân vật, quyền được sống tiếp và sống an toàn khỏi dư luận. Nếu họ có tội, thì pháp luật đã xử tội họ rồi. Và cơ bản, nhóm các nhân vật nêu trên là những người rất mong manh, khó có cơ hội hòa nhập với cuộc sống bình thường nếu tên họ xuất hiện đầy trên báo với các lời xì xầm của dư luận.

Với những tờ báo không xóa mặt các nhân vật này, tôi cho rằng họ là các tờ báo sẽ không tôn trọng bạn nếu một ngày nào đó bạn gặp nạn và họ tới kiếm bạn phỏng vấn. Họ không hề có trách nhiệm với nhân vật của họ, người đã cho họ cơ hội được đăng một bài đăng báo. Hơn thế nữa, chẳng phải phạm trù gì cao siêu, từ xưa đến nay, gái mại dâm luôn là đối tượng được xóa mặt trong các bài báo, đây là tri thức nghề nghiệp thông thường và là sự đàng hoàng tối thiểu với những người không có khả năng cãi lại 1 tờ báo nào cả.

Đăng 1 cô gái mại dâm mà đăng cả hình nguyên, gọi cả tên… là hành vi không đàng hoàng. Rất nhiều tờ báo, khi nói về 1 vụ án tại tòa, đều đổi tên nhân vật, để nhân vật sau biến cố cuộc sống, có được sự an toàn riêng tư để sống tiếp. Nếu một tờ báo không cho người trong bài viết được sống tiếp, nó có đáng để bạn đọc không?

2. Sẵn sàng đăng các bài viết xúc phạm, chê trách, phỉ báng người khác và chỉ cần “nghe động đậy” có người chửi lại mình là xóa ngay bài.

Đây là bài viết “Ảnh “bằng chứng” của Huyền Chip giống hệt trên…Google” đã được rất nhiều trang mạng copy lại. Khi search google thì bạn vẫn có thể thấy google vẫn còn lưu lại nó:


Bạn có thể tự search thử với URL này rùi bấm vô cái bài của Kenh 14:
https://www.google.com/search?q=%E1%BA%A2nh+%E2%80%9Cb%E1%BA%B1ng+ch%E1%BB%A9ng%E2%80%9D+c%E1%BB%A7a+Huy%E1%BB%81n+Chip+gi%E1%BB%91ng+h%E1%BB%87t+tr%C3%AAn…Google&ie=utf-8&oe=utf-8&aq=t&rls=org.mozilla:en-US:official&client=firefox-a#q=%E1%BA%A2nh+%E2%80%9Cb%E1%BA%B1ng+ch%E1%BB%A9ng%E2%80%9D+c%E1%BB%A7a+Huy%E1%BB%81n+Chip+gi%E1%BB%91ng+h%E1%BB%87t+tr%C3%AAn…Google+kenh+14&rls=org.mozilla:en-US:official&safe=off


Đó là 1 trang trắng.

Vì tôi có đọc vụ này hàng ngày vào thời điểm đó, khi em Huyền Chip đang lu xu bu zới mấy cái sự thiệt sự giả của ẻm. Tuy nhiên, khi có 1 ai đó đăng 1 bài so sánh ảnh của em với ảnh google lên mạng thì các trang web copy về rất nhanh, vì lúc đó em này đang hot. Tuy nhiên, sau khi có 1 xác minh là ẻm chả gửi ảnh cho ai cả, thì kênh14 là 1 trong những kẻ nhanh tay nhất xóa ngay đường link này đi. 1 số nơi vẫn còn lưu, có lẽ vì họ thấy cần phải tôn trọng bạn đọc của họ.

Vậy trang web này là ai mà có quyền buông lời chửi mắng 1 nhân vật? Đó là 1 công ty tin tức rất lớn. Vậy sau khi khiến hàng trăm nghìn người đọc tin và chửi bới theo thì tại sao họ lại xóa? À, hóa ra thứ họ vừa đăng là copy trên mạng. Họ ko xác minh, cũng không đối chất, phỏng vấn gì hết. Nghe động thì xóa dấu vết, thế là xong.

Vậy các trang mạng kiểu này không hề tôn trọng nhân vật mình đưa lên trang, dù biết sức ảnh hưởng và tác động của mình là rất lớn. Họ cho mình cái quyền lèo lái dư luận – người đọc theo ý họ, nhưng không hề biết trả lời dư luận khi đăng 1 tin sai, tin yếu kém, tin đồn. Bạn click vào trang của họ, tức là bạn tăng page view cho họ, để họ bán quảng cáo, bán trang, bán bài viết, theo khía cạnh nào đó, người đọc là tài sản làm ra tiền cho họ, sao họ không tôn trọng người đọc?

Vậy nếu 1 ngày nào đó, họ tới phỏng vấn bạn, và đăng 1 thứ phỉ báng bạn, bạn có nghĩ họ sẽ quay lại và viết lời xin lỗi bạn không? – Cái này tùy bạn chọn.

3. Các nhân vật trong bài viết chỉ là anh X, chị Y cô Z, bà N. anh NVA…
Hãy đọc 1 đoạn văn sau đây:
Cũng như thường lệ những lần tác nghiệp khác, tôi được theo anh P bên phòng cảnh sát hình sự đi tuần trên các tuyến đường sài gòn. Dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn thành phố đến các vùng ven, bỗng anh P phát hiện 2 đối tượng khả nghi, tay chân xăm trổ nhìn rất hung tợn. Anh nói tôi hai thanh niên trước mặt rất khả nghi, bám theo xem thế nào.
Đây là đoạn mở đầu trong bài viết này: http://nguyentandung.org/su-that-kinh-hoang-ve-nhung-xe-hu-tieu-go.html


Điều kinh hoàng khi tôi đọc bài viết này không phải là 5 con chuột cống, mà là con số like: 49 nghìn. Đó là 1 con số kinh hoàng, đủ để bất cứ xe hủ tiếu gõ nào treo niêu lên khốn khổ vì cái bài viết kiểu này.

Tuy nhiên, hãy điểm lại nội dung bài viết, nó bắt đầu bằng “tôi”, nhân vật thứ 2 là “anh P bên phòng cảnh sát hình sự”, địa chỉ của tiệm hủ tiếu thì là “Bám theo đối tượng khả nghi qua 4 ngã tư đến đoạn Cách mạng tháng 8″ – cả 3 thông tin cần nhất cho 1 bài báo là địa chỉ, nhân vật, người chứng kiến… đều là những kẻ vô danh. Bạn hãy tự hỏi xem, anh P cảnh sát hình sự là ai, sao mà sợ gì quá đỗi mà phải viết tên tắt? Quán hủ tiếu thì có gì ghê gớm mà không dám khi hẳn địa chỉ ra? – Tất cả chỉ là những “bí danh” chẳng cần phải chịu trách nhiệm vì về thông tin mình cung cấp cả.

Vậy mà sau đó có 49 nghìn người tin và đem nó đi share. Để đến 3 ngày sau, tất cả các tờ báo chính thống phải đi điều tra lại, viết lại, để minh oan cho những người bán hủ tiếu nghèo và đàng hoàng.

Là người đọc, bạn tự hỏi về tư cách của mình đi? Bạn có phải là đồ ngu không mà đi tin theo các cái loại tin này? Nó không có ai chịu trách nhiệm, cái nhân vật trong bài không xuất hiện, nó cũng chẳng có bằng chứng hình ảnh (2 cái ảnh trong bài là 2 cái ảnh chôm trên mạng). Tại sao anh công an đi kèm, bắt quả tang mà lại chẳng có hình thật? – Vậy thì nó chỉ là 1 trò bịp thôi bạn ạ.

Đã biết bao nhiêu lần bạn đọc cái kiểu tin này trên mạng? Cô X bán dâm, anh Y yêu cô X, anh V cắt cổ cô X vì ghen tuông. Một cái tin dạng truyện hoang đường như vậy cũng có người tin, xong share lên mạng, chửi bới cuộc đời đen tối bất công… Và người đọc thì cứ mãi là những người ngu dốt đi share tin đồn, vậy mà còn mất thời gian kêu trời sao trang mạng chỉ đăng toàn tin đồn!

Tại bạn chứ ai, bạn là người đọc, bạn là công cụ share và kiếm ra like, ra tiền, tại sao bạn không biết từ chối những người bán hàng (ở đây là tin tức) không đáng tin và gây phiền hà cho bạn?
Dưới đây là 1 vụ rình rang khác, Kiều nữ N. hiếp dâm 30 lần/2 ngày:http://www.nguoiduatin.vn/let-khoi-nha-kieu-nu-tai-xe-taxi-lay-bay-nhap-vien-a119907.html
“X vẫn nhớ như in cái buổi sáng kinh hoàng đó. Lúc đó khoảng 9h, sau khi nhận được tín hiệu từ tổng đài của hãng, đang ế khách, X vội vàng lao đến địa chỉ của kiều nữ N. N mở cửa sẵn để đón X vào khu biệt thự. Xe vừa lọt vào trong, N đóng kín cửa cổng lại và bảo chờ vài phút.”
1 bài báo mà nạn nhân thì tên X, thủ phạm thì tên N. Mọi thứ đều được kể như chuyện cổ tích truyền kỳ. Và tờ nguoiduatin có 79 nghìn like cho bài viết này. 1 thứ ra tiền đó, phải không?


Sau đó vài ngày, trên Facebook tôi thấy rất nhiều người phẫn nộ vì cô N. tự dưng… kiện tờ báo. Họ vò đầu bứt tóc vì thấy “căm giận tụi nhà báo nói láo quá” – nhưng họ không hề để ý rằng 1 bài báo không có 1 ai là nhân vật thật, không có hình thật, không có cả nạn nhân và thủ phạm nào thật, ngoại trừ các chữ cái là thật, vậy mà họ cũng tin, cũng phẫn nộ giận dữ nguyền rủa cô kiều nữ N.

1 tờ báo sẵn sàng đăng 1 bài báo cẩu thả, viết như truyện cổ tích thì không phải nguồn mà bạn nên xem và tin tưởng để làm gì. Bạn share cho vui cũng được, giải trí với bạn bè cũng được: )) Nhưng báo trước, là bạn đang gieo hạt để tờ báo đó tưởng bở làm liều, lại xào chế ra thêm nhiều kiểu tin tức thô bỉ như thế đó nhé!

Bạn muốn báo chí thay đổi? Bạn muốn trang mạng đừng đăng chuyện nhảm làm bạn bực dọc nữa? – Mọi chuyện phải bắt đầu từ chính bạn, bạn đọc có trách nhiệm, tẩy chay những trang web đưa tin đồn thất thiệt, hãm hại người khác, tự khắc họ sẽ sợ, và họ sẽ phải tôn trọng khách hàng của họ hơn – tức là họ phải tôn trọng bạn hơn.

Bạn có trách nhiệm hơn khi đọc, có suy nghĩ nhiều hơn khi bấm share, nghĩa là bạn sẽ khiến gương mặt chung của các trang web thay đổi, vì thực ra các trang web chỉ thể hiện cái gương mặt của người đọc mình thích mà thôi.

Tự bạn không tôn trọng thứ bạn đọc mỗi ngày thì chẳng ai tôn trọng bạn đâu!

Chúc bạn đọc web/báo an toàn và không căm thù thế giới nhé 

Khải Đơn
(Blog Khải đơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét