Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Đồng sàng Bắc Kinh - Hà Nội: Nỗi bi thiết từ nợ công


Thân phận “nước giàu dân nghèo” của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ làm liên lụy đến số phận nền kinh tế thế giới mà còn góp phần chung quyết đối với vận mạng của nền kinh tế và cả thể chế Việt Nam.


Linh cảm bất an của những người Việt còn tinh thần dân tộc về một sự chuẩn y tai hại của chính thể Bắc Kinh vào thể chế cầm quyền Hà Nội - thông qua “gói hỗ trợ” kinh tế bất thường trong những năm tới - sẽ có thể được giải nguy bởi cơn nguy biến có khả năng nổ ra ngay trong lòng nền kinh tế Nội Hán chỉ trong vài ba năm nữa.

Ít nhất vài dấu hiệu nguy biến như thế đang phát lộ và trở nên lớn lao hơn nhiều so với những nhận định thầm cảm trước đây. Tinh thần trưởng thành khá nhanh chóng như vậy đã diễn biến theo chuỗi logic bất biến: ngân hàng và nợ xấu.
3.000 tỷ USD nợ công!

Từ đầu năm 2013, ít nhất 3 ngân hàng lớn của nước ngoài là Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America đã bất ngờ thoái toàn bộ vốn đầu tư khỏi hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Trào lưu chủ động rút vốn này đã kéo theo sự thoái lui của một số quỹ tài chính quốc tế khỏi thị trường chứng khoán quốc gia đầy kiêu ngạo này, khiến cho chỉ số Thượng Hải Composite không thể nào ngóc đầu lên được. Từ thời điểm hoàng kim năm 2007 đến nay, dù chỉ số này đã mất đi 40% giá trị đỉnh, nhưng dĩ nhiên đà suy thoái chưa dừng ở đó.

Nếu chứng khoán được xem là tín hiệu tiên phong báo trước xu hướng vận động của kinh tế, thì đó chính là một logic khác đã dẫn đến tình thế nợ công trở nên hiểm nghèo đột ngột đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, điều mà ngay cả “tiến sĩ tận thế” Nouriel Roubini, trong nhiều đánh giá và dự báo trước đây về chuyển động của kinh tế Trung Hoa, cũng không thể bao quát được.

Đột biến đã xảy ra khi năm 2013 bước vào những ngày cuối cùng. Chính vào lúc đó, cơ quan kiểm toán Trung Quốc bất ngờ công bố số nợ công của nhà nước này đã lên đến 3.000 tỷ USD. Con số này, xét về mặt giá trị tuyệt đối, gần bằng toàn bộ kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Hoa đại lục.

Một kinh ngạc cũng đã phát vỡ. Mới vào năm 2011, nợ của các chính quyền địa phương chỉ được báo cáo vào khoảng 1.450 tỷ USD, cho dù khi đó ước đoán của những tổ chức xếp hạng tài chính độc lập có tiếng trên thế giới như Credit Suisse và Fitch Ratings là 2.200 tỷ USD. Thế nhưng đến nay, nợ của khối chính quyền địa phương đã tăng lên gấp đôi.

Cú vọt lên gấp đôi đó lại chỉ tăng tốc trong một thời gian ngắn ngủi. Vì sao lại xảy ra một giấc mơ chóng mặt như thế?

Có hai cách giải thích: hoặc giới ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm về con số thực nợ xấu của các chính quyền địa phương và cả về số nợ công của đất nước này; hoặc những người làm chính trị chuyên nghiệp như Tập Cận Bình muốn thực sự nhìn thẳng vào sự thật trần trụi để tiến hành một cuộc cải cách kinh tế lớn chưa từng thấy - chỉ dấu được xem là ngang ngửa với kế hoạch hiện đại hóa Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình đã ồn ào khoa trương từ cuối những năm 1970.

Cũng còn một cách lý giải sâu xa và khó nói hơn: sau khi đã trở thành hiện tượng chưa từng có trong giới chính khách Trung Quốc về thắng lợi thâu tóm quyền lực chỉ trong vòng một năm từ khi nhậm chức, Tập Cận Bình muốn dùng sự thật về nợ xấu và nợ công để tạo nên một chiến dịch “perestroika” mà từ đó sẽ khuynh loát toàn bộ hệ thống điều hành của chính quyền, khiến chính phủ và các thành viên của nó phải phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, từ đó làm rõ hơn hẳn tính thực tiễn về cơ chế “nhất thể hóa” trong việc tập trung hóa quyền lực trên toàn cõi Trung Hoa.

Cần lưu ý, chủ đề dần công khai hóa nợ xấu và nợ công đã chỉ diễn ra sau hội nghị trung ương 3 của đảng vào tháng 11/2013 - một cuộc họp cho thấy Tập Cận Bình đã không hoàn toàn thành công trong ý đồ muốn tạo ra một cuộc cải cách liên quan đến cơ chế giảm độc quyền doanh nghiệp quốc doanh, cải cách hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa chế độ sở hữu đất đai.

Đồng sàng

Nhưng nói gì thì nói, mọi chuyện cũng đã trở nên xấu hơn đáng kể so với vài năm trước. Có đến 70% hoặc hơn nợ của các chính quyền địa phương phụ thuộc không thể chối cãi vào thị trường bất động sản tại đất nước này. Mà tình trạng bất động sản lại vẫn nằm nguyên trong một nghịch lý quá nan giải: bất chấp giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng tiến tại phần lớn trong 70 thành phố chính của Trung Quốc, chính quyền ở nhiều nơi vẫn không thể giải quyết được hàng tồn kho nhà đất, đặc biệt là khối ung thư khổng lồ căn hộ cao cấp. Tính thanh khoản vẫn chưa thoát khỏi bóng ma giảm phát.

Nhiều người trong giới phân tích quốc tế và cả tại Hồng Kông đã khẳng định là thị trường bất động sản Trung Quốc chắc chắn sẽ sụp đổ. Thời điểm sụp đổ có thể trong từ 3 - 5 năm nữa.

Khác hẳn với tốc độ giảm nhiệt đáng kể đến 30% của thị trường bất động sản Singapore, giới điều hành chính sách nhà đất Trung Quốc đã hầu như thất bại trong việc điều tiết giá nhà quá nóng, cho dù những chính sách như đánh thuế đối với việc người dân sở hữu căn hộ thứ hai đã được đưa ra từ năm 2012. Cho tới nay, không những không giảm, giá nhà vẫn tiếp tục phi mã. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy có đến 70% người được hỏi không hài lòng hoặc phản ứng phẫn nộ vì giá nhà quá cao so với thu nhập trung bình của người lao động.

Tình hình phân hóa quá lớn về giá nhà đất và thu nhập ở Trung Quốc cũng có thể gần tương tự xã hội Việt Nam - nơi mà giá nhà đất cao gấp 25 lần thu nhập bình quân của người lao động, trong khi tiêu chí hợp lý của Liên hiệp quốc đưa ra chỉ dưới 5 lần.

Không thể giải quyết được việc bình ổn giá nhà đất, chế độ chính trị ở Trung Quốc cũng đương nhiên đang tuyệt vọng trong mục tiêu làm cho hố phân hóa giàu nghèo hẹp lại, do đó càng khiến tâm trạng bất mãn và tâm lý thù ghét người giàu trong dân chúng trở nên đại trà và sắt máu hơn.

Cũng không thể giải quyết được nạn tồn kho nhà đất, hệ thống ngân hàng Trung Quốc luôn phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, và hơn nữa là dạng domino sụp đổ liền mạch giữa các ngân hàng. Bài học gần nhất mà chắc chắn giới điều hành kinh tế Trung Quốc không thể nào quên là sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ vào tháng 10/2007, dẫn tới cuộc suy thoái toàn diện tại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này trong 17 tháng.

Đó cũng là hình ảnh đơm hoa kết trái của cơ chế “đầu tư nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất” ở Trung Quốc vào thời kinh tế hoàng kim những năm 2006-2007, tương tự với Việt Nam. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa phải hết, vì ngay cả sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và đến thời kỳ tạm phục hồi năm 2009-2010, Bắc Kinh và Hà Nội vẫn đua nhau tiếp tục đầu tư theo cái cách “tiền đổ vào cho đến lúc sụp đổ hoàn toàn”.

Hoàn cảnh Hà Nội còn tàn thiết hơn: sau 6 năm suy thoái với nền kinh tế vẫn hầu cạn kiệt sức hồi sinh, sau cú đổ nợ lên đầu con cháu với tỷ lệ nợ công hiện thời lên đến 95-98% GDP, giới lãnh đạo và những tập đoàn cá mập nhà nước vẫn không ngớt vay mượn từ ODA và các nguồn tín dụng quốc tế khác.

Vay mượn cho đến khi sự đổ vỡ trở nên tuyệt đối…

Đèn nhà ai nấy rạng

Không thể né tránh rằng, tương lai đổ vỡ sẽ hoàn toàn không xa vời, đặc biệt ứng với nền kinh tế Việt Nam. Còn với Trung Quốc, bởi tiềm lực kinh tế mạnh hơn hẳn, trước mắt giới điều hành kinh tế tại quốc gia này vẫn chưa phải quá lo lắng về một cận cảnh kinh hoàng.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công/GDP ở Trung Quốc hiện thời đã lên đến 50% theo các con số báo cáo của chính cơ quan kiểm toán nước này. Còn nếu theo tính toán của một số cơ quan phân tích độc lập của châu Âu, tỷ lệ nợ công tại Trung Quốc có thể cao hơn nữa, thậm chí đến 200%.

200% cũng là tỷ lệ nợ công mà Nhật Bản đã lâm vào trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Dù cơ cấu nợ công chủ yếu là nợ trong nước, chừng đó đã là quá đủ để người Nhật phải rơi vào thập kỷ mất mát không tránh khỏi.

Sau nhiều năm tăng trưởng nóng và quá hãnh tiến về chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy”, có thể không bao lâu nữa nền kinh tế và cả xã hội của đất nước này sẽ phải rước lấy sự mất mát ghê gớm. Cũng rất có thể, đó sẽ là một sự trả giá đau đớn, hoàn toàn không liên quan với ngữ nghĩa “hạ cánh mềm”. Thậm chí, cuộc hạ cánh cứng sẽ có thể mang ý nghĩa “đòn xoay chế độ”.

Với hiện tượng xuất hiện dấu hiệu khá rõ ràng về nợ xấu và nợ công được công bố ở Trung Quốc vào cuối năm 2013, có khả năng độ trễ để dấu hiệu biến thành thực chứng sẽ từ một đến hai năm. Và nếu trong năm 2014 các chính quyền địa phương tiếp tục bị ám ảnh nặng nề bởi núi hàng tồn kho nhà đất, cũng như không thể thanh toán phần lớn nợ cho chính quyền trung ương, thần chết sẽ lừng lững hiện ra. Năm 2015 sẽ chứng kiến sự biến mất của một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp bất động sản và kéo theo tình cảnh băng hà của một bộ phận trong giới ngân hàng.

Viễn cảnh không mấy xa xôi đó hiển nhiên sẽ tác động tức thì qua đường biên giới Việt - Trung. Những gì mà giới quan chức “bốn tốt” ở Hà Nội đặt niềm tin và ấp ủ không ít hy vọng vào một “gói giải cứu” nhiều tỷ đô la từ Bắc Kinh cho năm 2014 và những năm tới sẽ có thể trở thành cái bánh vẽ không lồ không hơn không kém.

Thậm chí một khi kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, một tỷ đô la cũng không sẵn dành cho Hà Nội, để nói như một chuyên gia quốc doanh, một tỷ đô la cũng có thể khiến cho Nhà nước Việt Nam vỡ nợ.

Khi đó và như một câu tục ngữ dân gian, sẽ là “đèn nhà ai nấy rạng”. Không thể có chuyện ứng cứu lẫn nhau, nhất là khi các nền chính trị độc tài bị ngập ngụa bởi nạn tham nhũng và đã trở thành một thứ phản cảm không thể quá đáng hơn đối với lịch sử nhân loại.

Phạm Chí Dũng

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét