Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng về trận hải chiến Hoàng Sa

Tưởng niệm lần thứ 40 trận hải chiến Hoàng Sa


(Ghi chú: Mới bổ sung phần bóc tiếng)
19/1/2014 sắp tới là ngày tưởng niệm lần thứ 40 trận hải chiến Hoàng Sa, một chiến tích oai hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Khác với mọi  năm, dịp tưởng niệm năm nay được sự quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả 1 trong 4 người cao nhất. Báo chí lề đảng cũng dành nhiệu vị trí trang trọng để vinh danh chiến tich của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhà báo Phạm  Chí Dũng và nhà báo Trần Quang Thành đã có cuộc trao đổi về hiện tượng khác thường này.
Mời quí vị theo dõi: 

Nghe Bài Nầy


Nhà báo Trần Quang Thành (TQT): Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng!
Tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng (PCD): Xin chào anh Trần Quang Thành!
TQTThưa nhà báo Phạm Chí Dũng, vào tháng giêng này chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm ngày hải chiến Hoàng Sa, nhưng khác với mọi năm, dư luận ở trong nước không chỉ có nhân dân và ở các cấp lãnh đạo mà lãnh đạo ở cấp cao như là một trong bốn người đứng đầu cái hệ thống chính trị của nước Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến vấn đề này. Theo nhà báo thì đây là một sự khác thường hay là sự bình thường?
PCD: Một vấn đề khác thường! Một vấn đề khác thường vì chính anh Trần Quang Thành cũng vừa đề cập tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một mối liên đới móc xích bất thường nào đó giữa chuyện Hoàng Sa năm nay với bản “Thông điệp đầu năm” của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi rất hoài nghi nếu như không có mối quan hệ nào giữa hai sự kiện này. Mặc dù tôi nhớ là vào cũng năm 2011, trước diễn đàn quốc hội, trước những …(không nghe rõ) đại biểu quốc hội và cử tọa dân chúng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu ra vấn đề chủ quyền biển đảo như là một dấu ấn đầu tiên của một lãnh đạo quốc gia về vấn đề này và một sự lên tiếng cần thiết đúng lúc tại vì vào thời gian đó Trung Quốc liên tục có các hoạt động gây hấn tại khu vực Biển Đông như là cắt cáp, tấn công tàu cá Việt Nam, đánh đập ngư dân Việt Nam, thậm chí là bắn cháy cả tàu cá Việt Nam.
Thế nhưng sau đó, đến năm 2012 và cho tận cuối gần năm 2013 thì không thấy ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại về vấn đề chủ quyền biển đảo nữa. Và tất nhiên là cũng không thấy bóng dáng của một Luật biểu tình mà ông đã nêu ra.
Như vậy thì chúng ta đặt ra câu hỏi là động thái vừa qua, ông thủ tướng nêu ra vấn đề này, vấn đề chủ quyền biển đảo thông qua một cuộc làm việc với Hội Sử học Việt Nam là như thế nào? Và ông cũng chính thức đưa ra một đề nghị đối với Hội Sử học Việt Nam rằng cần đưa vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình SGK của Việt Nam. Và một người trong ban thường trực trong Hội Sử học Việt Nam lại là ông Dương Trung Quốc. Và vào năm 2012 thì chính ông Dương Trung Quốc, một đại biểu quốc hội duy nhất đã dám đặt ra vấn đề từ chức có văn hóa hoặc là văn hóa từ chức đối với giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, và yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời về việc đó.
Tất cả mọi thứ, những chi tiết này nó đều có mối quan hệ gì đó với nhau và tôi cho rằng đó là một mối quan hệ hơi kỳ quặc. Và một sự kỳ quặc nữa là nếu tôi nhớ không lầm thì sau 38 năm từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đây là lần đầu tiên tôi được nghe có một chủ trương từ Bộ Chính trị cho tổ chức kỷ niệm Hoàng Sa. Và sắp tới đây là ngày 19 tháng giêng là ngày Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy thì đó chính là vấn đề chúng ta cần tìm hiểu vì sao có những động thái như vậy? Có phải vì năm 2013 là cái năm được coi là thành công đặc biệt về mặt ngoại giao và một năm mà giữa Việt Nam và Trung Quốc ký đến 10 cái văn bản hợp tác về kinh tế và những cái mặt khác mà nhà nước Việt Nam lại trở nên tự tin một cách lạ lùng như vậy hay sao?
Và một vấn đề khác chúng ta cũng nên tìm hiểu là nếu tổ chức kỷ niệm Hoàng Sa thì việc kỷ niệm này sẽ được tiến hành này như thế nào và với phương châm như thế nào? Vẫn giữ được tôn chỉ 16 chữ vàng và trở thành những người bạn 4 tốt của nhau hay là hơn nữa trở thành một cái Philippines thứ hai, sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc và như là báo Thanh niên đặt tựa đề là “Nuôi chí giành lại Hoàng Sa”, một tựa đề chí lý, quyết liệt và sâu sắc, đầy ý chí vươn lên. Phải nói đó là một tiêu đề mà nhiều năm rồi mới xuất hiện lại. Có lẽ kể từ thời điểm năm 1979 khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm về động thái của báo chí. Báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ, báo Vietnamnet, nhiều tờ báo khác, báo giấy in lẫn báo điện tử trong những ngày vừa qua liên tục nhắc tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Điều này dường như tái hiện lại không khí của báo chí, nhận định, phản biện và lên tiếng về vấn đề chủ quyền biển đảo vào cuối năm 2011 khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lên tiếng về chủ quyền biển đảo tại Diễn đàn quốc hội nước Việt Nam. Như vậy là sao? Như vậy là đã có một động thái bật đèn xanh từ Ban Tuyên giáo trung ương hay từ một cơ quan nào khác hay từ những cá nhân nào khác trong Bộ Chính trị để báo chí lên tiếng một cách thoải mái tự do và dõng dạc như vậy. Chúng ta cần tìm hiểu vấn đề này! Thì đó là một số câu hỏi mà tôi muốn đặt ra và cũng xin mạn phép là chưa trả lời ngay lập tức, mà có nhiều động thái mà chúng tôi muốn suy nghĩ thêm và chờ đợi thời gian để chứng thực thêm. Chứng thực về cái gì? Chính là về một thái độ thành thực nào đó của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề chủ quyền biển đảo thay cho những động thái mơ hồ và sơ sài như trước đây.
TQTTừ khi nhận chức Thủ tướng, đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong buổi làm việc đó, vấn đề nổi bật nhất mà ông Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới lại là vấn đề về Hoàng Sa và lịch sử của Việt Nam nên phải ghi vào Hoàng Sa. Ông nghĩ thế nào vấn đề này?
PCD: Tôi cho đó là một động thái thú vị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một động thái thú vị và không kém ẩn ý. Không phải tự nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Hội Sử học Việt Nam. Và như anh Thành có thống kê, tôi nhớ không lầm thì có lẽ đây cũng là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng quan tâm tới ngành Sử học một cách mật thiết và bằng hình thức làm việc trực tiếp. Thực ra thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phụ trách chung và không phụ trách riêng lẻ về khối khoa học xã hội. Khối khoa học xã hội thường giao cho một phó thủ tướng phụ trách về khối văn xã. Nhưng mà việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề về vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, điều này… đó như tôi nêu ra, đó là một điều đáng suy nghĩ.
Sau khi đưa ra vấn đề này đối với Hội Khoa học Sử học Việt Nam thì tiếp sau đó và đầu năm 2014 thì ông đã có một thông điệp. Mặc dù trong thông điệp đầu năm 2014 của ông không nhắc tới vấn đề chủ quyền biển đảo mà đề cập tới những vấn đề khác như là đổi mới thể chế, xóa độc quyền, vấn đề dân chủ hay là nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng mà dường như giữa hai sự kiện chủ quyền biển đảo và thông điệp năm 2014 lại có mối quan hệ khá ràng buộc với nhau. Và tôi chỉ tường thuật theo dư luận rằng người ta đánh giá rằng đó là những bước đi có tính toán và mang tính chất ẩn ý của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là một lộ trình chính trị để chuẩn bị cho một tiến trình, tiến chiến một chức vụ có lẽ là cao hơn vai trò thủ tướng vào năm 2016 khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12.
Tất nhiên, ứng viên cho vai trò cao nhất của đất nước về mặt đảng của Đại hội 12 không chỉ là cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng mà còn có những người khác. Chẳng hạn theo dư luận nhận định trước mắt có thể là ông Trương Tấn Sang, hiện nay là chủ tịch nước và ông Phạm Quang Nghị, hiện nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vào năm 2013, ông Phạm Quang Nghị cũng đã ghi một dấu ấn về việc đề nghị khôi phục làng cổ Đường Lâm, nếu tôi nhớ không lầm thì là như vậy. Còn ông Trương Tấn Sang thì cũng có một ít hoạt động và một ít tiếng nói liên quan tới không khí dân chủ, sắc thái dân chủ. Và có lẽ sắc thái rõ ràng nhất, ông Trương Tấn Sang đề cập tới việc cần lắng nghe những ý kiến đa chiều. Có báo chí cho là ý kiến trái chiều nhưng mà có lẽ nguyên văn lời nói của ông ý là “ý kiến đa chiều”, cũng chỉ dừng đến thế.
Còn để mà lên tiếng mạnh mẽ nhất cho tới nay về vấn đề dân chủ thì có lẽ chỉ là thông điệp của ông Nguyễn Tấn Dũng thôi, đề cập tới vấn đề đổi mới thể chế, đặc biệt là cụm từ “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”. Cho nên tôi nghĩ là chính ông Nguyễn Tấn Dũng là người ghi dấu ấn đấu tiên trong nhóm các ứng cử viên Tổng Bí thư như hiện nay về một không khí, một sắc thái và có lẽ cả một vài bước đi để mở rộng dân chủ hơn theo nghĩa là gần gũi với dân chúng hơn.
TQTThế nhưng mà khi bản tin nói về vấn đề ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Hội Sử học Việt Nam nên biên soạn để đưa vấn đề Hoàng Sa vào SGK dạy cho học sinh thì sau đó ít lâu sau, một thời gian rất ngắn thì bản tin đó đã bị gỡ khỏi các trang mạng của nhà nước, báo chí lề phải. Vậy phải chăng ý kiến của ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra không phải ý kiến đồng thuận trong Bộ Chính trị. Phải chăng đây nói lên một sự gì đó có cái trục trặc giữa những người đang ở trong bộ máy Bộ Chính trị 16 người lãnh đạo đất nước này thưa tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng?
PCD: Theo tôi việc một ý kiến của một lãnh đạo chính trị đối với Hội Sử học Việt Nam hoặc một hội khoa học nào đó của Việt Nam là hết sức bình thường. Và kể cả vấn đề chủ quyền biển đảo liên quan tới một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong Bộ Chính trị và trong mối quan hệ đối với Trung Quốc như là Hoàng Sa, Trường Sa cũng là hết sức là bình thường. Nó bình thường tại vì nó nằm trong lòng dân chúng, nằm trong lòng dân tộc và phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân. Nó thuộc về ý chí dân tộc, nó thuộc về nguyên khí của dân tộc. Nó chỉ bất thường khi người ta gỡ nó khỏi các trang báo mà thôi.
Ở Việt Nam thông thường chỉ có những bài báo vi phạm, được coi là vi phạm quan điểm tư tưởng, đường lối, trái với quan điểm của nhà nước, hoặc là vi phạm pháp luật thì mới bị chỉ đạo gỡ. Và ai chỉ đạo gỡ? Là Ban Tuyên giáo trung ương, người được coi là một tổng biên tập lớn nhất, một tổng biên tập duy nhất của 800 tờ báo của Việt Nam. Và Bộ Thông tin truyền thông là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý báo chí, họ sẽ quyết định về cái chuyện tiếp tục để bài báo đó hay là yêu cầu phải gỡ những bài báo đó và thậm chí có thể là xử lý cả Ban biên tập của tờ báo đã đăng những bài báo đó. Như vậy thì động thái mà gỡ bài liên quan tới chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà lại là ý kiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy một cái gì đó không bình thường, một cái gì đó bất thường, một cái gì đó mà anh có thể cho là một sự không đồng thuận. Còn có phải không đồng thuận trong Bộ Chính trị hay không đồng thuận ở nơi khác hay thậm chí là không đồng thuận giữa các tờ báo với nhau hoặc trong nội bộ tờ báo thì tôi không có thông tin thành thử không thể đánh giá được. Nhưng mà tôi chỉ cảm nhận là có một sự không thống nhất và thậm chí là có một sự mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn đó có thể nảy lòi, có thể lớn lao và thậm chí có thể trở thành một xung đột nội bộ.
TQT: 19 tháng giêng năm 2014 là kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa, lúc đó là cuộc hải chiến giữa lực lượng quân lực Việt Nam Cộng Hòa với quân Trung Quốc. Năm nay kỷ niệm này được đánh dấu một cách rất đặc biệt là lần đầu tiên báo chí lề đảng nói rất nhiều đến những cái công lao, đến sự hy sinh, đến sự chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa như Ngụy Văn Thà để quyết tâm bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Những danh tính của những liệt sĩ đã hy sinh trong trận Hoàng Sa cũng đang được công bố trên tất cả báo chí lề đảng. Nhà báo Phạm Chí Dũng đánh giá gì về hiện tượng bất thường này hay cũng là hiện tượng bình thường?
PCD: Hiện tượng này cũng bất thường nốt, bất thường vì đây là lần đầu tiên và bất thường vì từ trước tới giờ chưa bao giờ vấn đề này được đặt ra kể cả từ khi thực hiện nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về vấn đề vận động thuyết phục người Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp cho quê hương đất nước. Chưa bao giờ vấn đề về chủ đề Việt Nam Cộng Hòa, chủ đề về Hoàng Sa, chủ đề về Ngụy Văn Thà được nêu lên một cách rõ ràng như bây giờ. Và chúng ta thấy là cũng chỉ mới năm vừa rồi thôi, năm 2013 thì vấn đề nghĩa trang Bình Dương được trùng tu lại, nghĩa trang Bình Dương là nơi có 16 ngàn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở đó mới được trùng tu lại, và mới được quan tâm một cách thiết thân đến như thế kể cả sau chuyến đi của một vài quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ và kể cả của một cựu sỹ quan quân lực Hoa Kỳ, xin lỗi, một cựu sỹ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa định cư tại Mỹ đến nghĩa trang Bình Dương và sau đó lại đột biến có sự quan tâm khá đặc biệt từ chính quyền địa phương và Bộ ngoại giao để cho trùng tu nghĩa trang này.
Điều đó cho thấy là có lẽ đã tới lúc mà người ta xem những chuyện bất thường trở nên bình thường. Và có lẽ vì mối quan hệ ngoại giao, vì mối quan hệ với cộng đồng quốc tế và vì những quyền lợi ẩn sau những mối quan hệ đó, quyền lợi về kinh tế và có thể là kể cả quyền lợi về chính trị. Chẳng hạn như vấn đề vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà người ta quan tâm tới những vấn đề mà có lẽ là được coi nhỏ nhặt như thế. Đây chính là vấn đề trước đây đã được nêu ra khá nhiều nhưng mà gần như không ai quan tâm và có lẽ chỉ đến gần đây thì người ta mới bắt đầu có ý thức đôi chút về như thế nào gọi là hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Cụm từ hòa hợp, hòa giải dân tộc đã nói từ rất lâu rồi và luôn luôn người ta đưa ra những con số là 4 triệu người Việt nam ở nước ngoài, rồi 400 ngàn trí thức Việt kiều ở nước ngoài và cả một cái lượng chất xám khổng lồ. Nhưng chưa bao giờ có một sự vận động hoặc là thuyết phục hoặc là tạo điều kiện mang tính thực chất để 400 ngàn trí thức đó, kể cả những trí thức đầu đàn tên tuổi có thể trở về đóng góp cho quê hương một cách thực chất nhất mà điều tiêu biểu nhất có lẽ lại là con số 10 tỷ đô la kiều hối mỗi năm tuôn chảy từ nước ngoài về Việt Nam.
Còn bây giờ thì người ta bắt đầu quan tâm đến một số vấn đề thực chất hơn và tôi cũng biết là những vấn đề thực chất hơn chẳng hạn như vấn đề trùng tu nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Bình Dương hay là vấn đề Hoàng Sa đều là những chủ đề mà phương Tây và Hoa Kỳ quan tâm. Và họ cũng đặt ra như không phải là một yêu sách nhưng mà có lẽ cũng là một cái điều khá tế nhị mà muốn nhắc nhở nhà nước Việt Nam rằng muốn quan tâm tới cộng đồng người Việt hải ngoại và để cộng đồng người Việt hải ngoại có một sự quan tâm ngược lại đối với nhà nước Việt Nam thì tốt nhất hãy nên làm một điều gì đó thiết thực và có lẽ cái điều thiết thực đó là phải tổ chức kỷ niệm thôi. Mặc dù việc tổ chức kỷ niệm này sẽ không thú vị lắm, không được hài lòng lắm từ phía Bắc Kinh nhưng mà dù sao Việt Nam đang nằm trong hệ trục tay ba, mối quan hệ tay ba với Mỹ và Trung Quốc. Và không thể thuần túy đi theo Bắc Kinh được mà cần phải đi dây, và đó là một chuyến đi dây tôi nghĩ là không thể không có tính chất phiêu lưu. Nhưng ngoài tính chất phiêu lưu ra nếu người đi dây biết cách vận dụng và biết giữ cái thế thăng bằng thì vẫn có thể đạt được một mức độ thành công nhất định nào đó.
TQTKết thúc năm 2013 đánh dấu một cái mốc trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với lại Mỹ đó là chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12 của ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông đến Việt Nam, ông đã đi thăm chiến trường xưa nơi ông đã từng chiến đấu cách đây cả mấy chục năm, ông có những phát biểu rất là thiện cảm trong cái quá trình ở thăm Việt Nam. Ông nghĩ gì về cái chuyến thăm này có liên quan gì đến quan hệ tay ba Việt Nam – Trung Quốc và Mỹ không thưa nhà báo Phạm Chí Dũng?
PCD: Tháng 12, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam. Trước đó một tháng, thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đến Hà Nội. Hai chuyến đi thăm đó lại xảy ra sau khi có mặt tổng thống Nga Vladimir Putin. Như vậy là trong một năm Việt Nam đón 3 nhân vật, 3 chính khách rất quan trọng. Và cả 3 nhân vật đó có một đặc thù là chỉ ghé thăm Việt Nam trong một thời gian ngắn thậm chí là rất ngắn như là Putin. Điều đó cho thấy là cả 3 chính khách này đều muốn tạo ra một hình ảnh nào đó ở Việt Nam, còn lại thứ văn bản ký kết giữa Việt Nam với những nước như Trung Quốc, hay là Nga, hay là Mỹ, thì đã soạn thảo trước rồi và sẵn sàng để lên bàn để ký kết. Như vậy, việc chuyến thăm gần nhất của ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam, tôi cho dường như có một sự thúc đẩy hình ảnh nào đó, tái tạo hình ảnh nào đó của vai trò người Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước thời kỳ năm 1975. Và chắc chắn điều đó cũng liên quan tới chính sách hòa hợp hòa giải của dân tộc, không chỉ của Việt Nam đối với khối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ở hải ngoại mà còn giữa nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ tái tạo lại hình ảnh thân thiện giữa hai cựu thù với nhau. Và điều đó có lẽ cũng dẫn tới động thái nhà nước Việt Nam cần phải xem xét lại vấn đề thực chất tham gia vào Hiệp ước, Công ước chống tra tấn và đồng thời tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và có sự bảo đảm nhất định về mặt chính quyền chứ không để mọi chuyện đó xảy ra một cách tự nhiên và tự tác như trước đây.
Cuối cùng tôi có thể nhận định sơ bộ thế này. Vấn đề John Kerry có lẽ đang tạo một ảnh hưởng nhỉnh hơn so với chuyến đi của thủ tướng Lý Khắc Cường đến Việt Nam. Điều đó rất dễ dàng cho ta chứng minh và nhìn thấy qua những hoạt động gây hấn của nhân viên kiểm ngư, lực lượng kiểm ngư của Trung Quốc đối với việt nam gần đây. Cứ mỗi khi Việt Nam xích về phương Tây một chút thì người Trung Quốc lại không hài lòng, và họ coi đó là một biểu hiện xa rời ly tâm và thiếu thần phục đối với Bắc Kinh. Và lập tức họ lại nảy ra một vài hoặc là một số hoạt động gây hấn nào đó. Những hoạt động gây hấn đó không quá nặng nề như trước đây nhưng đủ để làm phiền nhiễu và gây rắc rối cho toàn bộ khu vực Biển Đông và làm cho giới lãnh đạo Việt Nam phải căng đầu về chuyện nên như thế nào và xem lại chính sách đối xử đối với Bắc Kinh như thế nào và kể cả vấn đề Campuchia nữa.
TQTĐầu năm mới, năm 2014, những hình ảnh về Trung Quốc đã không tạo ra cho người ta thấy 16 chữ vàng và 4 tốt, không tạo thấy một cái âm vang của tình hữu nghị hữu hảo như là người Trung Quốc vẫn thường nói về Việt Nam và bằng những hình ảnh rất là xa lạ. Truyền hình Trung Quốc thì đưa hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, rồi đến ngư dân Việt Nam lại bị đánh đập, lại bị cướp hết tài sản khi đánh bắt cá tại khu Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc lại mới ra một tuyên bố là ai muốn đánh cá tại vùng Biển Đông đều phải xin phép Trung Quốc nếu không thì họ sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Nhà báo Phạm Chí Dũng bình luận thế nào về những hiện tượng này?
PCD: Trung Quốc là một đất nước với lịch sử hiếu chiến, một lịch sử xâm lược, và một lịch sử bành trướng. Tất cả những điều đó chúng ta đều đã thấy, và tôi nghĩ tất cả mọi người đều nhận thức về điều đó. Và điều cực kỳ thiếu may mắn cho Việt Nam là lại ở sát nách Trung Quốc, cùng đường biên giới và chịu sự rắc rối liên tục từ một ông hàng xóm mang danh nghĩa là 16 chữ vàng và 4 tốt. Vấn đề đó chúng ta không cần phải tranh cãi nữa tại vì đã rõ như ban ngày rồi. Vấn đề còn lại là tương lai của mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam sẽ như thế nào? Và một thời điểm nào đó, người ta đang đặt ra một câu hỏi vào một thời điểm nào đó liệu Trung Quốc có tái xâm lược Việt Nam như hình ảnh năm 1979 hay không?
Thậm chí là những năm 1960 của thế kỷ 20, quan hệ Trung Quốc – Liên Xô đang hữu hảo, được coi là hữu hảo và tốt đẹp mà Trung Quốc vẫn vì một lý do địa phận thôi và sẵn sàng tấn công Liên Xô. Như vậy thì đối với Việt Nam sẽ như thế nào? Và đó là một cái hiểm họa khôn lường mà người Việt Nam luôn phải đối mặt.
Trở lại vấn đề nội chính và nội tình Việt Nam. Giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với hiểm họa đối ngoại từ Trung Quốc trong những năm tới, đó là một điều gần như chắc chắn. Và mối hiểm họa đó chỉ có thể bị giảm bớt nếu vấn đề nội chính của Trung Quốc không ổn thỏa và nền kinh tế Trung Quốc không lành mạnh. Nhưng nếu nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được sự ổn định, thể chế Trung Quốc vẫn duy trì được chân đứng tương đối ổn định của nó thì tôi cho là một cuộc gây hấn ở mức độ cao đối với Việt Nam khá nhiều khả năng có thể xảy ra. Trong tình thế như vậy, những nhà lãnh đạo Việt Nam của Đảng cầm quyền Việt Nam như thế nào và cần phải làm gì huống chi nội tình của Việt Nam lại không suôn sẻ được như Trung Quốc. Nội tình Việt Nam đang diễn ra những mâu thuẫn và những mâu thuẫn đó có thể được đẩy lên tới mức độ trầm trọng hơn, thể hiện bằng tính xung đột.
Như vậy, vấn đề đặt ra là tất cả những mâu thuẫn và xung đột cơ bản chỉ được hóa giải bởi sự đồng thuận với dân chúng, với đại đa số trong 90 triệu người dân Việt Nam. Có nghĩa là giới lãnh đạo Việt Nam hoặc những lãnh đạo nào đó của Việt Nam chỉ có thể đứng vững và có được cái nhìn vững chắc về chính sách đối ngoại, nắm chắc có thể nói là nắm chắc chủ quyền trong tay với điều kiện là được sự ủng hộ của đại đa số trong 90 triệu người dân Việt Nam trong đó đa số là người tầng lớp trung lưu và người nghèo. Như vậy người đó phải là người nói như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “nắm chắc được ngọn cờ dân chủ” và ít nhất điều đầu tiên vấn đề dân chủ là phải công khai hóa, minh bạch hóa và dám lên tiếng thể hiện được quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình và quyền phản kháng đối với những hành vi gây hấn tại Biển Đông.
Cuối cùng thì một nhân vật của lãnh đạo Việt Nam sẽ được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng nếu người đó biết gióng lên tiếng nói tự hào tự tôn dân tộc và bảo vệ vấn đề chủ quyền của dân tộc. Còn nếu người lãnh đạo đó họ lãng quên hoặc né tránh vấn đề chủ quyền của dân tộc hoặc họ mang một tư tưởng, một thái độ thật thần phục đối với Bắc Kinh thì chính dân chúng sẽ là người lãng quên thậm chí sẽ hỏi tội họ. Tôi xin chấm dứt phần trả lời phỏng vấn ở đây. Xin cám ơn nhà báo Trần Quang Thành!
TQTXin cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng, xin chào anh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét