Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

SỰ TÀN ĐỘC CỦA BỆNH THÀNH TÍCH

Nguyễn Văn Thạnh
image001Chúng ta thỉnh thoảng nghe về hiện tượng ngồi nhầm lớp. Nhiều em học lớp 7-8 nhưng trình độ thì chưa đến lớp 3. Chúng ta ai cũng biết đây là bệnh thành tích của ngành giáo dục và nhiều người cũng nghĩ chỉ có ngành giáo dục mới có bệnh này.
Nếu chịu khó suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy nhiều điều từ căn bệnh giáo dục kinh niên này.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, nạn nhân thê thảm nhất là học sinh. Họ bỏ phí cả quãng đời mười mấy năm để “trôi” từ lớp nhỏ lên lớp lớn mà không được gì. Học trong cảm giác không hiểu, không biết gì quả là một cực hình. Lâu dần, sẽ hình thành nhân cách người học sinh này vừa lỳ lợm, bợm bãi nhưng lại rất mất tự tin, không bao giờ dám có chính kiến của mình. Những học sinh thất bại này rất có thể là mầm mống cho băng đảng giang hồ, côn đồ hoàng hành xã hội. Hậu quả nhỡn tiền tiếp theo là xã hội, đất nước bị kém phát triển, tội phạm,…

Vấn đề đặt ra, tại sao người giáo viên, một người được xã hội thừa nhận đức độ lại làm việc hại chính học trò của mình vậy?
Chúng ta biết rằng, mỗi giáo viên, mỗi lớp, mỗi trường, mỗi tỉnh,… đều có mức đo thành tích để thi đua. Nếu không đạt thành tích về học sinh khá, giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp,… thì giáo viên, lãnh đạo trường, thậm chí là lãnh đạo (giáo dục) tỉnh đó cũng bị mất thi đua, bị khiển trách, bị không tăng lương, bãi chức,…
Con người làm gì cũng phải có mục tiêu. Qui định thành tích cũng không có gì xấu. Thậm chí là cần thiết, vì nếu không đưa ra chỉ tiêu thành tích thì lấy gì để đo đếm, thúc đẩy người giáo viên làm việc?
Tuy nhiên, đó là nghĩ xuôi, nếu nghĩ ngược thì sẽ rất bất ổn, thậm chí là ẩn chứa một mầm họa. Khi học sinh không đạt thành tích đề ra, người giáo viên đứng trước hai lựa chọn: đánh giá đúng sự thật và mình bị khiển trách, giảm lương,… hoặc nâng học sinh lên để có thể đạt hoặc vượt thành tích. Có thể một vài giáo viên chấp nhận thiệt hại về mình để sống đúng lương tâm, trách nhiệm nhưng trong một hệ thống thì vấn nạn bệnh thành tích là không gì kiểm soát nổi.
Tôi có quen một chị giáo viên, chị tâm sự trong chua chát “trước chị cứ thẳng tay mà làm, học được bao nhiêu, chị cho điểm bấy nhiêu. Kết quả lớp chị dạy rất bết bát, chị bị lãnh đạo khiển trách, bản thân chị lương, thưởng, thi đua,… mất hết. Chưa nói, các lớp dưới cũng vì thành tích, cho lên lớp nhiều em không biết gì. Nếu cứ thẳng tay có khi hơn nửa lớp ở lại. Sống đúng lương tâm không phải khó nữa mà là không thể,…”. Nói mà giọng chị rưng rưng, ngậm ngùi.
Thời gian qua, tôi liên tục bị chuyển nhà (bản mới, xin xem ở đây http://danquyen.org/, loạt bài số 5), thậm chí đi thuê nhà cũng rất khó khăn. Nhiều chủ nhà đồng ý, nhưng khi quay lại họ lại lắc đầu. Thậm chí nhiều chủ nhà đã ký hợp đồng, nhận tiền, nhưng khi đưa giấy tờ để họ đi đăng ký tạm trú thì sau đó họ lại lắc đầu, xin lỗi và trả lại tiền.
Tôi tin vào bản chất tốt đẹp của con người, dù ngành nghề nào cũng có người này người nọ. Đà Nẵng rộng lớn không lẽ không có chốn dung thân? Nghĩ vậy nên tôi kiên trì tìm nhà. Càng tìm tôi càng thấy bế tắc, thất vọng. Những ngày mưa gió, thấy nhiều gia đình ấm êm, mình lang thang đi tìm nhà mà lòng chua chát.
Không lẽ cả Đà Nẵng vô cảm thế sao? Không lẽ công an Đà Nẵng có thể che hết bầu trời ở đây?
Cuối cùng tôi nhận ra một sự thật: “tất cả những đơn vị công an, những công an khu vực đều khoán thành tích là địa bàn mình phụ trách không có “đối tượng”. Nếu để địa bàn mình có đối tượng thì sẽ cắt thi đua, không nâng lương, thậm chí là sa thải”.
Rõ ràng sự khoán thành tích này rất tàn độc, nó đẩy con người ta phải ra tay sát phạt nhau hết nước trong vô tình. Các nhân viên an ninh trước hết vì bản thân mình, gia đình mình mà triệt hạ ngay “đối tượng” như tôi khi họ đến cư trú trên địa bàn mình. Dùng công cụ luật pháp không được thì dùng trò bẩn: hăm dọa, gây sức ép chủ nhà, theo dõi rình rập, hay khi chủ nhà mang giấy tờ nhân thân vợ chồng tôi đến đăng ký thì tung tin hù dọa họ…
Lang thang trong cái lạnh, mưa lất phất đi tìm nhà trong trạng thái tuyệt vọng (vì biết rằng vì thành tích, các nhân viên an ninh cũng sẽ làm cho chủ nhà đuổi mình đi), trong tiếng gió, tôi như nghe tiếng rên xiết ai oán của những nạn nhân của vụ cải cách ruộng đất năm xưa. Họ cũng là nạn nhân của sự tàn độc của bệnh khoán thành tích. Năm đó lệnh trên qui định 5% địa chủ. Nhiều làng nghèo xác xơ, lấy đâu ra địa chủ giờ? Không đủ 5% thì qui tội thiếu nhiệt tình cách mạng, bao che hay không kiên định lập trường cách mạng,… và số phận sẽ rất thê thảm. Không còn lựa chọn, các đội cải cách cứ phải nọc dân ra bắn cho đủ 5%, nhiều nhà có mỗi một con bò cũng qui vào thành phần địa chủ. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu ai oán từ căn bệnh thành tích 5%?
Tôi biết sự tàn độc của nó, tôi biết mình không thể một mình bẻ gậy chống trời. Có nhân viên an ninh hứa với vợ tôi là sẽ giúp tìm nhà với điều kiện tôi yên lặng và họ còn giúp tôi có một công việc thu nhập tốt. Tại sao tôi không chọn con đường đó?
Tôi thấy dân tộc này nhiều bi thương quá. Họ tự đẩy mình vào thảm cảnh, họ đưa ra những chính sách, những mức thành tích tưởng như tốt đẹp nhưng sự thật nó lại gây họa, nó làm cho người lương thiện không thể trở nên lương thiện. Nó làm cho người có tâm với đất nước phải vất vưởng đi tìm nhà trong mưa gió. Nó làm cho người tử tế phải nói “chị hiểu em, chị biết việc em làm là tốt, nhưng chị xin lỗi, chị không giúp gì được em…”. Nó làm cho nhân viên chấp pháp ăn lương dân, thay vì bảo vệ dân thì phải “truy kích” dân bằng mọi giá.
May mắn được trời cho một trí tuệ “khá ổn”, tôi lại chọn im lặng trong cảnh bi thương của đất nước, liệu có ổn không?
Đà Nẵng 13.1.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét