Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Người dân Trung Quốc bất lực trước đại họa thực phẩm bẩn

Chọn mua thịt vịt tại một chợ ở Chiết Giang, 14/02/2014.
Chọn mua thịt vịt tại một chợ ở Chiết Giang, 14/02/2014.  -REUTERS/William Hong
Nhật báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến « Thực phẩm bẩn : Sự ngao ngán của người Trung Quốc »Từ sữa nhiễm mélamine, bắp cải có formol cho đến thịt có chứa thuốc trừ sâu, những xì-căng-đan thực phẩm liên tục nổ ra tại đất nước bị ám ảnh bởi những hồi ức về nạn đói trước đây. Ngày nay người dân ý thức được rằng thực phẩm bày bán và nạn ô nhiễm đất nông nghiệp gây nguy hại cho sức khỏe của họ.

Sự bất mãn của người dân sâu sắc cho đến nỗi đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn muốn dập tắt những phong trào nổi dậy từ trong trứng nước, đã phải lo ngại. Thế nên an toàn thực phẩm trở thành một trong những ưu tiên của chính quyền trong năm 2014, cùng với việc bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Đành rằng nạn ô nhiễm tại đô thị đang là mối lo hàng đầu, nhưng tình trạng đất nông nghiệp thường đầy thuốc trừ sâu và phân bón, rác công nghiệp, cũng là nguyên nhân đe dọa khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng.
Le Figaro kể ra một danh sách dài để có thể lập nên một thực đơn kinh dị : trứng làm bằng paraffine, há cảo nhiễm thuốc trừ sâu, thịt heo có clenbutérol nấu bằng dầu ống cống, ăn kèm bắp cải có tiêm formol, gạo bằng nhựa và nấm được tẩy trắng bằng thuốc tẩy eau de javel. Kết thúc bữa ăn : tráng miệng với yaourt bằng sữa nhiễm mélamine và dưa hấu bị nổ, nhấm nháp với trà có thuốc sâu. Tất cả những món này đều là hiện thực.
Tờ báo nhắc lại, năm 2008 sữa nhiễm mélamine đã giết hại 6 em bé và gây bệnh cho 300.000 em khác. Nhưng xì-căng-đan này chỉ được tiết lộ sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc để không làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Chất hóa học này được dùng để làm tăng độ đạm một cách giả tạo. Bà chủ của công ty sữa Sanlu đã bị kết án chung thân, nhưng bản án này cũng không ngăn được một xì-căng-đan sữa nhiễm độc mới tại Yili, một nhãn hiệu tên tuổi của Trung Quốc.
Một giáo sư tại Bắc Kinh tâm sự : Hai vợ chồng tôi không muốn có con, vì bị ám ảnh bởi hình ảnh những trẻ sơ sinh dị tật. Chúng tôi cũng không muốn như các bạn bè mình, cuối tuần phải sang Hồng Kông hay tranh thủ những lần du lịch châu Âu để mua sữa bột. Còn mua sữa chất lượng cao tại Trung Quốc thì quá đắt và cũng không bảo đảm.
Những trò phù phép thực phẩm bẩn
Tháng 5/2012 Tân Hoa Xã tiết lộ những người bán bắp cải đã tẩm formol để không bị hư hại khi vận chuyển bằng xe tải không có hệ thống lạnh trong mùa nóng. Formol rẻ tiền, nhưng gây dị ứng và có nguy cơ gây ung thư rất cao. Cung cách này rất phổ biến tại tỉnh Sơn Đông. Còn năm 2010, nhiều người trồng rau đã nhúng nấm vào eau de javel để tẩy trắng.
Năm 2011, công an bắt giữ 32 người sản xuất dầu ăn vớt từ dầu của các nhà hàng thải ra ống cống. Theo ước tính, có đến 10% số dầu ăn tiêu thụ tại Trung Quốc là dầu thải, mang lại món lợi rất lớn. Đến tháng 5/2013, công an phát hiện một mạng lưới buôn lậu thịt quy mô ở Thượng Hải và Giang Tô. Trên 900 người bị bắt giam vì bán thịt chuột cống và chồn giả làm thịt bò và cừu, thu lợi 1,6 triệu đô la.
Các nhà phù thủy này chế ra những món ăn bị tiêm vào những sản phẩm độc hại, ngâm tẩm bằng những dung dịch đáng ngờ đôi khi bằng nước tiểu súc vật. Thịt heo được tiêm borax, một chất được dùng làm thuốc trừ sâu hay bột giặt để giả làm thịt bò, hay chích nước bẩn vào để làm tăng trọng lượng, là những thủ thuật cổ điển.
Về phía nông dân cũng vận dụng nông hóa để có được rau quả to hơn, đẹp mã hơn. Khoảng 45 hecta dưa hấu đã bị nổ tung như những quả bóng vì rải quá nhiều chất forchlorfenuron để kích thích tăng trưởng. Cuối tháng 12/2013 Trung Quốc tổng kết có 3,33 triệu hecta đất nông nghiệp quá ô nhiễm, không thể trồng bất cứ thứ gì. Theo South China Morning Post, ít nhất 70% sông hồ tại Trung Quốc bị công nghiệp làm ô nhiễm, chủ yếu là các nhà máy hóa chất và dệt nhuộm.
Một nhà phát minh ra loại « siêu lúa » có năng suất tăng 20% báo động : « Hooc-môn tăng trưởng thấy khắp nơi. Để nuôi lớn một con heo và giết thịt thông thường phải mất một năm, nhưng tại Trung Quốc thì chỉ cần ba tháng ! Gà thì nuôi có 28 ngày thay vì 6 tháng, còn rau quả cũng tương tự. Hậu quả là thảm họa cho sức khỏe. Vì vậy mà một bé gái mới ba tuổi đã thấy kinh nguyệt, do ăn dâu có hooc-môn do cha mẹ trồng ».
Nuôi được 1,3 tỉ người là một trong những thử thách lớn trong một đất nước đã nhiều lần bị nạn đói hoành hành trong lịch sử. Các lãnh đạo không tìm được phép lạ nào, nên phải trả giá trong lãnh vực an toàn thực phẩm. Một danh hài đã chế giễu : « Nhờ các xì-căng-đan thực phẩm, người Trung Quốc đã tiến bộ vượt bực trong ngành hóa ». Le Figaro kết luận, trong một hệ thống do đảng Cộng sản lãnh đạo, người dân không thể đi xa hơn để tìm kiếm những người có trách nhiệm về thảm họa thực phẩm bẩn.
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, châu Á lo ngại
Cũng về Trung Quốc, nhiều tờ báo chú ý đến việc Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng. Le Figaro và La Croix đều có cùng nhận định, đây lại là một quan ngại mới cho các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.
La Croix cho biết, năm nay Trung Quốc dành đến 95,9 tỉ đô la cho quốc phòng, tăng 12,2% so với năm 2013. Để củng cố vai trò đại cường trên trường quốc tế và tại châu Á, Bắc Kinh không ngừng tăng ngân sách quân sự : năm 2012 tăng 11,2% và năm ngoái đã tăng 10,7%. Ngân sách này đứng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, đứng trên Nga, Ả Rập Xê Út, Anh và Pháp.
Tuy vậy các chuyên gia phương Tây và Nhật Bản đều cho rằng chi quốc phòng thực sự của Bắc Kinh cao hơn con số chính thức rất nhiều, khoảng 98 đến 156 tỉ đô la được dành cho một quân đội đông đảo nhất thế giới với 2,3 triệu quân. Còn nếu chỉ dựa theo số liệu chính thức, cũng đã lớn gấp ba Ân Độ, và cao hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại. Theo báo cáo của International Institute for Strategic Studies công bố vào tháng trước, thậm chí chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington vào năm 2030.
Vì sao các nước láng giềng phải lo ngại ? Người Nhật nêu ra sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Nhật phải tăng ngân sách quốc phòng 5%, còn các nước châu Á khác phải tăng cường hợp tác quân sự và hiệp định an ninh với Mỹ.
Theo La Croix, căng thẳng khu vực không hẳn là động cơ hàng đầu, mà Bắc Kinh muốn có một quân đội xứng đáng với tư cách đại cường kinh tế chính trị, tức « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình. Về vấn đề này, Le Figaro trích nhận xét của chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Lowy ở Sydney cho là những ai tin rằng Tập Cận Bình chỉ tập trung vào kinh tế « đã đánh giá thấp ý định của Trung Quốc trong việc hình thành môi trường chiến lược theo ý mình ».
Lính lê-dương Đức tại Điện Biên Phủ
Liên quan đến Việt Nam, nhật báo Libération có bài viết mang tựa đề « Đông Dương với đoàn quân lê dương Đức ít ai biết đến ». Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, hàng ngàn lính Đức bị bắt tại Pháp đã chấp nhận đi lính lê dương ở thuộc địa. Một nhà nghiên cứu trẻ Pháp đã vẽ lại hành trình của những người bị lãng quên này trong tác phẩm « Kẻ thù hữu dụng », được bài báo trích dẫn.
Trong Thế chiến thứ hai, có đến 2.600 lính Đức « hy sinh vì nước Pháp » ! Đó là các tù binh Đức bị Pháp bắt đã xung phong gia nhập lực lượng lê-dương, và ngay lập tức được gởi sang Đông Dương, trong đó có nhiều lính SS cũ. Tại Điện Biên Phủ, có đến 1.600 lính Đức tham gia chiến đấu, trong đó nhiều người đã thiệt mạng.
Ukraina : Chuẩn bị thanh lọc bộ máy
Nhìn sang Ukraina nơi tình hình đang sôi động, đặc phái viên Libération ở Kiev viết về « Một sự thanh lọc tế nhị » : chỉ nên nhắm đến các đại gia, thẩm phán, nhân viên an ninh…liên can đến tội ác và tham nhũng trong thời kỳ Viktor Ianoukovitch nắm quyền.
Từ khi cuộc nổi dậy thành công, mọi người đều nói đến điều này. Đối với những người biểu tình và chính quyền mới, chỉ truy lùng Ianoukovitch thì không đủ, mà còn phải nhanh chóng thanh lọc bộ máy nhà nước. Cụ thể là những ai ra lệnh và nhắm bắn vào người biểu tình, các dân biểu đã bỏ phiếu cho đạo luật độc đoán hồi tháng Giêng cho phép đàn áp, các quan tòa đã bỏ tù những người phản kháng…
Việc thanh lọc phải nhanh chóng và không nhắm vào cá nhân mà vào những tội ác cụ thể. Tất nhiên cần phải thận trọng, phân biệt những đại biểu đã soạn thảo các luật này với những người phải bỏ phiếu dưới áp lực, hay lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut với lực lượng an ninh nói chung.
Sau khi Ianoukovitch bỏ trốn, những nhóm sáng kiến của Maidan tập hợp nhiều nhân vật uy tín đã cố gắng đưa ra các tiêu chuẩn thanh lọc. Chẳng hạn 100 người giàu nhất Ukraina không thể giữ các chức vụ trong chính quyền mới. Theo chủ tịch ủy ban thanh lọc Egor Sobolev, đang chuẩn bị một dự luật cho Quốc hội, thì : « Việc các doanh nhân giàu có giữ một chức vụ thật ra không có vấn đề gì, nhưng nếu họ làm giàu nhờ chức vụ thì không thể được ».
Phản đối tấn công Crimée trên mạng xã hội Nga
Về phía Nga, thông tín viên của nhật báo Les Echos tại Matxcơva cho biết về « Những tiếng nói chỉ trích điện Kremli tại Nga ». Trên truyền hình nhà nước Nga, tuyên truyền hoạt động ở mức tối đa, nhưng trên internet và những tờ báo tự do, người Nga phản đối việc đổ quân sang Crimée.
« Ông Putin điên rồi ! ». Trên internet, nhiều người Nga không giấu diếm sự bất bình trước các hành động quân sự của Kremli. Một thanh niên Matxcơva thổ lộ : « May quá, từ nhiều năm qua chúng tôi không còn xem tivi nữa ». Những người sử dụng mạng xã hội không còn tin vào tuyên truyền của truyền thông nhà nước.
Les Echos cho biết, giáo sư Andrei Zubov của Viện nghiên cứu quốc tế danh tiếng MGIMO ở Matxcơva còn đi xa hơn khi trên một tờ báo tự do, đã so sánh việc Nga đưa quân vào Crimée với sự kiện Hitler chiếm đóng nước Áo. Ngay lập tức ông đã bị sa thải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét