Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Hậu cần : Nhược điểm to lớn của Hải quân Trung Quốc

Khu trục hạm Trung Quốc Haikou (DDG-171) tham gia cuộc tìm kiếm
 máy bay mất tích của Malaysia. 
Airlines. Ảnh Hải quân Úc công bố
ngày 11/04/2014.  
Reuters
Trọng Nghĩa
Từ khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến dạng hôm 08/03/2014 với 2/3 số hành khách là công dân Trung Quốc, Bắc Kinh đã tung một lực lượng tàu thuyền hùng hậu tham gia công cuộc tìm kiếm tông tích chiếc phi cơ bị mất tích. Hành động mang tính chất phô trương lực lượng này tuy nhiên đã để lộ một nhược điểm to lớn của Hải quân Trung Quốc : chưa đảm bảo được vấn đề hậu cần khi hoạt động tại hải ngoại.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong chiến dịch tìm kiếm chiếc Boeing của Malaysia ngoài khơi nước Úc, Trung Quốc đã huy động đến 18 chiến hạm, một đội tàu tuần duyên cỡ nhỏ hơn, một chiếc tàu chở hàng dân sự và một tàu phá băng Nam Cực. Lực lượng đông đảo này, theo phân tích của giới chuyên gia  và tùy viên quân sự trong khu vực, đã kéo dãn tuyến tiếp liệu và hậu cần của ngành hải quân Trung Quốc đang trên đường phát triển nhanh chóng.
Lỗ hổng bị lộ ra một cách rõ ràng trong chiến dịch này chính là sự thiếu vắng các căn cứ hải quân Trung Quốc ở hải ngoại, cũng như những cảng bạn, mà chiến hạm Trung Quốc có thể ghé vào để được tiếp tế nhiên liệu hay sửa chữa, bảo trì khi cần thiết.
Theo hãng Reuters, giới hoạch định chính sách hải quân Trung Quốc đã nhận thức rõ điều này, và biết rằng họ sẽ phải lấp đầy khoảng trống chiến lược đó để đáp ứng tham vọng của Bắc Kinh, muốn có được một ngành Hải quân đủ sức hoạt động ngoài biển khơi vào năm 2050 - đặc biệt trong trường hợp cần phải can thiệp tại vùng Đông Nam Á hay xa hơn trong trường hợp tranh chấp bùng lên.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ có duy nhất một căn cứ Hải quân có khả năng cung ứng hậu cần cho chiến hạm, tàu thuyền Trung Quốc hoạt động ở các vùng biển phía Nam. Cơ sở này được đặt trên đảo Hải Nam, ở cực nam Trung Quốc, nhưng vẫn cách xa khu vực mà tàu Trung Quốc đang tìm kiếm chiếc phi cơ Malaysia khoảng 3000 hải lý.
Trong các thập niên gần đây, Trung Quốc đã không ngừng thúc đẩy các công trình xây dựng kiên cố trên các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô trên Biển Đông mà họ đã đánh chiếm được từ tay hai nước Việt Nam và Philippines, với mục tiêu biến các nơi này làm trạm nghỉ tạm cho tàu bè Trung Quốc khi phải xuống hoạt động ở miền Nam. Bằng chứng rõ rệt nhất là các cơ sở xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam từ năm 1974, hay Đá Vành Khăn (MischiefReef) lấy của Philippines năm 1995.
Tuy nhiên, các cơ sở nói trên không thể đảm bảo được nhu cầu hậu cần đầy đủ cho một lực lượng hải quân, một nhu cầu chỉ có thể được cung ứng tại các hải cảng thực thụ, điều đang diễn ra cho các chiến hạm Trung Quốc tham gia công tác tìm kiếm xác chiếc phi cơ Malaysia ngoài khơi nước Úc. Vấn đề là nếu việc ghé cảng nước ngoài tương đối dễ dàng trong thời bình, và trong khuôn khổ các chiến dịch cứu trợ nhân đạo, khả năng này sẽ khó khăn hơn khi xẩy ra tranh chấp hay xung đột.
Một chuyên gia phân tích tại Bắc Kinh, chuyên theo dõi tiến trình xây dựng của Hải quân Trung Quốc nhận định : « Nếu tình hình thực sự trở nên căng thẳng, với nguy cơ xung đột nổ  ra giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ ở vùng Đông Á chẳng hạn, thì khó có thể tưởng tượng ra việc Úc cho chiến hạm Trung Quốc ghé cảng để tiếp tế nhiên liệu ».
Theo giới quan sát, Trung Quốc đang quyết tâm thách thức sự thống trị truyền thống của Hải quân Mỹ trong vùng châu Á Thái Bình Dương, đồng thời rất muốn bảo vệ lợi ích chiến lược riêng của họ ở Ấn Độ Dương và Trung Đông.
Ian Storey, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng Trung Quốc rất muốn được như Mỹ, nghĩa là có được các thỏa thuận cho tàu chiến ghé cảng các nước khác, đặc biệt là trên cơ sở dài hạn, và đó chính là một « lỗ hổng rõ rệt » mà Trung Quốc cần lấp đầy.
Trong trường hợp của Mỹ, thực tế hoàn toàn khác : Hoa Kỳ đã xây dựng được cả một mạng lưới căn cứ rộng lớn - tại Nhật Bản, đảo Guam gần Philippines và Diego Garcia trên Ấn Độ Dương – được củng cố bằng một loạt các hiệp định liên minh chính thức và thỏa thuận với nhiều nước bạn, cho chiến hạm Mỹ quyền ghé cảng để tiếp tế và sửa chữa, kể cả tại các hải cảng chiến lược ở Singapore và Malaysia.
Vấn đề là với các tham vọng biển đảo ngày càng lộ rõ của Trung Quốc trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, liệu các láng giềng của Bắc Kinh có sẵn lòng ký kết các thỏa thuận như trên với Trung Quốc hay không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét