Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

'Ai sẽ hòa giải vụ giàn khoan 981?'

Shangri-La 13 có thể là một 'dịp hữu ích' để tìm giải pháp cho vụ xung đột Giàn khoan Hải Dương 981 giữa Trung Quốc và Việt Nam đang làm nóng bầu không khí ở khu vực Đông Nam Á, theo ý kiến một số nhà quan sát quốc tế và trong nước.
Trong trường hợp hai bên trong xung đột là Trung Quốc và Việt Nam muốn tìm kiếm một giải pháp xuống thang và hạ nhiệt cho cuộc xung đột, ai có thể sẽ là người đảm nhiệm phù hợp nhất vai trò nhà trung gian, hoa giải, là một trong các giả thuyết được đặt ra cuối tuần này, bên thềm cuộc Đối thoại tại Singapore.

"
Trao đổi với BBC hôm 30/5/2014 từ Đại học Hamburg của Cộng hòa Liên bang Đức, Giáo sư Jorg Thomas Engelbert, nhà nghiên cứu châu Á và Việt Nam học, cho rằng Trung Quốc không chỉ 'thử phản ứng' của các cường quốc, các nước láng giềng trong khu vực, mà có thể muốn tỏ cho thấy họ không 'nhượng bộ' trước bất cứ quốc gia nào trong vụ giàn khoan và khẳng định vai trò và vị thế quân sự ở khu vực.

Tôi nghĩ Asean là một mẫu mực, không va chạm vào quyền lợi của nhau, không xâm lược nhau, không đánh chửi nhau"
GS Jorg Thomas Engelbert, Đại học Hamburg, Đức
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho rằng có thể có một khả năng hai bên Việt - Trung sẽ 'hạ nhiệt' và khi đó, có thể sẽ cần đến một nhà trung gian, mà người 'hòa giải lý tưởng' có thể là Asean.
Ông Engelbert nói: "Chuyện dầu khí là một câu chuyện giả thôi, mượn cớ để khẳng định mình về mặt quân sự, nên việc này thì họ sẽ đi từng bước một, và sự phản ứng của thiên hạ và của Mỹ cũng sẽ khẳng định tốc độ của việc đưa quân sự ra ở vùng đó."
"Tôi nghĩ Asean là một mẫu mực, không va chạm vào quyền lợi của nhau, không xâm lược nhau, không đánh chửi nhau, đấy là những điều nguyên tắc cơ bản của khối Asean.
"Và từ lâu Asean cũng cố gắng áp dụng những điều lệ này với quan hệ với các cường quốc bên ngoài, nhất là với Trung Quốc."

'Còn e ngại Trung Quốc'


"Đối thoại Shangri-La đã diễn ra vào một thời điểm rất đúng lúc để tất cả các bên cùng ngồi xuống bình tĩnh và nói rằng hãy xem xét và chúng ta sẽ không để cho tình hình lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta, hay là chúng ta sẽ đưa ra các biện pháp có ý nghĩa để giải quyết vấn đề"
GS. David Camroux, Sciences-Po, Paris
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Asean hiện còn có nhược điểm là 'chưa thống nhất' và còn có thành viên 'e ngại' Trung Quốc.
Ông nói: "Vấn đề là Asean chưa mạnh vì chưa được thống nhất, có những nước gần Trung Quốc sợ nhiều hơn, có những va chạm với Trung Quốc nhiều hơn.
"Còn những nước xa hơn, họ nghĩ là cần gì đến mình, cho nên vấn đề là nếu khối Asean thống nhất, mạnh dạn và cũng (tại) cả Việt Nam nữa, Việt Nam cũng có những lúc muốn đàm phán riêng với Trung Quốc, mà không cần đến Asean."
Cuối tuần này diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 (từ ngày 30/5 đến 01/6) tại Singapore, mà chủ đề được quan tâm nhiều nhất chính là cuộc xung đột đang nóng lên ở khu vực Hoàng Sa, trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam do vụ giàn khoan Hải Dương.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc học và châu Á học từ Đại học Chính trị Paris, Pháp (Sciences-Po, Paris) cho rằng Đối thoại là một cơ hội 'hữu ích' để các bên nhìn nhận và tìm giải pháp cho xung đột.

Ai sẽ hòa giải căng thẳng Việt-Trung?
Giáo sư David Camroux hôm thứ Sáu nói với BBC:
"Tôi nghĩ đây là thời điểm hữu ích để nhìn nhận và cân nhắc một sự kiện hệ trọng liên quan tới một cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra, do đó Đối thoại Shangri-La đã diễn ra vào một thời điểm rất đúng lúc để tất cả các bên cùng ngồi xuống bình tĩnh.
"Và nói rằng hãy xem xét và chúng ta sẽ không để cho tình hình lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta, hay là chúng ta sẽ đưa ra các biện pháp có ý nghĩa để giải quyết vấn đề.
"Tôi không cho rằng Đối thoại sẽ đưa ra một giải pháp thật lớn lao cho một cuộc xung đột như vậy, thế nhưng như người ta vẫn nói 'hòa bình vẫn tốt hơn là chiến tranh' và do đó điều tốt hơn vẫn là đối thoại, đàm phán, để hiểu lập trường của nhau rõ ràng hơn, hơn là để cho một cuộc xung đột xảy ra rồi lên cao."

'Hữu ích và đúng lúc'

Theo nhà nghiên cứu từ Pháp, Trung Quốc sẽ bị chỉ trích 'mạnh mẽ' bởi nhiều quốc gia tham dự Đối thoại như Nhật Bản, Hoa Kỳ, một số quốc gia trong khu vực, tại Asean, đương nhiên là bởi Việt Nam, tuy nhiên đây vẫn là một "bài tập" để hy vọng sẽ đạt được tiến bộ cho một giải pháp.

"Tôi nghĩ rằng sự đoàn kết giữa 'hai đảng cộng sản anh em' trong quá khứ nay đã thực sự hết rồi"
GS. David Camroux, Sciences-Po, Paris
"Đây có thể là một bài tập hữu ích để hy vọng sẽ mang lại tiến bộ, đưa tới tìm ra một giải pháp nào đó dưới dạng quốc tế ở Biển Đông, một giải pháp thường xuyên và lâu dài."
Nhà nghiên cứu nhận xét rằng hiện nay quan hệ Trung - Việt, đặc biệt giữa hai Đảng Cộng sản, đã trở nên xấu đi trầm trọng sau vụ Giàn khoan Hải Dương 981.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng quan hệ giữa hai Đảng đã xấu đi trầm trọng, tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn chưa tha thứ cho Việt Nam trong cuộc xung đột giữa Việt Nam với Campuchia khoảng 40 năm về trước, cũng như trận thua ở chiến tranh Biên giới (1979), họ không bao giờ quên điều đó.
"Tôi nghĩ rằng sự đoàn kết giữa 'hai đảng cộng sản anh em' trong quá khứ nay đã thực sự hết rồi, Trung Quốc nay là một người chơi trên một cuộc chơi và sân chơi quốc tế, ngày nay Việt Nam không còn là đối tác 'gần gũi' và trong số ít, với Trung Quốc như trước đây trong quá khứ chiến tranh nữa.
"Mặt khác Việt Nam cũng đã chuyển sang quan hệ và hòa nhập vào khối Asean, một khối quốc gia, một thế lực trung bình ở khu vực, vốn có mối quan hệ với một số cường quốc lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và cũng như với một số quốc gia khác như Nhật Bản và Úc."

'Cao Biền dậy non'


"Và tôi hy vọng và tin tưởng rằng chuyện này sau một thời gian sẽ được giải quyết ổn thỏa, còn ai là trung gian thì cũng khó nói được, nhưng giữa vai trò của Mỹ ở trong khu vực là rất rõ, thế giới đều biết"
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm
Cũng bên thềm Shangri-La Singapore, hôm 30/5, một nhà nghiên cứu, đồng thời là đương kim thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói với BBC cuộc khủng hoảng Giàn khoan 981 'bất lợi hơn' cho Trung Quốc.
Từ Sài Gòn, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói: "Tôi thấy rằng trong chuyện này, Việt Nam bị rơi vào tình thế khó, tình thế khốn đốn, nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn Việt Nam."
Nhà tư vấn lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã vừa không củng cố được hình ảnh của mình trước quốc tế về một cường quốc với 'sức mạnh mềm', mà trái lại làm cho thế giới, trong đó có nhiều quốc gia ở khu vực và lân cận 'e sợ', 'nghi ngờ'.
Tuy nhiên quan chức về tư tưởng của Đảng nói ông hy vọng cuộc xung đột cuối cùng sẽ được 'giàn xếp ổn thỏa', ông Thêm nói:
"Trên mặt trận gọi là mở rộng ảnh hưởng này của mình (Trung Quốc), thì đây lại là một trường hợp 'Cao Biền dậy non' và tôi nghĩ là Trung Quốc là người thiệt hại nhiều hơn.
"Và tôi hy vọng và tin tưởng rằng chuyện này sau một thời gian sẽ được giải quyết ổn thỏa, còn ai là trung gian thì cũng khó nói được, nhưng giữa vai trò của Mỹ ở trong khu vực là rất rõ, thế giới đều biết.
"Thế rồi sức mạnh của Cộng đồng các nước Đông Nam Á cũng là một lực lượng mà Trung Quốc phải tính đến, chứ không thể bỏ qua được. Và đấy cũng có thể xem như những lực lượng trung gian, rồi Nhật Bản thì cũng có những liên quan nhất định," Giáo sư Thêm nói với BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét