Pages

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đại sứ VN phản bác TQ trên CNN


Trung Quốc nói giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước này
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lên án hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông của Trung Quốc trên truyền hình Mỹ.

Trả lời biên tập viên Christiane Amanpour của đài CNN tối 28/5, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc vẫn rất tốt trong năm ngoái, cho đến khi "Trung Quốc bất ngờ gửi giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam".
Động thái này diễn ra hơn một tuần sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải khẳng định giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Việt Nam 'gây rối' và sử dụng tàu quân sự trong khu vực tranh chấp.
"Đây là hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Người dân Việt Nam không còn cách nào khác ngoài phản ứng một cách hòa bình nhưng kiên quyết".
Tuy nhiên ông Cường không trả lời ý trong câu hỏi của người dẫn chương trình về việc liệu những phản ứng hòa bình của phía Việt Nam có giúp tránh một cuộc xung đột vũ trang hay không.

Phản pháo

Trước đó, hôm 20/5, Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói với CNN rằng công ty Trung Quốc hoạt động “tại vùng biển cách đảo Trung Quốc 17 hải lý, trong khi vùng biển này cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý”.
“Thứ hai, đây là giàn khoan duy nhất của chúng tôi tại khu vực này. Nhưng Việt Nam đang có hơn 30 giàn khoan, đều nằm trong khu vực tranh chấp. Giàn khoan duy nhất của chúng tôi nằm ở vùng biển không hề có tranh chấp."
Về lời phát biểu này của Đại sứ Thôi, ông Cường cho rằng "Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi hiện trạng" và "tìm cách biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp."
"Đây là điều không thể chấp nhận được", ông nói.

"Nhiều tập đoàn nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam trong hoạt động thăm dò, quý vị có nghĩ là họ sẽ làm vậy nếu họ biết khu vực này nằm trong vùng biển tranh chấp? "
Nguyễn Quốc Cường, đại sứ VIệt Nam tại Hoa Kỳ
"Những giàn khoan này nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không phải trên vùng biển tranh chấp."
"Tất cả những hoạt động thăm dò dầu khí đã được Việt Nam thực hiện hàng thập kỷ nay đều nằm trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt nam".
"Nhiều tập đoàn nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam trong hoạt động thăm dò, quý vị có nghĩ là họ sẽ làm vậy nếu họ biết khu vực này nằm trong vùng biển tranh chấp? Tôi không nghĩ vậy."
Ông Cường cũng nhắc lại việc năm 2012, Trung Quốc cho đấu thầu những lô dầu khí nằm bên trong thềm lục địa của Việt Nam, "nhưng không có nước nào chấp nhận điều này".
Hồi tháng Sáu năm 2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thông báo chào thầu quốc tế tại chín lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng phản đối hành động này và cho rằng vùng mời thầu của Trung Quốc "nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982" và "hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".

'Chính sách ngoại giao độc lập'


Ông Cường nói Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền
Trong buổi phỏng vấn tối 28/5, CNN cũng dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 rằng "Trung Quốc là một nước lớn và những nước khác là nước nhỏ, đó là thực tế" và đặt câu hỏi làm sau Việt Nam có thể bảo vệ mình trước Trung Quốc khi không có bất kỳ hiệp định an ninh nào với Hoa Kỳ.
Ông Cường cho rằng tuyên bố của ông Dương là "lập luận không có cơ sở".
"Trong quan hệ quốc tế, mọi quốc gia đều bình đẳng. Việt Nam có một chính sách ngoại giao độc lập. Chúng tôi muốn quan hệ tốt với Trung Quốc, Hoa Kỳ và những nước khác," ông nói.
"Tuy nhiên, chúng tôi không thể chấp nhận những hành động gây hấn. Nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền."
"Bất cứ nước nào cũng không nên coi thường sự quyết tâm của người Việt nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền."
"Người Việt, dù là ở Việt Nam, Hoa Kỳ hay những nước khác, tất cả chúng tôi đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập tự do," ông nói thêm.
Việt Nam hiện vẫn giữ vững chính sách ba không trong quan hệ đối ngoại: không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự, không thành lập liên minh quân sự, không cùng với một nước chống lại nước thứ ba.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC gần đây, Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng Việt Nam có thể sử dụng những đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực như Philippines và Nhật Bản làm trung gian để liên kết với Washington nếu thấy một mối quan hệ trực tiếp là quá khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét