Pages

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

‘Giàn khoan 981 có thể thấy mỏ khí’

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã gây 'sóng gió' trên Biển Đông trong thời gian qua
Các chuyên gia dầu khí Trung Quốc được hãng tin Anh Reuters dẫn lời nói có khả năng giàn khoan Hải Dương 981 được triển khai tại vùng biển có tranh chấp với Việt Nam hồi đầu tháng sẽ thăm dò thấy đủ lượng khí đốt để đưa vào khai thác.
Nếu thông tin này là chính xác thì đây là mỏ khí có thể khai thác được đầu tiên của Trung Quốc trên Biển Đông có tranh chấp.


‘Khá tự tin’
Vào lúc này, Trung Quốc không nói gì về tiềm năng ở khu vực này. Chủ giàn khoan này hôm 27/5 cho biết việc khoan thăm dò đã hoàn thành giai đoạn một nhưng không nói rõ kết quả.
“Địa điểm mà giàn khoan đang hoạt động có thể là một giếng khí đốt. Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát địa chất ba chiều trước khi dời giàn khoan vào đây,” ông Ngô Thế Xuân, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải quốc gia, một cơ quan nghiên cứu chiến lược của chính phủ Trung Quốc đặt trên đảo Hải Nam, được Reuters dẫn lời nói.
“Trung Quốc khá là tự tin... nếu không thì họ đã không khoan ở đấy,” ông Ngô nói thêm.
"Căng thẳng giữa hai nước Việt-Trung chắc chắn sẽ lên đến đỉnh điểm nếu Trung Quốc tìm thấy dầu ở khu vực này. Sẽ có thêm nhiều va chạm, nhiều xung đột. Tôi không loại trừ khả năng xung đột vũ trang."
Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu
Trong bản báo cáo hồi năm 2013, Cơ quan Năng lượng Mỹ, nói các bằng chứng địa chất cho thấy quần đảo Hoàng Sa không có tiềm năng lớn lắm về dầu khí.
Tuy nhiên ở vị trí gần quần đảo cơ hội tìm thấy mỏ khí lớn là cao bởi vì người ta đã tìm thấy một số giếng khí ở đây, ông James Hubbard, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí châu Á ở Ngân hàng Macquarie ở Hong Kong, nói với Reuters.
“Đây là một bước nhảy vọt về niềm tin để tin tưởng rằng họ đang tiến gần đến nơi có khí đốt,” ông nói.
Việt Nam từng có hai giếng khí nằm về phía bên trái giàn khoan và gần với bờ biển của họ, nơi công ty Mỹ Exxon Mobil từng phát hiện dầu và khí hồi năm 2011 và 2012.
Một phần của lô 118 và 119 của Việt Nam nằm trong yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không lâu sau khi Exxon thông báo về việc phát hiện dầu khí ở lô 118 hồi năm 2012, Trung Quốc cảnh báo các công ty nước ngoài không được thăm dò ở vùng có tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc không nêu đích danh Exxon.
Tàu Việt Nam và Trung Quốc vẫn liên tục đối đầu nhau tại vị trí giàn khoan
Không có hoạt động khai thác nào diễn ra ở các lô 118 và 119, Reuters dẫn lời ông Đỗ Văn Khạnh, tổng giám đốc Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam PVEP, nói với Reuters.

Sẽ đến Trường Sa?

Một quan chức ngành dầu khí Trung Quốc thông thạo tình hình giàn khoan Hải Dương 981 nói một nhóm khảo sát đã nói với ông rằng tiềm năng là ‘khá tốt’ dự trên các dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian 10 năm.
“Nhưng dĩ nhiên chúng ta sẽ không biết chính xác trữ lượng là bao nhiêu cho đến khi khoan,” ông nói với điều kiện giấu tên.
Các chuyên gia cho rằng nếu giàn khoan tìm được cái gì đó có giá trị, Trung Quốc sẽ đặt cơ sở khai thác và triển khai tàu đặt đường ống. Quá trình này có thể mất vài năm trong khi việc khai thác có thể kéo dài hàng chục năm.
“Căng thẳng giữa hai nước Việt-Trung chắc chắn sẽ lên đến đỉnh điểm nếu Trung Quốc tìm thấy dầu ở khu vực này,” ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nói.
"Giàn khoan được thiết kế cho hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển đến các vùng nước sâu ở những khu vực khác của Biển Đông."
Lâm Bá Cường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng ở Đại học Hạ Môn
“Sẽ có thêm nhiều va chạm, nhiều xung đột. Tôi không loại trừ khả năng xung đột vũ trang,” ông nói thêm.
Một số chuyên gia dầu khí Trung Quốc tin rằng giàn khoan 981 – vốn được xem là ‘chủ quyền quốc gia di động – sẽ được di chuyển đến nơi khác trên Biển Đông sau khi việc thăm dò ở vùng biển Hoàng Sa hoàn tất.
Họ nói cuối cùng giàn khoan này cũng sẽ được đưa ra quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc hiện có tranh chấp với một số nước đông nam Á trong đó có Việt Nam.
“Giàn khoan được thiết kế cho hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông,” ông Lâm Bá Cường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng ở Đại học Hạ Môn đồng thời là cố vấn của Cục Năng lượng Trung Quốc, nói.
“Nó sẽ di chuyển đến các vùng nước sâu ở những khu vực khác của Biển Đông,” ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét