Pages

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Giới trẻ Lào Cai nghĩ gì về chiến tranh Việt – Trung?

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
lao-cai-305.jpg
Cầu Mông Kiều ở cửa khẩu biên giới Việt – Trung tại Lào Cai.
RFA PHOTO
Đa phần giới trẻ Lào Cai đều có chung hoàn cảnh là sống và tiếp xúc với người Trung Quốc rất nhiều, bởi kĩ nghệ du lịch, bởi lưu thông hàng hóa và bởi những chính sách kích thích du lịch bằng văn hóa Trung Hoa thông qua giáo dục, tuyên truyền, thông qua tiếp xúc, học hỏi một cách thụ động trong quá trình làm ăn, sinh sống và mưu cầu tương lai. Những ngày gần đây, người Trung Quốc không xuất hiện ở Lào Cai, điều này đặt ra nhiều dấu hỏi, và cách nhìn nhận vấn đề của giới trẻ về người Trung Quốc cũng có nhiều điểm mới.

Mối nguy chiến lược

Một bạn trẻ tên Hà, ở thành phố Lào Cai, chia sẻ: “Đợt này ít lắm, không thấy luôn, nghe căng thẳng không thấy Trung Quốc sang. Mình chẳng ưa đâu, ghét nó, bọn Trung Quốc nó sống bẩn lắm, nó tiêu pha khôn lắm, nó sang nó toàn mang hàng nó sang nó ăn, nó chẳng mua sắm gì, nó toàn sang chụp ảnh, quay phim, hỏi han thôi. Ngoài này, nay chẳng thấy đâu, ít lắm rồi. Tụi Trung Quốc nó mà ấy mình (đánh mình) quá thì mình phải ấy lại (đánh lại), mình không thích nó lắm. Người dân mình với Trung Quốc xưa nay làm ăn với nhau thì làm chứ chẳng ưa nhau đâu, Trung Quốc nó sống nó khôn lắm!”
Đợt này ít lắm, không thấy luôn, nghe căng thẳng không thấy Trung Quốc sang. Mình chẳng ưa đâu, ghét nó, bọn Trung Quốc nó sống bẩn lắm.
-Bạn Hà
Theo Hà, hiện tại, ngưởi Trung Quốc không du lịch ở Lào Cai nữa, dường như họ đã có thông báo với nhau về vấn đề tránh du lịch ở Việt Nam, hoặc là nặng nề hơn, điều này cảnh báo một cuộc chiến có thể nổ ra bất kỳ giờ nào.
Bởi lẽ, trước khi phát động chiến tranh, bao giờ nhà cầm quyền của nước chủ động gây chiến cũng tìm cách rút toàn bộ người dân của họ về nước hoặc chuyển sang một nước thứ ba để tránh tình trạng hòn tên mũi đạn của quân đội bắn vào người dân đã nuôi chính quân đội đó. Và chiến tranh đôi khi giống như sóng thần, nó ập đến giờ nào khó mà lường, chỉ có một dấu hiệu cho thấy sắp có sóng thần là biển rút nước ra xa và trở nên im ắng, tĩnh lặng đến lạ thường.
Tình trạng ở Lào Cai hiện tại cũng na ná như thế, nghĩa là mọi sự yên tĩnh đến lạ thường, cảm giác như không hề có đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển Đông, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và hình như người ta đã quên mất rằng có một cái giàn khoan của Trung Quốc cắm ngay trên vùng biển Việt Nam.
lao-cai-2-250.jpg
Cầu Cốc Lếu ở Lào Cai. RFA PHOTO.
Hà tỏ ra lo ngại và chia sẻ rằng theo kinh nghiệm của cha anh, cuộc chiến năm 1979 cũng có quãng thời gian tiền chiến tranh và cảm giác an ninh giống y hiệt hiện tại. Nghĩa là mọi người vẫn vui vẻ làm ăn sinh sống, người Trung Quốc rút hẳn về nước và để lại một không gian toàn là người Việt với nhau, yên tĩnh đến lạ thường, thế rồi cuộc chiến nổ ra, có không biết bao nhân mạng thường dân ngã xuống. Họ chết trong đột ngột và vẫn chưa hết ngạc nhiên vì mới ngày hôm qua còn nghĩ cách lén chạy sang Trung Quốc mua một ít đậu hủ về bán kiếm lãi, hôm nay đã nghe đì đùng súng nổ và thấy giết tróc tràn lan…
Một bạn trẻ khác, tên Vinh, chia sẻ thêm với chúng tôi rằng bạn thấy lo lắng vô cùng nếu chiến tranh Việt – Trung xảy ra. Vì hiện tại, nếu có chiến tranh, nguy cơ chết chóc ở Lào Cai sẽ tăng lên rất cao. Nguy cơ này có nguyên nhân bởi chính sự phát triển mang dáng dấp Trung Hoa và yếu tố bền vững của nó.
Giải thích thêm, Vinh nói rằng Việt Nam và Trung Quốc chỉ cách nhau một con sông Nậm Thi, cũng là phần sông thuộc thượng nguồn sông Hồng, và đoạn sông này rất hẹp, biên giới Việt – Trung chỉ cách nhau một chiếc cầu dài chưa đầy 500 mét, cầu được xây dựng rất kiên cố, theo thông số xây dựng, có thể chịu được sức nổ của khối thuốc TNT 300kg nhưng không bị sập.
Người dân mình với Trung Quốc xưa nay làm ăn với nhau thì làm chứ chẳng ưa nhau đâu, Trung Quốc nó sống nó khôn lắm.
-Bạn Hà
Vinh hy vọng rằng trong quá trình xây dựng, nạn rút ruột công trình đã diễn ra tàn bạo trên chiếc cầu này, có như thế, cầu sẽ dễ dàng bị giật sập nếu có chiến tranh xảy ra. Nhưng rất tiếc, đây là chiếc cầu biên giới được cả hai nhà nước giám sát thi công và nó chuyên tải những xe tải hạng nặng. Chính vì thế, nếu có chiến tranh, đây sẽ là cửa ngõ vô cùng thuận lợi để lính Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Đặc biệt là những năm 1979, cầu Cốc Lếu nối giữa thị xã Lào Cai và khu phố mới bây giờ còn rất thấp, chưa được xây kiên cố nên khi quân Trung Quốc tràn sang, bộ đội Việt Nam đã giật sập Cốc Lếu để rút về hướng Bắc Hà, Sapa.
Hiện tại, nếu chiến tranh xảy ra, Trung Quốc không cần băng cầu Cốc Lếu nữa mà chỉ cần đánh thọc từ cửa khẩu Việt Trung sang khu phố mới và chiếm ga Lào Cai, tại đây đường tiến về Hà Nội nằm trong tầm tay. Đó là chưa muốn nói đến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai sắp hoàn thành, tuy chưa thông xe nhưng vẫn là con đường thuận lợi cho thiết giáp, xe quân đội vận hành, hành quân. Đó là mối nguy quá lớn về mặt chiến lược so với những năm 1979.

Không ưa gì người TQ

lao-cai-3-250.jpg
Cầu sắt xe lửa bắc qua sông Nậm Thi, nối hai nước Việt – Trung. RFA PHOTO.
Một bạn trẻ khác tên Nguyễn, chia sẻ, nhìn chung, thế hệ trẻ ở Lào Cai bây giờ ít nghĩ về hiện tình đất nước mà chỉ lo làm giàu. Và trong quá trình làm giàu của họ, không ít lần họ đụng phải những mối quan hệ có yếu tố Trung Quốc. Chính những mối quan hệ này vô hình trung cho các bạn trẻ một cái nhìn sâu sát và chân thực hơn về người Trung Quốc.
Đa phần giới trẻ đều nhận ra có một sự khác biệt quá lớn về văn hóa ứng xử trong cuộc sống và sự tôn trọng danh dự, uy tín giữa người Trung Quốc và người Việt Nam. Đa phần người Trung Quốc không biết nhường nhịn nhau và nếu nuốt được đối phương thì họ sẽ nuốt ngay, có lẽ đó cũng là vết dấu lưu truyền tổ tông của dòng máu đại Hán, dòng máu bành trướng mà họ đang thừa hưởng. Và đáng sợ hơn là phần đông các nhà buôn Trung Quốc không trọng chữ tín.
Nếu như người gốc Hoa ở Việt Nam, còn gọi là người Minh Hương rất biết giữ chữ tín và coi trọng lời hứa cũng như danh dự thì các nhà buôn người Trung Quốc khi sang Việt Nam, họ nói mười chuyện, chỉ nên tin nửa chuyện nếu như nửa chuyện đó liên quan đến mạng sống của họ. Chính vì họ không biết giữ lời hứa nên không có nhà buôn Việt Nam nào khi làm ăn với ngưởi Trung Quốc mà không gặp phải bất trắc, rủi ro.
Có lẽ vì tiếp xúc nhiều với người Trung Quốc nên một mặt, giới trẻ Lào Cai luôn tìm xu hướng để khai thác túi tiền của người Trung Quốc thông qua du lịch, dịch vụ và nhiều thứ có liên quan đến Trung Quốc. Nhưng mặt khác, giới trẻ bây giờ rất xem thường người Trung Quốc. Họ chưa bao giờ thật lòng xem Trung Quốc là bạn. Chính vì thế, nếu có chiến tranh, việc đầu tiên là tình nguyện nhập ngũ hoặc tản cư về Hà Nội, xuôi vào Nam. Lựa chọn này không riêng gì Nguyễn mà nhiều bạn trẻ đều có chung cách lựa chọn như thế khi có chiến tranh Việt – Trung.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét