Pages

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Cuộc “thoát Trung” nửa vời – Nguyễn An Dân


1Với việc mang giàn khoan Nam Hải 09 vào vùng chồng lấn Vịnh Bắc Bộ trong khi giàn khoan HY-981 chưa rút đi cho thấy quyết tâm chính trị của Trung Quốc trong việc cưỡng chiếm Biển Đông và kèm theo đó là yêu sách của Trung Cộng nhằm đưa Đảng Cộng Sản Việt Nam trở lại vùng kiềm tỏa Thành Đô 1990 đến hôm nay đã được khẳng định chắc chắn qua các diễn biến trên truyền thông và phát ngôn, hành động của quan chức cấp cao của đảng cầm quyền hai nước.
Nếu trước đây chuyện “nghi ngờ” đảng đã “nhân nhượng và thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề biển đảo vào thời kỳ 1950” chỉ là chuyện nói trong dân thì đến nay các quan chức từ thấp đến cao đều đã bắt đầu “thừa nhận một nửa” bởi những ngôn từ như “hoàn cảnh lúc đó tế nhị”, “công hàm 1958 không nói gì đến Hoàng Sa-Trường Sa”. Từ sự phủ nhận và hô hào “công hàm 1958” là “trò bịa đặt của bọn ngụy quân ngụy quyền tay sai” đến việc hôm nay phải thừa nhận nó là “công thư bán chính thức mang tính dân sự trong một hoàn cảnh đặc biệt” cho thấy đảng đã lùi bước trước sức ép của sự thật..

Đây là một bước tiến không nhỏ của quần chúng trong việc chống “Hán thuộc” từ khi đảng CS cầm quyền đến nay. Và nó được khẳng định hơn nữa khi bây giờ dân chúng (và truyền thông lề phải) đã “bắt đầu được phép nói đến”, Tôi xin trích lại một đoạn trong 1 bài viết về việc Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang gặp cử tri, để qua đó chúng ta thấy được tâm tư của đa số quần chúng trong nước.

“Chúng đem tàu chiến, tên lửa ra húc đi húc lại hoài, ta giải quyết sao? Chúng xây sân bay, củng cố căn cứ quân sự, Nhà nước giải quyết sao hay để năm này qua năm khác, rồi đời sau con cháu chúng ta phải giải quyết? Bạn hay thù, xác định cho rõ”.
Điều đáng mừng cho dân (và có lẽ không vui cho đảng) là cử tri giờ đã được nói chuyện quan hệ với Trung Quốc một cách công khai, mạnh mẽ. Nếu như trước đây đó là chuyện “húy kỵ”, thì nay được bàn luận và phát biểu ý kiến. Nếu như trước đây “4 tốt, 16 chữ” là “kinh sách” thì nay người dân có quyền phản đối, phê phán thẳng thắn”.(1) Đây là một sự thay đổi đáng chú ý và cần ghi nhận khi nhìn vào chính trị Việt Nam hiện nay.
Bài toán mà lâu nay luôn là chỗ khó nói của đảng “giữ đảng thì mất nước, giữ nước thì mất đảng” thì đảng đã biết từ lâu. Nhưng vì lợi ích cầm quyền cao hơn lợi ích đất nước, lâu nay đảng tránh né đi thì giờ đây đảng bắt buộc phải đối diện với nó bởi các giàn khoan HY-981, Nam Hải 09…đã xâm phạm vùng biển của ta.
Trong sự thúc ép đến cao trào của Trung Quốc thì quy luật “vật cực tất phản” lại xuất hiện. Chính thức đến hôm nay (ngày 01/07/2014) tôi thấy rằng dường như đạ có một sự trao đổi, thỏa hiệp giữa hai phe đảng quyền và chính quyền trong Trung Ương Đảng và Bộ Chính Trị để tìm lời giải tạm thời cho bài toán này. Nhưng trước khi kết luận, chúng ta cùng điểm qua những biểu hiện thời sự then chốt.
Có những luồng dư luận nói đồng chí X và Trương Tấn Sang hô hào thoát Trung mạnh mẽ là đóng kịch nhưng tôi nghĩ khác. Cần chú ý là “băng đóng ba tấc không phải vì 1 ngày lạnh”. Những phát ngôn của đồng chí X hay sự cho phép cử tri nói ra mạnh mẽ trong cuộc gặp với Trương Tấn Sang gần đây thể hiện một sự chuẩn bị lâu dài của liên minh này chứ không phải là sự ngẫu hứng hay tự đánh bóng bản thân trong cơn bốc đồng. Ở tầm cao đó thì không thể còn sự bốc đồng được. Họ kém trong điều hành lãnh đạo đất nước, nhưng là bậc thầy về đấu đá chính trị. Còn vì sao phe chính quyền muốn thoát Trung thì xin các bạn xem lại các loạt bài trước đây.
Có lẽ dư luận sẽ hiểu thêm về ảnh hưởng của Trung Quốc vào Việt Nam nếu như biết một chuyện trong quá khứ, khi bị một người bạn thân hỏi về việc tại sao chính phủ Việt Nam thời kỳ năm 2000 “gần như nhắm mắt làm ngơ” trong việc Trung Quốc thuê đất rừng ồ ạt, nguyên thủ tướng Phan Văn Khải phải thở dài và lắc đầu “chúng nó kinh lắm, mình mà làm không khéo chúng nó hất mình ngay”.
Từ sự im lặng trong “e ngại và dè chừng” của vị thủ tướng tiền nhiệm là Phan Văn Khải trước âm mưu của Bắc Triều đến những phát ngôn “hữu nghị viễn vông mơ hồ” hiện nay là một bước tiến dài của đồng chí X cùng trong chức danh thủ tướng (và cả Trương Tấn Sang trong cương vị chủ tịch nước) so với các nguyên thủ thời kỳ trước. Phải thấy điều này thì mới đánh giá được rõ về đảng hiện nay và tương lai sau này.
Cần thấy đây không phải là một “phân công chiến lược” của nội bộ đảng, vì dễ hiểu là nếu đảng phân công thật thì Trung Quốc cũng không chấp nhận chuyện đồng chí X dùng những từ ngữ như “mơ hồ, lệ thuộc, viễn vông” khi nói về quan hệ Việt-Trung, cũng như nhóm ủng hộ thủ tướng đã dùng những từ ngữ “mang tính nhục mạ” khi nói về Trung Quốc “đê tiện, dối trá, hoang tưởng…” trên website của phe này và cả báo lề phải trong nước.
Sau một thời gian dài im lặng (vì chưa có sự thống nhất trong đảng) thì đến nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức lên tiếng. Đó là tuyên bố thứ nhất nhân việc đón Dương Khiết Trì “chủ quyền của Việt Nam là không thay đổi và không thể thay đổi”. Nếu khi đó nó được loan ra, người dân có thể chỉ xem nó như một thông điệp mang tính ngoại giao công khai hơn là ý chí của người đứng đầu đảng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước thì đến nay nó đã được khẳng định như là quan điểm chung của đảng.
Trong một diễn biến khác, qua hai tuần đầy biến động của nghị trường Quốc hội khi có nhiều điểm nhấn kịch tính mà cao trào là “Quốc Hội chưa thể thông qua nghị quyết 35 sửa đổi” (2) về việc lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức như đề nghị mới của Tổng Bí Thư, cùng với việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa “cướp diễn đàn quốc hội” (3) đã cho thấy sự phân hóa càng mạnh mẽ của hai phe đảng quyền và chính quyền về việc tìm bài toán cho việc giữ chủ quyền đất nước và giữ đảng, dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 bên.
Cũng dễ hiểu là vì có những chuyện phân hóa về đường lối của đảng như thế, nên Trung Quốc ngay sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, một mặt vẫn cho thêm giàn khoan và đe dọa đóng một số cửa khẩu thì vẫn “khuyên nhủ” liên minh Ba Dũng-Tư Sang “đứa con hoang đàng hãy trở về”. Trung Quốc gia tăng sức ép như thế hẳn là để buộc phe thân Tàu giải quyết phe thân Mỹ rồi mới quay lại bàn đàm phán.
Điều này càng được khẳng định hơn nữa khi trên tờ Thời báo Hoàn cầu, có một bài viết rất đáng chú ý. Học giả Chu Thân Minh, một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á (của Trung Quốc), viết bình luận trên Thời báo Hoàn cầu, nhan đề “Cần đưa quan hệ Trung-Việt trở lại quỹ đạo” (4). Tác giả này cho rằng “Việt Nam và Trung Quốc, cả hai nước đều là xã hội chủ nghĩa, kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mang màu sắc của mỗi nước. Cả hai cùng chia sẻ lý tưởng giống nhau và tương lai của hai nước gắn kết với nhau”.
Phải chăng mong muốn của phía Trung Quốc là dư luận quốc tế sẽ nhận định là “sớm muộn gì đảng cầm quyền Việt Nam” cũng sẽ không thể bỏ qua được tinh thần hội nghị Thành Đô? Để qua đó làm suy giảm sự ủng hộ của dư luận quốc tế dành cho Việt Nam, điều duy nhất còn làm Trung Quốc chùn tay lúc này trong sự lấn ép Việt Nam.
Trước sức ép đến từ 4 phía (“tứ diện thụ địch”) – từ Trung Quốc đe dọa cắt đứt quan hệ kinh tế thương mại, từ phương Tây và Mỹ đòi hỏi Việt Nam phải “thoát Trung” để họ có niềm tin nhằm hợp tác-hỗ trợ về kinh tế-quân sự, từ tinh thần yêu nước của quần chúng đang gia tăng, và từ bên trọng nội bộ đảng– hai phe lãnh đạo đảng quyền và chính quyền đã làm gì để giải bài toán “giữ đảng hay giữ nước?”
“Thoát Trung nhưng giữ đảng”
Vào ngày 28/06 vừa qua, tôi có viết 1 vài dòng tin ngắn về việc Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc trên blog cá nhân trong vài ngày sắp tới đây thì hiện nay nó sắp thành hiện thực và sẽ xảy ra trong thời gian tới. Tôi nhận định và khẳng định là bộ máy lãnh đạo cao cấp của đảng (Bộ Chính Trị và BCH TW) đã đạt được một sự thỏa hiệp tạm thời cho tình hình này, sau khi mệt mỏi chán chê với những chỉ trích và thanh trừng nhau kéo dài từ Hội Nghị Trung Ương 9 đến nay (tôi có nêu trong các bài viết trước).
Phe chính quyền thì muốn dứt khoát thoát Trung nhanh nhưng phe đảng quyền e ngại đi nhanh quá sẽ mất đảng nên trì kéo lại. Cuối cùng, sau Hội nghị mở rộng vừa qua (BCT+BCH TW) dường như đã có sự thỏa hiêp, phe chính quyền đi chậm lại một chút và phe đảng quyền đi nhanh lên một chút, trong vấn đề đối phó Trung Quốc. Thế là tạm ổn cho việc “thoát Trung nhưng vẫn chưa lo mất đảng mà cũng đỡ lo mất nước”. Đây là điều tương đối ổn nhất nếu xét tổng thể các mặt trong nước và quốc tế, cuối cùng đảng đã có lựa chọn sau cùng hợp lý cho mình (nhưng theo tôi, không hợp lý cho đất nước và dân tộc).
Tôi nhận định điều này không phải chỉ căn cứ vào các nguồn tin hành lang về cuộc họp Bộ Chính Trị mở rộng tuần rồi, mà còn căn cứ trên nhu cầu tổng thể của Việt Nam và các hành động thực tế mà Việt Nam đang làm trong đối ngoại, đối nội suốt hai tháng nay tính từ mốc 02/05/2014 đến nay.
Chúng ta nhận thấy các biểu hiện gia tăng quốc phòng của Việt Nam khi liên tục có các hoạt động ngoại giao-quân sự con thoi với các nước trong khu vực. Một trục phòng ngự trên biển đã hình thành giữa Việt Nam-Nhật Bản-Philippin để đối kháng hải quân Trung Quốc. Tương tự như vậy trên bộ, Campuchia và Lào cũng đã thể hiện ra sẽ ủng hộ Việt Nam một khi Trung Quốc gây chiến bằng bộ binh. Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng có vẻ Việt Nam đã có sự chuẩn bị cố gắng nhất trong tình hình hiện nay cho phép nếu Trung Quốc gây chiến (mà hiện cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này không phải là hoàn toàn không có khả năng xảy ra).
Giải pháp thỏa hiệp “thoát Trung nhưng giữ đảng” càng được khẳng định hơn nữa khi hai ngày nay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có phát ngôn chính thức trước cử tri về vấn đề Trung Quốc.
“Vấn đề giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông là một vấn đề phức tạp và lâu dài. Chúng ta phải chủ trương chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện, hợp tác cùng phát triển với người láng giềng Trung Quốc NHƯNG chúng ta kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc. Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng”. Họ đang muốn thực hiện hóa “đường lưỡi bò”, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp tất cả dư luận và việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vì vậy, Việt Nam nhất định phải cư xử sao cho thận trọng, khéo léo, chủ quyền quốc gia là một vấn đề lớn, nếu sai một ly sẽ đi một dặm” (5).
Như vậy đã khá rõ, hai phe đã thỏa hiệp, chọn “thoát Trung nhưng giữ đảng” cho ngắn và trung hạn. Điều này giải quyết tạm thời các nhu cầu của các phe phái trong ban lãnh đạo đảng để khỏi đi đến khả năng đảo chính nhau trong nội bộ. Sự thỏa hiệp này còn làm thỏa mãn một phần cho nhu cầu yêu nước của quần chúng, nhu cầu hợp tác địa chính trị với Âu Mỹ và Asean. Dĩ nhiên thôi, với các quốc gia khác, chỉ cần Việt Nam “thoát Trung” để liên minh với họ trước đã, còn thể chế nào ở Việt Nam, dân chủ hay độc tài cộng sản cũng chưa quan trọng và mang tính bức thiết cho lợi ích của các nước đó, nên đảng đi bước đi này vào lúc này là ổn thỏa cho đảng.
Chúng ta có thể thấy rõ hơn xu hướng này khi xem thông tin trên truyền thông lề phải trong những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2014.
Báo Thanh Niên viết về hội thảo “Đa dạng hóa tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN” tại Hà Nội hôm 30/6/14 do Tạp chí Mặt Trận, Viện Chính sách pháp luật và quản lý tổ chức. “TS Nguyễn Anh Dũng của báo Nhân Dân cho rằng: có những vấn đề nhạy cảm mà phía VN và TQ từng thỏa thuận không đưa ra ở những diễn đàn chính thức. Ví dụ Nhân Dân nhật báo (của BCHTƯ Đảng CSTQ) không đăng tải thì báo Nhân Dân của VN cũng không đăng”(6).
Thẳng thắn hơn, tờ Người Đô Thị trong một bài viết mới đây, còn khẳng định sự tai hại của Hội Nghị Thành Đô 1990 một cách gián tiếp. “Ngoại trừ sự gián đoạn từ năm 1979 đến 1989, đảng – nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì quan hệ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, mối quan hệ này luôn ở trong tình trạng bất cân xứng. Sự trịch thượng của Trung Quốc luôn xuyên suốt, thể hiện qua sự can thiệp sâu và thô bạo vào chính sự của Việt Nam – không chỉ về chính sách, mà còn về cả nhân sự và ngoại giao”(7)
Tuy nhiên, dù có cho phép các tờ báo thuộc quyền được bạch hóa dần dần những cam kết ràng buộc kiểu “hội nghị Thành Đô 1990”, đảng cầm quyền vẫn còn cầm giữ những người dân chủ và người chống Trung Quốc trong tù, như một minh chứng cho thấy phe chính quyền chưa thể thực thi những cam kết của họ với Mỹ và Phương tây về cải cách thể chế. Bằng chứng hùng hồn nhất là bản tuyên bố UPR của phái bộ Việt Nam giữa tháng 6/2014 vừa rồi càng chứng minh là phe chính quyền “chưa thể và chưa dám” cải cách chính trị thật sự.
Như vậy đã rõ, lời giải và các hành động sau này của đảng nói theo sách lược “Thoát Trung nhưng giữ Cộng” sẽ được đưa ra để đáp ứng nhu cầu đối ngoại- đối nội, quan trọng nhất là nó như một liều thuốc an thần có tác dụng làm những cái đầu nóng của hai phe nguội lại sau sự mâu thuẫn về đường lối và nguy cơ tận lực thanh trừng nhau từ Hội Nghị Trung Ương 9 đến nay khi xuất hiện mấy giàn khoan.
Vấn đề dân chủ hóa đất nước để phát triển dân tộc và thoát Trung thật sự sẽ lại một lần nữa bị chậm lại sau sự thỏa hiệp này của trung ương đảng. “Thoát Trung nhưng giữ đảng” cũng chỉ là một biện pháp nửa vời, nó chỉ có tác dụng làm chậm chứ không thể xóa bỏ mối nguy “Hán thuộc” cho dân tộc.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là vào sau năm 1975 khi đảng chọn bỏ Trung Quốc thân Liên Xô cũng nhằm thực hiện sách lược “thoát Trung nhưng giữ đảng” đã thất bại vì đảng cộng sản Liên Xô tan vỡ. Giờ đây chúng ta có thể thấy trước rằng một lần nữa kế hoạch “thoát Trung nhưng giữ đảng” cũng sẽ thất bại mà thôi.
Vì sao như thế, xin các bạn đón đọc bài tiếp theo “Tương lai của đảng CSVN”.
© Nguyễn An Dân
(1/7/2014)
______________________
Các nguồn tham khảo:
(1) http://nguyentandung.org/khong-the-la-toi-do-cua-nghin-thu.html
(2)http://dantri.com.vn/xa-hoi/chua-thong-qua-nghi-quyet-lay-phieu-tin-nhiem-do-con-nhieu-y-kien-khac-nhau-892211.htm
(3)http://vneconomy.vn/20140619095617104P0C9920/quoc-hoi-can-ra-nghi-quyet-ve-bien-dong.htm
(4)http://www.globaltimes.cn/content/864903.shtml

(5)http://nguyentandung.org/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-quan-he-voi-trung-quoc-sai-mot-ly-di-mot-dam.html
(6)http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140701/trung-quoc-chua-bao-gio-tu-bo-y-do-xam-luoc-viet-nam.aspx
(7) http://nguoidothi.vn/di-duoi-bong-de-cua-ga-khong-lo.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét