Pages

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Trằn trọc tháng bảy














Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Khoa học cho biết trong không gian luôn có những sóng vô hình tác động vào cơ thể con người làm cho mình bỗng nhiên thay đổi sinh hoạt, thay đổi tính tình, cảm xúc. Đã hai tháng nay, thềm lục địa của nước mình bị cái giàn khoan khổng lồ của của tên cướp biển cắm vào trúng long mạch của nòi giống Việt, chẳng biết có phải vì thế mà khiến cho nhiều người Việt mình ăn ngủ không yên, hằng đêm thắc thỏm, cứ thắp nhang lên bàn thờ là thấy hình ma quỷ hiện về, lo nghĩ mung lung, đêm nằm thường sinh ác mộng. Tôi ngẫm từ cá nhân mình thì biết. Xin kể với bạn bè những suy nghĩ mung lung ấy của mình thường bất chợt hiện về trong giấc ngủ. Tản mạn đủ điều, không mạch lạc.


1. Ác mộng 

Cứ lơ mơ ngủ là hiện ra rõ mồn một cảnh một gia đình cự phách bỗng dưng tan tác như một lũ ăn mày. Tổ tiên họ để lại cho con cháu một cơ ngơi đồ sộ đủ làm ăn no ấm đến muôn đời. Chẳng ngờ thằng anh cả say mộng gia trưởng, hão huyền, lừa đàn em để lén đi đánh bạc với lão hàng xóm tinh quái, bị thua bạc phải đem gán cả cái gia tài gấm vóc ấy, lại ngầm ký mấy bản giao kèo hẳn hoi.

Hốt hoảng sợ gia đình biết sẽ đánh đuổi ra đường, thằng thua bạc bèn nói khó với lão hàng xóm tìm cách lo liệu sao cho trót lọt. Hồi lâu bàn bạc, hai bên nghĩ ra một mẹo, không trao cả gia tài ngay một lúc mà cứ “bàn giao” từng phần, cho gặm dần như tằm ăn lá dâu, nay thuê khoảnh vườn này 50 năm, mai cho một bọn gia nhân sang làm nhà ở nhờ một góc, mốt cho thuyền bè sang đánh cá chung tại hồ, lại cho mấy con nô tỳ ăn ngủ với thằng anh cả ấy đến có con riêng…

Gia đình có phát hiện thì thằng anh cả mất nết ấy cứ dùng “quyền huynh thế huỵch” lấp liếm vài câu lấy lệ, cũng ra vẻ khoa chân múa tay phản đối lão hàng xóm cho qua chuyện, hứa hươu hứa vượn cốt sao gia đình không nổi giận, nổi khùng. Cứ thế chẳng mấy chốc cả gia tài đồ sộ rơi hết vào tay lão hàng xóm, còn gia đình thì “may mắn” được lão hàng xóm “tốt bụng” mở lượng hải hà cho lưu trú ở một góc vườn, con cháu đời đời được làm kẻ hầu người hạ cho lão hàng xóm tham lam tinh quái. Cả gia đình bất hạnh chỉ còn biết ngậm một nỗi căm hờn trong tủi nhục, chẳng biết trách mình ngu dại, lại thầm trách tổ tiên đã làm gì thất đức để sinh ra một thằng con trưởng vô phúc, bán cả cha ông…

Tỉnh dậy thấy mắt mình ươn ướt, chắc mắt già kèm nhèm nó thế, chứ chẳng lẽ lại vớ vẩn thương cái gia đình trong mộng, thế rồi mệt quá mà ngủ thiếp đi.

2. Ngộ độc hàng Tàu

Đấy là chuyện ngủ, giờ đến chuyện ăn. Một đất nước xưa nay rất trong lành mà bây giờ hằng ngày ăn gì cũng sợ độc, một thứ độc rất… Trung Quốc! Vợ tôi thường mua lê mua táo thắp nhang, những quả táo quả lê rất đẹp nhìn mà phát thèm, thế nhưng để quên ba tháng trên bàn thờ mà trông vẫn đẹp mã như không mới hoảng hồn chứ, bổ ra thấy quả thì rắn như đá, quả thì thối đen bên trong, không biết họ tẩm chất gì lạ thế, chỉ dân mình là khổ.

Nhưng đêm nằm nghĩ lại thấy người dân còn may, chứ lớn lao như Đảng ta mà xơi phải món vịt tiềm thuốc Bắc “Thập lục kim tự” (vịt đây là vịt Bắc Kinh chính hiệu) là biến thái ngay không cứu được nữa là.

Động lòng trắc ẩn, tôi nhập hồn Bút Tre, nhỏm dậy, bật đèn ghi vội vào nhật ký:

Ngộ độc là tại hướng (ba) đình
Cả làng ngộ độc, cớ chi mình kêu ca?
Đường đường như thể đảng Ta
Xơi phải mười sáu chữ, cũng biến ra… đảng Tàu!

Biết có bậc đại nhân cũng ngộ độc như mình, như có người “đồng bệnh tương lân” nên tấm lòng AQ cũng tự sướng đôi chút.

3. Ước gì mình nhầm

Viết thế rồi vẫn cứ áy náy, liệu mình nghĩ như thế có nhầm không, có quá không? Vẫn biết tình hình hiện nay, hai chữ “bán nước” thiên hạ đã nói, đã viết giăng giăng khắp nơi, đến nhà “Hồ Chí Minh học” Nguyễn Khắc Mai cũng đã công khai bảo cái công hàm của chính phủ Phạm Văn Đồng (tất nhiên dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch) là phản động, phản quốc rồi, nhưng thôi, cứ níu lấy hy vọng chút xíu, cứ đắm đuối, cứ mong sao những suy nghĩ của mình là nhầm lẫn thì đại phúc cho dân, theo kiểu “lạc quan vô tận” ấy mà. Trước đông người, ai nỡ buông một lời tuyệt vọng? Lạy trời cho những lời phê phán của mình là nhầm, nhầm vài phần trăm thôi cũng được.

Nhưng khốn nỗi, không gì chống nổi thực tế, những tin tức sáng nay (xem phần dưới) đã thêm một lần quyết định, cho thấy sự kết tội như thế chẳng những không nhầm, rất không nhầm, mà trái lại còn chưa tới, chưa ngang tầm với thực tế đồi bại không thể chối cãi. Cuộc đầu hàng và Hán hóa đã đi nhanh hơn sức mình tưởng tượng, vì được chuẩn bị quá lâu rồi.

4. Những tin tức sáng nay.

Tin thứ nhất là ảnh chụp bức công văn của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi các địa phương về 16 điều cần làm ngay để thực hiện theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa(xem tại đây, và tại đây). Trong đó có điều 1 “Thúc đẩy Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải thăm Quảng Đông”.

Và trong điều 2, Trung Quốc sẽ đào tạo các cán bộ đảng cho Việt Nam, cụ thể là 'trong 05 năm đào tạo 300 cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam; trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương 100 cán bộ, 100 cán bộ của các tỉnh thành có quan hệ hợp tác với Quảng Đông nhiều như TP. Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam'.

Tưởng Việt Nam đã cam tâm làm một tỉnh “Quảng Nam” của Trung Quốc, hóa ra không được thế, chỉ đáng là một địa phương trong vòng quản trị của tỉnh Quảng Đông thôi. Chẳng trách UV BCT Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ở tầm nhảy múa với tỉnh Quảng Tây, thế cũng vinh dự chán! Hề hề, trước đây học sách thấy hai chữ “khuyển mã”, giờ mới hiểu nghĩa. Bình luận thêm nữa là thừa.

Tin thứ hai, một cán bộ khá cao cấp cho biết tinh thần chống xâm lược mới nhất của Trung ương cần được quán triệt là :

Một: Tận dụng mọi phương tiện truyền thông, mọi diễn đàn để tố cáo China, NHƯNG DỨT KHOÁT KHÔNG KIỆN.

Hai: Xác định Mỹ vẫn là kẻ thù lâu dài (của đảng) vì đi với Mỹ thì mất chế độ.

Ba: ĐẢNG RẤT THƯƠNG DÂN, có chiến tranh thì nhân dân sẽ khổ, nên đảng phải nhịn Trung Quốc hết mức, không để xảy ra chiến tranh tránh khổ cho dân.

Tuy đây chỉ là thông tin từ thư của bạn bè, nhưng đối chiếu với thực tế và theo kinh nghiệm cho biết những tin tức này là đáng tin cậy, một đảng viên tử tế không thể bịa ra những tin đang phổ biến trong đảng như thế này. Tin tức này gợi ra một số vấn đề mà tôi thường nghĩ tới nhưng chưa có dịp viết ra, xin đề cập đến ở phần sau.

5. Kiện hay không kiện?

Có ba vấn đề khác nhau:

- Về đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông thì Trung Quốc vô lý hoàn toàn, Việt Nam dứt khoát phải cùng với các nước vừa kiện vừa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn như liên kết với Hoa Kỳ, lập liên minh phòng thủ Biển Đông, vân vân, Việt Nam không có lý do gì lảng tránh việc này.

- Về những giàn khoan ngang ngược, cũng giống như việc đường lưỡi bò nhưng phức tạp hơn vì ranh giới chồng chéo và cũng liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa, có thể phát sinh nhiều luận điểm, tuy nhiên vẫn phải kiện, và đừng quên nếu không có sức mạnh thực tế thì cũng không đẩy được chúng đi. Nói chung, việc kiện ra các tòa án quốc tế, dù hiệu quả ít hay nhiều vẫn phải tiến hành, để vạch rõ chính nghĩa, vì danh dự dân tộc hoặc tạo hồ sơ giải quyết sau này.

- Riêng Hoàng Sa (và có thể cả Trường Sa) thì khó khăn hơn nhiều, dân đã có kiến nghị yêu cầu nhà nước phải kiện Trung Quốc, nhưng nhà nước thì lưỡng lự, chập chờn, không chuẩn bị gì, bây giờ quyết định không kiện gì hết (?), mà chỉ tuyên truyền (chắc là để xoa dịu cho dân yên tâm) [theo thông tin mới nhất thì Thủ tướng đã giao các cơ quan củng cố hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông; xem ở đây – BVN]! Ở đây có nhiều điều cần thảo luận.

Trước hết phải đau lòng thừa nhận rằng việc Hoàng Sa – Trường Sa nếu kiện ra Liên Hiệp Quốc thì khả năng thua nhiều hơn thắng. Tại sao?

Đồng ý rằng về pháp lý công hàm Phạm Văn Đồng (trả lời Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó họ khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc) không có giá trị “mua bán”, vì người ta không thể bán cái không có trong tay mình, vì không có sự đồng thuận của chính phủ ở nửa nước miền Nam, hoặc vì chưa thông qua Quốc hội, vân vân.

Nhưng trách nhiệm của Công hàm Phạm Văn Đồng lại nguy hại ở ý nghĩa khác. Đối với Hoàng Sa – Trường Sa công hàm Phạm Văn Đồng tuy không có giá trị pháp lý của một giao kèo mua bán hay sang nhượng, nhưng có giá trị của một bản tuyên bố chính thức, minh định nhận thức và lập trường của chính phủ Việt Nam, để Trung Quốc và thế giới được rõ, rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc (đã là của Trung Quốc thì đương nhiên không phải của Việt Nam, Việt Nam chúng tôi không liên quan gì đến các quần đảo đó!)

Một người khách quan đọc bản công hàm ấy ắt phải hiểu như thế. Nếu có kẻ nào còn mơ hồ tưởng lầm Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam thì hãy xem thêm các bản đồ và sách giáo khoa của Việt Nam sẽ rõ! Phạm Văn Đồng đã giúp Trung Quốc chu đáo đến thế là cùng.

Trong công hàm Phạm Văn Đồng không cần có nửa lời về Hoàng Sa – Trường Sa là đương nhiên, vì đã minh định Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc thì cũng như các đảo Bành Hồ, Trung Sa… chứ liên quan gì đến Việt Nam đâu mà phải đề cập? Đã của Trung Quốc, không phải của Việt Nam thì Trung Quốc cứ tự nhiên sử dụng, cần gì đến chuyện “mua bán” hay sang nhượng?

Một sự phủ định chủ quyền thản nhiên và sạch trơn như vậy còn tai hại hơn một giao kèo bán đất rất nhiều, vì nếu “bán” thì trước khi bán Hoàng Sa – Trường Sa vẫn còn là của Việt Nam, sau này còn có thể chuộc lại, nhưng khẳng định như Phạm Văn Đồng có nghĩa là từ trước chí sau Hoàng Sa – Trường Sa không liên quan gì đến Việt Nam cả. Chu đáo đến thế thì con cháu bây giờ hết chỗ cựa (nếu cãi lại sẽ sẽ phạm luật estoppels).

Là người Việt Nam dù với chính kiến nào, không ai muốn hải đảo nước mình rơi vào tay Trung Quốc, nhưng giải pháp “khôn ngoan” muốn hạ thấp trách nhiệm của công hàm Phạm Văn Đồng để vừa thoát khỏi ràng buộc với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được uy tín cho Đảng Cộng sản e rằng bất khả thi.

Bây giờ, sau nửa thế kỷ mới trưng các bản đồ lịch sử ra, xét về tình, thế giới có thể thông cảm, nhưng về lý, mình đã trói mình quá chặt thì cũng khó gỡ ra, ấy là chưa kể lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh.

Tự chối bỏ chủ quyền thì còn tai hại hơn bán chủ quyền. Vì thế, đối với Hoàng Sa – Trường Sa kiện thì cứ kiện, nhưng chỉ có thể giải quyết trong một giải pháp trọn gói, chống lại toàn bộ sự xâm lấn của Trung Quốc cả ở biển đảo và trên đất liền

Thật vậy, việc xâm chiếm Việt Nam đâu chỉ giới hạn ngoài biển đảo? Nào ai biết đã có bao nhiêu văn bản ký kết tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm dần lãnh thổ Việt Nam, đi đôi với việc xâm lấn nhân sự vào các cấp lãnh đạo từ tỉnh huyện đến Trung ương? Muốn thoát khỏi cái ách Trung Quốc đã quàng rất nhiều vòng vào cổ dân tộc này, tức là muốn “Thoát Trung” chỉ có một con đường duy nhất là từ bỏ thể chế cũ một cách thật sự, để một nhà nước mới, một nhà nước dân chủ, mới có tư cách nhân danh nhân dân chối bỏ những ràng buộc mà chế độ cũ đã ký kết, phương hại đến đất đai, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam. 

6. Thoát Trung chủ yếu là thoát về chính trị, không phải văn hóa

Lịch sử đưa đẩy hai nước Việt Trung vào cùng một “đại gia đình Cộng sản” là tạo ra cơ hội bằng vàng, nhốt con thỏ và con sói vào cùng một chuồng thành hai anh em ruột, chị em ruột. Thế là toàn bộ chương trình dài hơi nhằm nô dịch Việt Nam, biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới của Trung Quốc được thiết kế trên cái nền Cộng sản, trong đó “quyền đảng” được nâng lên tối đa và “quyền dân” thực tế bị hạ xuống tối thiểu, khiến cho hai đảng cứ tự do làm việc ngầm với nhau, quyết định mọi việc trong quan hệ cá lớn nuốt cá bé, trong khi nhân dân bị đứng ngoài cuộc. Vậy đây là một cuộc cờ chính trị “vĩ đại”, yêu cầu thoát Trung chẳng qua là thoát khỏi sự kìm kẹp chính trị cộng sản khủng khiếp ấy.

Trong tiến trình ràng buộc có sử dụng sự ràng buộc kinh tế, ràng buộc tư tưởng, ràng buộc văn hóa – xã hội, nhưng tất cả chỉ là phương tiện nhằm cái đích nô dịch chính trị. Chính trị là cái nút thắt, cũng là nơi để chiếc chìa khóa mở ra. Nếu hiểu lý thuyết rằng văn hóa hoặc kinh tế là nền móng rồi dồn sức vào các lĩnh vực mênh mông là văn hóa hoặc kinh tế thì chỉ luẩn quẩn mãi trong rừng rậm không có lối ra, có khi gây tác dụng ngược, cuối cùng vẫn bị yếu tố chính trị thắt lại, vì chính trị nhanh tay hơn, ma mãnh hơn văn hóa và kinh tế rất nhiều.

Thật vậy, về văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam tuy có những điều bất lợi nhưng nhìn tổng thể cũng là điều bình thường xưa nay, trong đó có xấu có tốt, có thể điều chỉnh, có yếu tố đã trở thành sức mạnh của Việt Nam. Thế giới có khoảng 200 quốc gia nhưng con số những nền văn hóa lớn thì ít hơn rất nhiều, mỗi nền văn hóa lớn thường tỏa rộng ảnh hưởng ra các quốc gia xung quanh, tạo nên những vùng “địa văn hóa”, “cụm văn hóa” gồm nhiều quốc gia lân cận. Quan hệ quốc tế hiện nay làm cho ranh giới “địa văn hóa” mờ dần đi, ngày càng thâm nhập vào nhau một cách đa phương nên muốn dùng độc quyền văn hóa làm công cụ nô dịch cũng không dễ dàng như trước. Trái lại những giá trị văn hóa dù hình thành ở đâu cũng là thành quả chung của loài người để dùng chung như ta dùng lửa, dùng điện, dùng Internet vậy. Không có gì phải mặc cảm khi một quốc gia nằm trong cụm văn hóa Hy-La hay văn hóa Trung Hoa (chưa kể theo tác giả Hà Văn Thùy thì văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ Văn hóa Việt!).…

Mặt khác, vì xã hội luôn có hai thành phần tương sinh tương khắc là nhân dân và tầng lớp thống trị nên nền văn hóa nào cũng cấu thành bởi hai nhân tố xung khắc ấy, vừa có mặt nhân văn tích cực của nhân dân, lại có mặt phản dân chủ mà giới cầm quyền khéo dùng làm công cụ để nô dịch dân mình và nô dịch cả dân nước khác, đồng thời tất cả vẫn nằm trong dòng tiến hóa từ lạc hậu đến ngày một văn minh hơn. Khi du nhập những nét văn hóa tích cực luôn phải thanh lọc những yếu tố nô dịch tiêu cực hoặc không phù hợp với tập quán dân tộc mình. Điều này dân tộc Việt Nam đã làm, làm khá thành công nên sau 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn không bị đồng hóa. Tóm lại, thái độ đối với văn hóa là sàng lọc, đồng hóa hoặc tẩy trừ từng phần chứ không nhất thiết phải xử lý trọn gói. Tấm gương biết sàng lọc văn hóa không ai bằng cụ Phan Châu Trinh, xuất thân Nho học, tiếp tận Âu Tây mà biết sàng lọc rất trúng, vừa chống “hủ Nho” vừa chống “hủ Âu” trở thành nhà dân chủ, nhà cách mạng đầu tiên của nước nhà [*]. Cụ chẳng vì chuộng Âu mà phải thoát Á, vì khi đã lệch về một phía thì dễ thiên vị, quên sàng lọc mà tôn sùng cả cái xấu của người ta.

Điều oái oăm với văn hóa Việt Nam là trong khi dòng chảy văn hóa đang từng bước tự hoàn thiện thì có sự du nhập “một nền văn hóa trọn gói” nặng tính ngoại lai và áp đặt, là “văn hóa vô sản” thực chất là “văn hóa cộng sản”, “văn hóa đảng”. Nói văn hóa Cộng sản có tính “trọn gói” vì nó tách biệt hẳn ra thành một khối, không kế thừa, dính vào đâu là nó hủy diệt các giá trị truyền thống ở đó, nên không có khả năng hòa đồng vào bất kỳ nền văn hóa nào. Vì bản chất là phi dân chủ nhưng lại nhân danh dân chủ nên văn hóa cộng sản cộng hưởng ngay với chất mị dân của chủ nghĩa thân dân phong kiến, mà thực chất là vương quyền áp đặt, tôn sùng minh quân, đồng thời làm mất gốc dân chủ và tương thân tương ái của văn hóa bản địa, thay bằng thứ tình yêu giai cấp vừa chật hẹp giữa con người lại vừa mở rộng phi lý vượt biên cương.

Chính nền chuyên chính độc đảng toàn trị Cộng sản đã làm cho quan hệ “quỳ lạy-xin cho” tiêu cực của văn hóa phong kiến trỗi dạy và làm tha hóa xã hội đến mức bệnh hoạn. Tôi hiểu đấy chính là lý do khiến nhà báo Lê Phú Khải phải kịch liệt phê phán thứ “văn hóa quỳ lạy” đang chế ngự xã hội. Một nét tiêu cực của văn hóa phong kiến như thế tưởng đã qua đi, nay gặp môi trường mới thích hợp lại nảy nở thành một tệ nạn, chứ đạo Nho chỉ khuyên người ta đứng thẳng, không khuất phục trước uy vũ (uy vũ bất năng khuất) và con người phải biết tự trọng thì người khác mới trọng mình (ngô tự trọng nhi hậu nhân trọng chi, ngô tự khinh nhi hậu nhân khinh chi), Khổng giáo không khuyên người ta quỳ lạy.

Văn hóa Khổng Mạnh vừa sinh ra Phan Châu Trinh rất dân chủ, vừa sinh ra tên vua Khải Định thích dân quỳ lạy. Cho nên Cụ Phan viết thư hạch tội vua Khải Định 7 điều, trong đó tội thứ nhất là quá tôn quân quyền, cậy quyền thế mà ép dân, tội thứ nhì là không công bằng và tội thứ ba chính là “Chuộng sự quỳ lạy”!

Ngày nay một lực lượng vũ trang ăn lương của dân mà coi dân như cỏ rác, ngang nhiên thách thức “chỉ biết còn Đảng còn mình”, tất nhiên nịnh trên mà nạt dưới, thì chắc chắn người đưa ra khẩu hiệu rất “quỳ lạy” đó không hề đọc sách Khổng Mạnh mà chỉ nhiễm “văn hóa Đảng”thôi.

Nhiều người dân vào đồn công an bị đánh đến phải quỳ lạy, nơi “quỳ lạy” ấy không hề có đạo Khổng, chỉ có “6 điều Bác dạy” (mặc dù lời dạy cũng có câu “với dân phải kính trọng, lễ phép”).

Thuở nước nhà sơ khai, các trí thức chịu ảnh hưởng đạo Nho và văn hóa Trung Hoa rất nhiều, nhưng những Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã dùng chính chữ Nho làm vũ khí chống lại Tàu, sức mạnh Nho giáo đã thành sức mạnh dân tộc. Trong khi Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc lại dùng chữ Nho để theo Tàu phản bội Tổ quốc, còn khối kẻ hàng Tàu bây giờ đâu có biết một chữ Nho bẻ làm đôi? Vậy hèn mạt hay anh hùng ít khi do nền văn hóa, chủ yếu do nhu cầu chính trị, vì chính trị gắn với quyền lợi và nhu cầu sinh tồn.

Ngay chuyện bây giờ, khi ta nói sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam phải lệ thuộc Tàu là do Ý thức hệ cộng sản thì cũng chỉ đúng một phần. Đâu có phải cứ hai nước cùng chung Ý thức hệ Cộng sản thì thôn tính nhau? Vấn đề là nước Cộng sản nhỏ muốn tiến hành chiến tranh, rồi lại muốn chống xu thế dân chủ để tiếp tục nắm quyền độc trị thì phải dựa vào nước Cộng sản lớn giúp đỡ, nước lớn vốn rắp tâm xâm lược nên sử dụng sự giúp đỡ làm cái bẫy để bắt Đảng Cộng sản nhỏ bán dần chủ quyền, mặc dù đến nay cả hai bên chẳng ai xây dựng chủ nghĩa Cộng sản gì hết, chẳng ai còn tin vào cái bánh vẽ “thế giới đại đồng”. Vậy bản chất sự lệ thuộc Tàu là do ràng buộc chính trị trong môi trường Cộng sản, như một hệ quả đau đớn của việc chọn con đường Cộng sản, chứ không phải do sự thấm nhuần Ý thức hệ. Ý thức hệ chỉ là yếu tố bắt nguồn lúc đầu. Những kẻ theo Tàu hiện nay là do nhu cầu chính trị, do quyền lợi chứ chẳng vì lý tưởng giai cấp vô sản gì hết.

Lại so sánh chế độ miền Bắc và chế độ miền Nam trước đây về hai mặt Thoát Trung và Khổng học. Miền Nam còn giữ Khổng học rất nhiều, từ sách vở đạo đức, đến quan hệ xã hội nhưng họ dứt khoát Thoát Trung, biểu hiện ở việc chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, và quy định một số nghề người Hoa không được làm để phòng người Tàu chi phối kinh tế và quốc phòng.

Trong khi miền Bắc khi đó bài trừ Khổng học, coi Khổng học là phong kiến phản động nên phá hết văn chỉ, đem câu đối làm cầu ao, chuồng lợn, đấu tố Nho học, thì lại ôm chân Tàu rất rõ, dập khuôn Tàu, phụ thuộc Tàu đến nỗi sinh ra nguy cơ Bắc thuộc hiện nay. Vậy không phải chống Khổng học thì Thoát Trung mà có khi ngược lại, vì nhiều nét của Khổng học đã được người Việt đồng hóa để thành vốn liếng văn hóa của chính người Việt.

Cuối cùng, xin cảm ơn việc khơi ra cuộc thảo luận Thoát Trung, đã huy động được sự đóng góp từ nhiều phía, làm cho một vấn đề rất hệ trọng được sáng ra, lần đầu tiên được đề cập một cách hệ thống, thiết tưởng là một sáng kiến đóng góp rất hữu ích cho công cuộc Thoát Trung hiện nay.

7. Nghĩ về mấy ngụy biện trong việc chống Tàu xâm lược

* Ngụy biện về đoàn kết và phân ly:

Như quy luật của muôn đời, sự đấu tranh để dân chủ hóa luôn luôn là cuộc đấu tranh giữa giới cai trị và giới bị trị, giữa chủ và thợ, nước nào cũng có, ở những mức độ khác nhau. Nhưng Đảng Cộng sản muốn phủ định, coi như cuộc đấu tranh ấy không có trong xã hội ưu việt này, nên dùng khẩu hiệu “ý Đảng lòng dân” để đúc hai khối “cai trị và bị cai trị” thành một khối đồng nhất (nhưng đầy mâu thuẫn bên trong). Dân mà “có ý kiến khác” tức tách khỏi khối đúc ấy thì không phải là dân, Đảng coi là kẻ xấu hay là địch đấy!

- Nay trước tình trạng bị nước Cộng sản lớn xâm lược đang xuất hiện ngụy biện: “Bây giờ phải tập trung chống xâm lược, cả nước phải một lòng, đứng dưới sự lãnh đạo mà chống giặc, trong nước mà còn đấu tranh với nhau là mắc mưu chia rẽ của phản động đấy!”. Lời hô hào nghe cảm động ghê, đoàn kết cả với kẻ nội xâm, nội gián sẵn sàng “mở cửa thành” cho giặc hả?

- Lập trường đúng đắn của Đảng ta là làm bạn với tất cả mọi người, không liên minh với nước này để chống lại nước kia! Nghe sao đạo đức quá, thế sao trước đây lại dựa hẳn vào Liên Xô – Trung Quốc để đánh “Mỹ-Ngụy”, sao bây giờ chỉ liên kết chiến lược toàn diện, thiết lập cả đường dây nóng với quân xâm lược, để đề phòng nhân dân ư?…

Ngụy biện này là để giải thích vì sao Việt Nam không liên minh chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng nội bộ Đảng giải thích với nhau nếu liên minh với Hoa Kỳ thì mất Đảng! Vẫn biết nếu liên minh với Hoa Kỳ thì sẽ không mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn là mất Đảng! Thế là rõ!

- Nhiều nhà nghiên cứu, bình luận cứ phát hiện “con đường cho Việt Nam”“lối thoát cho Việt Nam”“giải pháp tối ưu cho Việt Nam” mà không biết rằng bây giờ làm gì có “Việt Nam” như một khối thống nhất. Như ông Lê Hồng Hà nhận xét “Đảng bây giờ chỉ còn mỗi chức năng là cản trở sự phát triển của dân tộc”, vậy thì bài toán cho chính quyền Việt Nam và bài toán cho nhân dân Việt Nam là hai bài toán đáp số ngược nhau, đáp số tối ưu cho bên này sẽ là tai họa cho bên kia, làm gì còn khái niệm “Việt Nam” chung chung?

* Ngụy biện về cương và nhu

Bất đắc dĩ phải tuyên bố công khai mâu thuẫn với Trung Quốc (về lãnh hải thôi, còn những mâu thuẫn khác vẫn giấu biệt), nhưng không cho dân bộc lộ sự phẫn nộ, mà khuyên “phải bình tĩnh, chuyện lâu dài không nóng vội, mâu thuẫn như anh em trong nhà, mình phải chung sống lâu dài với nước bạn, bát nước đổ đi khó bốc lại, ta cần mềm dẻo giữ hòa bình để phát triển kinh tế…”.

Ai cũng biết cương quá hay nhu quá đều không tốt, nhưng lúc cần nhu lại cương, lúc cần cương lại nhu thì thật quái đản.

Có một danh ngôn “kẻ nào chấp nhận nhục nhã để tránh chiến tranh cuối cùng sẽ lãnh đủ cả hai thứ đó”. Có cứng rắn, không sợ chiến tranh mới tránh được chiến tranh. Chính sự hèn nhát là thủ phạm rước chiến tranh vào nhà! Còn tình nghĩa anh em ư, nó đập vào mặt, nó nhục mạ cả dân tộc, nó xâm lăng rành rành, nó tè vào cái bát nước hữu nghị, còn anh em nữa ư?

* Ngụy biện về lòng thương dân

Người ta đang giải thích phải chịu nhún nhường Tàu Cộng hết cỡ vì sợ đánh nhau thì nhân dân khổ! Chỉ thương dân thôi!

Ôi chao, cảm ơn! (Giá nói 50 năm trước đây thì hơn).

Sao một bảng thống kê về điều tra, chỉ xếp nhân dân Việt Nam thuộc loại hạnh phúc thứ nhì thế giới thôi nhỉ, chắc vì lúc ấy cơ quan điều tra chưa được “quán triệt” chủ trương rất cảm động này.

2-7-2014


Hà Sĩ Phu

______________________________________

Chú thích:

[*] “Nhân vật Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay/ Sàng lọc và kết hợp văn hóa Đông Tây”http://www.hasiphu.com/baivietmoi_12.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét