Pages

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Đồng Tháp ký sự (2)

VRNs (02.09.2014) – Đồng Tháp – Quy chụp và đối đầu
14090200Tôi xin kể một chuyện ngoài lề. Đó là sau khi ra khỏi đồn, mở điện thoại, tin nhắn tôi nhận được nhiều nhất là “Anh có bị đánh không?”. Tôi hiểu “bị đánh” là điều mọi người lo lắng hơn cả nhưng ngay từ khi đến toà, đó là điều tôi ít lo nhất.
Lúc bị đưa lên xe (lần hai), tôi chỉ quan tâm tới ba điều. Một là chuyện chiếc balo của Paulo Thành Nguyễn, không hiểu họ có giở trò gì từ đó không; hai là sự quy chụp tội “chống người thi hành công vụ” với mấy anh em can đảm giơ máy ảnh; và ba là bản án của chị và anh Minh, em Quỳnh – lý do mà chúng tôi có mặt ở đây hôm ấy.

Nếu tiếp xúc với công an vài lần, bạn sẽ thấy họ suy nghĩ khác hẳn chúng ta – rất phiến diện và mang tính quy chụp. Suy nghĩ của họ được phản ánh theo đúng khẩu hiệu của chính họ: “Còn Đảng còn mình”. Cấp trên bảo chúng tôi là phản động thì nhất định sẽ là phản động, không có cách nào khác. Điều đó ăn sâu vào suy nghĩ và hành động của từng đối tượng tiếp xúc với chúng tôi, từ dân phòng, cảnh sát cơ động, công an phường đến an ninh điều tra. Sẽ không có gì là khó hiểu về các chứng cứ nguỵ tạo cho vụ án chị Hằng, hay khả năng một trò mèo khác với Paulo Nguyễn hoặc những anh em bị quy tội chống người thi hành công vụ. Cũng không loại trừ một kịch bản nào đó dành cho tôi và những người khác.
Trên xe cùng Hoàng Bùi và một bạn bên Phậtgiáo Hòa Hảo (PGHH), chúng tôi bắt gặp thái độ lạnh tanh của cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đó là các em trẻ mặc đồng phục, cầm gậy cao su sẵn sàng xử lý mọi sự chống đối. Dưới danh nghĩa chỉ biết làm theo nhiệm vụ, một yêu cầu không sử dụng điện thoại được đưa ra buộc chúng tôi phải theo.
Ok, vậy thì thử tác động vào lương tâm họ xem sao. Sau màn đồng ca “Anh là ai”, chúng tôi bắt đầu thuyết giảng về lương tâm, đạo đức, quyền con người: “Các em nên biết quan nhất thời dân vạn đại, các em rồi cũng trở về với nhân dân, nên làm gì cũng cần có lương tâm và tôn trọng quyền của người khác, đừng chỉ làm theo mệnh lệnh…”. Không hiểu những điều chúng tôi nói có tác dụng lâu dài hay không, nhưng ngắn hạn thì có hiệu quả. Nhận được một cú điện thoại, tôi quay sang hỏi thử: “Để anh trả lời bà xã nhé?”. Sau một cái gật đầu, tôi liền thông báo việc bạn bên PGHH bị đưa về công an phường 1, Hoàng Bùi sẽ bị đưa về phường 2, còn tôi sang phường 11. Nếu nhìn vào điện thoại của tôi lúc đó, chắc em CSCĐ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tôi đặt tên vợ là “Gio Lang Thang”! :)
Phường 11 là một nơi khá xa xôi và hẻo lánh, chỉ cách biên giới Campuchia khoảng 70km. Đây là một phường thiếu sự sung túc nhưng thừa sự hùng hổ của công an. Ngay khi tôi được đưa vào phòng, một tốp xúm lấy khám người kiểm tra đồ đạc, họ lôi ra trong người tôi một điện thoại IPhone, một pin sạc, một giấy CMND và 70 ngàn đồng.
Một viên trung tá công an nói lớn:
- Anh! Đề nghị anh mở điện thoại để chúng tôi kiểm tra!
- Sao tôi phải làm như vậy? Có quy định nào không anh?
- Tôi là công an, anh đã vào đây tôi bảo anh phải nghe.
- Nhưng hiến pháp quy định công dân có quyền bảo mật thư tín, vậy anh đòi kiểm tra theo luật nào?
- Luật nào tôi không cần nói với anh, nếu anh không nghe chúng tôi sẽ tự mở.
- Tuỳ anh! Nhưng tôi yêu cầu lập biên bản thu giữ điện thoại và sẽ không chịu trách nhiệm những gì có trong đó.
Một viên thiếu tá tên Hùng (người sau này làm việc với tôi, tôi không nhớ tên mà đặt tạm như vậy vì thái độ hùng hổ) nói xen:
- Tôi yêu cầu anh hợp tác
- Xin lỗi, tôi phải làm việc với ai?
- Với tôi.
Sau đó mấy tên kia rút dần, chỉ còn lại Hùng và hai người khác, một công an, một mặc áo thường phục, kham khổ – chắc đóng vai nhân chứng. Hùng đặt một tờ ghi: “BIÊN BẢN KIỂM TRA HÀNH CHÍNH” rồi hỏi:
- Họ và tên?
- Trước khi làm việc, tôi yêu cầu anh hai điều. Một, đề nghị anh nói nhỏ.
- Tôi đang nói nhỏ, Hùng thanh minh nhưng cũng hạ giọng
- Thứ hai, đề nghị anh cho biết tôi phải làm việc theo điều luật gì, quyền lợi và nghĩa vụ của tôi.
- Cái này, cái này… Ở đây chúng tôi chỉ kiểm tra hành chính, tôi có quyền và anh có nghĩa vụ phải hợp tác!
- Không, mọi công dân đều phải làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đề nghị anh cho biết anh làm việc với tôi theo điều luật nào?
Hùng quay sang giở bài cũ rích, gầm lên:
- Thì tôi đang làm việc theo pháp luật đây. Nếu tôi sai anh có quyền khiếu nại sau này.
- Vậy anh hãy nghe cho rõ nhé. Tôi sẽ không làm việc với anh khi anh chưa giải thích cho tôi  là theo luật gì. Nếu tôi sai tôi chịu trách nhiệm.
- Tôi đã nói rồi, đây là chúng tôi điều tra hành chính, không phải điều tra tố tụng, tôi không giải thích luật gì với anh. Có hàng nghìn luật, tôi biết giải thích luật gì?
- Tôi không cần biết các luật khác, tôi chỉ quan tâm tới quyền và nghĩa vụ của tôi khi làm việc với anh.
Cuộc tranh luận cứ thế lòng vòng và to tiếng, Hùng cứ loanh quanh không thể đưa ra điều luật gì. Cảm giác “khác tầng bay” khiến tôi đâm nản:
- Tôi nói lời cuối cùng, nếu anh không giải thích cho tôi rõ theo điều luật nào, tôi sẽ im lặng không trao đổi tiếp với anh.
Và mặc Hùng tiếp tục to tiếng doạ nạt, tôi chống cằm im lặng nhìn ra xa. Được một lúc, Hùng bất lực bỏ ra ngoài, một người khác vào thay thế. Người này thì tôi nhớ rõ tên – thiếu tá Trần Văn Bảy.

Hiến pháp, pháp luật và câu chuyện chai nước
Khác hẳn với thái độ của Hùng, Bảy là một người khá nhẹ nhàng, không to tiếng:
- Anh Dũng, tôi muốn anh hợp tác.
- Ok, để hợp tác tôi cần sự tôn trọng. Chúng ta không to tiếng, tôi tôn trọng anh và anh tôn trọng tôi.
- Tôi đồng ý. Vậy anh chỉ cần trả lời các câu hỏi của tôi.
Với sự thiện chí và cảm giác có thể thuyết phục được Bảy, tôi cầm chai nước trên bàn, chĩa mũi chai về phía Bảy và hỏi:
- Anh có thấy cái chai này không, anh thấy gì?
- Một cái nắp, màu xanh
- Anh nhìn thấy thế, nhưng tôi không nhìn thấy cái nắp, tôi thấy cái đít chai có hình ngôi sao. Như vậy là cùng một vật, tôi với anh có cái nhìn khác nhau?
- Đúng
- Cũng giống như việc chúng tôi tới toà, anh nhìn chúng tôi gây rối trật tự, nhưng chúng tôi nhìn khác. Vậy để có cái nhìn giống nhau ta cần phải đặt cái chai ra xa và nhìn theo cùng một cách.
- Đúng
- Cách đó là hiến pháp và pháp luật, chúng ta cần tuân thủ. Tôi đề nghị anh cho tôi biết tôi phải làm việc với anh theo điều luật nào?
Im lặng nhìn tôi một lúc, anh Bảy nói:
- Câu chuyện chai nước của anh rất thuyết phục, lát chúng tôi sẽ nói rõ với anh.
Thật ra tôi hiểu, ở vị trí của mình, Hùng và Bảy không làm được gì hơn. Quen đối mặt với buôn lậu, gái mại dâm, ma tuý và những người buôn thúng bán mẹt có vi phạm khá rõ ràng, việc của Hùng và Bảy là đe doạ, có khi còn đánh đập buộc đương sự phải khai. Sau đó, khi đương sự đã nhận tội thì những lỗi về quy trình, thậm chí cả vết tích đánh đập cũng bị xoá nhoà và biến thành vô căn cứ. Hơn nữa, những đối tượng trên khi bị đưa vào đồn thường răm rắp nghe lời, nên lâu dần năng lực đối đáp, viện dẫn pháp luật của Hùng và Bảy giảm sút. Với những người như chúng tôi – vừa không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vừa có sự quan tâm của truyền thông, ôn hoà nhưng sẵn sàng chấp nhận mọi trò bẩn – việc sử dụng vũ lực để đe doạ không thực hiện được khiến họ cực kỳ đuối lý.

Bị bắt theo luật nào?
Sau khi Bảy đi ra, một người khác được cử tới để làm việc với tôi – Trần Quốc Tuấn, trung uý an ninh điều tra Đồng Tháp.
Khác với Hùng và Bảy khá luống tuổi, Tuấn sinh năm 1980, còn trẻ và nhiều đồ công nghệ. Cậu ta đi ra đi vào trong suốt buổi làm việc của tôi, lỉnh kỉnh đồ đạc khiến tôi tưởng đó là nhân viên bên công ty tin học nào đó được mời đến để khám điện thoại. Làm việc với những cậu như thế này chắc chắn là bạn sẽ bị ghi âm.
Vì đã chứng kiến các buổi làm việc của tôi trước đó nên Tuấn tiếp cận khá nhẹ nhàng. Thay vì “Biên bản kiểm tra hành chính”, Tuấn sử dụng “Biên bản ghi lời khai”, một thứ mà tôi đã quá quen. Rút kinh nghiệm không hỏi tên tuổi, Tuấn mở gói đồ tôi bị thu giữ lúc đầu lấy CMND của tôi để điền thông tin. Thấy có 70 ngàn, Tuấn hỏi:
- Sao đi vào tận đây mà mang theo ít tiền thế anh?
- Thì anh xác định là bị bắt, có thể đi mấy năm, mang nhiều làm gì – tôi đùa
Biên bản ghi lời khai gồm 5 phần:
- 1. Họ tên, điện thoại, địa chỉ …
- 2. Tư cách tham gia tố tụng: ……………………
Người khai đã được giải thích quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại điều … Bộ luật tố tụng hình sự và cam đoan chịu trách nhiệm về lời khai của mình.
- 3. Hỏi và đáp
- 4. Cam đoan
- 5. Chữ ký
Như mọi điều tra viên láu cá khác, sau khi điền phần 1, Tuấn bỏ qua phần 2 để nhảy thẳng đến phần 3!
Tôi nói:
- Anh đang làm sai quy trình nhé, đề nghị anh điền đầy đủ thông tin từ trên xuống dưới.
Hơi bất ngờ, Tuấn bèn điền: “Tư cách tham gia tố tụng: Người có hành vi gây rối” nhưng vẫn bỏ trống “điều … bộ luật hình sự”.
- Đề nghị anh điền rõ điều bao nhiêu.
Lúc này thì Tuấn lúng túng thực sự, loay hoay không biết làm thế nào. Tôi gợi ý:
- Thôi anh gọi điện cho sếp anh đi.
- Uh, được nhé. Gọi điện cho người thân hả?
Thế là tôi và cậu ấy bỗng nhiên trở thành người chơi trong một game-show truyền hình.
- Nếu gọi người thân không được thì cứ lựa chọn hỏi khán giả nhé, cậu gọi hết cả đồn lại xem có ai trả lời được câu này không! – tôi đùa.
Ấy thế mà câu này thành câu hỏi khó thật, khó cho cả sếp của Tuấn. Bằng chứng là từ 11h sáng đến tận 3h chiều Tuấn vẫn chưa nhận được câu trả lời!!!
Đến đây bạn có thể thấy sự tuỳ tiện của ngành công an. Họ có thể cử những cán bộ điều tra không nắm rõ pháp luật để làm những việc quan trọng có thể quyết định số phận một con người. Cán bộ đã không nắm được luật, mà cả sếp của cán bộ cũng vậy!

Quyền con người và quyền công an
Trong lúc chờ đợi, chúng tôi nói chuyện khá cởi mở với nhau. Dù biết việc này có thể bị ghi âm trong một báo cáo riêng nhưng vì mình vốn công khai trong các hoạt động, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Tuấn hỏi:
- Cái áo anh mặc đẹp thế, anh mua ở đâu đấy?
- À, áo này là áo nhân quyền, bạn tặng, hiếm lắm. Em có biết thế nào là quyền con người không?
- Thế nào anh?
- Đơn giản thế này, em có thể giết một con lợn, đánh một con chó nhưng không thể đánh hay giết một con người. Quyền con người là bình đẳng và giúp phân biệt con người với con vật. Kể cả tù nhân, họ hết quyền công dân nhưng vẫn có quyền con người. Mà công an bọn em cũng có quyền đó đấy.
- Như thế nào anh?
- Em có quyền làm trái lệnh cấp trên, làm theo lương tâm và lẽ phải. Nếu bọn anh không có tội em có quyền nói bọn anh vô tội, làm ngược lại em sẽ bị ám ảnh cả đời.
- Nhưng không có tội thì sao bọn anh bị bắt vào đây?
- Thấy chưa, em lại quy chụp nhé! Mấy ông công an phường Mỹ Phú cũng nghĩ như em, nói không gây rối thì đến toà làm gì, thế nên bọn anh mới bị bắt. Có hỏi em phải hỏi bên đó, đang điều tra không được nghĩ bọn anh có tội đâu nhé!
Tuấn im lặng, cười trừ.

Đằng sau bản án Bùi Hằng
140902001Câu chuyện của chúng tôi cuối cùng cũng dẫn đến vụ án chị Hằng. Tuấn hỏi:
- Anh thấy bà Hằng thế nào?
- Tôi thấy ổn. Dù có vài điểm tôi không hoàn toàn đồng ý với chị ấy, nhưng nói chung ổn.
- Anh không biết đâu, bà này bà ấy quậy dữ lắm, toàn chửi đảng, nhà nước và anh em chúng tôi. Có hôm đối chất nhân chứng, bà ấy chửi dữ quá sau nửa giờ lại phải dừng.
- Ừ thì cậu cũng phải xem nguồn gốc của sự việc. Tại thằng Thế Thảo (chủ tịch thành phố Hà Nội) bắt bà ấy đi cải tạo vô cớ, bà ấy kiện còn không thụ lý nên bà ấy mới thù như vậy.
- Quan điểm của anh về vụ Lấp Vò này thế nào?
- Tôi tôn trọng một phiên toà công bằng, công khai và đúng pháp luật. Nhưng chuyện công khai thế nào thì bàn dân thiên hạ biết rồi, nên cũng chẳng hi vọng đây là một phiên toà công bằng nữa. Nghe người ta nói còn có nhiều dấu hiệu nguỵ tạo.
Như có tật giật mình, Tuấn gân cổ thanh minh về các chứng cứ, nào là tắc nghẽn giao thông, nào là la hét, chống người thi hành công vụ… Biết rằng khó có thể tranh cãi thêm, tôi chủ động dừng câu chuyện.
Cần phải nói thêm là trong lúc nói chuyện, tôi có hỏi về gia đình của Tuấn. Vợ cậu cũng là an ninh điều tra, đang ngồi dự toà. Càng về chiều Tuấn càng sốt ruột nhắn tin cho vợ hỏi phiên toà xong chưa, vì nếu phiên toà tiếp tục sang ngày hôm sau thì chúng tôi sẽ bị giữ lại qua đêm (dù chẳng có một biên bản tạm giữ nào), và theo nhiệm vụ cậu ta cũng phải ở lại với tôi để giả vờ hỏi han qua loa cho đúng thủ tục. Vì cả hai vợ chồng cùng là ANĐT nên cậu ta có những thông tin đáng chú ý.
Đến khoảng 4h chiều, tôi hỏi:
- Vụ xử này thế nào, liệu bà Hằng có được ra luôn không?
- Ra là thế nào anh, bà ấy quậy quá trời như thế, bị khép vào khoản 2, ít thì cũng 2-3 năm.
Thấy tôi im lặng, cậu ta bồi thêm:
- Thấy bảo công an Vũng Tàu sợ bà ta lắm hả? Ở đây chúng tôi không sợ nhé! Bà ấy vô duyên, ở đây tụi phản động Hoà Hảo đang yên lại nhảy tới, cấu kết người nọ người kia.
Tôi thầm nghĩ: “Nếu những lời trên là đúng, thì bản chất của vụ án Bùi Hằng là do chị đấu tranh cho tự do tôn giáo, còn các chứng cứ, tình tiết chỉ là nguỵ tạo. Dù chị có ôn hoà, có nhẹ nhàng thì họ cũng tìm cách bỏ tù bằng được chị”. Trong những năm qua, Đồng Tháp nói riêng và miền Tây nói chung luôn là điểm nóng về đàn áp tự do tôn giáo, cụ thể là Phật Giáo Hoà Hảo.

Thay cho lời kết
Ngồi nói chuyện đến tầm 7h tối, Tuấn nói tôi được tự do sau khi đã làm một bản tường trình sơ sài. Như là một thủ tục, Tuấn hỏi:
- Anh thấy thái độ làm việc của tôi với anh thế nào, có đánh đập, xúc phạm gì không?
- Không, tôi thấy thái độ làm việc của anh tốt, cũng như thái độ của tôi. Quan điểm của tôi là    một khi đã mặc cái áo này, đã đấu tranh cho quyền con người thì chúng tôi cũng sẽ không xâm phạm quyền của các anh – quyền được tôn trọng.
- Vậy lần sau xử phúc thẩm ở Sài Gòn hay Đồng Tháp, anh có đến nữa không?
- Có! Một là vì chúng tôi sẽ không bỏ đồng đội, hai là vì chúng tôi muốn thay đổi thái độ của các anh nhìn chúng tôi khi tham dự ôn hoà một phiên toà, không gây rối.
Tuấn hơi cụp mắt xuống rồi nhìn ra nơi khác!
LÃ VIỆT DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét