Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Hagel ra đi – Vậy chính sách xoay trục sang Châu Á sẽ ra sao ?

mediaTheo báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức là do sức ép từ phía Tổng thống Obama - REUTERS /Larry Downing
    Trang mạng The Diplomat, ngày 25/11/2014, có bài « Hagel ra đi – Vậy chính sách xoay trục sang Châu Á sẽ ra sao ? » của nhà bình luận Ankit Panda, nhận định rằng ông Chuck Hagel, cho dù có những điểm yếu, nhưng là một át chủ bài trong chính sách xoay trục sang Châu Á của chính quyền Obama. RFI xin giới thiệu.






    Hôm thứ Hai, (24/11/2014), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo là ông sẽ từ chức, mà theo nguồn tin báo chí, là do sức ép từ phía Tổng thống Barack Obama. Tổng thống đã quyết định là cần phải có một sự thay đổi trong ban an ninh quốc gia của Nhà Trắng, vào lúc đang xẩy ra vòng xoáy các xung đột trên thế giới. Ông Hagel, trong lúc tỏ ra thụ động hơn so với bản tính của ông trên các hồ sơ khác, thì lại là một người ủng hộ quan trọng cho chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Cho dù nhiều nhà quan sát, bao gồm cả những người ủng hộ và không ủng hộ, chỉ trích chính quyền Obama đã không thúc đẩy mạnh sự « xoay trục » sang Châu Á sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton ra đi, ông Hagel, trong tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, lại không phải là một mắt xích yếu kém.
    Trong những tháng đầu khi mới nhậm chức, ông Hagel đã có những chuyến công du quan trọng tới các nước đồng minh của Mỹ, với một tốc độ chóng mặt, thể hiện sự mong muốn tạo vị thế quốc phòng của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Khi chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào cuối năm 2013, khiến Tổng thống bối rối không tham dự Thượng đỉnh thường niên APEC và hủy bỏ chuyến công du tới khu vực này, ông Hagel lên đuờng, đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc. Như tờ New York Times ghi nhận vào lúc đó, cuộc viếng thăm Hàn Quốc vào cuối năm 2013 của ông Hagel là « chuyến công du dài nhất của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong một thế hệ qua ». Vào thời điểm Tổng thống gặp khó khăn để xuất đầu lộ diện tại Châu Á, trên thực tế, ông Hagel trở thành bộ mặt của chính sách « xoay trục » trong quan hệ với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Trong những tháng qua, ông Hagel đã giám sát tiến trình tái xác định những đường hướng chỉ đạo trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Nhật, bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh Hoa Kỳ- Philippines, …
    Ngoài những người bạn của Hoa Kỳ tại Châu Á, ông Hagel cũng là nhà đối thoại thường xuyên với các đối thủ. Đặc biệt, ông Hagel đã xây dựng một quan hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo cao cấp chính trị và quân sự Trung Quốc. Đương nhiên, trong nhiệm kỳ của ông Hagel, cũng có nhiều thời kỳ căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm cả việc Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, sự cố Cowpens (vụ tàu quân sự Trung Quốc ngăn chặn tuần dương hạm Cowpens của Mỹ, hồi cuối 2013), vụ Trung Quốc do thám cuộc tập trận RIMPAC, Hoa Kỳ tố cáo các sĩ quan quân đội Trung Quốc làm gián điệp, và nhiều vụ khác. Vào lúc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ về quyết tâm của Mỹ duy trì nguyên trạng trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán, ông Hagel là tiếng nói trấn an của nước Mỹ. Ví dụ, tại Hội nghị Đối thoại An ninh Shangri-La, năm nay, ông Hagel đã kêu gọi Trung Quốc hãy lựa chọn hoặc là « đoàn kết và tái cam kết vì trật tự ổn định khu vực hoặc xa rời cam kết và gây rủi ro cho hòa bình và an ninh có lợi cho hàng triệu người ».
    Ông Hagel tỏ ra ít có sức thuyết phục đối với các lãnh đạo Trung Quốc, họ vừa bi quan, vừa phê phán, nhưng ít ra, ông được coi là một nhà đối thoại thẳng thắn. Trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng Tư 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Thường Vạn Toàn (Chang Wanquang) đã tỏ ra cảnh giác với ông Hagel, thề thốt rằng Trung Quốc sẽ « không thỏa hiệp, không nhượng bộ », trong các tranh chấp lãnh thổ với các đối tác của Mỹ trong khu vực và cảnh báo Hoa Kỳ không nên kiềm chế Trung Quốc. Cho dù không có được một cuộc cách mạng hoặc tiến triển dưới thời ông Hagel, nhưng sự xoay trục cũng không biến mất hoàn toàn. Tình trạng lờ đờ của chính sách xoay trục lây lan sang nhóm phụ trách an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, vốn đang bối rối, Bộ Ngoại giao thì sa lầy vào tình hình Trung Đông và Châu Âu và tình trạng tương đối thờ ơ đối với Châu Á tại Nghị viện.
    Giờ đây, Tổng thống Obama đã quyết định là ông Hagel phải ra đi. Theo Tổng thống, tháng 11/2014 là « thời điểm thuận lợi để ông Hagel kết thúc nhiệm vụ của mình ». Ông Hagel đã phải trả giá cho những điểm yếu của mình, một người « ở ngoài » ê-quíp của Nhà Trắng, một chính trị gia ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa, thông tin, giao tiếp với công luận trong nước một cách nghèo nàn. Cho dù chính sách xoay trục sang Châu Á, về trung hạn, có thể tốt hơn nếu như có ông Hagel, thì sự ra đi của ông cũng tạo một cơ hội để củng cố sự gắn bó chung trong chính sách an ninh và đối ngoại của Hoa Kỳ, vốn thường xuyên trục trặc và không rõ ràng. Tuy nhiên, ông Hagel cũng được biết đến là một người ủng hộ sự xoay trục. Việc thay thế ông Hagel có thể nhằm hỗ trợ các nỗ lực của chính quyền phát triển một quan điểm đối phó với các cuộc khủng hoảng ở Châu Âu và Trung Đông và lạnh nhạt với Châu Á.
    Việc lựa chọn thay thế ông Hagel sẽ đưa ra một thông điệp quan trọng liên quan đến các ưu tiên trong chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền Obama trong hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Với các tên tuổi đa dạng như Ashton Carter, Michel Flourney, Thượng nghị sĩ Jack Reed và cả Thượng nghị sĩ Joe Liberman (không, không hẳn như vậy) trong số các lựa chọn, thì thật là khó mà phỏng đoán là có một nhân vật thạo Châu Á hoặc một người có cùng mức độ quan tâm đến Châu Á như ông Hagel sẽ lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Hậu quả của chính sách lâu dài về Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là dường như không tạo được một sự hồ hởi tương tự về chính trị, như hồ sơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ của Nga, và thậm chí các cắt giảm ngân sách.
    Chính sách xoay trục được thông báo trước đây khi bà Hillary Clinton còn lãnh đạo Bộ Ngoại giao, bảo đảm rằng cho dù Châu Á không phải là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng, thì châu lục này vẫn có được vị trí đầy đủ của nó trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Người kế tục bà Clinton đã không quan tâm lắm đến việc đặt Châu Á lên thành ưu tiên của mình. Với việc ông Hagel ra đi, lần đầu tiên kể từ khi thông báo chính sách xoay trục, Hoa Kỳ dường như có cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đều coi Châu Á là ưu tiên hạng hai trong chính sách an ninh quốc gia. Nếu Hoa Kỳ duy trì được vị trí của mình tại Châu Á-Thái Bình Dương và sự thống trị chung đối với bên ngoài, thì các lãnh đạo Mỹ sẽ tỏ ra quan tâm. Cho dù có những điểm yếu, ông Hagel không như vậy. Để hỗ trợ thực hiện chính sách Châu Á, người kế nhiệm ông sẽ phải làm nhiều hơn thế.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét