Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Khai mạc thượng đỉnh khối Pháp Ngữ

mediaTrung tâm hội nghị thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ tại Dakar - RFI /Paulina Zidi
    Thượng đỉnh khối Pháp Ngữ lần thứ 15 mở ra trong hai ngày 29/11 và 30/11/2014 tại Dakar, Sénégal. Dịch Ebola và những thay đổi chính trị tại châu Phi, đe dọa khủng bố và khủng hoảng kinh tế là trọng tâm của hội nghị. 35 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ bầu lại Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ, thay thế cựu Tổng thống Sénégal Abdou Diouf.







    Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ (OIF) bao gồm 57 quốc gia chính thức và 20 quan sát viên, quy tụ 274 triệu người trên thế giới sử dụng tiếng Pháp. Thượng đỉnh Dakar 2014 dành một chỗ đứng riêng biệt cho phụ nữ và thanh niên trong khối các nước nói tiếng Pháp. 
    Nhiều tổ chức, hội đoàn và giới văn nghệ sĩ tập hợp về thủ đô Sénégal để kêu gọi OIF đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực y tế vào lúc mà Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành, hơn 5.700 người thiệt mạng trong một năm. 
    Một trong những mục tiêu của thượng đỉnh Dakar lần này là chỉ định người lên thay thế cựu Tổng thống Sénéral, Abdou Diouf trong chức vụ Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ. Năm ứng cử viên muốn nhận lấy trọng trách này. 
    Trong 12 năm đứng đầu Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ, cựu Tổng thống Sénégal Abdou Diouf đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển giữa các thành viên trong khối. Ông cũng đã liên tục vận động để làm tăng uy tín và tầm ảnh hưởng của khối Pháp Ngữ trên thế giới. 
    Theo đặc phái viên đài RFI Sophie Malibeaux từ Dakar, vì những lý do khác nhau, ngày càng có nhiều rất nhiều quốc gia ở khắp mọi nơi trên thế giới muốn gia nhập khối Pháp Ngữ. Nhưng mong muốn đó đôi khi vấp phải trở ngại. 
    « Châu Phi là nơi có số người sử dụng tiếng Pháp tăng nhanh hơn cả. Thế nhưng, trong số những thành phần ghi danh để học tiếng Pháp, các thí sinh ở Châu Âu, Châu Mỹ, ở vùng biển Caribê, tại Châu Á, Châu Đại Dương và Trung Đông chiếm đến phân nửa. 
    Thêm vào đó, ngày càng có nhiều những quốc gia muốn gia nhập Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ vì những lý do khác nhau. Nhiều phái đoàn đến dự thượng đỉnh Dakar lần này bao gồm nhiều quan chức và doanh nhân cùng với giàn thông dịch viên của họ. Nhiều quốc gia xem Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ là một cánh cổng mở ra thị trường Châu Phi. Đây là nơi mà Pháp vẫn chiếm một vị trí quan trọng. OIF luôn mở rộng vòng tay đón nhận các thành viên mới.
    Dù vậy, đôi khi những quốc gia vừa gia nhập đại gia đình cùng có chung một ngôn ngữ này không khỏi thất vọng. Đó là trường hợp của Qatar chẳng hạn : được kết nạp vào OIF với tư cách thành viên quan sát nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác. Nhưng rồi những đóng góp của Qatar đã không được như mong đợi.
    Giữa các nước muốn tham gia vào Khối Pháp Ngữ và OIF đôi khi cũng có những hiểu lầm, đặc biệt là liên quan đến những giá trị mà tổ chức quốc tế này muốn phổ biến. Nhiều quốc gia ở Châu Á và Trung Đông bất đồng với thông điệp chính trị của Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ, đặc biệt là trên hồ sơ nhân quyền ». 

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét