Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Mỹ nói gì về châu Á trước APEC?

Trả lời BBC trước chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Barack Obama dự Hội nghị APEC tới đây, ông Evan Medeiros, cố vấn cấp cao của Tòa Bạch Ốc chuyên về châu Á nói quan hệ với Trung Quốc 'sâu rộng và phức tạp'.
Ông cũng nói với Vincent Ni, BBC Tiếng Trung trong cuộc phỏng vấn hôm 30/10/2014 ở Washington rằng một trong những lý do Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam là vì nước này 'có những tiến bộ quan trọng về nhân quyền'.

Ông Evan Medeiros cũng nhắc tới việc Việt Nam mong muốn hợp tác an ninh trên biển với Hoa Kỳ để 'phòng bị tốt hơn trước những gì đang diễn ra trên vùng biển xung quanh Việt Nam' tuy không nêu tên Trung Quốc trong quan hệ ba bên này.
Trước hết, ông nói về quan hệ Mỹ - Trung:
Evan Medeiros: Quan hệ Hoa Kỳ với Trung Quốc vừa sâu rộng, vừa phức tạp. Có những vấn đề chúng tôi đang cùng hợp tác, và có những vấn đề chúng tôi bất đồng, và cạnh tranh với nhau.
Khi Tổng thống Obama đến Bắc Kinh, ông sẽ có một số cơ hội nói chuyện ở cấp cao nhất với Chủ tịch Trung Quốc và ông sẽ đề cập đến quan hệ song phương, đến cách chúng ta có thể cùng tăng cường mở rộng thương mại, giải quyết các vấn đề như tác quyền, việc bảo vệ không gian mạng chống tin tặc. Tổng thống cũng sẽ đề cập đến một loạt hồ sơ như làm sao để cùng hợp tác trước chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, của Iran, các cách thức thúc đẩy ổn định lớn hơn ở Biển Đông, Biển Nam Trung Hoa, va tất nhiên là giao lưu giữa người dân hai nước với nhau.
Ông Evan Medeiros có chuyến thăm đến Hà Nội vào tháng 7/2014
BBC:Rất nhiều lãnh đạo các nền kinh tế châu Á sẽ tham gia Hội nghị APEC, trong đó một số quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam, và họ cũng muốn đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Vậy theo ông, cuộc tranh đấu pháp lý này sẽ đi xa tới đâu?
Evan Medeiros: Hoa Kỳ có vai trò chính yếu trong vấn đề biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi lo ngại trước những căng thẳng gần đây, chúng tôi tin rằng tranh chấp phải được giải quyết thông qua đối thoại, ngoại giao. Chúng tôi duy trì lập trường chắc chắn là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Những nguyên tắc này dẫn dắt cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng tất cả các bên, gồm cả Trung Quốc, nên dùng những nguyên tắc để tìm cách giải quyết bất đồng.
BBC: Hoa Kỳ vào đầu tháng 10 đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Đằng sau quyết định đó là gì?
Chúng tôi có cơ hội rất lớn trong mối quan hệ với Việt Nam. Năm 2013, ngài Tổng thống đã ký thỏa thuận Quan hệ Đối tác Toàn diện với Chủ tịch Việt Nam trong chuyến thăm tới phòng Bầu dục.
Thỏa thuận về đối tác toàn diện, đã mở ra chặng đường mới trong quan hệ Mỹ - Việt. Chúng tôi mở rộng hợp tác ngoại giao, hợp tác quốc tế, và trong các lĩnh vực khác nữa.
Và một trong số các lĩnh vực chúng tôi đang xem xét là hợp tác quốc phòng và an ninh với Việt Nam.
Chúng tôi thấy họ có những tiến bộ quan trọng về vấn đề nhân quyền. Việt Nam cũng mong muốn hợp tác với chúng tôi nhiều hơn trong các vấn đề như mở rộng hợp tác an ninh trên biển liên quan tới tuần duyên. Nên chúng tôi cho rằng, giờ là lúc gỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí, như là chỉ dấu đường hướng quan hệ tương lai của chúng tôi.
BBC:Nhưng liệu đây có phải là thời điểm nhạy cảm? Liệu ông có cho rằng điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc thấy bất ổn? Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ, mà theo cách gọi của họ, là tìm cách hạn chế sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc?
Quyết định gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí không liên quan Trung Quốc mà là liên quan Việt Nam.
Nó liên quan việc cùng phối hợp trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh trên biển với một đối tác muốn có được sự phòng bị tốt hơn về những gì đang diễn ra trên vùng nước xung quanh Việt Nam.
Hoa Kỳ làm ấm lại quan hệ ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản
Và chúng tôi nghĩ tất cả quốc gia ở Đông Nam Á xứng đáng có được sự phòng bị tốt hơn, thế nên chúng tôi hợp tác với họ. Chẳng hạn như chúng tôi cũng đang có chương trình tương tự với Philippines.
BBC:Hoa Kỳ làm sao cân bằng được giữa quan hệ đồng minh với Nhật và quan hệ song phương với Trung Quốc?
Evan Medeiros: Nhật Bản là một đồng minh và đối tác thân cận với Mỹ. Quan hệ đồng minh của chúng tôi rất tốt đẹp. Chúng tôi hợp tác và làm việc cùng với nhau, không chỉ là ở châu Á, mà là trên toàn cầu.
Chúng tôi trân trọng mong muốn của Nhật Bản muốn xây dựng một quan hệ đồng minh toàn cầu với Hoa Kỳ, không chỉ vì an ninh châu Á, mà còn trong cả công tác phòng chống Ebola, ISIL hay giải quyết những thách thức toàn cầu khác. Chúng tôi muôn Nhật Bản có mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng trong khu vực. Vì vậy nên tôi khuyến khích việc đẩy mạnh mối quan hệ giữa các đồng minh của Hoa Kỳ.
Đó là một lý do Tổng thống (Obama) đứng ra đón lãnh đạo cả Hàn Quốc và Nhật Bản ở The Hague (Hà Lan) trước đó trong năm nay. Kể từ khi đó, có biến đổi trong cơ chế ba bên (Mỹ-Nhật-Hàn) trong ứng xử với Bắc Triều Tiên và thậm chí hợp tác quốc phòng giữa ba đồng minh đã tiến triển và chúng tôi nghĩ điều này quan trọng và báo hiệu một xu hướng lâu dài.
BBC: Mối quan hệ đồng minh Nhật Bản – Hoa Kỳ không phải là sự đối đầu với Trung Quốc, theo cách bên này triệt hạ bên kia?
Trực thăng của Nhật hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm USS USS Ronald Reagan
Evan Medeiros: Chúng tôi không thấy đây là một sự cạnh tranh với Trung Quốc trong việc giành ảnh hưởng, tức là không phải chuyện Hoa Kỳ chọn hoặc chơi với Trung Quốc hoặc chỉ với Nhật Bản. Chúng tôi nghĩ rằng đang có các cơ hội vô cùng to lớn ở vùng Đông Á cho các nước hiện có những nhận thức và giá trị chồng lấn và cũng cùng chia sẻ.
Khi nói tới Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng tôi đang hợp tác ngày một hiệu quả hơn bởi sự hợp tác làm nâng cao sự thịnh vượng và cho phép chúng ta giải quyết các thách thức an ninh chung, bao gồm việc ứng phó với thảm họa nhân đạo như bão Haiyan ở Philipplines vào năm ngoái.
Ông Evan Medeiros từng học tại Đại học Cambridge, Anh Quốc và hiện là Giám đốc cấp cao về Á châu của Hội đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Ông đọc viết thông thạo tiếng Trung và thường xuyên đi châu Á, gồm cả chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 7/2014. Xem thêm phỏng vấn video với ông Medeiros tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét