Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Trung Nhật 'giảm nhiệt' tranh chấp biển

Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí cố gắng giảm căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đảo trên biển Hoa Đông.
Các quan chức Bắc Kinh cho biết một cơ chế quản lý khủng hoảng đã được thiết lập để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Quần đảo có tầm quan trọng chiến lược, được Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trong khi Tokyo gọi là Senkaku, hiện do Nhật Bản kiểm soát.

Đây là một bước đột phá ngoại giao mà báo chí nói có thể dẫn đến một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tin cho hay hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào tuần tới.
Nếu cuộc gặp diễn ra đây sẽ là cuộc trao đổi riêng đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Abe lên nắm quyền trong năm 2012 và ông Tập lên ghế lãnh đạo 2013.
Thỏa thuận bốn điểm
Trong một tuyên bố, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho hay các quan chức cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận bốn điểm, trong đó bao gồm việc công nhận ‘các lập trường khác nhau’ của hai bên đối với quần đảo tranh chấp.
Thông báo cho biết thêm hai bên đã đồng ý ‘ngăn chặn căng thẳng leo thang thông qua đối thoại và tham vấn và thành lập các cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh tình huống bất ngờ’.
Tranh chấp quần đảo đã trở nên đặc biệt gay gắt trong hai năm qua.
Phóng viến của BBC tại Bắc Kinh Martin Patience cho biết tranh chấp đã châm ngòi cho tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở cả hai nước và gây ảnh hưởng tiêu cực quan hệ kinh tế.
Quần đảo nằm gần tuyến đường biển quan trọng, cung cấp ngư trường phong phú và nằm gần khu vực có tiềm năng có dầu khí.
Năm 2012, Nhật Bản đã mua lại quần đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân, làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực bài Nhật ở Trung Quốc.
Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không mới, yêu cầu bất kỳ máy bay nào tiến vào khu vực – bao gồm quần đảo tranh chấp – phải tuân thủ theo luật của Bắc Kinh.
Nhật Bản cáo buộc động thái của Bắc Kinh là việc ‘leo thang đơn phương’ và tuyên bố phủ nhận vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc.
Hai nước cũng có quan điểm khác nhau về các hành động của Nhật ở Trung Quốc trong Thế chiến II.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét