Pages

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Dễ gì có cơ hội tham nhũng?

Dễ gì được làm… sếp để có trải nghiệm. Mà, nếu có, chắc  gì tôi từ bỏ để đi diễn thuyết, kêu gọi.

Tôi được Quận Ủy, UBND quận A mời đến nói chuyện với khoảng gần 100 cán bộ đang trong diện “nghi vấn” vì giàu lên quá nhanh. Tôi là diễn giả đầu tiên thuyết trình về đề tài chống tham nhũng ở quận này.



“Thưa các cô chú, các anh. Trước hết chúng ta hãy vỗ tay khen thưởng cho chính bản thân và các đồng chí của mình vì đã tham dự buổi nói chuyện hôm nay với mong muốn từ bỏ tham nhũng. Khi tham gia buổi nói chuyện này, chúng ta đã thể hiện mong muốn thay đổi. Không có mong muốn đó, mọi biện pháp, mọi bài thuyết trình đều vô dụng”.  Khoảng 30% vỗ tay nhiệt thành, 50% vỗ tay lấy lệ,  còn lại thì lẹt đẹt…


“Để từ bỏ tham nhũng chúng ta hãy nhìn thẳng vào nguyên nhân. Lý do đầu tiên, là thu nhập chúng ta thấp, không đủ để sống thoải mái, không đủ để chăm lo cho gia đình”.

Nhiều người gật gật đầu.

“Bây giờ lý do đó không còn nữa, hầu hết chúng ta ở đây ai cũng nhà cao cửa rộng, xe hơi xịn, con cái đang du học… Chúng ta đã quá giàu có so với mặt bằng chung trong xã hội, đúng không các chú, các anh?”.

Các cô chú, các anh nhìn nhau, nhìn lên trần nhà, và gật gật đầu.

“Các cô chú có tiêu xài như một gia đình hạng sang, các anh có ăn nhậu thoải mái, các cô tha hồ sắm hàng hiệu… thì hai ba đời nữa cũng vẫn còn tiền mà. Vậy tại sao chúng ta phải chịu đựng sự khiển trách của cấp trên, sự bêu rếu của báo chí, sự ngờ vực của nhân dân, và phải suy nghĩ trăm mưu ngàn cách để vơ vét thêm. Chúng ta đâu còn quá lệ thuộc đồng tiền như trước đây nữa”…

Đa số các chú, các anh đều gật đầu, tỏ vẻ đồng ý.

“Lý do thứ hai, là sự cám dỗ từ những người đưa tham nhũng cho chúng ta. Có phài khi họ đưa tiền cho chúng ta, họ nói rất hay, họ công kênh, nịnh bợ hết lời. Thế nhưng khi ta đã nhận tiền, họ thầm coi khinh. Vậy chúng ta, có đáng đánh mất danh dự để nhận những đồng tiền đó nữa không?

Tại sao chúng ta để cho những người ở vị trí thấp hơn, không giàu hơn nhưng lại dùng đồng tiền để mua chúng ta cho mục đích của họ...”.  Tôi nắm tay và nói lớn “Chúng ta phải quyết tâm thay đổi tình trạng vô lý này.”

Các chú, các anh mặt đỏ bừng, đầu gật gật, nhiều người còn nói  “đúng rồi”, “không thể như thế được”

“Lý do thứ ba, là sự ganh đua nhau. Giống như khi tham gia giao thông. Thấy người khác, đám đông cứ vượt đèn đỏ thì chúng ta vượt theo…. Nhưng như thế là sai. Để tránh tư tưởng đó, chúng ta phải có lòng tin vào bản thân và người khác. Khi chúng ta tin tưởng bản thân mình không làm sai, tin tưởng đồng đội, người khác không làm sai, từng người sẽ không làm sai và tập thể sẽ không làm sai”.

Các cô chú, các anh gật gật tỏ vẻ đồng ý.

“Bây giờ, các cô chú, các anh hãy kết thành vòng tròn và nắm chéo tay nhau. Đầu tiên chúng ta đặt tay vào tim mình và nói lớn: “tôi tin chắc rằng  tôi sẽ không tham nhũng nữa”. Rồi, bây giờ chúng ta nhìn qua người bên phải và nói: “tôi tin tưởng đồng đội của tôi sẽ không tham nhũng nữa”. Chúng ta nhìn qua người bên trái và nói: “tôi tin tưởng đồng đội của tôi sẽ không tham nhũng nữa””.

Các cô chú, các anh nói rất khí thế và vỗ tay tưởng thưởng lẫn nhau.

“Thưa các cô chú, các anh. Vì nhiều lý do, chúng ta đã làm việc nọ việc kia cho lợi ích của bản thân và gia đình. Nay là lúc chúng ta dừng lại, để trở về với lý tưởng phục vụ nhân dân.  Khi không tham nhũng, chúng ta cũng tạo được giá trị thật cho chính mình. Gia đình con cái chúng ta khi hiểu ra điều đó sẽ cảm thấy rất tự hào về chúng ta. Ta sẽ SỐNG một cuộc đời giá trị, chứ không còn phải TỒN TẠI giàu có nhưng vô nghĩa…”.

Tất cả gật đầu, vỗ tay quá khí thế.

Tôi nói lớn để kết “Ngày hôm nay chứng kiến sự thay đổi của các cô chú, các anh và sẽ là một ngày lịch sử của quận. Ngày đánh dấu quyết định từ giã tham nhũng”.

Cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Thật bất ngờ và xúc động vì tiếng vỗ tay còn nhiệt tình hơn sinh viên, nhân viên, quản lý và doanh nhân. Cả hội trường bừng lên sức sống tích cực và tinh thần không tham nhũng. Các lãnh đạo rất vui, còn hứa giới thiệu tôi với các quận khác để thuyết trình chủ đề này.

Tôi chờ đợi…

Một tuần sau, đại diện ban lãnh đạo nhắn tin cho tôi, chắc là anh ấy ngại không dám gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp sợ tôi buồn “Anh cũng rất trân trọng em. Mọi người nghe bài nói chuyện của em thì ai cũng thích, xúc động  và quyết tâm nói không với tham nhũng. Nhưng sau sau khi bị “say” bài của em  khoảng 3 ngày thì họ lại suy nghĩ khác. Họ tìm mọi cách để suy nghĩ theo lối cũ. Và họ nói ông diễn giả nói thì thay thiệt, xúc động thiệt, nhưng chỉ là lý thuyết. Bản thân ông ấy đâu có trải nghiệm làm cán bộ, nhận tham nhũng ngày nào đâu mà hiểu chúng tôi để thuyết trình và kêu gọi đừng tham nhũng”

Tôi sực tỉnh cơn mê. Bản thân mình cũng hay nhận xét về mấy ông diễn giả, trải nghiệm làm quản lý doanh nhân rất ít, hay hầu như không có …mà cứ thuyết trình, dạy dỗ quản lý, doanh nhân cách làm giàu, cách sống và làm việc tốt… Bây giờ hóa ra mình cũng đang làm cái việc tương tự: “trải nghiệm chưa có mà bày đặt thuyết trình, chia sẻ”.

Nhưng trải nghiệm đó thì làm sao mà tôi có được. Dễ gì được làm sếp to và được nhận tham nhũng để có trải nghiệm tham nhũng. Mà nếu có được trải nghiệm đó, chưa chắc  gì tôi từ bỏ để đi diiễn thuyết. … Thế là tôi từ bỏ ước mơ làm diễn giả “chống tham nhũng” đi khắp nơi để vận động, hô hào.

Lâm Minh Chánh                                                        

(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét