Pages

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Để chính quyền không phải là "gã gác cửa"

Từ vụ việc chính quyền xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An  “ăn” 250 triệu trên tổng số 280 triệu tiền cứu đói nhân dân mất mùa đặt ra một câu hỏi lớn về vai trò của chính quyền địa phương. Nếu không có những giải pháp quyết liệt mang tính cách mạng, bộ máy chính quyền có thể trở thành một “gã gác cửa” ngăn cản các nguồn lực chảy vào nhân dân, kiểm soát các ý kiến phản biện trong xã hội, và trở thành vòi bạch tuộc hút cạn năng lượng của cộng đồng.

           Ảnh: có ai không biết sự nhũng nhiễu của chính quyền địa phương? (nguồn: internet)

Quyền lực của chính quyền địa phương nằm ở “con dấu” được đòi hỏi đóng lên nhiều loại giấy phép nếu các tổ chức, cá nhân muốn hoạt động ở địa phương. Ví dụ, để triển khai các hoạt động cứu trợ, nhân đạo, phát triển cho một cộng đồng dân cư, các tổ chức Phi chính phủ phải xin phép chính quyền địa phương. Nếu chính quyền không cho phép thì không thể giúp dân địa phương ở đó được. Tương tự như vậy, để đầu tư sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp cũng phải xin phép. Đã phải xin phép thì chính quyền có quyền từ chối không cho phép với muôn vàn lý do khác nhau. Khi đó, nảy sinh các vấn đề tiêu cực, vòi vĩnh, tham nhũng, khiến những tổ chức tử tế mệt mỏi không hoạt động được, còn những tổ chức có vấn đề sẵn sàng “bồi dưỡng” cho cán bộ để có phép hoạt động dù họ gây hại về môi trường, xâm phạm đến lợi ích của người dân địa phương. Như vậy, tiêu chí cấp phép không phải là lợi ích công cộng như tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho địa phương, bao nhiêu hộ dân được hỗ trợ nữa, mà là tiền vào túi cán bộ là bao nhiêu. 

Chính quyền địa phương cũng như cái phễu để tập trung triển khai các chính sách của nhà nước dội xuống. Nhiều nơi cái phễu bị thủng và nguồn lực chảy vào túi quan tham hơn là vào người dân nghèo như ví dụ chính quyền xã Đồng Văn ở trên hoặc chuyện 12 con dê cho hộ nghèo được chở thẳng vào trang trại của Bí thư huyện Thạch Thành. Các chính sách, ví dụ như thông báo cử tuyển con em dân tộc đi học cũng thường đến tay nhà cán bộ chứ không đến được nhà nhân dân. Khi nhân dân thấy thông báo cử tuyển, thì đã hết hạn và chỉ tiêu đã được lấp đầy bởi con nhà cán bộ. Tương tự như vậy, các chính sách ưu đãi về vốn vay, về giống, vật tư nhiều khi đi qua nhà quan trước khi đi đến nhà dân. 

Bên cạnh đó, con dấu cũng được sử dụng để đe nẹt người dân ở địa phương. Nếu thành phần nào được coi là “bất hảo” không tuân theo luật lệ địa phương đặt ra sẽ gặp khó khăn xin được con dấu của chính quyền vào đơn vay vốn, xác nhận hồ sơ cho con đi học, hoặc chứng nhận là hộ nghèo để giảm viện phí. Đây chính là lý do mà nhiều người dân dù uất ức vẫn phải đóng các loại lệ phí do chính quyền đặt ra cho dù nó trái luật, không có mục đích không rõ ràng, minh bạch. Nhiều người dù biết các tiêu cực cũng không dám vạch trần vì cán bộ có quyền lực, dễ dàng gây khó dễ cho công việc của họ, đặc biệt khi cần chính quyền xác nhận cho mình. 

Như vậy, việc cải tổ chính quyền địa phương là cần thiết. Trước hết, người đứng đầu chính quyền phải được bầu trực tiếp bởi người dân trong địa bàn của mình. Đây chính là triết lý cơ bản nhất của nguyên tắc nhân dân làm chủ. Nếu không có bầu cử tự do, cạnh tranh (có ít nhất hai ứng cử viên độc lập trở lên) để chọn lãnh đạo thì chính quyền địa phương mãi mãi xa rời nhân dân, không quan tâm đến lợi ích của nhân dân, và không có trách nhiệm trong việc thực thi tốt nhất nhiệm vụ của mình để được nhân dân lựa chọn. 

Thứ hai, cần giảm thiểu các loại giấy tờ cần có chứng nhận của chính quyền địa phương. Tư duy nhà nước nắm rõ và quản lý từng con người, mọi hoạt động ở địa phương là tư duy thời chiến tranh, bao cấp. Giờ đây, tư duy pháp quyền và tự chủ cần phải đưa vào trong hoạt động của nhà nước, của doanh nghiệp và của cá nhân. Ví dụ, khi làm sổ đỏ cho tài sản nhà đất, một người độc thân nhất quyết phải có chứng nhận độc thân đóng dấu đỏ của UBND xã/phường. Họ không tin vào lời khai của người độc thân và không muốn giao trách nhiệm dân sự cho người dân, có nghĩa nếu sau này bị phát hiện khai man sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan hành chính tin vào một tờ giấy hơn là một con người ngay trước mặt họ, như câu chuyện một người bán vé tầu nhất định đòi xem bằng được giấy chứng nhận là người khuyết tật của một hành khách cụt chân mới chịu giảm giá vé cho anh ta. Tư duy “tiền kiểm” cần thay bằng nguyên tắc “hậu kiểm” để tránh gây phiền hà và tốn kém cho toàn bộ xã hội, cũng như ngân sách của nhà nước trả cho đội ngũ cồng kềnh để thực hiện các công việc hành chính tự mình đặt ra. 

Thứ ba, tư duy “xin cho” cần phải được loại bỏ trong việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ thiện và phát triển ở địa phương. Thay vì xin phép các tổ chức, công ty chỉ cần đăng ký hoạt động với địa phương. Khi ngăn cản một cơ quan, công ty, tổ chức hoạt động chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chứng minh cho quyết định của mình là đúng pháp luật. Có như vậy, chính quyền địa phương mới trở thành nơi đại diện cho quyền lợi của cộng đồng, không phải là rào cản cho sự phát triển của xã hội. 

Chính quyền địa phương là nơi giáp mặt với quần chúng nhân dân, là hình ảnh cụ thể của nhà nước trong con mắt người dân. Các bức xúc trong xã hội thường nảy sinh và tích tụ vì sự nhũng nhiễu, hành chính hóa, tham nhũng của đội ngũ công quyền. Chính vì vậy, việc cải tổ chính quyền địa phương sẽ giải phóng người dân khỏi các phiền hà hành chính, xóa bỏ các cơ hội tham nhũng của cán bộ nhà nước, làm cho hoạt động kinh doanh, phát triển và nhân đạo hiệu quả hơn. Tất cả những điều này sẽ góp phần cải thiện hình ảnh cũng như lòng tin vào sự công chính của nhà nước, một điều kiện tiên quyết cho sự ổn định và phát triển của bất cứ quốc gia nào. 

Trung Lập

(Diễn Ngôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét