Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Philippines tố cáo Trung Quốc lại bồi đắp đảo Đá Vành Khăn ở Trường Sa

Căn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo Đá Vành Khăn
 (Mischief Reef) Trường Sa - DR
Trung Quốc đã bắt đầu việc bồi đắp xung quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Một chỉ huy hải quân Philippines hôm qua 05/02/2015 loan báo thông tin trên. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục bành trướng trên Biển Đông.

Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh Quân khu miền Tây nói với báo chí đã phát hiện một tàu nạo vét Trung Quốc tại Đá Vành Khăn, cách đảo Palawan khoảng 135 km về phía đông nam. Ông nói : « Chúng tôi không biết họ định làm gì tại Đá Vành Khăn. Từ lâu họ đã làm những chuyện như thế, nhưng chỉ riêng tại Đá Chữ Thập đã gây rất nhiều quan ngại vì Bắc Kinh cho xây dựng với quy mô lớn ».



Trong số các hình ảnh chụp được tại khu vực Đá Vành Khăn tháng 10/2014 không thấy có các hoạt động bồi đắp. Reuters cho biết các tấm ảnh này cho thấy hai công trình, trong đó có một tòa nhà ba tầng xây trên một rạn san hô, được trang bị các tua-bin và các tấm pin năng lượng mặt trời.


Năm ngoái, Tập Cận Bình đã cố gắng trấn an các nước Đông Nam Á đang lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng hoạt động bồi đắp các đảo nhỏ ở Trường Sa đã tố cáo mưu đồ của Trung Quốc nhằm xác quyết chủ quyền để độc chiếm Biển Đông.
Bắc Kinh đã cho cải tạo sáu đảo đá ngầm đang chiếm đóng tại Trường Sa, mở rộng diện tích đến năm lần, và các ảnh chụp trên không cho thấy cả một phi đạo và các hải cảng. Cơ quan IHS Jane’s hồi tháng 11/20104 nói rằng theo những hình ảnh có được, Trung Quốc đã mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo dài ít nhất 3.000 mét và rộng 200 đến 300 mét.
Reuters nhắc lại, Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn từ năm 1995 và dựng lên các lều, nói rằng cho ngư dân trú bão, nhưng sau đó đã điều đến cả một đạo binh đồn trú và triển khai chiến hạm cũng như các tàu tuần duyên. Còn tại Đá Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết của Trường Sa, năm 1988 Trung Quốc đã ngăn cản tàu hải quân Việt Nam chở vật liệu đến, sau đó xây dựng căn cứ tại đây cùng với hai vòm radar và phủ sóng điện thoại.


Philippines và Việt Nam năm ngoái đã lên tiếng phản đối các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo nhằm thay đổi thực trạng ở Trường Sa, vi phạm các quy tắc ứng xử. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) không mang tính ràng buộc, với mục đích chấm dứt việc các nước đang đòi hỏi chủ quyền chiếm đóng và đưa quân đội đến trú phòng tại các đảo tranh chấp, nhưng những gì Bắc Kinh sau đó đã chứng tỏ ngược lại./Thụy My (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét