Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

TRÚC GIANG MN - TÌNH TRẠNG PHỨC TẠP VỀ DẦU MỎ VIỆT NAM


1* Mở bài
Tình trạng xăng dầu Việt Nam hiện nay rất phức tạp. Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nhưng lại nhập khẩu dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Dự án xây nhà máy lọc dầu Dung Quất gây nhiều tranh cãi về vị trí xây cất vì không phù hợp với nguyên tắc kinh doanh quốc tế. Dự án kéo dài 9 năm mới hoàn thành. Các quan tham nhũng. Công nhân ăn cắp vật liệu, người dân địa phương chôm chỉa, cuối cùng vốn đầu tư 1 tỷ rưởi USD tăng lên thành 3.5 tỷ USD.

Sau 2 năm hoạt động của một nhà máy hiện đại, “niềm tự hào của thế kỷ 21”, Dung Quất được rao bán phân nửa phần hùng để sửa chữa và nâng cấp nhưng không ai mua.
Việt Nam nhập cảng 96% xăng dầu cho thị trường tiêu thụ toàn quốc, giá xăng dầu tăng lên ngày một. Giá xăng dầu của Dung Quất lại cao hơn xăng nhập cảng.
Trữ lượng các mỏ dầu VN bắt đầu giảm, các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ chạy.
Vùng biển thuộc chủ quyền VN có tiềm năng dầu khí mà không được thăm dò tìm kiếm, vì Trung Cộng ngăn chặn. Có dầu mà phải vác tiền đi mua dầu, thật đúng là nổi đau bị mất dầu.
Mỏ dầu sắp cạn, đầu tư ngoại quốc bỏ chạy, việc sản xuất dầu trong nước, làm ăn ạch đuội bữa đực bữa cái do có quá nhiều “sự cố” và kiến thức quản lý, vận hành và sản xuất ở tầm thấp của thời đại, là nội dung của bài viết nầy.

2* Những cuộc tháo chạy vì cạn dầu

2.1. ConocoPhillips tháo chạy
Ngày 19-5-2011, một sự kiện gây nhiều chú ý là tập đoàn dầu khí lớn thứ ba Hoa Kỳ là ConocoPhillips rao bán tổng số tài sản ở Việt Nam là 1.5 tỷ USD.
Chiều ngày 5-7-2011, tại cuộc họp báo, ông Phùng Đình Trực, Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam-PVN) cho biết, ConocoPhillips đã lên kế hoạch bán cổ phần của họ.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ) thì tập đoàn Mỹ đã chiếm một nhóm gồm 5 mỏ đang khai thác ở VN.
Nguyên nhân đưa đến quyết định bán tài sản là hoạt động của ConocoPhillips ở VN khá hạn chế, họ muốn đầu tư vào những dự án lớn hơn, nói rõ ra là dầu ở VN không đủ số lượng mà họ mong muốn, tức là quá ít vì đã cạn dần.
Bản chất của ngành dầu khí là nguyên tắc bù trừ. Ví dụ như khi khai thác 100 thùng dầu thô, thì công ty đó phải tìm và nắm được một số lượng tương đương, bảo đảm cho việc làm ăn được tiếp tục lâu dài, có nghĩa là phải biết trữ lượng những mỏ đang khai thác còn nhiều, hoặc đã tìm được những mỏ mới có đủ dầu để khai thác thương mại. Nếu không nắm được con số ước tính đó, thì tương lai mù mịt, không biết đóng cửa ngày nào, vì hết dầu.
Một nhà phân tích dầu khí nêu nhận xét, số lượng dầu thô của VN không còn tương xứng với số lượng mà Conoco mong muốn, cho nên nếu đổ thêm tiền vào, thì tỷ lệ rủi ro về lợi nhuận rất cao, lỗ vốn là cái chắc. Tóm lại, dầu mỏ ở VN sắp cạn kiệt hay còn quá ít.
Quyết định của Conoco cho thấy trữ lượng dầu của VN không phải là dồi dào.
Mục tiêu khai thác của Petro Vietnam (PVN) trong 4 tháng đầu năm 2011 là 15 triệu tấn dầu thô, nhưng chỉ đạt được có 7.97 triệu tấn. Trong khi đó, việc phát hiện những mỏ dầu mới có khả năng khai thác thương mại thì không có, và trữ lượng các mỏ đang khai thác cũng giảm dần.
Petro Vietnam đã có những dự án mua các mỏ dầu ở các nước ngoài, nhưng chưa mua được mỏ nào cả.
Một nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Cộng muốn mua lại tài sản của ConocoPhillips, nhưng phải chờ sự đồng ý của chính quyền VN. Nguồn tin trên tiết lộ, trữ lượng mà Conoco đang khai thác đã đạt tới điểm đỉnh, và sẽ tuột xuống trong một tương lai không xa. Bên cạnh đó, nếu muốn tìm mỏ mới thì phải khoan thăm dò ở ngoài khơi xa hơn, đó là khu vực hình lưỡi bò đang tranh chấp với Trung Cộng.
ConocoPhillips tháo chạy vì cạn dầu và không thể thăm dò ở vùng biển hình Lưỡi Bờ, thế nhưng Trung Cộng muốn nhảy vào, vì cho rằng sẽ không có gì trở ngại trong việc dò tìm và khai thác ở vùng đang tranh chấp nầy. Thực hiện hợp tác khai thác chung tài nguyên của VN là chủ trương của Trung Cộng.
Nếu CSVN đồng ý cho Trung Cộng mua tài sản của công ty Mỹ, tức là đồng ý giao các mỏ dầu của VN ở Biển Đông cho bọn Tàu khựa. Lúc đó Bắc Kinh sẽ dùng trăm mưu ngàn kế ma giáo để công khai và hợp pháp chiếm tài nguyên của VN, mà VN không có khả năng kiểm soát hoặc không dám kiểm soát.
2.2. British Petroleum tháo chạy
British Petroleum (BP) đã rút ra khỏi VN vì một số lý do.
BP có 3 mảng hoạt động tại VN:
  1. Downsdtream (Hạ nguồn), gồm: lọc dầu, cung cấp, mua bán, vận chuyển, sản xuất, tiếp thị.
  2. Midsdtream (Trung nguồn), gồm: các đường ống dẫn khí đốt từ nam Côn Sơn.
  3. Upstream (Thượng nguồn), gồm: tìm kiếm, thu hồi dầu và khí thiên nhiên.
Tháng 10 năm 2010, BP đã rao bán cổ phần đường ống Côn Sơn, Petro VN muốn mua lại, nhưng không thành công. Tổng sản lượng BP ở VN là 15,000 thùng dầu mỗi ngày.
1 thùng (Barrel) = 158.987 lít
7 thùng dầu thô = 1 tấn=1,113 lít
BP đã rút lui khỏi VN sau khi đã bán tài sản cho một công ty Petróleos de Venezuela SA của Venezuela với số tiền 1.8 tỷ USD.
2.3. Công ty Shell cuốn gói
Tập đoàn dầu khí nước ngoài đầu tiên ở VN là công ty Shell của Hoà Lan. Sau khi CSVN ban hành luật đầu tư nước ngoài, Shell đăng ký thăm dò tìm mỏ dầu ở ngoài khơi Đà Nẳng và Vủng Tàu. Dù đã bỏ ra 150 triệu USD, nhưng Shell không tìm được mỏ dầu nào có khả năng khai thác thương mại, nên đã cuốn gói ra đi, kể như mất toi 150 triệu USD.
Hiện tại, chỉ còn ExxonMobil (Mỹ), Chevron (Mỹ) và một số tập đoàn khác như Talisman (Canada) có đầu tư nhưng không lớn.

3* Dầu khí Việt Nam sắp cạn

3.1. Sản lượng bắt đầu giảm
Trên thực tế, sản lượng dầu thô VN đã bắt đầu giảm.
Năm 2004: 430,000 thùng/ngày
Năm 2005: 370,000 thùng/ngày.
3.2. Giảm dầu tại mỏ Bạch Hổ
3.2.1. Tổng quát về mỏ Bạch Hổ
Bạch Hổ là tên mỏ dầu lớn nhất, là nguồn cung cấp dầu chủ yếu cho VN hiện nay, nằm phía đông nam, cách bờ biển Vủng Tàu 145Km. Dầu thô Bạch Hổ thuộc loại phẩm chất tốt, dễ lọc, gọi là “dầu ngọt”, vì nó chứa ít chất lưu huỳnh, tác hại mài mòn dụng cụ rất thấp, giá bán rất cao trên thị trường quốc tế.
3.2.2. Trữ lượng dầu mỏ Bạch Hổ sắp cạn.
Theo thống kê, trữ lượng dầu của mỏ Bạch Hổ là 300 triệu tấn, sau 25 năm khai thác, sản lượng dầu thô Bạch Hổ đang giảm mạnh.
Năm 2009: 5.4 triệu tấn/năm* – 2010: 4.82 triệu tấn* – 2011: 4.26 triệu tấn * – 2012: 3.81 triệu tấn
- 2013: 3.43 triệu tấn * – 2014: 3.11 triệu tấn * – 2015: 2.78 triệu tấn/năm.
Theo thống kê, sản lượng khai thác của Việt Nam hiện đang giảm mạnh, nhất là các loại dầu thô đã khai thác từ trước như Bạch Hổ, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng… (Nguồn: Factbook, 2007)
2009201020112012201320142015
Bạch Hổ5.454.824.263.813.433.112.78
Rồng0.841.211.030.870.740.630.54
Sư Tử Đen1.491.120.840.630.470.350.27
Sư tử Vàng3.292.82.241.791.431.150.92
Cá ngừ vàng0.570.340.210.120.070.040.03
Rạng Đông1.170.880.660.50.370.280.21
Bảng: Danh sách sản lượng các loại dầu thô Việt Nam (Đơn vị: triệu tấn/năm)
Giàn khoan mỏ Bạch Hổ
Giàn khoan mỏ Bạch Hổ
Giàn khoan mỏ Sư Tử Vàng
Giàn khoan mỏ Sư Tử Vàng
Giàn khoan mỏ Sư Tử Đen
Giàn khoan mỏ Sư Tử Đen
3.2.3. Nhà máy Dung Quất nhập cảng dầu thô
Ngày 11-8-2010, nhà máy Dung Quất đã tiếp nhận lô dầu thô đầu tiên do công ty dầu khí Socar (Azerbaijian) cung cấp, với số lượng 400,000 thùng (Tương đương với 65,000 m3. Socar sẽ tiếp tục cung cấp 65,000 m3 vào cuối năm 2010.
3.2.4. Việt Nam sẽ mua mỏ dầu ngoại quốc
Lãnh đạo Petro Vietnam (PVN) cho biết, PVN đang làm thủ tục để mua các mỏ dầu tại Azerbaijian, Algeria và nhiều khu vực khác. PVN tuyên bố, họ sẽ mua những mỏ dầu đã được thăm dò, để có thể đưa vào nhà máy lọc ngay, vì thời gian thăm dò có thể kéo dài từ 5 đến 8 năm.
Đó mới chỉ là dự tính. Nếu giai doạn đàm phán thuận lợi, thì VN sẽ liên doanh với các nước nầy để mua dầu thô về lọc, cung ứng cho thị trường VN.
Hiện tại, VN phải nhập cảng 96% xăng dầu. Chính phủ cho phép 10 doanh nghiệp được nhập cảng xăng dầu để đáp ứng nhu cầu cho cả nước là 15 triệu tấn mỗi năm. Như vậy, xăng dầu trong nước chỉ chiếm 4%.
3.2.5. Một thử thách đối với Việt Nam
Ngày 25-10-2011, tờ Wall Street Journal loan tin Tập Đoàn ExxonMobil đã tìm được dầu khí ở lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng, thuộc tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Thông tin nầy mang tầm quan trọng đặc biệt, không những trong lãnh vực kinh tế, mà còn trong việc khẳng định chủ quyền của VN, vì lô 119 nằm ngoài thềm lục địa của VN, (Thềm lục địa cách bờ biển 350 hải lý.) đồng thời, nó nằm sát đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Cộng.
Sự việc cho thấy thái độ mạnh dạn của công ty HK trong việc làm ăn với VN. Trước kia, Tập đoàn ExxonMobil đã bị Trung Cộng gây áp lực, đã im hơi lặng tiếng, nay nhờ chính phủ HK ủng hộ, nên tiếp tục thăm dò.
Hiện chưa biết trữ lượng dầu là bao nhiêu. VN đang đứng trức thách thức, là liệu CSVN có can đảm hợp tác với ExxonMobil hay không?

4* Nhà máy lọc dầu Dung Quất

                                        Một góc của nhà máy lọc dầu Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất Việt Nam, được coi là một dự án kinh tế lớn, trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, đã hoàn tất sau 13 năm xây dựng mà nay được cho là bị lỗ 120 triệu mỗi năm.
Dự án Dung Quất bị các nhà đầu tư ngoại quốc xa lánh, bỏ chạy bởi vì nó ở một vùng cô lập, xa các nguồn dự trữ là các mỏ đầu ở miền Nam nên không có hiệu quả kinh tế.
Số vốn ban đầu là 1.5 tỷ USD, nhưng qua một thời gian gập ghềnh ạch đuội, tổng chi phí lên tới 3.5 tỷ USD. Giá thành sản phẩm của Dung Quất (DQ) hiện tại cao hơn giá xăng dầu nhập cảng. Lỗ to, đã rao bán suốt một năm mà chẳng có ai mua.
4.1. Nhà máy
Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất (DQ) được xây dựng ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, chiếm diện tích 345 hecta mặt đất, và 471 hecta mặt biển. (1 hecta=10,000m2). Công suất tối đa là lọc 6.5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, tương đương với 148,000 thùng mỗi ngày. (1 thùng (barrel) = 158.9873 lít)
Nhà máy lọc dầu của mỏ Bạch Hổ, sản xuất xăng A92, A95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, dầu diesel và những sản phẩm phụ. Có 14 phân xưởng chế biến công nghệ. Tổng số vốn đầu tư là 3.5 tỷ USD.
Chủ đầu tư là Tập Đoàn Dầu Khí VN (Petro Vietnam-PVN). Hợp đồng xây dựng nhà máy là Technip (Pháp), Technip Malaysia, JGC (Nhật) và Technicas Reunidas (Tây Ban Nha).
Lễ động thổ: 8-1-1998
Lễ khánh thành: 6-1-2011
4.2. Công nghệ lọc dầu
Công nghệ lọc dầu là một quá trình chưng cất dầu thô. Chưng cất là tách rời một dung dịch bằng cách đun sôi nó lên, rồi cho ngưng tụ hơi bay ra để được 2 thành phần, một phần nhẹ là Distillat, có nhiệt độ sôi thấp, chứa chất dễ sôi, phần nặng còn lại là cặn chưng cất.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất dùng điện để đun sôi dầu thô.

5* Con đường gập ghềnh của Dung Quất

Ngày 25-8-1998.
Việt Nam và Nga thống nhất hợp tác liên doanh, Petro Vietnam và Zarubezhneft cùng làm chủ đầu tư với cổ phần 50/50.
Ngày 28-12-1998.
Ủy Ban Vietross được thành lập để trực tiếp quản lý, xây dựng nhà máy và điều hành NMLD/DQ trong 25 năm. Mức đầu tư dự án là 1.297 tỷ USD.(50/50)
Năm 1998
Hợp đồng Việt Nga tan vở. Nga rút lui vì bất đồng ý kiến về địa điểm xây nhà máy. Thế là VN gánh trọn gói, tự đầu tư. Đây là nguyên nhân tạo ra những khó khăn, phí tổn vô ích, kéo dài con đường gập ghềnh và cuối cùng đưa đến dự án không có hiệu quả kinh tế, tức là làm ăn lỗ lã.
Sau vụ tan rả, VN tập trung vào việc giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng, có liên quan đến tiền bạc, kỹ thuật, thông qua những đàm phán, nhất là về luật đầu tư quốc tế của ngành dầu khí, mà VN không có kiến thức và kinh nghiệm.
Một VN chưa có kinh nghiệm mà phải gánh một dự án quá lớn, cho nên không tránh được những lượm thượm phát sinh do những sai lầm. Tiền bạc thất thoát do chi phí vô ích, do tham ô, do vật liệu bị đánh cắp, nên cuối cùng dự án tăng lên tới 3.5 tỷ USD, đưa đến kinh doanh không có hiệu quả kinh tế.
Tháng 11 năm 1996, chính phủ phê chuẩn dự án. Năm 1997 thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Quyết Định 514/QĐ/TTg ngày 10-7-1997 chính thức đưa dự án ra thực hiện.
Năm 2003, Ban Quản Lý Dự Án (QLDA) Nhà Máy Lọc Dầu (NMLD) Dung Quất được thành lập để tiến hành dự án.
Ngày 22-9-2009, NMLD/DQ cho ra sản phẩm đầu tiên.
Ngày 30-5-2010, nhà máy được nhà thầu xây dựng chính thức bàn giao lại cho Petro Vietnam.

6* Những chỉ trích về dự án xây nhà máy Dung Quất

Năm 1992, chính phủ Võ Văn Kiệt mời các đối tác nước ngoài làm liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, gồm có: Tập đoàn Total SA (Pháp) và 2 công ty Đài Loan là CPC (Chinese Petroleum Corp) và CIDC (Chinese Investment Development).
Trong quá trình thiết lập dự án, Total SA (Pháp) đề nghị xây NMLD tại Long Sơn thuộc Bà Rịa-Vủng Tàu. Ngày 19-9-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra QĐ chọn Dung Quất làm địa điểm xây NMLD, nên Pháp rút lui.
Dự án NMLD/DQ bị quốc tế chỉ trích, chủ yếu là về địa đểm xây cất mang tính cách chính trị trong chiến lược phát triển kinh tế của CSVN, nên không có hiệu quả kinh tế, mà VN gọi tắt là “không kinh tế”.
Tháng 9 năm 1995. Tập Đoàn Total chấm dứt thương lượng đầu tư, cho rằng nhà máy đặt ở miền Trung, cách xa các mỏ dầu ở miền Nam, phí tổn vận chuyển cao, nên không có hiệu quả kinh tế.
Năm 1997. Ngân Hàng Thế Giới (World Bank-WB) cho biết, dự án “không có hiệu quả kinh tế”.
Năm 1998. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) cho biết, giá trị dự án “đáng nghi ngờ”.
Hai cơ quan tài chánh quốc tế nầy giữ vai trò cho vay tiền để thực hiện dự án.
Năm 1998. Mặc dù đã ký hợp đồng, nhưng tập đoàn Zarubezhnift (Nga) cho rằng “Dung Quất là một địa điểm xấu” và bỏ dự án vào năm 2002.
Năm 2003. Liên Hiệp Quốc nhắc nhở VN, cho rằng “nên tránh những đầu tư thu nhập thấp”.
- 7,000 hộ gia đình bị đuổi ra khỏi DQ lo ngại về đời sống khó khăn ở những nơi mới đến.
- Ngư dân Quảng Ngãi lo ngại, vì tiếng ồn của nhà máy làm cho cá tránh đi nơi khác hoặc ra xa ngoài biển.
7* Những sai lầm của dự án Dung Quất
Hầu hết những chỉ trích quốc tế cho rằng dự án Dung Quất là một sai lầm, chỉ có đảng CSVN khẳng định nó là một dự án ưu việt mang tính trí tuệ của thế kỷ 21.
Sai lầm lớn nhất là địa điểm xây nhà máy. Quyết định độc đoán và sai lầm của đảng CSVN phát sinh những sai lầm và những khó khăn đưa nhà máy lọc dầu DQ đến việc làm ăn lỗ lã, “không kinh tế”.
Thi công nền móng Nhà máy lọc dầu Dung Quất
7.1. Sai lầm về địa điểm xây nhà máy
Dầu thô từ các mỏ ở miền Nam được chuyên chở khoảng 1,000km ra NMLD/DQ, rồi lại chở chuyên 1,000km từ DQ về Sài Gòn hoặc ra Hà Nội để phân phối ra thị trường. Bao nhiêu tàu bè, xe bồn chạy tới, chạy lui, nhân công, nhất là hao tốn tiền xăng dầu trước khi thu được tiền sản xuất ra xăng dầu.
Công ty Total cho rằng lý do địa lý sẽ làm tăng giá thành sản phẩm lên tới 500 triệu USD mỗi năm.
7.2. Sai lầm về kỹ thuật
Nhà máy Dung Quất được thiết kế để chế biến 100% dầu ngọt của mỏ dầu Bạch Hổ. Dầu ngọt phẩm chất cao, dễ lọc vì chứa ít chất lưu huỳnh nên tác động mài mòn dụng cụ kém hơn dầu chua, là dầu chứa nhiều lưu huỳnh, sinh ra acid làm hư hao máy móc nhiều hơn dầu ngọt. Thế nhưng, mỏ Bạch Hổ hiện nay đang cạn kiệt, không cung cấp đủ dầu ngọt để cho nhà máy lọc chạy hết công suất, cho nên VN phải nhập dầu chua pha trộn với dầu ngọt ở Dung Quất.
Dầu chua mài mòn thiết bị bên trong, đó là lý do khiến cho nhà máy mới chạy chỉ có hai năm mà phải đóng cửa 2 tháng để sửa chữa và thay thế phụ tùng là những cái van (valve), máy bơm, bù lon bên trong đã bị phá hủy. Những bộ phận đó không phải là loại thông thường, mà là những phụ tùng rất quan trọng, như van PV-1501, bù lon B-6 có sức chịu đựng nhiệt độ cao ở 650 độ C, do Ý sản xuất và chỉ có thể mua ở Singapore, chớ ở VN không có.
7.3. Dung Quất ngừng hoạt động để sửa chữa
Nhà thầu xây dựng là Technip. Nhà thầu giám sát của Nhật đã phát hiện 173,635 điểm sai sót kỹ thuật, dụng cụ hư hỏng do bị mài mòn.
Technip đã sửa chữa 164,442 điểm hư hại, còn lại 9,193 điểm hư hại nặng, như van PV-1501 và bù lon B-6 bị mài mòn ở phân xưởng chính yếu tên là Cracking.
Nhà máy ngưng hoạt động 2 tháng. 60 chuyên viên Pháp, Hàn Quốc và hơn 1,000 kỹ sư và nhân viên VN phải tăng ca làm việc, tham gia sửa chữa lớn.

8* Những thiệt hại do Việt Nam làm chủ đầu tư 100%

Hiện nay, Petro Vietnam làm chủ 100% nhà máy lọc dầu DQ, đã gây ra những thiệt hại, mà có thể tránh được, nếu có sự tham gia của chủ đầu tư ngoại quốc, như Total của Pháp chẳng hạn.
8.1. Việt Nam không có phụ tùng cho việc xây dựng và bảo trì nhà máy.
Từ con bù lon, ốc vít cho đến tất cả mọi thứ đều phải nhập cảng 100%. Tạo ra thêm nhiều thủ tục hành chánh, gọi thầu cung cấp, tài chánh, tốn kém tiền bạc và mất nhiều thì giờ. Nếu như Total của Pháp có cổ phần lớn, thì những khoản nói trên không cần thiết phải đặt ra và không bị mất tiền vô ích.
8.2. Trình độ khoa học kỹ thuật về dầu khí kém
Trường hợp nếu có các công ty dầu khí nước ngoài tham gia đầu tư, thì họ đã có sẵn một đội ngũ chuyên viên rành nghề, có nhiều kinh nghiệm, điều động nhanh chóng.
Trái lại, VN phải thuê nhiều chuyên viên ngoại quốc vào dạy cho kỹ sư và công nhân kỹ thuật. Năm 2006, 180 kỹ sư được huấn luyện cấp tốc ở Vủng Tàu, gồm các môn căn bản, trước hết là học Anh văn, kiến thức về công dụng và xử dụng các trang thiết bị, quy trình lọc dầu…đồng thời, 450 lao động cũng được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật của ngành dầu khí.
Tóm lại, họ chưa có khả năng và kinh nghiêm thực tế trong công việc, vì chỉ học lý thuyết trong khi chưa có nhà máy để nhìn tận mắt…
Trên công trường hiện nay, có 3,500 kỹ sư, cán bộ và công nhân kỹ thuật, đến năm cuối 2007 có 15,000 người.
Số chuyên viên nước ngoài là 141 người.
8.3. Tham nhũng và những chi phí vô ích
Một nhân viên trong dự án cho biết, việc tham nhũng rất kinh hoàng.
Các chuyên viên ngoại quốc làm việc ở công trường phải ở nhà của cán bộ cho thuê, hoặc cán bộ làm trung gian môi giới ăn huê hồng. Số tiền thuê nhà cao của họ đưa đến việc tiền lương phải tăng và các khoản chi tiêu tầm bậy khác được cộng vào chi phí của dự án, biến 1.5 tỷ USD thành 3.5 tỷ. Xuyên qua thời gian trên 10 năm chấm mút, ăn theo đã lên tới 2 tỷ.
Số tiền 2 tỷ USD nầy được gọi là tiền đầu tư ảo, do vật liệu bị mất cắp, tiền chạy vào túi riêng và những khoản chi tiêu vô bổ.
Để trả lời những câu hỏi về tham nhũng trong dự án, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro VN cho biết: “Lẻ ra nhà nước phải kiểm toán ngay từ năm 2010, nhưng lúc đó, chính phủ “chưa bố trí kế hoạch”, nên mãi tới tháng 3 năm 2011, việc kiểm toán chi tiêu mới bắt đầu, và hiện đang làm việc nên chưa có kết quả. Những nơi bị kiểm tra là Tập đoàn Vietsovpetro và Petro Vietnam.
8.4. Sản phẩm Dung Quất không tiêu thụ được
Theo Petro VN, cuối năm 2009, nhà máy trục trặc, vận hành gián đọan, bữa đực bữa cái, cho nên các công ty nhập khẩu xăng dầu đã ký những hợp đồng với nước ngoài, nhập khẩu xăng dầu cung ứng kịp thời cho nhu cầu cấp bách trong nước. Vì thế, xăng dầu của Dung Quất không có nơi tiêu thụ, mà kho của nhà máy chỉ chứa được số lượng sản xuất trong 18 ngày (20,000m3). Nếu không giải tỏa thì không có chỗ chứa, nhà máy phải ngừng hoạt động.
Xăng dầu do DQ sản xuất giá còn cao hơn giá xăng dầu nhập cảng, và phẩm chất không tốt, nên Hàng không VN không xử dụng xăng của DQ, mà vẫn mua xăng của Singapore.
9.Nạn ăn cắp vật liệu
9.1. Thưởng 5 triệu đồng cho người tố cáo
Công trường xây nhà máy DQ khổ sở vì nạn ăn cắp vật liệu. Việc thi công bữa đực bữa cái, chập chờn khi nắng khi mưa, vật liệu tràn lan nằm ngổn ngang ngoài trời nhiều tháng đến rỉ sét là mồi ngon cho bọn ăn cắp để bán rẻ như phế liệu. Ăn cắp, đủ mọi thành phần, từ công nhân của công trường, bảo vệ công trường đến người dân địa phương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ra chỉ thị: “Các nhà thầu phải cam kết, công nhân nào phát hiện và tố cáo người ăn cắp, thì được thưởng 5 triệu đồng. Số tiền thưởng nầy do công ty chủ của công nhân ăn cắp phải trả”.
9.2. Khối lượng vật liệu xây dựng nhà máy Dung Quất
  1. Tổng số tài liệu, giấy tờ chất đầy 100 xe tải.
  2. 150,000 tấn vật liệu
  3. Trên 5 triệu mét dây dẫn điện
  4. 17,000 tấn thép đủ loại. (Đủ xây 2 cái tháp Eiffel của Pháp)
  5. Một nhà máy điện 100 Megawatts. (Đủ dùng cho cả thành phố Quảng Ngãi).
  6. 1,046 kỹ sư và nhân viên
Dây tiếp địa tại nhà máy bị cắt
9.3. Những biện pháp chống ăn cắp
Theo Ban Quản Lý Dự Án (QLDA) thì tình trạng ăn cắp xảy ra rất phức tạp, đặc biệt là ăn cắp sắt thép, dây dẫn điện và phụ tùng, để bán phế liệu. Trong 2 tháng, đã phát hiện hơn 30 vụ ăn cắp.
Các nhà đầu tư đã thuê 500 vệ sĩ từ các công ty vệ sĩ, nhưng nhiều khi vệ sĩ bó tay nên phải nhờ đến công an địa phương trợ giúp. Công an địa phương được chỉ thị là phải kiểm tra các cửa hàng thu mua phế liệu, những thứ nào không chứng minh được nguồn gốc thì tịch thu. Phải đưa hệ thống Camera vào nhà máy để kiểm soát.
Công khai công bố tên tuổi của người ăn cắp và xử lý cấp thời. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị chính phủ tăng cường lực lượng công an đến bảo vệ công trường. Đồng thời, đưa công trường Dung Quất vào danh sách an ninh quốc gia, để mạnh tay xử lý trộm cắp, phá hoại tài sản vào tội xâm phạm an ninh quốc gia.
9.4. Trộm cắp lộng hành
                                                Những cuộn dây điện bị đánh cắp
Bộ phận an ninh trật tự trên “đại công trình” chịu bó tay trước nạn ăn cắp vật liệu.
Chính nhân viên của công ty Bảo Vệ Thiên Long, thay vì bảo vệ tài sản nhưng lại thông đồng để cho kẻ cắp công khai đem xe cần cẩu đưa những cuộn dây điện chở ra Đà Nẵng tiêu thụ. Một vụ trộm cắp lớn gây thiệt hại nghiêm trọng trị giá 70,000USD. Đồng thời làm cho các chuyên gia và công  nhân phải đình trệ công tác nhiều ngày.
Ngày 3-8-2007, 5 tấn vật liệu gồm sắt thép còn nguyên, phụ tùng chưa xử dụng, bị khám phá ở một nhà mua phế liệu của ông Nguyễn Thiện. Công an đang điều tra.
Ngày 16-4-2008, hai đối tượng tên Tâm và Công dùng thuyền thúng chở 608 kg sắt trộm ở công trường Dung Quất.
Ngày 19-4-2008, công an bắt 5 bảo vệ về hành vi tổ chức trộm thiết bị tại kho của nhà thầu Technip. Lúc 1 giờ sáng, những tên trộm dùng xe gắn máy kéo 16 ống tuýp đặc chủng, đường kính 0.6m dài 6 m. Người giữ kho tên Văn đã mở cửa kho để cả bọn và khiêng ra ngoài.
Ngày 22-4-2008, 2 nhân viên bảo vệ bị một nhóm 10 người, đi xe gắn máy, mang mã tấu, gậy gộc xông vào tấn công. Hai bảo vệ bị trọng thương, một người bị đâm một dao vào xương sườn, người kia bị chấn thương sọ não.
Đó là nhóm côn đồ được thuê đánh bảo vệ để trả thù vụ bắt trộm trước đó.
Ngày 1-5-2008, một nhóm 20 tên, đội mủ an toàn, một số bịt mặt, mang gươm, mã tấu xông vào tấn một nhân viên công trường DQ, để trả thù vụ tố cáo ăn cắp vừa qua.
Ngày 18-3-2011, công nhân Đỗ Tấn, người được tin cậy cho vào làm khu bảo dưỡng của bộ phận quan trọng, đã trèo tường đến lầu ba, dùng kềm bấm cắt dây điện, ruột bằng đồng, dùng làm dây trung tính nối xuống đất (grounded wire) cở 35mm2 ruột 18 sợi dây đồng, làm lệch pha dòng điện khiến cho 23 máy vi tính, hàng chục máy lạnh, máy in, máy fax, máy photocopy…thiệt hại 60,000 USD.
Dây nối đất rất quan trọng, để bảo vệ con người không bị điện giật khi dòng điện bị chập.
Tấn bị ghép tội phá hủy công trình quan trọng, về an ninh quốc gia.
Ngày 18-9-2007, 30 công nhân, xử dụng dao, ống sắt, gậy gộc vây đánh lực lượng bảo vệ. Họ đập phá tủ đựng tài liệu, điện thoại bàn, đập bể kiếng xe ôtô. 8 công nhân bị bắt giữ.
Nguyên do. Vì bảo vệ làm việc chặt chẽ, các công nhân không đánh cắp được nên gây sự đánh nhau.

10. Kết luận

Theo dự đoán thì dầu mỏ ở khu vực quần đảo Trường Sa là 105 tỷ thùng (1 thùng=158.987 lít), nếu khai thác 18.5 triệu tấn mỗi năm, thì có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm.
Theo Công Ước QT về Luật Biển, thì tài nguyên trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone-EEZ) 200 hải lý (1 hải lý=1km 852) thuộc quyền khai thác của VN. Tuy chưa xác định được trữ lượng là bao nhiêu, nhưng hứa hẹn là có nhiều.
Trong tình trạng dầu mỏ của VN cạn dần, các nhà đầu tư ngoại quốc cuốn gói rút lui, nhà nước VN đang tìm mua mỏ dầu nước ngoài, nhập cảng dầu thô để lọc, VN có tiềm năng dầu to lớn ở Biển Đông mà không được quyền khai thác, phải vác tiền đi mua, thì quả thật là một cảnh đau lòng của dân tộc. Càng nhức nhối hơn nữa, kẻ cướp chính là hảo bằng hữu, là người đồng chí tốt của đảng CSVN.
Trúc Giang
Minnesota ngày 6-2-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét