Pages

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Diễn biến mới liên quan TPP

Thượng viện đã cho phép Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh
Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ tư, 24/6 vừa thông qua dự luật TPA (Trade Promotion Authority) với 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống, một dự luật cho phép Tổng thống «quyền đàm phán nhanh» trong các Hiệp định thương mại quốc tế quan trọng, điển hình như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác của hai bên bờ Thái Bình Dương (TBD) trong đó có cả Việt Nam.
Dự luật này nếu thành luật sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ được quyền đàm phán với các đối tác thương mại quốc tế và chỉ cần đệ trình lên Quốc hội sau khi kết thúc đàm phán bản Hiệp định cuối cùng.

Dĩ nhiên, để Hiệp định này có giá trị pháp lý nội địa, Quốc hội sẽ phải biểu quyết thông qua sau khi đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, Quốc hội không có quyền thay đổi bất cứ điều khoản nào trong Hiệp định mà Quốc hội chỉ được quyền duy nhất biểu quyết chấp nhận hoặc từ chối nó.
Sau nhiều tuần tranh luận và bỏ phiếu đầy kịch tính, cuối cùng TPA đã được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua. Dự luật này sẽ được chuyển đến Tổng thống Obama để ký ban hành, dự kiến chỉ trong nay mai.
Tuy TPA đã được thông qua nhưng viễn ảnh của một Hiệp định TPP cuối cùng được Quốc hội chấp thuận rất là mong manh. Số lượng người chống tự do thương mại trong Quốc hội không phải là ít. Vì thế mỗi một lá phiếu đều có một tầm quan trọng như nhau.
Cũng cần nhắc lại rằng theo truyền thống, các đạo luật tự do thương mại như TPP và TPA luôn nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa trong khi Tổng thống Obama là người đảng Dân Chủ nhưng lần này TPP lại là một trong những chính sách trọng yếu trong chiến lược chuyển trục Á Châu – TBD của ông.
Cái éo le của Tổng thống Obama là ông được đảng Cộng Hòa nhiệt tình cứu giúp trong khi ông bị chính những chí hữu nghị sĩ Dân Chủ phủ quyết mặc dù trước đó Obama đã từng thân chính đến Hạ viện để vận động.
Với kết quả này, coi như đây là thắng lợi lập pháp lớn nhất của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ này và của nhóm nghị sĩ Cộng Hòa ở cả lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, một minh chứng hùng hồn cho nền dân chủ Mỹ lành mạnh, nơi mà những tiếng nói bất đồng luôn được tôn trọng nhưng sự hợp tác vì quyền lợi quốc gia cũng được cẩn trọng cân nhắc.
Đó chính thực là bí quyết của sức mạnh và thành công của cường quốc Hoa Kỳ.

Kết thúc đàm phán TPP trước mùa thu năm nay?

null
Con đường vào TPP còn gập ghềnh?
Sau khi thành luật, TPA sẽ cho phép chính phủ Obama sớm kết thúc đàm phán TPP với 11 quốc gia khác trước mùa thu năm nay, một việc mà đáng lý đã phải kết thúc từ mùa thu năm 2014.
Tâm lý chung của giới chính trị gia ở Washington DC hiện nay là mong muốn kết thúc mọi việc liên quan đến TPP nội trong năm nay vì không một ai trong họ muốn nó là đề tài của kỳ bầu cử tháng 11/2016. Rất nhiều người trong họ đã, đang và sẽ phải tiếp tục chịu nhiều áp lực rất lớn trước các nhóm cử tri cánh tả, giới công đoàn, các hiệp hội và tổ chức xã hội dân sự chống tự do hóa thương mại toàn cầu.
Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đó là TPA chỉ có hiệu lực đến năm 2018 tuy có thể gia hạn đến năm 2021. Nhưng nếu từ đây đến cuối năm nay mà không kết thúc được đàm phán TPP thì gần như điều đó có nghĩa rằng sẽ không có gì thúc đẩy để khởi động lại đàm phán trước năm 2018 vì suốt năm 2016 là năm bầu cử Quốc hội và Tổng thống Mỹ.
Sau đó còn phải chờ đến đầu năm 2017 để tân Tổng thống nhậm chức và nội các mới chấp chính, rồi Thượng viện chuẩn thuận tân Bộ trưởng Thương mại chịu trách nhiệm đàm phán TPP. Đó là chưa nói vị tân Tổng thống Mỹ có còn mặn mà với một chính sách mà được coi như là di sản của vị tiền nhiệm - Tổng thống Obama.
Quá trình đàm phán TPP từ nhiều năm qua cho thấy để có được một thời điểm như hôm nay không hề đơn giản, cho nên mùa hè này sẽ rất nóng đối với các đoàn đàm phán TPP vì hầu như quốc gia nào cũng có những giới hạn nhất định và quyền lợi để quyết tâm kết thúc đàm phán càng sớm càng tốt.
Thí dụ như trường hợp Canada sắp bước vào mùa bầu cử Quốc hội liên bang tháng 10/2015. Đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ TPP nhưng đảng đối lập chính Tân Dân Chủ ở Quốc hội có khuynh hướng chống TPP, nếu đảng Bảo thủ không kết thúc đàm phán và thông qua TPP trước ngày bầu cử thì tương lai của TPP sẽ khó đoán được trong trường hợp đảng Tân Dân Chủ đắc cử lên cầm quyền.

Liệu Việt Nam có vào được TPP?

Với TPA trong tay và như trên vừa phân tích, chính phủ Obama sẽ sớm kết thúc đàm phán TPP như dự kiến trước mùa thu năm nay. Câu hỏi được nhiều người Việt Nam đặt ra là liệu Việt Nam có nắm được chiếc vé vào TPP lần này không?
Có nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam cho rằng đây là lúc cần vận động lên chính phủ Obama để buộc Hà Nội phải thả một số tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm.
Một số khác thì nêu rằng cần phải làm áp lực tối đa để chặn không cho Hà Nội tham gia. Và một số khác nữa thì đề nghị rằng nên vận động để Hà Nội có những cam kết cụ thể về một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Câu trả lời sẽ không khó nếu như chúng ta hiểu được Hoa Kỳ muốn gì với Việt Nam và Á Châu.
Hoa Kỳ đã từng tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã có mặt liên tục trên 150 năm qua ở khu vực Châu Á – TBD và Hoa Kỳ luôn đóng một vai trò tích cực, không kém phần quan trọng tại nơi đây. Hoa Kỳ khẳng định là một cường quốc bên bờ Đông của TBD và sẽ tiếp tục đóng vai trò mà Hoa Kỳ đã làm trong suốt 150 năm qua.
Hoa Kỳ tái khẳng định có quyền lợi chiến lược quốc gia trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho toàn khu vực; đồng thời tin rằng tương lai của thế kỷ thứ 21 là một Châu Á – TBD hòa bình, thịnh vượng và thượng tôn pháp luật.
Riêng đối với Việt Nam, chúng ta hãy chú ý những lời phát biểu sau đây của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông Ted Osius từng tuyên bố rằng «Mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền».
null
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mang gì tới Washington?
Trong một cuộc phỏng vấn với VNExpress hôm 22/6 ông tiếp rằng «Tôi không thích bất kỳ yếu tố nào làm giảm khả năng của người Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước vững mạnh và độc lập... Nếu không có những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền thì không chỉ mối quan hệ đối tác của chúng ta không thể khai thác hết các tiềm năng mà bản thân người Việt Nam cũng không thể khai thác hết tiềm năng của mình. Vì vậy điều mà tôi mong muốn được thấy trong tương lai ở Việt Nam là mọi người dân Việt Nam có thể khai thác đầy đủ mọi tiềm năng của mình, trong đó có việc được thực hiện các quyền tự do thể hiện ý kiến, tự do tôn giáo hay tự do hội họp.»
Vấn đề trong quan hệ bền vững lâu dài giữa hai quốc gia không thể dựa trên nền tảng của những sự đổi chác nhất thời, những toan tính cục bộ mà phải được xây dựng trên cơ sở của những giá trị cốt lõi mà hai quốc gia dân tộc cùng phấn đấu chung.
Hoa Kỳ có quyền lợi gì khi yêu cầu Việt Nam thả các tù nhân chính trị và lương tâm? Hoa Kỳ cũng chẳng có lợi gì khi chặn không cho Việt Nam vào TPP vì chính Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho Việt Nam tái hội nhập vào cộng đồng thế giới cách đây 20 năm. Hoa Kỳ cũng mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO và nay là TPP.
Việc Việt Nam tham gia TPP như mọi người có thể thấy là đời sống của người dân Việt Nam sẽ khá dần lên và theo đó vị trí của Việt Nam ngày càng cải thiện tốt hơn góp phần vào việc phát triển thịnh vượng chung của khu vực.

Pháp luật chuẩn mực và nhân quyền Việt Nam

Tôn trọng pháp luật chuẩn mực và quyền con người của người dân không thể là những đòi hỏi quá đáng đối với những nhà lãnh đạo Việt Nam mà đó đơn giản là trách nhiệm. Chính phủ Việt Nam phải triệt để thực hiện những cam kết đối với cộng đồng quốc tế về nhân quyền và thực thi nghiêm chỉnh Hiến pháp 2013.
Cho nên, cái mà người Việt Nam chúng ta cần làm là vận động để chính phủ Hà Nội thực thi tức khắc, vô điều kiện những cam kết cụ thể về một tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam.
Với TPA cầm chắc trong tay, Tổng thống Barack Obama sẽ nói rõ khi tiếp ông TBT Nguyễn Phú Trọng ở Washington DC trong những ngày tới rằng «tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để Quốc hội trao cho tôi TPA nhưng ông thấy đó TPP vẫn còn ngoài tầm tay của chúng ta. Mong ông hiểu rằng Việt Nam vẫn còn một chặng đường khá dài và đầy chông gai để đến TPP. Cho nên, đây không phải là lúc ngơi nghỉ mà là thời gian tốt nhất để chúng ta quyết tâm thực hiện những khuyến nghị của Quốc hội Hoa Kỳ nếu như Việt Nam muốn kết thúc đàm phán TPP với chúng tôi.»
Điều mà có lẽ tất cả chúng ta mong muốn là Việt Nam sớm trở thành một «quốc gia độc lập, tự do, thịnh vượng, tôn trọng pháp luật và nhân quyền».
Nhưng liệu ông TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ mang món quà gì khi đến thăm Tổng thống Barack Obama?
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, luật sư sống tại Canada.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét