Pages

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Nhà nước, báo chí và dân biểu ngủ gật

Khi các tấm hình do phóng viên tại Myanmar chụp một số dân biểu nước này ngủ gật được đăng tải lên rồi lan đi nhanh chóng, giới chức đã phản ứng bằng cách không cho phóng viên vào dự phiên họp quốc hội nữa.
Nhìn từ trên xuống tầng họp của tòa nhà quốc hội tại thủ đô mới Naypyidaw là phòng quan sát dành riêng cho báo giới, nơi rất thuận tiện để các phóng viên phát hiện ra các nhà lập pháp thảo luận công việc, mà cũng có thể là không thảo luận, như trong một số trường hợp cụ thể.

Tuần rồi, hai dân biểu bị phát hiện ngủ gật khi đang họp, và các phóng viên đã nhanh chóng chụp được cảnh này rồi đăng tải trên mạng.
Hậu quả là các phóng viên tạm thời bị cấm vào phòng quan sát và phải ra theo dõi tin qua màn hình TV truyền ra bên ngoài, và điều này đã khiến cộng đồng dùng Facebook tức giận. "Thật là lố bịch!" một người bình luận. Những người khác thì tỏ ra thông cảm hơn: "Thực tế là trên Trái Đất này ai cũng mệt mỏi cả."
"Công việc của chúng tôi là tiếp tục ghi hình - cho dù họ đang ngủ hay đang đấu nhau," Aung Thura từ Mạng lưới Phóng viên Myanmar nói.
Sau làn sóng giận dữ của công chúng, Quốc hội Myanmar tuyên bố rằng các phóng viên và các nhóm quay phim được phép trở lại phòng quan sát bắt đầu từ thứ Hai tới.
Đây chỉ là vụ việc mới nhất trong một loạt các hình chụp làm mất mặt các nhà lập pháp Miến Điện.
Hồi tháng trước, một dân biểu đã bị chụp hình khi đang nhấn nút của một máy biểu quyết bên cạnh khi đó đang bỏ trống bởi dân biểu ngồi cạnh vắng mặt, khiến các chính trị gia khác nổi giận.
Các hình chụp khác thì cho thấy các dân biểu bận rộn sung sướng dùng máy tính bảng mà phớt lờ đi các cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra xung quanh.
Lệnh cấm tạm thời đối với các phóng viên tại Quốc hội chỉ là điểm mới nhất trong cuộc bất hòa giữa báo giới và chính phủ Myanmar.
Người ta đã đặt câu hỏi về việc cải tổ truyền thông, vốn được tiến hành sau khi Miến Điện chuyển đổi từ chính quyền quân nhân sang chính quyền dân sự.
Hồi tháng Ba, một phóng viên đã bị bắt giữ rồi sau đó được thả mà không bị cáo buộc gì liên quan tới việc đăng một tin có tính mai mỉa trên Facebook.
Một cuộc điều tra hiện đang được tiến hành sau khi một phóng viên tự do bị giết chết khi đang bị lực lượng quân sự bắt giữ hồi năm ngoái.
Cũng trong năm ngoái, 10 người đã bị bỏ tù vì "đe dọa an ninh quốc gia" sau khi đăng một câu chuyện không chính xác.
Theo luật pháp Myanmar, truyền thông có thể bị phạt nếu tường thuật tin có thể "tạo sự hoảng sợ" và làm xói mòn luật pháp, trật tự xã hội.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Thein Sein nói: "Nếu có bất kỳ cơ quan báo chí nào lợi dụng tự do báo chí để gây tổn hại cho an ninh quốc gia thay vì tường thuật vì lợi ích của đất nước thì hành động pháp lý hữu hiệu sẽ được áp dụng đối với cơ quan báo chí đó."
Myanmar bị xếp hạng thứ 144 trên tổng số 180 nước trong danh sách xếp hạng tự do báo chí 2015 Press Freedom Index của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét