Pages

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Trung Quốc định kéo J-11 ra Chữ Thập, nếu động binh Mỹ sẽ lập tức nhảy vào

Trung Quốc nhận ra đối thủ quan trọng nhất là Mỹ chắc chắn sẽ nhảy vào ngay lập tức nếu quân đội nước này sử dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc vũ lực.

                                                  Hình minh họa. Ảnh: paralay.iboards.ru

South China Morning Post ngày 21/6 đưa tin, Trung Quốc có thể đặt chiến đấu cơ J-11 của họ trên một số đường băng vừa được xây dựng tại các đảo nhân tạo bồi lấp (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) một khi công việc này hoàn tất, giới phân tích cho biết. Việc triển khai (bất hợp pháp) J-11 ở Trường Sa sẽ mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến của quân đội nước này khỏi giới hạn từ các căn cứ ở Hải Nam.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng J-11 Trung Quốc sẽ chỉ giới hạn trong vai trò phòng thủ bởi nó là chiến đấu cơ thế hệ cũ, không thể sánh với các chiến đấu cơ tiên tiến của không quân Hoa Kỳ. J-11 đã bị mất nhiều lợi thế cạnh tranh kể từ khi Bắc Kinh chế tạo (nhái lại) dựa trên mô hình Su-27 của Liên Xô. Nhưng loại chiến đấu cơ này được xem là tài sản quan trọng của không quân Trung Quốc.

Hoàng Triệu, một cựu phi công Trung Quốc 80 tuổi nói với South China Morning Post, là máy bay tấn công tầm xa, J-11 sẽ được Bắc Kinh điều động ra Trường Sa (bất hợp pháp). Mỗi lần khi J-11 bay trên bầu trời, nó cũng nhắc nhở quyết định lịch sử cách đây 25 năm thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nhanh chóng của không quân Trung Quốc, Hoàng Triệu bình luận.

Quân ủy trung ương Trung Quốc đã thông qua phương án ngày 30/6/1990 để mua 24 chiếc Su-27, máy bay tiên tiến nhất của Liên Xô lúc đó. Thỏa thuận này hình thành sau 3 sự kiện khiến Bắc Kinh suy nghĩ lại về lực lượng không quân của mình, Antony Wong Dong từ Macau bình luận với South China Morning Post. Việc đầu tiên là Mỹ cấm vận bán vũ khí cho Trung Quốc sau sự kiện đàn áp người biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn.

Thứ hai là tại Trung Đông, Bắc Kinh cũng đã thấy Washington và đồng minh giành chiến thắng nhanh chóng như thế nào trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, còn gọi là Chiến dịch Bão táp sa mạc bằng lực lượng không quân. Thứ ba, Washington cũng đã đồng ý bán cho Đài Loan 150 máy bay chiến đấu thế hệ mới F-15, một bước nhảy vọt về số lượng cũng như công nghệ nếu so với chiến đấu cơ J-8 cũ kỹ của Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh tìm cách mua Su-27 là không bình thường. Liên Xô trải qua thời kỳ khó khăn, khan hiếm nên đã đồng ý bán cho Trung Quốc, trong đó 70% giá trị đơn hàng được Bắc Kinh thanh toán bằng hàng công nghiệp nhẹ và thực phẩm. Thỏa thuận này cũng bao gồm 2,5 tỉ USD cho phép chia sẻ công nghệ, dây chuyền chế tạo Su-27 để Trung Quốc có thể dập khuôn hàng loạt máy bay phản lực trong nước.

                                             Không quân Trung Quốc, ảnh: Jeffhead.com

Thỏa thuận tưởng chừng sụp đổ khi Liên Xô tan rã 18 tháng sau đó, nhưng Tổng thống mới của Nga Boris Yeltsin hứa tôn trọng các điều khoản đã ký với Bắc Kinh. Việc cung cấp và chuyển giao công nghệ Su-27 cho Trung Quốc bắt đầu từ tháng 2/1991 và kết thúc tháng 9/2009. Việc mua Su-27 đã giúp không quân Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với không quân Đài Loan và hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng gần như phá sản của Moscow, Antony Wong Dong bình luận.

Với lực lượng Su-27 và "anh em" của nó, J-11, J-11B do Tổng công ty Máy bay Thẩm Dương chế tạo, không quân Trung Quốc bắt đầu khoe sức mạnh cơ bắp, tỏ ra cứng rắn hơn. Vụ việc gần đây nhất được Bắc Kinh công khai xác nhận là vào tháng 8 năm ngoái, một chiếc J-11 đã tiếp cận máy bay P-8A Poseidon của Hoa Kỳ chỉ trong vòng 10 mét, cách đảo Hải Nam 220 km về phía Đông. J-11 Trung Quốc đã cắt mũi máy bay Mỹ và thực hiện cú nhào lộn đe dọa ở cự ly gần.

Tuần trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "sắp hoàn thành" hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa. Trong đó bao gồm hai đường băng và ít nhất là 1 trong số đó phù hợp cho mục đích quân sự. Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3 km, đủ dài cho J-11 hạ cánh. Bắc Kinh rêu rao xây đảo nhân tạo để phục vụ mục đích dân sự, nhưng họ đã thất bại trong việc dập tắt nghi ngờ rằng đây là một căn cứ quân sự mới (phi pháp, nguy hiểm) án ngữ một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới.

J-11 có bán kính tác chiến 1500 km, ó thể mở rộng thêm với các thùng nhiên liệu bổ sung. Nếu Bắc Kinh đặt J-11 trên các đảo nhân tạo này sẽ giúp tăng cường cự ly tác chiến của không quân Trung Quốc thêm khoảng 1000 km về phía Nam. Nếu kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh, Bắc Kinh có thể hoàn thành mục tiêu chuyển phòng ngự gần bờ sang tác chiến xa bờ.

David Tsui, chuyên gia quân sự từ đại học Tôn Dật Tiên nói với South China Morning Post, J-11 chỉ đủ hiệu quả để bảo vệ 7 đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp), nhưng không đủ tinh vi để sử dụng cho một cuộc tấn công. "Trung Quốc nhận ra đối thủ quan trọng nhất là Mỹ chắc chắn sẽ nhảy vào ngay lập tức nếu quân đội nước này sử dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc vũ lực để giải quyết vấn đề", David Tsui bình luận.

"Lần đầu tiên máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc, J-15 có thể được nâng cấp, đủ để thách thức F-18 của Hoa Kỳ, nhưng loại chiến đấu cơ chủ lực của Trung Quốc J-11 và các biến thể của nó không thể cạnh tranh với F-22 và F-35 của Mỹ", David Tsui khẳng định.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét