Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

8 tháng mất giá 5%: tiền đồng đi về đâu ?

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg5704500.jpg

Nhân viên ngân hàng đang đếm tiền đồng Việt Nam.
 AFP photo




Đúng như tiên đoán của các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 19/8 đã tiếp tục hạ giá tiền đồng 1% và nới biên độ tỷ giá từ 2% lên 3%. Trước đó vào ngày 12/8 Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 2%. Như vậy Việt Nam đã nhanh chóng giảm giá tiền đồng theo sau Trung Quốc. Mức độ hạ giá đồng tiền Việt Nam, theo ước tính của chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh  là 5,07% so với USD tính từ đầu năm tới nay.


Tiền đồng hạ giá...
Trả lời Nam Nguyên vào tối 20/8, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã đánh giá về hai lần điều chỉnh tỷ giá và biên độ của Ngân hàng Nhà nước mới đây. Ông nói:
“Lần thứ nhất để phản ứng với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, còn lần thứ hai họ tính Mỹ chuẩn bị điều chỉnh tăng lãi suất cho nên mình phải có biện pháp phòng vệ trước. Đồng thời lần điều chỉnh đầu nó cũng dẫn đến chuyện dân chúng và các ngân hàng thương mại mua ngooại tệ vào quá trời! Nó có sự chuyển dịch tài sản từ đồng Việt Nam sang đồng đô la, cho nên để ngăn ngừa chuyện đó ngân hàng trung ương điều chỉnh với cường độ tương đối mạnh và họ dự kiến duy trì tỷ giá này ổn định cho đến hết quý 1 năm sau, để tránh tình trạng dân chúng găm giữ ngoại tệ và các ngân hàng thương mại thì mua ngoại tệ vào.”
Báo chí Việt Nam trong đó có tờ Thời báo kinh tế Việt Nam cho rằng, sự điều chỉnh hạ giá tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là không còn đường nào khác. Lập luận này dựa vào sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc của Việt Nam với mức nhập siêu quá lớn. Mặc dù Tổng Cục Hải quan dự báo  năm 2015 nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc khoảng 35 tỷ USD. Thực tế trong 7 tháng vừa qua Việt Nam đã nhập siêu 19,3 tỷ USD từ Trung Quốc và diễn biến trên thị trường cho thấy, mức nhập siêu này có thể vượt xa các dự báo.
Lần thứ nhất để phản ứng với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, còn lần thứ hai họ tính Mỹ chuẩn bị điều chỉnh tăng lãi suất cho nên mình phải có biện pháp phòng vệ trước.
- TS Lê Xuân Nghĩa
Khi Ngân hàng Nhà nước tăng gấp đôi biên độ tỷ giá lên 2% vào ngày 12/8/2015 như một hình thức hạ giá tiền đồng, các chuyên gia kinh tế trong đó có bà Phạm Chi Lan đã khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn hạ giá đồng tiền Việt Nam. Thậm chí TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà nội còn khuyến nghị, là Việt nam nên chủ động phá giá tiền đồng, nếu Trung Quốc phá giá 5% thì Việt Nam nên phá giá cao hơn như 6%-7%.  Lúc đó Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội đã nói với chúng tôi:
Đây là một bài toán, nếu tư duy điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường mà không điều chỉnh cho nó tương xứng đến một mức độ nào đó, không phải nhất thiết họ 4,6% mình cũng phải 4,6%. Nhưng nếu với biên độ quá hẹp thì cũng không có tác dụng lớn lắm và cái đó sẽ gây hệ lụy đặc biệt cho khả năng cạnh tranh cũng như ảnh hưởng xuất khẩu và vấn đề nhập siêu của Việt Nam.”
Việt Nam không áp dụng chính sách thả nổi đồng tiền, như nhiều quốc gia khác theo nền kinh tế thị trường. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quyết định tỷ giá ngoại hối và trong nhiều năm qua, nhà điều hành đã chỉ điều chỉnh cầm chừng, mức độ hạ giá tiền đồng trong khoảng 1%-2% một năm. Năm 2015 này, Ngân hàng Nhà nước đã tỏ ra đáp ứng nhiều hơn đối với tín hiệu thị trường trong điều hành chính sách tiền tệ.
... Lợi hay hại?
Liên quan tới các tác động tích cực của việc phá giá đồng tiền Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa nói với Ban Việt ngữ RFA:
000_Hkg2687325-400.jpg
Nhân viên ngân hàng Việt Nam đang đếm đô la Mỹ. AFP photo
“Trước hết các nhà xuất khẩu người ta cảm thấy có lợi, bởi vì lâu nay đồng đô la tăng giá và đồng Việt Nam vẫn giữ nguyên. Cho nên đồng Việt Nam trên thực tế tăng giá đối với các đồng tiền khác như đồng Yên, đồng Euro và đồng đô la.
Để hỗ trợ cho xuất khẩu mình phá giá thêm vài ba phần trăm thì các hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài được cạnh tranh tốt hơn. Với lại Trung Quốc phá giá như vậy mà hàng hóa Việt Nam xuất ra nước ngoài phần lớn giống như của Trung Quốc. Nếu như mình không phá giá tương ứng thì hàng hóa cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở nước ngoài cũng yếu đi.
Điểm thứ ba hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam rất là mạnh nếu mình không phá giá đồng tiền một chút thì sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc trên thị trường nội địa cũng mạnh và cũng cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.”
Ngày 12/8 trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi TS lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội tuy đồng thuận về chủ trương hạ giá tiền Việt để khuyến khích xuất khẩu và giảm bớt làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã và đang tràn ngập thị trường nội địa. Tuy vậy ông đã lên tiếng cảnh báo về tác dụng không mong muốn đó là gánh nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên. TS Lê Đăng Doanh nhận định:
Biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho tăng thêm chi phí để trả nợ công vì nợ công của Việt Nam được trả bằng đồng Đô La và nếu như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ như thế này thì nợ công sẽ tăng thêm nữa.
- TS Lê Đăng Doanh
“Tôi cũng xin lưu ý rằng biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho tăng thêm chi phí để trả nợ công vì nợ công của Việt Nam được trả bằng đồng Đô La và nếu như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ như thế này thì nợ công sẽ tăng thêm nữa.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi là không những nợ công sẽ tăng lên mà doanh nghiệp cũng phải tăng chi phí trả nợ vay ngân hàng bằng ngoại tệ. TS Lê Xuân Nghĩa phát biểu:
“Nợ công, rồi doanh nghiệp phải trả nợ bằng đô la sẽ tốn nhiều tiền Việt Nam hơn thì đúng là như vậy. Nhưng dù sao tổng số tiền đi vào Việt Nam mà trừ đi tổng số tiền đi ra Việt Nam thì nó vẫn dương khoảng 5 tỉ đô la, cái dương đấy là có lợi.”
Tuy TS Lê Xuân Nghĩa không đi vào chi tiết, nhưng nhiều chuyên gia khác đã phát biểu trên báo chí là lượng kiều hối hàng năm mười mấy tỷ USD là một nguồn ngoại tệ quan trọng, một thứ viện trợ không hoàn lại.
VnExpress bản tin trên mạng ngày 19/8/2015 cho biết Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Trước đó trên hệ thống truyền thông nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dự trữ ngoại hối quốc gia tính đến cuối tháng 7/2015 là 37 tỷ USD  và 10 tấn vàng. Ông Bình từng nhấn mạnh đây là số ngoại tệ tiền tươi thóc thật, sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Tuy vậy Ngân hàng đa quốc gia HSBC nhận xét rằng, mức dự trữ ngoại tệ 37 tỷ USD của Việt Nam chẳng nhiều nhặn gì và Bộ Tài chính còn đề nghị cho ngân sách vay từ quỹ dự trữ này. Điều này khiến Ngân hàng Nhà nước thiếu cơ sở để thực hiện cam kết của mình.
Thực tế giá trị tiền Việt Nam hiện nay ra sao. Sau quyết định mới nhất ngày 19/8, phá giá tiền đồng 1% và nới biên độ tỷ giá lên 3%, về nguyên tắc các ngân hàng được phép giao dịch tiền Việt và đô la Mỹ không thấp hơn 21.233 đồng và không cao hơn 22.547 đồng ăn 1 đô la Mỹ.
Ngân hàng ANZ là tổ chức quốc tế sớm tiên đoán, nếu Việt Nam không hạ giá tiền đồng thêm nữa thì từ nay đến cuối năm, tiền đồng Việt Nam vẫn có thể mất giá tối đa 5,1%. ANZ tức Ngân hàng Australia-New Zealand đánh giá dè đặt hơn các chuyên gia Việt Nam, tổ chức này cho rằng sau ba lần điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ, đến nay trên thực tế tiền đồng Việt Nam hạ giá 4,5%, ít hơn mức 5,07% mà TS Vũ Đình Ánh phát biểu trên báo mạng VnEconomy hôm 19/8/2015.
Ngân hàng đa quốc gia HSBC dự báo tỷ giá cuối năm 2015 sẽ lên mức 22.800 đồng/USD. Nhìn lại tỷ giá cách đây 5 năm, tháng 1/2010 một đô la Mỹ đổi được khoảng 18.479 đồng mà nay đã lên tới 22.547 đồng. Đồng tiền Việt Nam sẽ đi về đâu trong tương lai là điều mà những người làm công ăn lương phải âu lo
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét