Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Cạn tàu ráo máng

Trần Mộng Tú
Tuy vườn sau nhà tôi ở hướng tây, mùa hè nóng thế mà góc vườn vẫn không đến nỗi nào, nhờ có vách tường đá dựng cao và cây mộc lan cổ thụ với những tán lá rộng che kín hai phần ba khu vườn. Chim, thỏ, sóc và nai vẫn tìm đến mỗi ngày. Nhất là nai, sáng sớm chim chưa kịp hót, người chưa ai dậy đã nghe tiếng chân nai bước lạo xạo trên đá sỏi. Chúng vào tìm ăn những nụ hồng.
Hè năm nay tự nhiên xuất hiện một vị khách không mời, lạ hoắc.Vị khách này làm chim, sóc và thỏ phải chạy xa, trừ nai. Đó là một con chuột núi.

Gọi nó là chuột núi vì một buổi sáng từ trong bếp ngó ra vườn sau, giữa khe của những phiến đá tôi thấy nó chui ra. Nó không lớn lắm, chỉ bằng một quả dưa chuột, (hóa ra dưa chuột bằng nó chứ không phải nó bằng dưa.) Khi nó xuất hiện mấy con thỏ, con sóc tự nhiên không thấy nữa. Cái máng thức ăn treo trên cành mộc lan cho chim, đôi khi gió đung đưa hoặc chim ăn làm vung vãi xuống gốc, thỏ hay sóc thường tới ăn. Khi nó chạy ra chạy vào thì sóc và thỏ không còn dám bén mảng, cái màu lông đen nhánh của nó đã làm mấy chú này phát sợ. Nó đặc quyền ăn hết những hạt ngũ cốc rơi xuống.
Nó chạy rất nhanh, chỉ nghe tiếng tôi kéo cánh cửa ra vườn là nó phóng ngay vào một cái khe giữa hai vách đá gần nhất.
A, hôm nay thật lạ, ở trong phòng ăn nhìn qua khung cửa kính, tôi thấy nó đang chễm chệ ngồi trên cái máng ăn của chim, chúi cái mỏ vào, hì hục ăn, trông thật là xấu. Nó làm tôi liên tưởng ngay đến sự so sánh với cách ăn rất thong thả của chim, những con chim cúi xuống, mổ đôi ba hạt, lại ngửng lên, nghiêng nghiêng cái đầu chíp chíp gọi bạn tới chia xẻ. Mới nên thơ làm sao!
Con chuột hôm nay, không thèm đợi thức ăn rơi xuống gốc cây nữa. Thấy mà hoảng! Tôi gọi chồng ơi ới, ra mà xem con chuột tinh khôn này. Làm sao mà nó lên đây được. Nó làm tôi liên tưởng đến những ông Làng, ông Xã ở thôn quê ngày trước. Bắt đầu còn lấn loanh quanh vòng ngoài thửa ruộng, rìa đất của dân nghèo, dần dần chiếm luôn cánh đồng, chiếm luôn cả vườn đất hương hỏa mấy đời của cha ông người ta để lại. Cái cách nó hì hục ăn ngũ cốc của chim chẳng khác chi các ông to bà lớn ngày nay ở quê nhà, khi đã ăn được của dân, là ăn cho cạn tàu, ráo máng.

Chúng tôi đập tay vào khung kính cửa sổ gây tiếng động, nó chạy thoắt ngược lên sợi giây thép treo cái máng, chuyền sang cành, chạy ra thân cây, tuột xuống thật nhanh, phóng ngay vào một cái khe đá.
Tôi nói:
-     Anh đặt cho em cái bẫy, em không muốn nó ăn thức ăn của chim và em muốn mấy con sóc, con thỏ hiền lành của em trở lại vườn.
Chồng tôi đi tìm cái bẫy, anh đặt một miếng pho-mai vào trong bẫy, đặt ngay dưới chân vách đá. Tôi hỏi thật kỹ liệu nhỡ thỏ và sóc chui vào có chết không? Anh nói chỉ bắt thôi, nghĩa là chui vào không chui ra được. Như thế mình có thể thả ra hoặc mang đi nơi khác. Tôi yên tâm. Chờ mãi không thấy con chuột núi chui vào bẫy, thỏ sóc vẫn chưa dám tìm đường về. Điều giận là con chuột không coi tôi ra gì cả, vẫn thỉnh thoảng nó chễm chệ ngồi trên cái máng thức ăn của chim. Chim không dám về nữa. Bây giờ một mình nó làm chủ khu vườn.
Cả khu vườn vắng bặt tiếng chim ca.
Tôi bàn với chồng nên dùng mồi khác. Anh không những dùng mồi khác, anh còn dùng bẫy khác. Cái bẫy này nhỏ hơn, nhưng không phải cái lồng như bẫy cũ mà là cái bẫy mở, đặt miếng mồi có ngũ cốc trộn với bơ đậu phộng (peanut butter) vào giữa bẫy. Con vật nào mà bước vào, chạm tới miếng mồi, thì cái bẫy sẽ xập xuống, hai cái chân hoặc cái đầu sẽ bị giữ lại. Cái bẫy này bằng gỗ mỏng, cái lò so để xập xuống cũng rất đơn sơ. Nó sẽ không chết, nhưng không ra được nếu không có ai gỡ nó ra. Cái bẫy này cốt không tổn thương đến con vật.
Tôi hạ cái máng thức ăn của chim xuống, chỉ còn một chút hạt ngũ cốc vương lại. Tôi vứt cái máng vào thùng rác. Sẽ thay cái máng mới cho chim vì đoán là mùi chuột không thôi, cũng đủ làm chim sợ, không dám trở về vườn cũ.
Chúng tôi chờ hai,ba, ngày chưa thấy con chuột sập bẫy, cứ hồi hộp chỉ sợ sóc hay thỏ bị nạn.
Đến ngày thứ năm, cái bẫy mất tích. Chúng tôi đi tìm chung quanh vườn, không thấy đâu cả. Leo lên đồi, ra sau bức tường, nhìn vào những bụi lau, bụi hoa dại, bụi dâu đen (black berry), đi suốt dọc con đường mòn trên đỉnh đồi không hề tìm ra cái bẫy.
Cả tuần kế tiếp không thấy cái quả dưa chuột đen thui xuất hiện. Thỏ, sóc vẫn chưa thấy trở lại. Tôi với chồng tôi cứ đặt ra bao nhiêu giả thuyết: con nào sập bẫy rồi lôi cả cái bẫy đi? Tôi chắc chỉ là con chuột, vì chỉ có con chuột tinh quái mới biết lôi cái bẫy, sóc hay thỏ hiền lắm, chúng sẽ mắc kẹt luôn ở đó cho tới khi được giải cứu.Vậy con chuột lôi cái bẫy đi tới đâu, xa tới thế nào mà chúng tôi tìm không ra?
Sáng sáng, trưa trưa, lại chiều. Khi rảnh rỗi, tôi nhìn ra vách đá, nhìn suốt chiều dài bức tường, nhìn ở gốc cây mộc lan, nhìn dưới chân chậu cúc trắng. Mong như mong một người đi xa về.Tuyệt nhiên, không thấy cái màu lông đen bóng trên thân hình như quả dưa chuột xuất hiện nữa. Nó đi đâu?
Những con thỏ, con sóc đã mon men tìm về vườn, chim đã bắt đầu đập cánh, ríu rít gọi nhau trên cành. Đó là dấu hiệu con chuột đã bỏ đi thật xa. Nó đi xa với cái bẫy trên người?
Nó đi đâu? Chắc chắn nó phải mang theo cái bẫy. Hai chân trước hay cái đầu vướng trong bẫy mà nó vẫn lôi đi đến một nơi nào xa tới nỗi chúng tôi không tìm được thì nó giỏi lắm.
Tôi hình dung ra nó mang theo cái bẫy đi giật lùi, vì đầu và hai chân trước bị kẹt trong bẫy, đi tìm đồng loại ở một nơi nào đó. Chuột là loài gậm nhấm hay lắm, nếu chúng thông minh, xúm vào gậm rách miếng gỗ mỏng, có thể cái bẫy sẽ bung ra, bạn chuột sẽ cứu được nửa thân mình nó ra khỏi bẫy.
Hay nó là một con chuột ở trong một nhóm chuyên phản bội nhau, nên không cứu nó, nó phải đi tìm một cái hốc nào trong bụi rậm, chui vào đó, rồi chết mỏi mòn vì đói.
Tôi thật sự không muốn nó chết, chỉ không muốn nó xuất hiện ở nơi không thuộc về nó, làm những con thú hiền lành như chim, thỏ, sóc sợ hãi phải bỏ khu vườn mà đi.
Bây giờ tôi chỉ muốn nghĩ một đoạn kết tốt đẹp về con chuột núi này, như nó là một con chuột khôn ngoan, đã tìm được cách thoát khỏi cái bẫy, biết hối hận và bỏ đi thật xa.
Nó đủ thông minh để hiểu rằng khu vườn này là của muông chim, của thỏ hoang và sóc, nó không nên quay trở lại.
Đất đai này, cây cỏ này, thực phẩm này, chưa hề là của chuột bao giờ. Nó không nên bắt chước loài người, kẻo phải trả cái giá cho sự chiếm đoạt những cái gì không thuộc về mình.
tmt
Tháng 8/12/15
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Blog Phùng Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét