Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Lầu Năm Góc tố cáo Trung Quốc tăng tốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông


Hoạt động bồi đắp để xây các đảo nhân tạo tại Biển Đông đã tăng lên rất cao trong những tháng gần đây, và Bắc Kinh tăng cường tuần tra vùng biển này để xác quyết chủ quyền bằng vũ lực. Báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hôm qua 20/08/2015 đã nhấn mạnh như trên.

 Tờ Wall Street Journal số ra ngày hôm nay trích báo cáo mới nhất này cho biết, Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 1.200 hecta tại quần đảo Trường Sa trong tháng Sáu. Như vậy, diện tích đã được mở rộng đến 50% so với tháng Năm.


 Hoa Kỳ lo ngại các đảo này sẽ bị sử dụng cho mục đích quân sự, trở thành mối đe dọa cho tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, và các viên chức quốc phòng Mỹ cho rằng sự quyết đoán của Trung Quốc có nguy cơ gây đối đầu với Hoa Kỳ.

 Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Washington, và hồ sơ Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề được bàn đến. Trong khi đó các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc trong khu vực lại được đẩy nhanh tiến độ một cách đáng ngại. 

Hoa Kỳ đã nhiều lần đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh có thực sự chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo như đã khẳng định trong tháng Tám hay không. Hôm qua phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc Chu Hải Quyền (Zhu Haiquan) nói với Wall Street Journal rằng các dự án này đã ngưng trong tháng Sáu, và các công trình xây dựng trên các đảo có cả mục đích phục vụ công ích. 

Ông Chu Hải Quyền cho biết: « Trung Quốc sẵn sàng mở cửa các công trình này cho các nước khác cho đến khi hoàn tất. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ nhìn vấn đề này một cách khách quan, cân bằng, và tôn trọng các nỗ lực của các quốc gia trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông ». 

Tuy không chỉ trích thẳng tham vọng của Trung Quốc, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc chiều qua đòi hỏi làm sáng tỏ vấn đề này. Ông nói : « Chúng tôi khuyến khích Bắc Kinh nói rõ ra tuyên bố trên đây có được áp dụng cho tất cả các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa hay không, và liệu Trung Quốc có cam kết sẽ vĩnh viễn kết thúc các hoạt động bồi đắp không ». 

Trước đây, các viên chức quốc phòng Mỹ nghĩ rằng Bắc Kinh chỉ đào đắp khoảng 200 hecta đất để xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa, hầu hết là xây dựng trên các đảo đá ngầm nửa nổi nửa chìm bằng cách nạo vét từ đáy biển. Tuy nhiên số diện tích đất lấn ra này đủ lớn để xây lên các tòa nhà và thiết bị, trong đó có một địa điểm có thể xây được phi đạo dài 3.000 mét. 

Các nước châu Á khác như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam cũng đòi hỏi chủ quyền. Nhưng các công trình bồi đắp ồ ạt của Trung Quốc rõ ràng đại quy mô, hơn hẳn các nước láng giềng. 

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, trong không đầy hai năm, Trung Quốc đã bồi đắp một diện tích đất gấp 17 lần so với bất kỳ nước nào khác trong suốt 40 năm qua, chiếm đến 95% lượng đất bồi thêm. Trong khi đó Việt Nam chỉ bồi đắp 32 hecta, Malaysia 28 hecta, Philippines 5,6 hecta, Đài Loan 3,2 hecta. 

Hồi tháng Năm, Wall Street Journal đã dẫn nguồn tin từ các cơ quan giám sát của Mỹ khẳng định Trung Quốc đã đặt hai đơn vị pháo cơ động trên Đá Gạc Ma - hòn đảo mà quân Trung Quốc đã chiếm được sau trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, sát hại 64 lính hải quân Việt Nam. 

Bắc Kinh nói rằng có quyền xây dựng trên các đảo cách xa đất liền Trung Quốc đến 700 hải lý vì thuộc chủ quyền của mình. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết tại một số địa điểm, Bắc Kinh cho đào những kênh rất sâu và xây dựng các bến bãi mới giúp tàu lớn có thể vào được, có thể được sử dụng để áp đặt chủ quyền. Việc xây dựng của Trung Quốc hoàn toàn khác với các nước khác cả về tầm cỡ lẫn tác động. Các cơ sở hạ tầng đang xây giúp nâng tầm hoạt động lên rất mạnh, có thể can thiệp trên khắp Biển Đông. 

Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc còn tăng cường tuần tra « nhẹ nhàng, từng bước một » để tránh xung đột quân sự trên vùng biển tranh chấp, nhưng « tăng cường việc kiểm soát thực thụ » xung quanh các đảo. Đồng thời gia tăng huy động lực lượng tuần duyên để xác quyết chủ quyền trên cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Báo cáo viết : « Trung Quốc thích sử dụng các tàu hải giám (nay gọi là tuần duyên) ở các khu vực tranh chấp và cho các chiến hạm lảng vảng ngoài khơi để sẵn sàng can thiệp khi có xung đột ». 

Thái độ hung hăng của Trung Quốc gần đây khiến nhiều chỉ huy quân sự thúc đẩy Lầu Năm Góc phải tích cực hơn trong việc ngăn chận những hành vi của Bắc Kinh trong khu vực. Wall Street Journal cho biết, Hoa Kỳ muốn tuần tra thường xuyên hơn trên biển, tiến hành các chuyến bay thám sát trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý xung quanh một số đảo mà Trung Quốc tự cho là sở hữu chủ. 

Một số viên chức Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng phản đối vì không muốn khiêu khích Bắc Kinh. Tuy nhiên nếu không kiểm tra, việc Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo có thể gây bất ổn cho một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. 

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã nhắc lại trước báo chí là quân đội Mỹ có thể tuần thám trên không và trên biển ở nơi nào, vào lúc nào tùy ý. Nhưng vẫn chưa rõ là Hoa Kỳ có cho phi cơ và chiến hạm tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo, như một lời đáp trả các hành vi của Bắc Kinh hay không. 

Ông Carter tuyên bố : « Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chuyến bay, chuyến hải hành ở bất kỳ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép. Do chúng tôi luôn có quyền làm như thế, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành, và không gì có thể thay đổi được cách ứng xử của chúng tôi »./Thụy My (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét