Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Giải pháp di dân từ chuyện người tỵ nạn VN

Image copyrightColin Davey Evening Standard Getty Images
Image captionẢnh chụp tại Anh năm 1978. Biểu ngữ viết: Lòng biết ơn của chúng tôi với Nữ hoàng Elizabeth II và người dân Anh trước lòng hiếu khách dành cho người tỵ nạn Việt Nam
Ông Vũ Khánh Thành, một thuyền nhân rời Việt Nam năm 1979, nói ông không thể quên lúc chiếc ghe nhỏ của ông được tàu Anh Quốc cứu khi đang lênh đênh trên biển.
Khách mời của Bàn tròn thứ Năm 24/09 về chủ đề khủng hoảng di dân ở châu Âu và người tỵ nạn Việt Nam rưng rưng khi nhớ lại:
"Lúc đó thì kể như mình chết và mình sống lại thôi. Không nói được gì khác nữa bởi mình may mắn quá, mình xúc động," ông Thành nói. (Xem phần nhân chứng tỵ nạn: http://bit.ly/1izXIVw).

Ông Thành tới Anh Quốc sau ba tháng tạm dung ở Singapore, và là người được Nữ hoàng Elizabeth II trao Huân chương Bảo quốc cho những hoạt động thiện nguyện tại Anh.
Image captionÔng Vũ Khánh Thành và người dẫn chương trình Hạnh Ly trong phòng thu của BBC tại London hôm 24/09/2015
"Đền đáp là điều chắc chắn đối với tôi. Điều đầu tiên tôi làm với chính tôi là không nhận trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ Anh.
"Những năm đầu tôi làm vệ sinh ban đêm để tôi tự sống và đến bây giờ vẫn không nhận một đồng trợ cấp từ chính phủ Anh vì tôi rất xúc động khi được vớt trên biển và được sống ở nước này."
Ông Nguyễn Đình Thắng, hiện sống ở Virginia, Hoa Kỳ, cũng vượt biển năm 1978 bằng ghe từ Sóc Trăng, đi vòng qua vinh Thái Lan nhằm tránh hải tặc để tới Malaysia.
"May mắn là trời yên bể lặng và trong vòng 3 ngày 3 đêm chúng tôi đến được Malaysia vào ban đêm. Mọi người nhảy xuống biển lội vào bờ thì cảnh sát Malaysia cầm súng ra bắn những người đầu tiên.
Ông Thắng từ Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) kể: "Những người đầu tiên là thanh niên, họ đưa lưng ra đỡ. Nhưng cảnh sát Malaysia quá ít.
"Họ không ngờ là trong con tàu nhỏ - thực sự nó cũng là ghe đi sông thôi mà chủ tàu biến chế nó thành con tàu lớn hơn - có 495 người đổ bộ xuống, nên cảnh sát Malaysia không làm gì được hết, không đánh đập được nữa bởi quá đông.
"Thành ra chúng tôi được vào trong bờ biển và chờ có xe chở vào một khu nhà kho dơ dáy bẩn thỉu vì mỗi đợt thuyền nhân đến đều giam tạm ở đó trước khi chuyển ra các đảo khác nhau."
Image captionÔng Nguyễn Đình Thắng, Ủy ban Cứu người vượt biển, Hoa Kỳ, trong chương trình với BBC
Sau đó ông được chở tới đảo Pulau Bidong, cùng 40.000 người tỵ nạn Việt Nam khác trên hòn đảo bé nhỏ của Malaysia.
"Chúng tôi ra đường không cần phải đi nữa, dòng người cứ đẩy mình đi, quay lại không được, muốn rẽ trái rẽ phải cũng không được bởi vì dòng người dồn vào, đặc nghẹt."
Ông cũng chứng kiến nhiều thảm cảnh gây khủng hoảng tinh thần nặng nề.
"Chúng tôi gặp rất nhiều người đến trước hoặc đến sau là nạn nhân của hải tặc. Nhiều người ban đêm đi lang thang ngoài bãi biển họ khóc, họ tru lên vì vợ con mất hết hoặc chồng chết hết."

'Quyền cơ bản'

Image copyrightAFP
Image captionTrại tỵ nạn cho người Syria ở Lebanon
Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, nhà quan sát Trung Đông kể lại cảnh tượng ở trại tỵ nạn Lebanon, cũng không khác biệt quá nhiều so với những gì người tỵ nạn Việt Nam trải qua gần 40 năm trước. (Xem thảo luận tại: http://bit.ly/1ORJPik)
"Trại tỵ nạn ở Lebanon mà tôi từng đến rất khủng khiếp. Lán trại làm rất sơ sài, làm bằng tay, không có đồ sưởi ấm, 25% lán trại không có nhà vệ sinh, và đa số trẻ em không được đến trường, không chỉ vài tháng mà thậm chí đã vài năm.
"Phụ nữ bị cưỡng hiếp, hành hạ, một số gia đình thấy không còn con đường nào khác mà trở thành lao động tình dục, hoặc gả con sớm để có được tiền hồi môn."
Một số người di cư trả lời truyền thông phương Tây rằng họ rời quê hương tới châu Âu không phải vì tiền mà chỉ mong sống trong hòa bình. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ trích về sự lựa chọn điểm đến của những người di cư muốn tới Đức hay Thụy Điển thay vì ở lại những quốc gia điểm dừng như Áo, Hungary.
Trả lời câu hỏi của BBC về sự lựa chọn này của người di dân, tiến sỹ Phương Mai cho rằng việc tìm kiếm cuộc sống đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn và "không bị tàn phá bởi chiến tranh là quyền cơ bản nhất của một con người".
"Nếu chúng ta ở trong tình trạng như vậy, liệu chúng ta có muốn ở trong cái trại tỵ nạn đó hay không, và nếu không nhìn thấy tương lai thì bước tiếp theo là gì."
Image copyrightNguyen Hoang Linh
Image captionNhà báo Nguyễn Hoàng Linh, chủ biên trang Nhịp Cầu Thế giới
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh từ Budapest cho rằng bên cạnh lý do người di cư muốn tới nơi họ không bị kỳ thị, được chấp nhận hơn, những người này cũng "không có nhiều thông tin", mà nhiều khi chỉ đi theo lời mách nước.
Chủ biên trang Nhịp cầu Thế giới nhận định, Hungary là một trong những nước Đông Âu tỏ ra cứng rắn trước người di cư ngay từ những ngày đầu.
"Họ [chính giới Hungary] đã luôn lên tiếng là không chấp nhận người di cư, hay nói đúng hơn là những người tỵ nạn bị họ dùng với nghĩa là người di dân hay người nhập cư bất hợp pháp, người nhập cư vì lý do kinh tế.
"Trong những phát ngôn chính thức của họ thì họ đều dùng như vậy để đánh động vào người dân.
"Họ chăng biển hiệu, poster rất lớn ở ngoài đường như thể người tỵ nạn đến Hungary là cướp công ăn việc làm của người Hungagry hoặc là làm tổn hại, hư hại đến nền văn hóa."
Nhưng ở Áo, một cửa ngõ điểm nóng của làn sóng di cư ở châu Âu thì ngược lại, Hoa Vũ, hiện làm quay và dựng phim cho đài truyền hình Vienna nhận xét.
"Chính quyền không đưa thông tin và người dân tiếp nhận điều đó mà ngược lại, người dân đặt áp lực lên chính quyền."
Hoa Vũ kể không chỉ ở các thành phố lớn mà ở những thành phố nhỏ hơn thường có cá nhân và tổ chức tự nguyện đứng ra giúp đỡ, dạy tiếng Đức, cho di dân ở nhờ, thậm chí còn dùng nhà riêng thành nơi điều phối và cho người tỵ nạn đến sinh hoạt.
Nhà báo Hoàng Linh giải thích thêm, những quốc gia phản đối nhận chỉ tiêu người di dân thường là các nước Đông Âu và "với các quốc gia cộng sản ngày xưa, khái niệm tỵ nạn, khái niệm di dân là rất mới. Họ không phải là những quốc gia đa dân tộc hay đa văn hóa".
"Hungary cũng đã trải qua hai làn sóng di dân là thời Thế chiến và năm 1956, hơn 200.000 người đã di tản qua ngả Áo. Những người Hung lớn tuổi hơn còn nhớ lịch sử thì vẫn đối xử tốt với người di cư."

Châu Âu 'không có khủng hoảng'

Image captionTiến sỹ Nguyễn Phương Mai trong Bàn tròn thứ Năm với BBC hôm 24/09
Tiến sỹ từ đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam cho rằng Châu Âu "hoàn toàn không có khủng hoảng tỵ nạn" mà cuộc khủng hoảng "đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Jordan, ở Lebanon, ở Iraq và truyền thông có thể đang làm vấn đề mất đi tính cân bằng của nó".
"Cứ bốn người Lebanon thì có một người tỵ nạn, hay ở Jordan, cứ ba người Jordan thì có một người tỵ nạn.
"Ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, hiện nay có 2 triệu người thì rất khó để tìm việc, hai triệu người đó cũng tìm cách sinh nhai. Chính vì thế mà sự hằn học giữa người bản xứ và người tỵ nạn càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn,"tiến sỹ Phương Mai nói.
Các vị khách mời trong Bàn tròn của BBC cùng nhận định, khủng hoảng di dân là vấn đề lâu dài và rất khó giải quyết tới gốc rễ.
Từ bài học lịch sử trong chính sách đối với làn sóng tỵ nạn từ Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng giải pháp chỉ có thể là giải quyết tận gốc tình trạng ở Syria.
Một vài giải pháp tạm thời từng được áp dụng với thuyền nhân Việt Nam, theo ông Thắng, là đề nghị các quốc gia trong vùng lập ra những trại tỵ nạn để có chỗ an toàn tạm dung cho di dân.
"Và quốc tế đổ ngân sách và nguồn lực vào đó để giúp điều hành những trại tỵ nạn ấy dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của Cao Ủy người tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để câu giờ trong lúc họ sàng lọc để đón nhận thuyền nhân vào quốc gia của họ mà không xảy ra sự xáo trộn trong xã hội và kinh tế."
Theo tiến sỹ Phương Mai, tuy cội rễ của vấn đề là giải quyết cuộc chiến ở Syria, nhưng để chấm dứt cuộc chiến lại là bài toán đau đầu hơn nữa.
Bên cạnh đó, câu hỏi chính là các quốc gia có thực sự muốn giải quyết vấn đề Syria hay không, "vì ai cũng thấy là trong ván bài này, trong trò chơi này, mình có thể bị mất nhiều hơn được".
Theo thống kê của trang mạng chuyên đưa tin về người di cư, Migrations News, có tới hơn một triệu người Việt Nam tỵ nạn tính từ năm 1975, trong đó lớn nhất ở Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, Đức và Anh Quốc.
Xem lại toàn bộ thảo luận tại: http://bit.ly/1ORJPik

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét