Pages

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Luôn sẵn sàng chà đạp người khác

Theo dự kiến, ngày 17/9, Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần về việc Trung Quốc (TQ) tiếp tục cải tạo đất trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, cũng như tình hình an ninh mới ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về an ninh Châu Á - Thái Bình Dương và Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, là 2 diễn giả của phiên điều trần kể trên. Hồi tháng 7, Đô đốc Harry Harris từng phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen rằng, TQ đang thay đổi nguyên trạng, chủ yếu là xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên các rạn san hô, bãi đá và mỏm ngầm; và hành động này của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách chủ quyền có thể gây hậu quả nặng nề đối với an ninh và kinh tế của Mỹ. Và những động thái kể trên diễn ra trước thềm chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình, nên càng khiến dư luận quan tâm.

Giương đông, kích tây
Khi bình luận trên tờ The Natinonal Interest hôm 11/9, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Schulze toàn cầu Alexander Benard và Paul J. Leaf, luật sư đến từ một công ty luật quốc tế cho rằng, hành động của TQ ở Biển Đông rất đáng báo động. Cả 2 học giả kể trên cũng nhấn mạnh, Tổng thống Barack Obama nên đưa vấn đề Biển Đông ra đàm phán với Tổng bí thư, Chủ tịch nước TQ, khi ông Tập Cận Bình có chuyến thăm Mỹ trong tháng 9.
Nhiều người khuyến cáo, vì muốn giành quyền bá chủ Biển Đông, Bắc Kinh sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của các nước hữu quan. Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cũng vừa cảnh báo, nếu TQ lại xây các đường băng mới ở bãi đá Subi và Mischief (bãi đá Vành Khăn) sẽ chứng tỏ, việc bồi đắp vẫn tiếp tục dù Bắc Kinh từng tuyên bố đã “ngừng xây đảo”, và thể hiện ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng sức mạnh không quân thông qua 3 cứ điểm nhân tạo. Và việc này sẽ giúp TQ áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nếu muốn.
Ngày 9/9, khi phát biểu tại Washington, Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã lên án TQ dùng vũ lực làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông; đồng thời cho rằng, cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại đối với hành vi của TQ, đặc biệt là những việc xảy ra ở Biển Đông. Ông Itsunori Onodera còn khuyến cáo, TQ không nên giẫm lên vết xe đổ của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Tờ The Diplomat và tờ The New York Times cho rằng, nguyên do thật sự trong quyết định cắt giảm 300.000 quân của TQ xuất phát từ toan tính trái ngược với lý giải “chung tay cùng thế giới duy trì hòa bình” mà Bắc Kinh đưa ra hôm 3/9. Theo tờ The Diplomat, sau khi việc cắt giảm hoàn tất vào năm 2017, quân đội TQ (khi đó còn khoảng 2 triệu lính) vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới. Còn theo nhận định của ông Rory Medcalf, chuyên gia thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, quyết định cắt giảm quân của TQ chỉ liên quan đến vấn đề ngân sách, không hề vì nguyên nhân nào khác, và việc này còn giúp Bắc Kinh có thêm kinh phí để hiện đại hóa quân đội. Theo tờ Asahi Shinbum, quân đội TQ có thể thành lập lực lượng không gian vũ trụ mới sau khi cắt giảm được 300.000 binh sĩ.
Lại bắn đạn thật
Ngày 10/9, người phát ngôn Văn phòng Công việc Đài Loan Quốc vụ viện TQ Mã Hiểu Quang cho biết, quân đội TQ bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan (từ 11 đến 13/9) là chương trình hằng năm. Trong một thông báo ngắn, Cục An toàn hàng hải TQ công bố các tọa độ diễn tập ở khu vực ngoài khơi bờ biển thành phố cảng Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Tuyền Châu nằm giữa 2 nhóm đảo Kim Môn và Ô Khâu do Đài Bắc kiểm soát kể từ năm 1949.
Trước đó (9/9), tờ Want China Times cho biết, ngày 8/9, Đài Loan đã tập trận bắn đạn thật sát tỉnh Phúc Kiến của TQ - bắn đạn thật tại một hòn đảo nằm cách bờ biển TQ chỉ vài km. Đây là một phần trong cuộc tập trận thường niên Hán Quang của Đài Loan (từ 7 đến 11/9) nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc tập trận này, các đơn vị pháo binh Đài Loan được triển khai trên đảo để ngăn cản “lực lượng địch” và cố bảo vệ đội tàu của vùng lãnh thổ này.
luon san sang cha dap nguoi khac
Đô đốc Harry Harris
Ngày 11/9, những hình ảnh trên trang web The Diplomat (được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế công bố ngày 8/9) cho thấy, Bắc Kinh vẫn đang đẩy nhanh việc hoàn tất một đường băng (rộng 60m, dài 2.200m, và có thể được mở rộng lên 3.300m) trên bãi đá Subi ở Biển Đông, bất chấp cam kết của Ngoại trưởng TQ Vương Nghị từng đưa ra tại một hội nghị mới đây. Trong tháng 8, TQ từng tuyên bố, đã dừng cải tạo và xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, nhưng những hình ảnh vệ tinh mới được công bố đang chứng minh, Bắc Kinh tiếp tục nói một đằng, làm một nẻo. Và một khi đường băng này xây xong, năng lực hoạt động không quân trong khu vực của TQ sẽ được gia tăng đáng kể.
Theo The Diplomat, nơi đây có thể trở thành cứ điểm phục vụ mục đích quân sự thứ ba cho không quân TQ, tạo điều kiện để Bắc Kinh đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. The Diplomat cho biết, từ tháng 9/2013 đến nay, TQ đã bồi đắp thêm tổng cộng hơn 1.200 ha tại các đảo ở Biển Đông.
Tăng cường sức mạnh hải quân
Ngày 12/9, tờ Want China Times (Đài Loan) dẫn thông tin từ tạp chí Kanwa Defense Review cho rằng, Hải quân TQ đang sử dụng đảo Hải Nam như căn cứ phục vụ cho việc tiếp tế tàu thuyền tiến ra Biển Đông. Được biết, TQ đã triển khai 3 tàu ngầm lớp Tấn Type 094, trang bị tên lửa đạn đạo đến Vịnh Á Long thuộc Hải Nam (là một trong 3 căn cứ tàu ngầm chính của TQ) và có thể phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam và bang Alaska, cũng như tới Australia.
Kanwa Defense Review cho rằng, TQ đang tăng cường sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm bằng việc bổ sung thêm 4 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và 4 tàu ngầm tự đóng để thay thế tàu ngầm lớp Minh Type 035. Nhưng hoạt động của hải quân TQ tại Vịnh Á Long có thể bị máy bay tuần tra biển P-8A của Mỹ theo dõi, phát hiện nếu không tạo ra vùng đệm. Đó là nguyên do Bắc Kinh tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp tại Biển Đông, nhằm đánh lạc hướng chú ý của Mỹ khỏi đảo Hải Nam. Và đây có thể là động thái “giương đông, kích tây” của TQ.
luon san sang cha dap nguoi khac
Chủ tịch Ủy ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ
Cuối tháng 8, Quốc hội Mỹ nhận báo cáo “Chiến lược an ninh hàng hải đối với Châu Á - Thái Bình Dương” do Lầu Năm Góc đệ trình. Trong đó nhấn mạnh tới việc tăng cường hoạt động quân sự, quấy phá và gây rối ở Biển Đông, cũng như thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông, mà TQ đã và đang tiến hành. Trước đó, Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) cũng có báo cáo “Cấu trúc lực lượng hải quân và kế hoạch đóng tàu chiến” của Mỹ. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, Mỹ sẽ bổ sung 48 chiến hạm. Lầu Năm Góc từng đề ra kế hoạch, từ 2015 đến 2044, Mỹ sẽ có khoảng 308 tàu và Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có 8/10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, do đó Washington phải có sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực này, cũng như duy trì ảnh hưởng và sức mạnh ở Biển Đông.
Mối quan ngại của Mỹ
Ngày 12/9, đoàn quan chức cao cấp Mỹ - Trung (do Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice và Chủ tịch Ủy ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ chủ trì) đã hoàn tất 4 ngày đàm phán về an ninh mạng và các vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Và TQ đã nhượng bộ Mỹ trong vấn đề an ninh mạng, nhưng Nhà Trắng không nêu rõ 2 bên đã thống nhất được những vấn đề gì liên quan đến an ninh mạng. Được biết, phái đoàn TQ đã buổi làm việc với Giám đốc FBI James Comey, Ngoại trưởng John Kerry, đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính Mỹ.
Ngày 13/9, Tân Hoa xã trích phát biểu của ông Mạnh Kiến Trụ cho biết, 2 bên đồng ý hợp tác trong cuộc chiến chống tin tặc, và Bắc Kinh sẽ trừng phạt tội phạm an ninh mạng bên trong biên giới TQ. Trước đó, Ngoại trưởng John Kerry từng tới TQ để thảo thuận các vấn đề khu vực với lãnh đạo nước này, đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập Cận Bình.
Nhiều người Mỹ cảm thấy lo ngại trước việc Washington là con nợ lớn nhất của Bắc Kinh và TQ đã “cướp mất” nhiều công ăn việc làm ở Mỹ; đồng thời cho rằng, TQ là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ. Có người cảnh báo, vì tự tin thái quá vào sức mạnh quân sự đang gia tăng, TQ sẽ không ngần ngại đáp trả Mỹ nếu “sân sau” của họ bị xâm nhập. Và khi đó nguy cơ về một cuộc đối kháng sẽ không còn xa. Nhiều chuyên gia cảnh báo, hải quân Mỹ đang bị tụt hậu trước tiềm lực của Nga và TQ. Thượng nghị sỹ Marco Rubio đến từ bang Florida, Mỹ cho rằng, quy mô của Hải quân Mỹ hiện nhỏ hơn rất nhiều so với giai đoạn trước Thế chiến I. Bởi hải quân Mỹ hiện chỉ có 273 tàu trong biên chế, con số nhỏ nhất kể từ năm 1916.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét