Pages

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Tổng Bí thư VN hội kiến Nhật hoàng



Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Nhật Hoàng Akihito tại Hoàng cung Nhật Bản vào trưa 16/9.
Ông Trọng đã ngỏ lời mời Nhà Vua, Hoàng hậu cùng các thành viên Hoàng gia sang thăm chính thức Việt Nam.
Trước đó, trong ngày đầu ở Nhật, ông Trọng đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe.
Sau cuộc gặp, Nhật Bản loan báo sẽ cấp khoản viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên để Việt Nam mua thêm tàu tuần tra biển đã qua sử dụng.
Hai nước chia sẻ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông do việc tôn tạo, mở rộng đảo, đá, theo tuyên bố chung.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng hứa khoản vay ODA 100 tỉ yên (836 triệu đôla) cho xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và cảng.
Tuyên bố "tầm nhìn chung" của hai phía có đoạn: “Hai bên bày tỏ lo ngại nghiêm túc về những diễn biến gần đây và đang xảy ra trên Biển Nam Trung Hoa, gồm việc bồi đắp quy mô lớn và xây dựng tiền đồn, làm tăng căng thẳng, hủy hoại lòng tin, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới.”
Mặc dù tuyên bố không nhắc đến Trung Quốc và chỉ dẫn chiếu tới "các hành động đơn phương", người đọc hiểu rằng văn bản ám chỉ các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuyên bố chung cũng nói hai nước cho rằng cần thúc đẩy cải cách Liên Hiệp Quốc, gồm cả Hội đồng Bảo an, để “phản ánh thực tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21”.
Nhóm bốn nước, gọi là G4, gồm Nhật, Brazil, Đức và Ấn Độ, đã yêu cầu có thêm sáu ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, gồm bốn nước này và hai nước châu Phi.
Tuyên bố chung cũng nói Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho táo của Nhật, còn Nhật sẽ mở cửa cho xoài của Việt Nam.
Thông cáo chung của hai phía nhắc tới cam kết của Nhật tiếp tục trợ giúp tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi luật biển của Việt Nam.
Trả lời Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt, ông Shigemi Ando từ Vụ châu Á Bộ Ngoại Giao Nhật Bản nói “hai bên thống nhất về nguyên tắc khoản tiền viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên (khoảng 1.6 triệu USD) để chính phủ Việt Nam có thể mua qua đấu thầu tàu đã qua sử dụng và thiết bị của Nhật nhằm thực thi luật biển.”
Khi được hỏi đây có phải cùng loại với 6 chiếc tàu tuần tra mà Nhật từng viện trợ cho Việt Nam mới đây hay không, ông Ando nói “việc mua tàu nào tùy thuộc quyết định của Chính phủ Việt Nam.”
Liên quan tới “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, ông Ando cho biết hai bên đồng ý sớm khởi động giai đoạn 6 trong sáng kiến chung Việt Nhật về Cải thiện Môi trường Kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, trong đó có thuế, là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam than phiền.

Image copyrightGetty

Phái đoàn hùng hậu của Việt Nam thăm Nhật Bản gồm các quan chức như Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Đi cùng còn có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, và các bộ trưởng kế hoạch đầu tư, giao thông vận tải, công thương, và nông nghiệp.
Một thứ trưởng công an và một thứ trưởng quốc phòng cũng tham gia đoàn.
Trong thời gian ở Nhật, ông Trọng sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe, gặp Nhật Hoàng, lãnh đạo các đảng và các tập đoàn kinh tế của Nhật.
Đây là lần đầu ông Trọng thăm Nhật từ khi trở thành Tổng bí thư năm 2011. Người tiền nhiệm, Nông Đức Mạnh, đã thăm Nhật Bản năm 2009.
Nhân dịp này, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Hoàng Bình Quân, người cũng đi cùng đoàn, viết một bài trên báo Nhật, Japan Times.
Ông Quân nói: “Sự tin cậy chính trị giữa hai nước là một điểm sáng nổi bật.”
“Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế, nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau.”

Đối tác hàng đầu


Image copyrightGetty

Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Trọng diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và Tokyo tăng cường hợp tác vì chung quan ngại về tranh chấp Biển Đông.
Hôm 12/9, ông Nguyễn Phú Trọng đã gặp một số phóng viên Nhật Bản.
Hãng tin Nhật Kyodo News dẫn lời ông Trong nói Việt Nam muốn sự hợp tác với Nhật “càng trở nên sâu sắc, hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế”.
Trong khi đó, trả lời báo chí Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Quốc Cường nhận định chuyến thăm Nhật của ông Trọng thể hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ”.
Đại sứ Cường chỉ ra rằng ông Trọng đã thăm Trung Quốc tháng Tư và Hoa Kỳ tháng Bảy năm nay.
Các chuyến thăm nhằm “thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và ổn định hơn”, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét