Pages

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Biển Đông : Nhật sẽ hợp tác với Mỹ, Indonesia kêu gọi kềm chế

mediaMột vùng đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp từ máy bay tuần thám Mỹ P-8A, do Hải quân Mỹ cung cấp 21/5/2015.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters
Sau sự kiện chiến hạm Mỹ tiến gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc đào đắp tại quần đảo Trường Sa, Nhật Bản hôm nay 28/10/2015 cho biết sẽ hợp tác với Hoa Kỳ tại Biển Đông. Tổng thống Indonesia thì kêu gọi các bên kềm chế. 




Theo báo Asahi Shimbun, Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga trong cuộc họp báo hôm qua tuyên bố : « Hành động đơn phương làm tăng thêm căng thẳng qua việc thay đổi nguyên trạng, với các dự án ồ ạt bồi đắp đất tại Biển Đông là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản và Hoa Kỳ đang kết hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin ».
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang công du Kazakhstan, nói với các nhà báo tháp tùng : «Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế, kể cả đồng minh Hoa Kỳ để bảo vệ các đại dương rộng mở, tự do và hòa bình ».
Cũng vào hôm qua, ông Sadayuki Sakakibara, Chủ tịch Keidanren (Liên minh giới chủ Nhật) nhận định : « Vùng biển không chỉ được các tàu Nhật sử dụng mà cả các quốc gia Đông Bắc Á khác. Do vậy tôi hy vọng an ninh hàng hải sẽ được bảo vệ một cách đúng đắn ».
Luật an ninh mới của Nhật cho phép quân đội can thiệp ở nước ngoài sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016, và Hoa Kỳ hy vọng sẽ có thêm sự hỗ trợ của Tokyo tại Biển Đông. Được hỏi về khả năng hợp tác chiến thuật với quân đội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên một viên chức quân sự khác nói rằng để có được sự trợ giúp của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông, thì Nhật cần hỗ trợ Mỹ ở Biển Đông dù có khó khăn.
Về phía Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua kêu gọi tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông nên kềm chế, bên cạnh đó Trung Quốc và khối ASEAN nên khởi đầu đối thoại về nội dung Bộ quy tắc ứng xử để giảm bớt căng thẳng.
Phát biểu tại Washington vài giờ sau khi chiến hạm USS Lassen áp sát Đá Xu Bi, ông Widodo, vừa hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Hai, không nêu cụ thể sự kiện trên, nhưng nhấn mạnh tính trung lập của Indonesia.
Ông Joko Widodo nói tại Brookings Institut: « Indonesia không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi có lợi ích hợp pháp trong tình trạng hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên chứng tỏ sự kềm chế, tránh những hành động có thể phá hoại lòng tin dẫn đến nguy cơ gây bất ổn trong khu vực ».
Cũng liên quan đến động thái của Mỹ, chính phủ Úc hôm qua quyết định đình hoãn một cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc. Hai khu trục hạm HMAS Arunta và HMAS Stuart lẽ ra sẽ lên đường tham gia tập trận với Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tuần tới, nhưng Úc đã hoãn lại cho đến khi Hoa Kỳ hoàn tất đẩy mạnh việc gây sức ép về vấn đề đảo nhân tạo với Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét