Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Mỹ vào Trường Sa: Hà Nội phản ứng cầm chừng

Nam Nguyên, phóng viên RFA

le-hai-binh-622.jpg

Ông Lê Hải Bình phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây.
Courtesy mofa.gov.vn




Chậm chạp và thận trọng

Việt Nam phản ứng khá chậm và thận trọng sau sự kiện ngày 27/10 khu trục hạm USS Lassen của Hoa Kỳ tuần tra xuyên qua vùng 12 hải lý, tương đương 22 km xung quanh đá Subi, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa.
2 ngày sau khi sự kiện xảy ra, sáng 29/10 Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có tuyên bố chính thức một cách thận trọng. Trong 48 giờ đó truyền thông báo chí chính thức được vận dụng hết công suất, đưa nhiều tin bài về phản ứng của nhiều quốc gia khác, ngoại trừ của Hà Nội.
Hành động của Mỹ trong thực tế đó góp phần làm vô hiệu hoá cái yêu sách vô lý của Trung Quốc trong việc mà như chúng ta đã biết là các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988.
-TS Trần Công Trục
Hầu hết các báo điện tử ở Việt Nam, trong đó có VnExpress, Vietnam Net, Thanh Niên, Một Thế Giới đã ngay lập tức tải lên mạng tuyên bố của ông Lê Hải Bình phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao. Chúng tôi ghi nhận nguyên văn:
Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.”
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”
Thật ra tuyên bố ngày 29/10/2015 của Bộ Ngoại giao Việt nam cũng chỉ lập lại những gì phát ngôn nhân Lê Hải Bình đã nói hôm 15/10/2015, sau khi Hoa Kỳ bắn tiếng sẽ tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên vùng biển Trường Sa.
Quan điểm của Việt Nam được xem là thận trọng dùng ngôn từ ngoại giao với nhiều hàm ý không dễ hiểu đối với đại chúng bình dân. Thay vì ủng hộ hoan nghênh thì Việt Nam chỉ bày tỏ tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Như vậy cần có sự diễn giải rõ hơn, là những đảo nhân tạo được trung quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa về mặt luật pháp quốc tế không được nhìn nhận về chủ quyền. Chiến hạm Mỹ có quyền đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh đảo.
000_Hkg7594587-400.jpg
Một công trình Trung Quốc xây dựng trên đá Subi ở Trường Sa trước đây. AFP PHOTO.
Ngay sau sự kiện 27/10, tàu khu trục Hoa Kỳ USS Lassen thực hiện tự do hàng hải đi xuyên qua vùng 12 hải lý quanh đá Subi, trả lời Mặc Lâm Đài RFA, TS Trần Công Trục nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
“Hành động của Mỹ trong thực tế đó góp phần làm vô hiệu hoá cái yêu sách vô lý của Trung Quốc trong việc mà như chúng ta đã biết là các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988. Sau đó họ bồi lấp và xây dựng biến những bãi cạn này thành đảo nhân tạo và họ muốn áp đặt yêu sách rằng các bãi cạn, đảo nhân tạo mà có công trình trong đó trở thành các đảo để họ tính vùng đặc quyền kinh tế. Cái yêu sách vô lý, đòi hỏi đó, tham vọng đó hoàn toàn đi ngược lại công ước. Bằng những hành động của mình, Mỹ đã vô hiệu hoá những yêu sách vô lý đó. Cái đó về mặt luật pháp thì tôi cho rằng là một hành động rất tích cực. Và với tư cách là người làm luật, nghiên cứu luật biển, tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ và hoan nghênh những động thái đó của Hoa Kỳ.”

TQ sẽ không dừng xây dựng phi pháp trên các bãi đá?

Được biết đá Subi nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đá Subi là rạn san hô bị Trung Quốc chiếm đóng 1988 cùng thời gian hải quân Trung Quốc tấn công và chiếm đóng đá Gạc Ma của Việt Nam. Hồi đầu tháng 9/2015, hình ảnh vệ tinh do Hoa Kỳ công bố cho thấy Trung Quốc đã bồi đắp và san nền và có khả năng thiết lập đường băng cất hạ cánh dài hơn 3.000 mét.
Một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tuyên bố chính thức về sự kiện đá Subi, hôm 28/10/2015 ông Ted Osius Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của VnExpress. Về những lo ngại xung đột quân sự ở Biển Đông, Tờ báo điện tử trích lời Đại sứ Osius hàm ý, Mỹ tuần tra để ngăn xung đột ở Biển Đông.Việc Washington sẽ điều thêm các tàu tuần tra ở quanh các đá ở Trường Sa là nhằm kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vẫn theo VnExpress, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh, việc tàu Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đá ở Trường Sa không phải là việc khác thường. Washington  đã từng điều tàu đến khu vực trước đây và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Mục đích là bảo đảm các vùng biển quốc tế an toàn cho tàu thuyền qua lại, tuân theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương.
-Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm
Cùng về vấn đề liên quan, Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam phát biểu với Đài ACTD:
“Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.”
Báo mạng Một Thế Giới ngày 29/10/2015 trích lời Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, đại biểu Quốc hội khóa 13 phát biểu tại hành lang Quốc hội là Mỹ đưa tàu tuần tra quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp là vì chính quyền lợi của nước Mỹ. Vẫn theo lời tướng Rinh, Mỹ thực hiện việc tuần tra ở Trường Sa để chứng minh rằng Mỹ có quyền hoạt động tại đó chứ không phải vì Việt Nam cũng như là vì việc lên án Trung Quốc. Mỹ đưa tàu vào là vì quyền lợi của Mỹ.
Theo tin ghi nhận, phản ứng của Trung Quốc về vụ tàu Hoa Kỳ tuần tra đá Subi được cho là không mạnh mẽ như những gì Trung Quốc thường tuyên truyền về tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Ngoài những phản ứng về  mặt ngoại giao, Trung Quốc đã không có hành động nào ngăn cản đường đi của Khu trục hạm USS Lassen tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa. Thực tế Trung Quốc điều tàu khu trục Lan Châu có trang bị tên lửa, một trong những tàu tối tân nhất và có hỏa lực mạnh nhất của mình để bám đuôi tàu khu trục Lassen. Hoạt động của tàu khu trục Lan Châu mang tính cách theo dõi chứ không nghênh cản. Thông tin không ghi nhận về việc lực lượng đồn trú trên đá Subi phát tín hiệu cảnh báo tàu Lassen hay các máy bay trinh sát hộ tống.
VnExpress ngày 29/10/2015 trích lời TS Trần Trường Thủy, Viện Biển Đông, Học viện ngoại giao Việt Nam nhận định rằng, Biển Đông vốn là vấn đề gai góc trong quan hệ Trung – Mỹ, nay có thêm yếu tố mới là tranh cãi về tàu chiến đi gần các thực thể. Hệ quả của việc Mỹ điều tàu tuấn tra đối với Trung Quốc chưa rõ ràng. TS Trần Trường Thủy nhấn mạnh là sau sự kiện Mỹ tuần tra đá Subi, Bắc Kinh sẽ không vì thế mà dừng hoạt động xây dựng phi pháp trên các bãi đá.
Vẫn theo VnExpress, TS Trần Trường Thủy đề cập tới những điểm tích cực trong sự kiện đá Subi 27/10/2015. Theo đó các hoạt động tuần tra và khẳng định tự do hàng hải này sẽ khiến Trung Quốc phải điều chỉnh các tuyên bố và yêu sách cho phù hợp với Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Như thế, TS Trần Trường Thủy tiên đoán là Trung Quốc sẽ phải căn cứ theo luật khi đưa ra các tuyên bố ở Biển Đông thời gian tới
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét