Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Tòa La Haye công bố thẩm quyền xử vụ Philippines kiện TQ về đường lưỡi bò

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA

000_Par8292693-622.jpg

Tòa quốc tế The Hague trong một phiên xử ngày 5/10/2015 (ảnh minh họa).
AFP PHOTO/INTERNATIONAL COURT OF JUSTICE/FRANK VAN BEEK




Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye vừa chính thức công bố có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines về yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn mà  Trung Quốc vạch ra tại Biển Đông. Diễn tiến mới nhất này có những ý nghĩa gì và Việt Nam nên tận dụng thế nào?

Việt Nam cần tận dụng cơ hội

Gia Minh phỏng vấn Luật sư - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp Luật và Phát triển,  về những vấn đề đó và trước hết ông nói đến ý nghĩa của công bố về thẩm quyền xét xử của Tòa Trọng tài Thường trực như vừa nêu:
Đây là một cơ hội đối với chính phủ Việt Nam, chính phủ Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này. Nếu không tận dụng cơ hội này thì một lần nữa chính sách đối ngoại của Việt Nam dường như chưa rõ ràng, và dường như vẫn còn e sợ Trung Quốc.
-TS Hoàng Ngọc Giao
TS Hoàng Ngọc Giao: Sáng nay được biết tin này cá nhân tôi rất mừng và có thể nói những bình luận của các độc giả trên các phương tiện báo điện tử chính thức của nhà nước có thể nói hầu hết những ý kiến bình luận của người dân là rất vui mừng và rất phấn khởi trước việc tòa có thẩm quyền xem xét đề nghị của Philippines về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc có phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982 hay không.
Trước hết về mặt dư luận tôi tin rằng người dân Việt Nam rất phấn khởi bởi lẽ thứ nhất đã bao nhiêu năm nay rồi Trung Quốc lấn áp Việt Nam, cậy là nước lớn xâm lấn, ức hiếp Việt Nam. Trên biển thì họ tiến hành những hành vi rất ngang ngược. Về mặt chính trị cũng như ngoại giao thì họ, có thể nói, thể hiện thái độ trịch thượng, nước lớn và không có lý gì cả. Ngay người đứng đầu của Trung Quốc, ông tập Cận Bình, gần đây khi sang Anh, ông ta còn nói Biển Đông về lịch sử là thuộc Trung Quốc từ bao đời nay rồi.
Tôi nghĩ việc Trung Quốc ngang ngược như vậy và tự cho quyền quyết định Biển Đông của họ thì quyết định này của Tòa Trọng tài tại La Haye có thẩm quyền xem xét thì tôi nghĩ rằng đây là một bước đầu thắng lợi của cuộc đấu tranh vì công lý, vì luật pháp quốc tế mà đất nước đi đầu là Philippines. Nhân dịp này tôi cũng rất mong muốn gửi lời chúc mừng nhiệt liệt đến chính sách đối ngoại rõ ràng, kiên cường, không khuất phục nước lớn mà Philippines đang thực hiện. Đó là điều tuyệt vời!
Gia Minh: Sau khi Philippines đưa sự việc ra trước Tòa Trọng Tài, Việt Nam cũng có thư bày tỏ sự quan tâm ủng hộ cho Philippines; theo đánh giá của ông điều mà Tòa án Trọng tài vừa công bố như vậy thì Việt Nam nên có những bước thế nào nữa nhằm đạt được những điều mong muốn lâu nay?

001_GR308262-305.jpg
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông.
TS Hoàng Ngọc Giao: Việc mà Việt Nam không chủ động đứng ra khởi kiện Trung Quốc hoặc đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam ra các cơ quan tài phán quốc tế, và cho đến nay vẫn chưa làm việc đó. Đó là sự thất vọng đáng buồn; mặc dù Việt Nam có thể nói là đất nước bị thiệt hại và nạn nhân của những hành vi xâm lấn của Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa làm việc đó. Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy khi Philippines đưa đơn ra Tòa án Trọng tài thì Việt Nam cũng có một động tác nho nhỏ tức gửi thư về sự quan tâm đến vụ việc này. Theo tôi động tác đó cũng rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên việc quan tâm và mức độ để Việt Nam tham gia trong quá trình này, tất nhiên không phải tư cách đương đơn mà với tư cách bên có liên quan; tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay chính phủ Việt Nam nên mạnh mẽ hơn nữa và tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào tiến trình này ở Tòa Trọng tài La Hay. Cụ thể mức độ quan tâm không chỉ dừng lại ở việc quan tâm mà nấu cần thiết có thể tham gia điều trần ở Trọng Tài La Haye. Nhân dịp này đưa ra những bằng chứng lịch sử của Việt Nam và đó cũng là căn cứ gián tiếp để chứng minh rằng yêu sách của Trung Quốc sai với Công ước về Luật biển năm 1982. Như vậy cũng đỡ cho chính phủ Việt Nam phải đối đầu kiện Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi chủ quyền của mình bằng cách cung cấp chứng cứ cần thiết trước Tòa La Haye để làm căn cứ cho tòa xem xét thấy rằng yêu sách đường chính đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn là sự vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật biển năm 1982.
Đây là một cơ hội đối với chính phủ Việt Nam, chính phủ Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này. Nếu không tận dụng cơ hội này thì một lần nữa chính sách đối ngoại của Việt Nam dường như chưa rõ ràng, và dường như vẫn còn e sợ Trung Quốc.

Mong lãnh đạo VN đặt vấn đề Trường sa với ông Tập Cận Bình

Gia Minh: Thông báo chính thức cho biết vào tuần sau chủ tịch Trung Quốc sẽ sang thăm Việt Nam, với những diễn tiến trên biển như vừa rồi Hoa Kỳ đưa tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý của những đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp, và nay có thêm thông tin từ Tòa Trọng tài Quốc tế mà như tiến sĩ nói đó là những cơ hội, vậy lần này Việt Nam có cái thế để thẳng thắn đưa vấn đề ra với ông Tập Cận Bình như một số chuyên gia đề nghị?
Như là một người dân tôi mong muốn lãnh đạo Việt Nam đặt vấn đề về Trường sa, vấn đề nước lớn của Trung Quốc một cách thẳng thắn, rõ ràng với ông Tập Cận Bình.
-TS Hoàng Ngọc Giao
TS Hoàng Ngọc Giao: Việc ông Tập Cận Bình tuần tới sang Việt Nam theo tôi cũng là một cơ hội. Cơ hội theo tôi nghĩ trong bối cảnh quốc tế hiện nay như những sự kiện anh vừa liệt kê thì các nhà lãnh đạo Việt Nam có đủ điều kiện cần thiết để trao đổi một cách thẳng thắn với ông Tập Cận Bình về câu chuyện xây dựng, chiếm cứ các bãi đá và tôn tạo thành những đảo nhân tạo. Đó là những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam. Nên thẳng thắn việc đó. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn không nghĩ rằng vấn đề này có được đặt ra giữa lãnh đạo Việt Nam với tập cận Bình hay không. Tôi rất băn khoăn về điều đó, không biết có được đặt ra hay không. Điều thứ hai nếu có được đặt ra, thì thái độ trịch thượng, nước lớn của Trung Quốc mà cụ thể là ông Tập cận Bình qua các phát ngôn của ông, thì liệu ông có lắng nghe hay không, hay là ông ấy gạt đi. Điều thứ ba mục đích chuyến đi theo tôi nghĩ không phải sang để trao đổi về câu chuyện Biển Đông mà ông ta sang với tư cách theo lời mời của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Người ta trong bối cảnh sắp sửa đại hội đảng, có khi họ bàn với nhau nhiều hơn về quan hệ giữa hai đảng; chứ chưa chắc vấn đề về quốc gia, dân tộc, liên quan chủ quyền quốc gia, dân tộc có thể được bàn thảo. Điều này cũng chỉ là phỏng đoán. Nhưng như là một người dân tôi mong muốn lãnh đạo Việt Nam đặt vấn đề về Trường sa, vấn đề nước lớn của Trung Quốc một cách thẳng thắn, rõ ràng với ông Tập Cận Bình.
Gia Minh: Giống quan điểm của tiến sĩ, nhiều người dân (Việt Nam) cũng muốn nói lên quan điểm thẳng thắn của họ với phía Trung Quốc về chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt ngoài Biển Đông?
TS Hoàng Ngọc Giao: Đúng vậy.
Gia Minh: Cám ơn tiến sĩ có những chia sẽ quan điểm đối với những diễn biến ngoài Biển Đông
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét